Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tin tức Việt Nam Quy hoạch Sóc Trăng xác định kinh tế biển là động lực phát triển

Quy hoạch Sóc Trăng xác định kinh tế biển là động lực phát triển

Viết email In

Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã chính thức diễn ra vào hôm 9/10. Trong đó, kinh tế biển được xác định là một trong những động lực quan trọng giúp địa phương nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung phát triển thời gian tới... 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, quy hoạch đã xác định được tư duy, tầm nhìn, phương án và tổ chức không gian phát triển. “Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho vùng và địa phương trong thời kỳ quy hoạch (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 – PV)”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Kinh tế biển là một trong những động lực tạo đột phá cho tỉnh Sóc Trăng và vùng ĐBSCL thời gian tới.
(Ảnh: CTV)

Theo ông Khái, quy hoạch là cơ sở để tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai các định hướng, chiến lược phát triển và liên kết chặt với các địa phương trong vùng theo Nghị quyết 13 của Bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn 2045.

Với diện tích tự nhiên khoảng 3.311 km2, có bờ biển dài khoảng 72 km, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu với 3 cửa sông chính ra biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, giúp đưa Sóc Trăng trở thành địa phương có vị trí vô cùng quan trọng ở khu vực duyên hải cũng như của vùng ĐBSCL.

Một điểm quan trọng được Phó Thủ tướng Chính phủ nêu ra, đó là ngoài vị trí mang tính giao điểm của các trục giao thông vùng ĐBSCL, Sóc Trăng còn được thiên nhiên ưu đãi khi có nhiều giống lúa ngon như ST24, ST25 và phong phú chủng loại thủy sản. “Sóc Trăng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế về kinh tế- xã hội”, ông nói.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. (Ảnh: TC)

Bên cạnh nông nghiệp và thuỷ sản, ông Khái nhấn mạnh, Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn trong phát triển công nghiệp hướng biển, cảng biển, dịch vụ và vận tải biển, nhất là sau khi có cảng Trần Đề. “Địa phương cũng có tiềm năng phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối”, ông cho biết.

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.

Trong khi đó, tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng sẽ là trung tâm đầu mối lớn về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics của ĐBSCL; là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông Tây, với cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cảng biển nước sâu Trần Đề.


Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (trái) nhận quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: BTC)

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Chính phủ yêu cầu tỉnh Sóc Trăng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là tạo đột phá cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; kịp thời giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi từ tìm hiểu lập dự án đến quá trình sản xuất kinh doanh; làm tốt nhiệm vụ, giải pháp cung cấp quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; kiểm soát chặt đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, huy động tối đa và sử dụng các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, giúp kết nối Sóc Trăng với các địa phương trong cả nước và quốc tế nhằm sớm cụ thể hoá quy hoạch của tỉnh là phát triển Trần Đề thành cảng đặc biệt, là cửa ngõ của vùng.

Muốn vậy, theo đề nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, tỉnh Sóc Trăng phải khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cụ thể để kêu gọi nhà đầu tư đầu tư cảng Trần Đề, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông để trực tiếp thúc đẩy kinh tế- xã hội của vùng.

Ông cũng nêu yêu cầu tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ kỹ thuật, lao động lành nghề để đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người có liên quan hoạt động xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Song song đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống, sản xuất. “Địa phương cần tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”, ông nhấn mạnh.

Trung Chánh

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo