Đó là chủ đề Hội thảo Chuyên đề 3 nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 3/10. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia chủ trì Hội thảo.
Giải quyết hiệu quả những vấn đề của đô thị
Ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết: Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh là cách tiếp cận để kiến tạo các thảnh phố thân thiện với môi trường bằng cách giảm chất thải vả khí thải, thúc đẩy việc tạo ra các không gian xanh, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và hỗ trợ phương tiện di chuyển không phát thải. Đô thị xanh giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng, nước và vật liệu ở mỗi giai đoạn trong tiến trình xây dựng và vận hành của mỗi khu đô thị, mỗi thành phố.
Tốc độ đô thị hoá đang gia tăng trên phạm vi toàn thế giới, hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các thành phố. Điều này dẫn đến sự mở rộng đô thị tràn lan, ùn tắc giao thông, ô nhiễm. Quy hoạch và phát triển đô thị xanh giúp giải quyết những vấn đề của đô thị, thúc đẩy các giải pháp tạo ra nhiều lợi ích về môi trường và xã hội bao gồm: Tăng cường khả năng hấp thụ khí thải của các thành phố, giúp giảm nhiệt độ đô thị một cách tự nhiên. Các giải pháp giao thông xanh giúp cắt giảm khí thải giảm ô nhiễm không khí, giảm tiếng ồn và các yếu tố gây căng thẳng; giúp cải thiện sức khỏe người dân và thúc đẩy phúc lợi cộng đồng; cải thiện giá trị bất động sản.
Ông Lê Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển các Mô hình doanh hiện đại (Rạng Đông).
Quy hoạch và phát triển đô thị xanh còn là giải pháp đối phó với thách thức mới về biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, quy hoạch và phát triển đô thị xanh được coi là mục tiêu và giải pháp quan trọng trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nhất là Nghị quyết 06/NQ-TW năm 2022 của Bộ Chính trị về xậy dựng quy hoạch và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045…
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều chương trình hành động triển khai các Nghị quyết, Chiến lược của Đảng và Chính phủ về các lĩnh vực tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH và phát triển đô thị bền vững; triển khai nhiều hoạt động, dự án hợp tác, công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các bên sẽ cùng trao đổi về công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị xanh, hạ tầng xanh tại Việt Nam như: Xây dựng chính sách quy hoạch phát triển đô thị; cải tạo chỉnh trang không gian công cộng đô thị; xây dựng hạ tầng xanh gắn với phát triển các khu đô thị xanh, phát triển hệ thống chiếu sáng xanh tiết kiệm năng lượng, các giải pháp cải thiện môi trường đô thị...
Quy hoạch kiến trúc đô thị hướng tới phát triển xanh
Ông Tạ Quốc Thắng, Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) tham luận tại Hội thảo.
Tham luận về “Quy hoạch kiến trúc đô thị trong lộ trình hướng tới phát triển xanh và bền vững: Những bước đi của Việt Nam và góc nhìn ra thế giới”, ông Tạ Quốc Thắng, Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết: Việt Nam đã có những bước đi ngay từ các chính sách phát triển quy hoạch – kiến trúc đô thị.
Trong đó, tiêu biểu là Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị, trong đó đã bổ sung các quy định một số trường hợp xem xét cộng điểm để khuyến khích các đô thị; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về “Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”; Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về “Phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc”.
Bên cạnh đó, lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó BĐKH và giảm phát thải trong các dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp, thoát nước. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng, nhà ở và công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, vật liệu xây dựng… và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Trong lĩnh vực kiến trúc, nhiều chỉ đạo đã được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kiến trúc xanh tại các địa phương trên cả nước. Xu hướng thiết kế kiến trúc xanh đã giúp nền kiến trúc nước ta hình thành một số công trình tiêu biểu, tạo tiền đề phát triển công trình xanh ở Việt Nam…
Theo ông Tạ Quốc Thắng, Việt Nam đã có kinh nghiệm về các giải pháp ứng phó BĐKH, thiên tai thể hiện qua các giải pháp kiến trúc thích ứng khí hậu ở các công trình kiến trúc truyền thống. Đây là nguồn kinh nghiệm quý báu để xây dựng và phát triển công trình xanh một cách tiết kiệm và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Do đó, các bên cần đẩy mạnh các nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, phát triển các mẫu kiến trúc khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống, thích ứng điều kiện vi khí hậu của mỗi địa phương, lồng ghép các mục tiêu phát triển công trình xanh trong quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc của các địa phương.
Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để tạo động lực và hình thành một thị trường công trình xanh bền vững ở Việt Nam; cần sự chung tay vào cuộc của mọi thành phần xã hội, nhất là chủ đầu tư dự án và người sử dụng công trình cần nâng cao nhận thức về lợi ích của công trình xanh, các vấn đề về vận hành công trình xanh một cách đúng đắn và hiệu quả; cân bằng lợi ích của các bên để hướng tới xây dựng một văn hóa sống xanh bền vững.
Quy hoạch đô thị xanh đã được thống nhất từ cấp độ quy hoạch
Bà Lê Thúy Hà, Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia phát biểu.
Còn với công tác quy hoạch “xanh” trong phát triển đô thị, bà Lê Thúy Hà, Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, quy hoạch đô thị xanh đã được thống nhất từ cấp độ quy hoạch quốc gia, thể hiện rõ tính liên kết hữu cơ theo tầng bậc, mạng lưới – vành đai – chuỗi – dải, phát triển hợp lý theo các vùng lãnh thổ đặc thù để phát triển kinh tế, hỗ trợ và cạnh tranh, đảm bảo phát huy chức năng động lực vùng và quốc gia, nâng cao sức chống chịu. Đây cũng là tiền đề “xanh” cho các quy hoạch đô thị ở các loại và cấp tiếp theo.
Cấu trúc không gian đô thị xanh sẽ bảo tồn, coi trọng cấu trúc cảnh quan tự nhiên. Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan trên cơ sở phân vùng quy hoạch gắn với đặc điểm điều kiện tự nhiên và chức năng sử dụng. Cấu trúc đô thị dạng tập trung hoặc kết hợp, đô thị nén và phát triển phức hợp, đa năng, làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cũng như chi phí xây dựng hạ tầng, tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Quy hoạch và thiết kế đô thị tối ưu cho sử dụng đất hỗn hợp sẽ giảm thiểu yếu tố giao thông, linh hoạt trong phát triển.
Về hạ tầng đô thị xanh, cơ sở hạ tầng đô thị thường có tuổi thọ dài và khó thay đổi sau khi đã xây dựng, vì vậy việc quy hoạch đòi hỏi tầm nhìn dài hạn 30 – 50 năm cùng với quan điểm thân thiện môi trường. Cơ sở hạ tầng đô thị bền vững có vai trò quan trọng đối với việc giảm tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Hệ thống thoát nước bền vững được áp dụng thay cho hệ thống truyền thống. Việc thoát chậm để tránh lượng mưa tập trung lớn; tận dụng địa hình tự nhiên để thoát nước, lưu giữ khung thiên nhiên tối đa; sử dụng các hồ điều hòa và hệ thống truyền tải nước mưa để lưu giữ nước. Thấm nước mưa tự nhiên bề mặt ở các không gian công viên, quảng trường, bãi đỗ xe, ven sông; tái tạo tự nhiên cho kênh rạch và sông ngòi...
Hiện nay, việc quy hoạch “xanh” trong phát triển đô thị còn nhiều thách thức như mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị chưa hợp lý; phát triển thiếu đồng bộ, dàn trải; nhận thức về đô thị xanh chưa đầy đủ. Tuy nhiên, công tác này cũng có thuận lợi và cơ hội khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 06-NQ/TW; đô thị phát triển đa dạng bản sắc, nhiều quy mô nhỏ và vừa; có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến 4.0; hệ thống pháp luật từng bước phát triển.
Các giải pháp trong phát triển quy hoạch, hạ tầng xanh
Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng, Công ty tư vấn quốc tế enCity.
Tại Hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng, Công ty tư vấn quốc tế enCity đã nêu những giải pháp quy hoạch hạ tầng xanh, kiến tạo thành phố đáng sống, thích ứng với BĐKH với 5 bài học lớn.
Thứ nhất, tập trung khai thác cảnh quan đặc trưng để tạo môi trường sống khác biệt với các định hướng không gian đô thị theo đặc trưng cảnh quan. Thứ hai, hình thành hệ thống hành lang sinh thái tích hợp, tạo điểm kết nối giữa các vùng sinh thái, hình thành các hành lang xanh. Thứ ba, tích hợp hạ tầng chống ngập với hệ thống cảnh quan, tích hợp không gian công cộng điểm đến vào công trình xanh, xây dựng giải pháp bảo vệ đê biển gắn với tái tạo hệ sinh thái, giải pháp chống ngập trong đô thị với ví dụ cho thành phố Thủ Đức.
Thứ tư, thêm không gian cho nước và xây dựng các khu đô thị có khả năng thích ứng với ngập, phục hồi thiên nhiên và tôn vinh di sản. Thứ năm, thêm không gian xanh bằng các giải pháp quản lý đô thị, phủ xanh quy đất dự trữ, kiểm soát hệ số phủ xanh công trình, thiết kế đô thị tới cấp độ công trình tăng độ phủ xanh.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Trưởng bộ phận thiết kế bền vững Arup.
Ngoài ra, để thúc đẩy hạ tầng đô thị xanh cũng cần có những giải pháp về chiếu sáng, công nghệ mới tạo môi trường trong lành cho dân cư đô thị. Theo ông Lê Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển các Mô hình doanh hiện đại (Rạng Đông), hệ thống chiếu sáng thông minh sử dụng cho đô thị là 1 trong 10 nhóm dịch vụ ưu tiên phát triển trong đô thị thông minh giai đoạn 2018-2025. Theo đó, giải pháp được áp dụng sẽ là chiếu sáng nghệ thuật cảnh quan, sử dụng năng lượng mặt trời tích hợp Iot và AI.
Toàn cảnh Hội thảo.
Ông Bao Xu Xu, đại diện Shikibo Group cũng đã nêu bật công nghệ Deomagic Nhật Bản để khử mùi rác cho các tòa nhà cao tầng tạo môi trường trong lành, cuộc sống xanh cho dân cư đô thị Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Trưởng bộ phận thiết kế bền vững Arup đem đến tham luận về thực tiễn xây dựng hạ tầng xanh gắn liên với phát triển các khu đô thị xanh tại các khu đô thị đã triển khai.
Phiên thảo luận tại Hội thảo.
Ngoài các bài tham luận, đại biểu cũng đã được nghe nội dung thảo luận giữa các bên có liên quan về quy hoạch đô thị, hạ tầng xanh; thách thức trong vấn đề quản lý quy hoạch đô thị; kiến nghị về hạ tầng, quy hoạch giúp các địa phương của Việt Nam nhằm đối phó với BKĐH, thiên tai; thách thức và cơ hội trong ứng dụng các giải pháp xanh cho đô thị, hạ tầng.
Yến Mai
(Báo Xây dựng)
- Phát triển nhà ở khu vực ngoài đô thị: Cơ hội và thách thức cho Kon Tum
- Xây dựng Huế trở thành đô thị xanh
- Phát triển giao thông vận tải Thủ đô: Hướng tới mạng lưới đa phương thức
- Cảnh báo từ sự sụp đổ của những “làng đô thị”
- Châu thổ đang chìm: vấn nạn nan giải
- Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn xuyên suốt
- TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi chiếu sáng xanh, giải quyết ô nhiễm ánh sáng đô thị
- Thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng để chuyển đổi xanh giao thông đô thị
- 10 nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển đô thị
- Tìm chiến lược sống cho đô thị núi