Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Kiến trúc Mới trên nền cũ

Mới trên nền cũ

Viết email In

Muốn xây mới, phải chăng cần xoá bỏ cái cũ? Chí ít, có những lãnh đạo thành phố không nghĩ như vậy.

Đi dạo trên nóc cầu

Trong hơn bốn trăm công viên của thủ đô Paris, quận 12 có một công viên độc nhất vô nhị, nằm trên… nóc cầu Viaduc des arts. Đúng ra, công viên cao cách mặt đất 15m, dài cây số rưỡi này chỉ là một phần của con đường bách bộ mang tên Promenade plantée (Đường đi dạo có trồng cây), khởi phát từ quảng trường Bastille ở trung tâm thành phố đến tận rừng Vincennes ở ngoại thành. Vốn là đường xe lửa được xây giữa thế kỷ thứ 19, ngưng hoạt động năm 1960, đường đi dạo dài 4,7km này được thành phố Paris thiết kế lại năm 1990 như “một dòng chảy xanh” với tổng diện tích 6,5ha.


Đường xe lửa Paris – Vincennes 1960


Viaduc des arts nhìn từ bên dưới.

Riêng đoạn đường xe lửa chạy trên cao, hội đồng thành phố từ chối giải pháp đập bỏ công trình công nghiệp cũ, tẩy xoá di tích khá khứ. Sau nhiều cân nhắc, Paris chọn đề án của kiến trúc sư Patrick Berger nhằm khôi phục sáu mươi bốn vòm cầu để đón tiếp nghệ nhân, trưng bày các hoạt động thủ công mỹ nghệ đặc sắc của quốc gia như gỗ, vải, giấy, sứ, kim loại, nhạc cụ… Đồng thời với đề án cải tạo vòm cầu bên dưới của Patrick Berger là đề án của kiến trúc sư Philippe Mathieux và hoạ sĩ phong cảnh Jacques Vergely, cải tạo nóc cầu bên trên thành không gian thực vật nhiều hương sắc, nơi bạn có thể tìm thấy sự thanh tĩnh, trong lúc bên dưới, đường phố vẫn ồn ào…

Có thể nói đây là công trình biến cầu xe lửa thành công viên đầu tiên trên thế giới. Nối tiếp Paris, thành phố New York đang cải tạo 2,3km đường xe lửa trên cao ở khu Manhattan làm công viên High Line, mà một phần đã khánh thành năm 2009. Nhiều thành phố khác ở Mỹ (Chicago, Philadelphia, Saint-Louis) và châu Âu (Rotterdam) cũng có các đề án tương tự…

Nghe nhạc trên nóc kho

Trong khuôn khổ cải tạo bến cảng cũ và xây khu đô thị mới Hafencity trên sông Elb, từ năm 2007, Hamburg – thành phố cảng lớn nhất nước Đức – đã khởi động công trình xây dựng trung tâm Elbphilharmonie (Hội nhạc trên sông Elb) nhằm, qua kiến trúc, kết hợp quá khứ với tương lai. Duy trì nhà kho cũ Kaispecher A có cấu trúc khối hình thang, cao 37m, được xây dựng những năm 60 của thế kỷ trước bằng gạch đỏ; đề án tuyệt mỹ của hai kiến trúc sư Thuỵ Sĩ Herzog và De Meuron (đồng tác giả sân vận động Olympic Bắc Kinh và bảo tàng Tate Modern ở London) đặt lên nóc kho, trước đây chứa cacao, trà, thuốc lá…, một cấu trúc mới bằng thuỷ tinh óng ánh như khối nước đá khổng lồ, có những lượn đỉnh gợi hình sóng biển…


Nhà kho Kaispecher A trên sông Elb năm 1966


Hình ảnh Elbphilharmonie tương lai.

Cao 23 tầng, với hai phòng hoà nhạc 600 và 2.200 chỗ ngồi do nhà âm học Nhật Bản Yasushida Toyota thiết kế, khách sạn, trường âm nhạc, chung cư cao cấp, Elbphilarmonie sẽ bước vào hoạt động năm 2012, chậm hai năm so với kế hoạch. Từ 100 triệu euro dự kiến, tổng dự toán hiện nay vượt lên gấp nhiều lần là một thảm kịch tài chính đối với thành phố Hamburg. Song, bất luận giá thành cuối cùng ra sao, điều chắc chắn Hamburg sẽ nắm trong tay một kỳ quan kiến trúc, tuy chưa hoàn tất nhưng đã trở thành biểu tượng văn hoá của thành phố, như nhà hát Opera của Jorn Ultzon đối với Sydney, trung tâm Georges-Pompidou của Piano và Rogers đối với Paris, bảo tàng Guggenheim của Frank Gehry đối với Bilbao…

Bảo trọng quá khứ âu cũng nên coi là giá trị lớn của kiến trúc.

Hải Anh 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo