Cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tốc độ đô thị hóa của nước ta cũng ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, kết cấu hạ tầng... đã được Quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước.
Năm 1998, tỉ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2009 là 29,6%, nhưng đến năm 2012 đã tăng lên 32%. Quy hoạch xây dựng đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, kinh tế đô thị góp khoảng 70% GDP cả nước, các chỉ số thu ngân sách của các vùng tỉnh và các đô thị lớn cho thấy nhìn chung tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 đến 15%, cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật đô thị, kể cả khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc, đô thị, nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đô thị tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp như hệ thống giao thông đô thị chậm phát triển, thiếu đồng bộ; hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý; quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái… Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng... Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện, môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.
Để ứng phó với các thách thức của thực tế phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 năm 2004), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái (eco-city) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam nhanh và bền vững. Như vậy, phát triển “đô thị xanh” là một trong nhiều giải pháp giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường.
Mặc dù nhận thức lợi ích mà đô thị xanh mang lại cho chất lượng sống người dân đã được khẳng định. Với đặc điểm nổi bật là trong cấu trúc đô thị có nhiều không gian xanh, chất lượng môi trường xanh, hài hòa các hệ sinh thái nhân tạo (hệ sinh thái đô thị) và hệ sinh thái tự nhiên, tạo ra môi trường sống tốt, bảo đảm tiện nghi và sức khỏe cho người dân… Nhưng theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, thì hiện nay Việt Nam chưa có một khái niệm nào rõ ràng, cụ thể về đô thị xanh…Mặc dù trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị, đó là hệ thống cây xanh, mặt nước…Như vậy, để phát triển đô thị xanh ở Việt Nam hiện còn rất nhiều việc phải làm…
Một số yêu cầu trong Quy hoạch phát triển đô thị xanh tại Việt Nam
(1) Sự đồng thuận trong nhận thức, khái niệm, tiêu chí phát triển đô thị xanh. Hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều xu hướng phát triển đô thị mang tính toàn cầu như phát triển đô thị nén, hiện đại có bản sắc, đô thị sinh thái, đô thị tiết kiệm năng lượng, hiệu quả, đô thị xanh, đô thị thích ứng với BĐKH, NBD, phát triển đô thị bền vững…Nhiều hội thảo mang tính chuyên môn cao được được tổ chức theo chuyên đề phù hợp với các xu hướng trên. Tuy nhiên để có sự đồng thuận về một xu hướng phù hợp với điều kiện Việt Nam thì chắc cũng không khó bởi lối sống, văn hóa Việt Nam luôn hòa quện với thiên nhiên. Bởi vậy, đô thị sinh thái, đô thị xanh, phát triển bền vững luôn là hướng tiếp cận của các nhà lí luận, hoạch định chính sách, Quy hoạch, thiết kế công trình…để phát triển đô thị Việt Nam. Mặc dù các văn bản Quy phạm để triển khai, thực hiện vẫn còn thiếu hoặc chưa đồng bộ…Nhưng, suy cho cùng dù đô thị được phát triển theo xu hướng nào cũng phải đảm bảo nhắm tới đích nâng cao chất lượng sống đô thị và phát triển bền vững…
Theo kiến trúc sư Tai Lee Siang, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Singapore, thì thế giới đương đại đang bị uy hiếp bởi hình ảnh đô thị mầu xám, nó khiến cho trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và con người đang mất dần không gian để sống và để thở. Ông cũng cho rằng thế giới càng văn minh thì con người càng khao khát hướng tới sự chuẩn mực của một Đô thị xanh hoàn hảo, tức là hướng tới sự thiết lập mối quan hệ bền vững về sự thân thiện giữa con người và thiên nhiên. Để phát triển đô thị xanh ở Việt Nam, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đề xuất có 7 tiêu chí, bao gồm: (1) Không gian xanh; (2) Công trình xanh; (3) Giao thông xanh; (4) Công nghiệp xanh; (5) Chất lượng môi trường đô thị xanh; (6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; (7) Cộng đồng dân cư sống thận thiện với môi trường và thiên nhiên. Trong đó có lưu ý các pháp quy hoạch đô thị, thiết kế công trình phải tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo.
“Đô thị là một hệ Địa – Kinh tế - Sinh thái, trong đó các thành phần tự nhiên và các thành phần kinh tế, xã hội có mối quan hệ sâu sắc và cân bằng mà nếu phá vỡ nó sẽ có hại cho cả hai, thiên nhiên thì bị phá hủy, ô nhiễm nghiêm trọng còn cuộc sống và sức khỏe của con người bị đe dọa, làm giảm hiệu quả các hoạt động sản xuất – dịch vụ - quản lí”… (Vũ Tự Lập. Địa lí tự nhiên Việt Nam. NXB Đại học sư phạm 2005). Như vậy, để phát triển đô thị xanh cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa các mối quan hệ trên.
(2) Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để định hướng và đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đô thị xanh; nghiên cứu ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá về quy hoạch đô thị xanh, kiến trúc đô thị sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đô thị Quốc gia với các định hướng tăng trưởng xanh.
(3) Lồng ghép các chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2050 vào các tiêu chí/chiến lược phát triển đô thị xanh quốc gia, cụ thể: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 – 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 – 1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10 – 20% so với phương án phát triển bình thường. Đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5% – 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 – 30% so với phương án phát triển bình thường.
(4) Quy hoạch chủ động bảo toàn hệ thống cấu trúc xanh đô thị/hệ thống sinh thái tự nhiên có giá trị (đặc điểm địa hình, lưu vực hệ thống mặt nước, thảm xanh tự nhiên đồi núi,hệ sinh thái nông nghiệp; các hành lang lưu thông tự nhiên…). Có nghĩa là cần có Quy hoạch hệ thống sinh thái tự nhiên trước khi phân bổ đất để Quy hoạch các khu chức năng đô thị…
(5) Quy hoạch sử dụng đất đô thị hợp lý, phân bố những khu vực chức năng chuyên biệt không để lẫn vào nhau (khu dân cư, khu công nghiệp, khu thương mại,…), bảo đảm không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của đô thị xanh, đô thị sinh thái: Trong cấu trúc đô thị xanh phải hiện hữu các không gian xanh, mặt nước với tỷ lệ phù hợp, thảm xanh có độ che phủ cao trên 70%. Hệ thống mặt nước, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ làm tăng giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cảnh quan, tôn cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc. Các vườn hoa, công viên, không gian xanh và mặt nước là một thành tố không thể thiếu trong cấu trúc đô thị xanh. Chúng phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, đi dạo của nhân dân và khách vãng lai, du lịch khi đi trên đường phố không bị các mảng bê tông che chắn, có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh, mặt nước, thảm cỏ xanh. Quy hoạch sử dụng đất phải đáp ứng được những yêu cầu: giao thông đường bộ thuận lợi cho sinh hoạt và kinh tế, thuận lợi cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm, và đảm bảo mỗi khu vực chức năng đều có quy trình xử ô nhiễm tương xứng với lượng chất thải sinh ra.
(6) Quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật đô thị xanh: Quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật đô thị bền vững về mặt môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, đi xe đạp và đi bộ; thắt chặt tiêu chuẩn môi trường; xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của xe và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe.
(7) Thiết kế, xây dựng công trình kiến trúc đô thị xanh (Green Building): Để trở thành đô thị xanh, các công trình kiến trúc phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí: xanh hóa công trình; tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng; tiết kiệm nguồn nước; thải chất thải ra môi trường xung quanh ít nhất; môi trường trong nhà xanh. Giảm chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng của các công trình kiến trúc đô thị trên tổng năng lượng tiêu thụ của toàn đô thị xuống mức thấp nhất (Dưới 70%).
(8) Xây dựng, phát triển công nghiệp xanh: Muốn bảo đảm đô thị xanh, phải phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp; sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu có hiệu quả cao, tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu, phát sinh chất thải ít nhất; sử dụng công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn; tái sử dụng, tái chế chất thải trong ngành sản xuất công nghiệp để giảm thiểu chất thải thải ra môi trường; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
(9) Chất lượng môi trường đô thị xanh: Các đô thị xanh phải đạt được chất lượng môi trường không khí, nguồn nước sạch; quản lý chất thải rắn tốt; vệ sinh đường phố luôn sạch, đảm bảo các Quy chuẩn, tiêu chuẩn theo Quy định.
(10) Chất lượng, lối sống dân cư đô thị xanh, thân thiện với môi trường: cộng đồng dân cư của đô thị xanh có nhận thức cao và có ý thức tự giác sống hòa hợp với nhau, đặc biệt là ứng xử có văn hóa trong các hoạt động của đô thị, có trách nhiệm bảo vệ và thân thiện với môi trường tự nhiên.
Thay cho lời kết
Để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo huớng đô thị xanh cần xây dựng một mô hình đô thị xanh kiểu mẫu phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Nhưng trước hết cần thay đổi nhận thức, tư duy ở tầm chiến lược cho việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng đô thị xanh ngay trong tương lai gần. Cần đưa quan điểm phát triển xanh, tiêu chí xanh, Quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh vào công tác quy hoạch xây dựng, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị xanh như: giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và công trình kiến trúc đô thị xanh.
Cha ông ta từ ngàn đời nay đã từng sống với tư duy xanh, thân thiện với môi trường… Từ tổ chức không gian nơi cư trú đến thiết kế công trình, yếu tố thiên nhiên bao giờ cũng gắn bó hòa quện và đã để lại rất nhiều tri thức có giá trị, cần phải được phát triển nâng cao. Việt Nam, một nước nhiệt đới gió mùa…thiên nhiên cũng ban tặng cho nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, môi trường cảnh quan…Và tất nhiên, không có lí do gì để cản bước việc phát triển các đô thị xanh ở Việt Nam. Hãy hướng tới một đô thị xanh, một đô thị vì con người - đô thị vị nhân sinh./.
TS.KTS. Trương Văn Quảng - Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia (VIUP)
(Bài tham luận tại Hội thảo quốc tế "Quy hoạch và phát triển Đô thị Xanh - Thông minh tại Việt Nam")
Tài liệu tham khảo:
- Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2050
- Model City Environment; Greestructre and Urban Planning
- Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh (Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng BXD)
- Ask.com.
Sáng nay (7/11), tại Cung Quy hoạch Quốc gia (Hà Nội), Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Định cư Hàn Quốc (KRIHS) và Tập đoàn JUNGDO UIT Inc. (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Quy hoạch và phát triển Đô thị Xanh - Thông minh tại Việt Nam". |
- Không có công trình tốt trong quy hoạch thiếu đồng bộ
- Thành phố và Cuộc sống đô thị
- Quy hoạch đô thị: Phải tính đến sức khỏe cộng đồng
- Thiết kế đô thị thích ứng vấn đề ngập lụt - Trường hợp ở Rotterdam, Hà Lan
- Thiết kế đô thị phòng chống bão - Đồ án Dynamic Capacities, giải nhất ONE PRIZE 2013
- Tạo nguồn kinh phí đầu tư cho giao thông công cộng
- Tìm giải pháp mới trong quy hoạch đô thị lồng ghép với biến đổi khí hậu
- Khuyến khích phát triển đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu
- Những thành phố có khu trung tâm mật độ cao thì hoạt động kinh tế hiệu quả hơn
- Hạ tầng giao thông đô thị: Không nên phân khúc quản lý riêng