Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tin tức Việt Nam Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

Viết email In

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tiếp theo trong năm 2024, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ…


Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhắc lại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ sáng ngày 13/1 tại Nghệ An, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Bộ Chính trị đã xác định phát triển vùng và liên kết phát triển vùng có vai trò đặc biệt quan trọng, liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.

Theo đó, công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch

Đến nay, cả nước có 109/111 quy hoạch đã lập xong, đạt 98%; 103 quy hoạch đã được thẩm định; 6 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định; đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 18 Quy hoạch ngành quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 52/63 quy hoạch tỉnh.

Đặc biệt, 13/14 địa phương trong vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ đề ra. Về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, hiện nay đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định đang hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ sáng ngày 13/1 tại Nghệ An có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Hội đồng điều phối vùng đã phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng.

Cả vùng năm 2023 thu hút được 183 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký 2,13 tỷ USD. Riêng Nghệ An thu hút vốn FDI đạt gần 1,4 tỷ USD, với 19 dự án đầu tư mới và nằm trong nhóm 10 tỉnh thành thu hút FDI hàng đầu cả nước, đứng đầu khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, công tác điều phối, liên kết phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đạt kết quả cao, đã triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn Vùng như cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, Cam Lộ - La Sơn,  Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, tiếp tục khởi công dự án cao tốc chiến lược Vùng đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…


Toàn cảnh hội nghị.

Nhiệm vụ trọng tâm

Để phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng năm 2024. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chính.

Một là, các địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, gửi xin ý kiến các bộ, ngành trong tháng 3/2024, hoàn thiện và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong tháng 4/2024 để triển khai thực hiện.

Hai là, trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, các địa phương cần phối hợp các Bộ, ngành để xác định ngay các dự án của địa phương có tính chất liên kết, phát triển liên quan đến ít nhất 2 địa phương trở lên, đặc biệt là giao thông, hạ tầng kết nối và các dự án quan trọng đối với phát triển vùng.

Ba là, xây dựng phương án cân đối nguồn lực thực hiện quy hoạch các nguồn vốn đầu tư ngân sách, huy động khác,… các địa phương chủ động đề xuất để Hội đồng vùng điều phối việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng.

Bốn là, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tiếp theo trong năm 2024 là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội Vùng.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các Bộ ngành và địa phương báo cáo rà soát cơ chế, chính sách của Vùng, đề nghị các đồng chí thành viên Hội đồng Vùng khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá riêng có nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án đặt ra tại Quy hoạch vùng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2024”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Năm là, năm 2024 cơ hội thu hút đầu tư đối với các địa phương rất lớn, cần chủ động cụ thể hóa phương án quy hoạch, tạo mặt bằng sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, … để đón dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

“Hội đồng điều phối Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương trong thu hút các dự án phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt”, Bộ trưởng cho biết.


Thứ trưởng Trần Duy Đông trình bày Dự thảo Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2023 của Hội đồng điều phối vùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của các Hội đồng điều phối vùng - đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ban hành:

(1) Kế hoạch hoạt động những tháng cuối năm 2023 của các Hội đồng;

(2) Đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương là thành viên các Hội đồng điều phối vùng hoàn thành ngay công tác tổ chức theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.;

(3) Đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương tập trung hoàn thành cơ bản các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;

(4) Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi vùng phù hợp;

(5) Xác định ngay các dự án có tính chất liên kết, phát triển vùng;

(6) Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và kết nối doanh nghiệo. 

Anh Nhi

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo