Liệu có thể lắp ghép để thành tập đoàn?

Chủ nhật, 30 Tháng 8 2009 19:49 TBKTSG
In

Đề án thí điểm thành lập thêm hai tập đoàn kinh tế mới được Bộ Xây dựng trình Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của dư luận. Dưới đây là một trong số những phản hồi nói trên.

Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thí điểm thành lập hai tập đoàn kinh tế là tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam.

Theo đó, tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Tổng công ty Sông Đà là công ty mẹ, các công ty con, công ty liên kết gồm Tổng công ty Sông Hồng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma); Công ty Đầu tư phát triển - Xây dựng (nay là Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển - Xây dựng); Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi).

Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là công ty mẹ, các công ty thành viên là các công ty độc lập hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển nhà và đô thị, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, các công trình cấp thoát nước.

Chắc chắn là các tác giả của đề án được Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Thủ tướng có những cơ sở khoa học và thực tiễn khi xây dựng đề án này. Song, có một điều dễ thấy là đề án nêu trên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong cuộc, là một sự lắp ghép khiên cưỡng.

Trước hết, khoa học kinh tế và thực tiễn ở các nước phát triển đã chứng minh rằng tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng, tài sản riêng… Đó chỉ là sự liên kết với những mức độ khác nhau giữa các pháp nhân độc lập. Vì vậy, tập đoàn kinh tế được hình thành dần dần tùy theo mức độ liên kết gữa các pháp nhân độc lập, không thể thành lập tập đoàn theo ý chí chủ quan.

Thứ hai, các doanh nghiệp độc lập chỉ liên kết với nhau để hình thành tập đoàn khi có những quan hệ ràng buộc nội tại với nhau như đầu tư vốn, thị trường, công nghệ, thương hiệu… Vì vậy, bằng một quyết định hành chính, “lắp ghép cơ học” một số doanh nghiệp độc lập vào một tập đoàn liệu có là hợp lý? Chẳng hạn, đưa Lilama, Coma vào tập đoàn và trở thành “con” của Tổng công ty Sông Đà liệu có là hợp lý? Giữa Tổng công ty Sông Đà và Lilama, Coma có những quan hệ gì trong kinh doanh để đảm bảo sự gắn kết sẽ bền vững, hỗ trợ cho nhau tạo ra hiệu quả kinh doanh cao hơn?

Thứ ba, dựa trên cơ sở nào để chỉ định một đơn vị như Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị là công ty mẹ trong tập đoàn? Khoản 15 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó; b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty đó; c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty đó”.

Các tổng công ty được chỉ định là công ty mẹ của tập đoàn nêu trên có thỏa mãn những điều kiện đó không? Tất nhiên, công ty mẹ và phần lớn các đơn vị thành viên của hai tập đoàn do Bộ Xây dựng xin thành lập đều là doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Do đó, sau khi đã “thành lập” tập đoàn, cơ quan chủ quản hoàn toàn có thể cho công ty mẹ các quyền để thỏa mãn những điều kiện nêu trên bằng quyết định hành chính. Song, đó là một sự “ép duyên”, liệu có đảm bảo sự “tâm phục, khẩu phục” của các công ty con?

Thứ tư, thành lập tập đoàn là một việc lớn nhưng tại sao các hiệp hội ngành nghề lại không được tham gia góp ý? Vì vậy, một ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mới tổ chức hội thảo về đề án này.

Tại hội thảo, không ít ý kiến đã không đồng tình với đề án. Thứ năm, phần lớn các doanh nghiệp thành viên của hai tập đoàn (theo đề án của Bộ Xây dựng) đều là các tổng công ty đã bao gồm khá nhiều công ty thành viên, trong đó, có tổng công ty đã được cổ phần hóa (như Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển - Xây dựng).

Như vậy, quy mô tập đoàn sẽ rất lớn và không thuần túy là DNNN. Câu hỏi được đặt ra là năng lực quản lý của công ty được chỉ định là “mẹ” có đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều phối hoạt động của một tập đoàn hai cấp và đa sở hữu như vậy không?

Khi năng lực quản lý còn hạn chế mà cứ quyết tâm làm cho bằng được, hậu quả tiêu cực sẽ khó tránh khỏi.Thiết nghĩ, trước khi cho ra đời các tập đoàn với mong muốn tạo ra “những quả đấm thép” trong nền kinh tế thì cần nghiên cứu, tổng kết kỹ hơn và khoa học, khách quan hơn để không làm suy yếu năng lực của các doanh nghiệp và sau này không phải chạy theo để xử lý hậu quả.

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam 

Thị trường tạo ra tập đoàn hay ngược lại?

Liên quan đến vấn đề chuẩn bị thành lập thêm hai tập đoàn nữa gồm tập đoàn Công nghiệp - Xây dựng - Cơ khí nặng do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt và tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam do Tổng công ty Dầu tư phát triển nhà và đô thị Việt Nam làm nòng cốt, cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Tại cuộc hội thảo do Hiệp hội Năng lượng và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí tổ chức tại Hà Nội cách đây hơn hai tuần, những diễn giả chính là những người đứng đầu các tổng công ty chuẩn bị phải sát nhập đã đưa ra những quan điểm ngược nhau.

Ông Lê Văn Quế, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà, cho rằng việc hình thành các tập đoàn không nên chỉ là việc tạo ra cái áo khoác mới cho tập hợp các tổng công ty mà phải là nơi tập hợp được sức mạnh, tập trung nguồn vốn, hỗ trợ nhau trong cạnh tranh với bên ngoài mới thực sự đứng vững được.

Nhưng ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), một đơn vị sắp trở thành công ty con trong tập đoàn Xây dựng - Cơ khí nặng do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, cho rằng tập đoàn không phải chỉ là việc hợp vốn mà phải là việc tập trung sức mạnh để phát huy mũi nhọn sản xuất, kinh doanh sẵn có, giải quyết lao động, việc làm, sinh lời.

Ông không nói ra việc Lilama có muốn tham gia vào tập đoàn nêu trên hay không nhưng dùng cách diễn đạt: “Trên thế giới không có tập đoàn nào theo mô hình xây dựng - cơ khí nặng cả”.

Theo quan điểm của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Thị trường tạo ra tập đoàn, chứ không phải tập đoàn tạo ra thị trường”. Ông cho rằng nếu làm theo cách cứ tạo ra tập đoàn trước thì thị trường xây dựng vẫn sẽ không hoàn thiện, thiếu cạnh tranh và có thể cản trở các doanh nghiệp ngoài nhà nước khác đang làm ăn tốt.

Vẫn theo ông Liêm, quan điểm cần tạo ra các tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng để cộng vốn, đi đấu thầu, nhằm giành lại thị phần mà các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ trên thị trường nội địa cũng chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả: “Chúng ta cần những tập đoàn mạnh về kiến thức, chất xám, công nghệ chứ không cần những tập đoàn đông người, mạnh về “vận động hành lang” và khả năng cạnh tranh qua con đường không chính thức”, ông nói.

Ngọc Lan 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: