Mảng xanh đô thị và sức khỏe cộng đồng

Thứ ba, 08 Tháng 5 2012 11:00 Ashui.com
In

Với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đang diễn ra từng ngày, đô thị ngày càng trở nên ngột ngạt hơn. Do đó, những không gian mở với cây cỏ - từ những mảng xanh nhỏ đến những công viên cây xanh lớn hoặc những khu vực tự nhiên – chính là những nơi mà người dân có thể được thư giãn và tận hưởng không khí trong lành giữa lòng thành phố nhộn nhịp xô bồ. Có ba cuộc nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra những tác dụng tích cực chưa được biết đến của việc được sống gần thiên nhiên hoặc những không gian xanh như thế đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.  

Không gian xanh giúp thu hẹp khoảng cách về sức khỏe giữa người giàu và người nghèo

Một nghiên cứu hợp tác giữa trường Đại học Glasgow và trường Đại học St. Andrews khám phá ra rằng những người dân có điều kiện sống gần công viên cây xanh hoặc những mảng rừng tự nhiên thì có sức khỏe tốt hơn những người không có điều kiện này, bất chấp địa vị xã hội của họ.

Sau khi tìm hiểu những dữ liệu về tỉ lệ tử của người dân Anh từ năm 2001 đến năm 2005 và liên hệ những dữ liệu này với nguyên nhân tử vong và mảng xanh đô thị, các nhà nghiên cứu nhận thấy khoảng cách về mặt sức khỏe giữa người giàu và người nghèo đạt giá trị thấp nhất ở những khu vực có nhiều mảng xanh, chỉ bằng một nửa so với khoảng cách sức khỏe giữa người dân ở những khu vực ít cây xanh nhất. Đáng chú ý hơn, trong một khu dân cư, sự xuất hiện của các mảng xanh cũng có tác dụng gia giảm nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo ở người dân.  

Các hoạt động thể dục thể thao - hoặc chỉ đơn giản là đi bộ - trong công viên cây xanh có tác dụng điều hòa huyết áp cũng như giảm stress” – Tiến sĩ Richard Mitchell từ Đại học Glasgow phát biểu – “Không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận các mảng xanh đô thị. Nhưng nếu có, họ sẽ chắc chắn tận dụng, bất chấp họ thuộc giai tầng nào trong xã hội. Điều này có tác dụng tích cực lên sức khỏe của họ.”   

Cũng theo tiến sĩ Mitchell, tài nguyên đô thị cần phải được sử dụng nhằm mục đích thu hẹp bất công xã hội giữa người giàu và người nghèo, từ đó cải thiện điều kiện sống của người dân: “Chúng tôi khuyến khích các chính quyền xem xét cẩn thận việc ban hành các chính sách liên quan đến mảng xanh đô thị, đồng thời tiếp nhận kết quả của cuộc nghiên cứu này để phục vụ cho công tác quy hoạch các khu dân cư trong tương lai.”     

Báo cáo của nhóm nghiên cứu được đăng tải trên The Lancet – một tạp chí y học có uy tín hàng đầu thế giới. Trong đó, nhóm nghiên cứu khẳng định ý nghĩa công trình khoa học của mình rằng “Một môi trường sống mang lại sức khỏe tốt cho người dân chính là nhân tố tối quan trọng trong cuộc chiến chống lại bất công xã hội về sức khỏe cộng đồng.”      

Không gian xanh giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh suyễn ở trẻ em 

Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi trường Đại học Columbia và được đăng trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe cộng đồng đã cho thấy, nếu trồng thêm 343 cây xanh trên mỗi kilometer vuông đất của thành phố New York, tỉ lệ mắc bệnh suyễn ở trẻ em từ 4 đến 5 tuổi nơi đây sẽ giảm được 25%.      

Cũng theo nhóm nghiên cứu, mối liên hệ này vẫn đúng trong trường hợp tính toán thêm tác động của các nguồn gây ô nhiễm, mức sống và mật độ dân số. Mặc dù chưa giải thích được mối liên hệ này một cách cụ thể, song các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể là do mảng xanh góp phần làm sạch không khí, khuyến khích trẻ nhỏ năng chơi đùa ngoài trời thay vì chỉ ở trong nhà. 

Không gian xanh giúp làm giảm tỉ lệ trẻ em béo phì

Bên cạnh khẩu hiệu “xanh và sạch” quen thuộc trong thời đại ngày nay, một nghiên cứu y học khác vừa đưa ra một kết luận không kém phần thú vị: “xanh và thanh mảnh”. Nghiên cứu của Khoa Y Dược trường Đại học Indiana cho thấy, trẻ em sống trong những khu dân cư nhiều cây xanh thì có nguy cơ bị béo phì thấp hơn so với những trẻ khác.        

Được công bố trên Tạp chí Y học dự phòng Hoa Kỳ, công trình nghiên cứu này khảo sát trẻ em từ 3 đến 18 tuổi sống trong cùng một khu dân cư trong khoảng thời gian tối thiểu là 2 năm liên tiếp. Kết quả cho thấy tỉ lệ cây xanh trong khu ở càng cao, thì chỉ số khối cơ thể (BMI – chỉ số dùng để xác định độ béo phì của cơ thể) của trẻ em sống ở đó tăng càng chậm, bất kể tuổi tác, chủng tộc và giới tính của đối tượng khảo sát.

Theo nhóm nghiên cứu, chỉ số BMI bị hạn chế đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ béo phì về lâu dài. Trẻ em béo phì cũng thường có xu hướng béo phì lúc trưởng thành, và béo phì gắn liền với hàng loạt nguy cơ về sức khỏe, bao gồm bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, suyễn và nguy cơ ngừng thở khi ngủ.         

Một lần nữa, mảng xanh phát huy tác dụng trong việc khuyến khích trẻ em năng động và chơi đùa ngoài trời, từ đó giảm nguy cơ béo phì do ít vận động. Bên cạnh đó, một khu ở có nhiều mảng xanh đồng nghĩa với không khí trong lành hơn, mát mẻ hơn vào mùa nóng và có khả năng hấp dẫn người dân sinh hoạt ngoài trời nhiều hơn.      

Ngay từ những công trình nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã chứng minh được rằng trong những thành phố mật độ cao, mảng xanh khu ở càng nhiều thì nguy cơ béo phì ở trẻ em càng giảm. Công trình mới nhất của chúng tôi được thực hiện trên quy mô khảo sát 3800 trẻ em sống trong các khu nội thị đã cho thấy việc sống trong những khu ở xanh có tác động tích cực mang tính dài hạn đối với cân nặng cũng như sức khỏe của trẻ em những nơi đó.” – phát biểu của Gilbert C. Liu, giáo sư nhi khoa kiêm trưởng nhóm nghiên cứu. 

Kết luận

Mặc dù các nhà quy hoạch không phải là bác sĩ, nhưng thông qua công tác quy hoạch đô thị, chúng ta gián tiếp tác động tích cực hoặc tiêu cực lên sức khỏe người dân. Qua các cuộc nghiên cứu trên, có thể thấy việc quy hoạch và ban hành các quy định, chính sách khuyến khích những khu ở xanh, tăng cường mảng xanh đô thị là công tác thiết thực không chỉ có ý nghĩa về mặt không gian và lợi ích hiện tại, mà còn có tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống về lâu dài, góp phần vào công bằng xã hội giữa người giàu và người nghèo trên lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.

KTS Phan Nguyễn Khánh Đan (dịch và tổng hợp từ Natural News)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: