Bên cạnh cuộc sống bộn bề và chật chội của phố phường Hà Nội, rất khó để tìm được một không gian rộng rãi dành để thư giãn, đi dạo, vui chơi dưới những tán lá cây xòe rộng che bóng mát nếu không phải là công viên. Có thể khẳng định rằng, công viên chính là khu vực công cộng dành cho sinh hoạt xã hội, vui chơi giải trí lớn nhất và trong lành nhất của cảnh quan đô thị. Nhưng hiện nay, những khoảng không gian thoáng đãng hiếm hoi này lại đang dần bị thu hẹp, lộn xộn trong quy hoạch và sử dụng cho một số mục đích khác, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Dạo quanh một số công viên như công viên Tuổi Trẻ, công viên Thống Nhất, công viên Gò Đống Đa, công viên hồ Thành Công, công viên Thủ Lệ…, đều dễ nhận ra đó là sự buồn tẻ và vắng người.
Công viên Thống Nhất, một trong những công viên có diện tích lớn nhất của Hà Nội, khi đến đây sẽ rất khó tìm thấy bóng dáng trẻ em mà chỉ có người đến tập thể dục vào sáng sớm và lúc cuối giờ chiều. Công viên rộng nhưng không có các dịch vụ vui chơi giải trí nào. Một số món “đồ chơi” được bố trí ở một khu vực riêng thì cũ kỹ, nghèo nàn và hầu như không có ai buồn ngó ngàng tới. Chưa kể những hàng nước ngồi dọc các cổng vào của công viên trông rất mất mỹ quan. Có lẽ, công viên Thống Nhất nhộn nhịp nhất là khi có những đám cưới diễn ra tại nhà hàng Quán Gió, lúc đó may ra công viên mới đông người đi lại. Hay công viên Gò Đống Đa, người dân cũng chỉ đến tập thể dục rồi về, thiếu các dịch vụ giải trí hấp dẫn. Và không bỏ phí khoảng không gian quý giá, nhiều cá nhân đã “thuê” một phần đất công viên để mở quán cà phê, bán nước, trông xe… cả bên trong lẫn bên ngoài, khiến khu vực quanh công viên trở nên lộn xộn, bừa bãi và nhếch nhác.
Ngay cả công viên Thủ Lệ, niềm vui của trẻ con ngày xưa khi được bố mẹ cho đến xem các con thú như sư tử, khỉ, voi… cũng trong tình trạng tẻ nhạt, vắng vẻ. Số chuồng thú vẫn chỉ lẻ tẻ như nhiều năm về trước, thú trong chuồng thì buồn bã đi lại, chuồng trại thì nhếch nhác, hôi hám, chưa kể một số khu vực trong công viên không được chăm sóc, còn quá hoang vu…
Anh Nguyễn Thái Anh, người thường tập thể dục tại công viên Thống Nhất cho biết, đối với tôi, công viên là nơi người dân có thể đến để giải tỏa những ngột ngạt của cuộc sống. Ở nước ngoài, công viên rất rộng, không khí trong lành bởi đây là nơi có rất nhiều cây cối, hồ nước, nơi người già có thể đến dạo mát, ngắm cảnh còn trẻ em được vui đùa thỏa thích… Nhưng ở Việt Nam, chúng ta không thể tìm ra được một công viên theo đúng nghĩa của nó. Ở Hà Nội hiện nay, công viên Thống Nhất đang là một nơi khá lý tưởng để mọi người đến nhưng cũng chỉ là tập thể dục, còn lại, các công viên khác đều đem đến không khí buồn chán, không hấp dẫn như: Không đủ cây xanh để tỏa bóng mát trong những ngày hè nóng bức; nước hồ bẩn, toàn rác thải… Các công viên hiện nay đang bị lạm dụng bởi các mô hình dịch vụ do người quản lý luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu mà quên đi nhiệm vụ chính của công viên là gì. Liệu Hà Nội sẽ có được những công viên vui chơi giải trí được quy hoạch tốt như công viên văn hóa Đầm Sen hay khu du lịch Suối Tiên ở TP.HCM hay không?
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những giải pháp "chữa cháy" khi các dự án bãi đỗ xe theo quy hoạch không thành. KTS Tôn Đại cho biết: “Về việc này, thành phố nên thận trọng bởi diện tích công viên ở Hà Nội đã quá ít ỏi. Không nên xén đất công viên làm bãi đỗ xe trong khi vẫn còn có những cách khác…”.
Linh Anh
- Hiểm hoạ từ các cửa sổ chung cư: Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm!
- Richard Moore đánh giá slogan bất động sản Việt
- Quản lý sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc ít người
- Đến khi nào thành phố mới hết ngập lụt?
- Sống vất vưởng trên đất của mình
- “Không gian văn hoá Mường”: Gian nan để tồn tại
- Hà Nội hướng đến một thành phố du lịch bền vững
- Dự thảo Luật Thủ đô: Thuận cho chính quyền, khó cho dân
- Số phận ngôi chùa cổ đi về đâu?
- Bảo hành nhà: Nên hay không?