Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Cộng đồng Kỹ sư Vừa có nhà ở, vừa bảo vệ môi trường

Vừa có nhà ở, vừa bảo vệ môi trường

Viết email In

Nhà ở tái định cư cho người có thu nhập thấp, cho công nhân ở các khu công nghiệp, cho sinh viên, công nhân kỹ thuật.

Nhu cầu nhà ở cho các đối tượng trên thì quá lớn trong khi quỹ đất của TPHCM thì có hạn, nên nhất thiết phải là phải xây dựng các cư xá cao tầng.

Công nghệ 3D

Địa chất của thành phố không đồng đều, nhiều nơi rất xấu. Để đảm bảo kỹ thuật, không bị sụp, lún, nghiêng... sẽ rất tốn kém nếu dùng công nghệ xây dựng truyền thống.

Sau hàng chục năm nghiên cứu, học hỏi về công nghệ 3D của nhiều nước, các kỹ sư của TPHCM đã thành công một cách toàn diện trong việc ứng dụng công nghệ 3D trong lĩnh vực xây dựng. Công nghệ 3D đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, trở thành công nghệ 3D Việt Nam và đã được xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia từ năm 2007.

Lợi ích khi ứng dụng công nghệ 3D trong xây dựng có thể tóm tắt như sau:

-    Tổng trọng lượng của toàn bộ công trình có thể giảm tử 30-40%.

-    Giá thành công trình có thể rẻ hơn 20% so với công nghệ xây dựng truyền thống.

-    Chịu được động đất có cường độ 7-7,5 độ richter.

-    Chịu được gió, bão từ 250-300 km/h.

-    Cách âm, cách nhiệt rất tốt, có thể giảm 30% tiền điện cho điều hòa nhiệt độ.

-    Kỹ thuật xây lắp không phức tạp, nhờ các modul đã công xưởng hóa, chỉ cần đào tạo một thời gian ngắn là trở thành “thợ xây lắp 3D”.

-    Chịu được nhiệt độ 1.000oC trong hai giờ.

-    Tuổi thọ của công trình sử dụng công nghệ 3D có thể kéo dài đến 100 năm (nếu làm đúng kỹ thuật).

-    Dễ dàng tạo dáng theo yêu cầu của kiến trúc sư.

-    Gần như toàn bộ vật liệu: thép kéo nguội, xi măng, mốp (polyester), cát, đá mi... đều có trong nước.

-    Ở các đô thị có nhiều “nhà mái bằng” có thể cơi thêm 1-2 tầng mà không phải làm lại móng (tất nhiên phải được khảo sát kỹ).

-    Toàn bộ thiết bị, công cụ thi công... do ta tự sản xuất, nên rẻ hơn nhiều so với nhập ngoại. Phụ tùng, chi tiết thay thế dễ dàng, không phải chờ đợi nước ngoài.

-    Ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, ứng dụng công nghệ 3D trong lĩnh vực xây dựng là thiết thực hơn cả, bởi nó kháng được động đất, sóng thần, bão to...

Gạch nhẹ không nung

Mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 40 tỉ viên gạch đất nung tiêu chuẩn 200x100x60. Như vậy, trong 10 năm tới phải sản xuất hơn 400 tỉ viên gạch, mất 600.000 m3 đất sét, có nghĩa là 30.000 ha ruộng canh tác sẽ trở thành ao, hồ nuôi cá. Cần 60 triệu tấn than để nung gạch, mà nguồn than của ta sắp cạn kiệt. Quá trình nung sẽ thải ra 220 triệu tấn CO2, SO2, CO... và nhiều khói, bụi vô cùng độc hại, gây hiệu ứng nhà kính.

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, miền Bắc đã sản xuất gạch nhẹ không nung, song ngày ấy không phát triển được bởi thiếu xi măng, sắt, thép... nên nhà thấp tầng chủ yếu là làm tường chịu lực, bắt buộc phải dùng gạch đất nung. Ngày nay xi măng thừa thải, sắt, thép không thiếu, xây nhà khung chịu lực là chính, gạch chỉ làm chức năng bao che, nên rất cần gạch nhẹ nhằm giảm trọng lượng của cả ngôi nhà, có nghĩa là giảm chi phí xây dựng phần móng.

Sử dụng gạch nhẹ không nung sẽ có lợi ích gì?

-    Không mất đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực trong hoàn cảnh dân số mỗi ngày một tăng.

-    Không mất nhiên liệu: than, gas, củi... ngày càng cạn kiệt

-    Không thải ra khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính mà cả thế giới đang kêu gọi để hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu.

-    Giảm chi phí xây dựng từ 15-20% nhờ chi phí làm móng nhẹ hơn.

-    Cách âm, cách nhiệt tốt, giảm chi phí tiền điện dùng máy điều hòa.

-    Xây dựng nhanh hơn, nhờ kích thước viên gạch lớn, nhất là xây dựng nhà tái định cư thấp tầng ở nông thôn, miền núi... phục vụ di dân xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi lớn...

-    Tận dụng được tro bay ở các nhà máy nhiệt điện đốt than. Đây là tro, bụi hết sức độc hại, song khi đã được thu hồi thì sẽ trở thành nguyên liệu để sản xuất gạch nhẹ, làm phụ gia cho bê tông đầm lăn. Bởi thực chất phần lớn tro bay là puzolan nhân tạo, có kích thức nhỏ, vô cùng cần thiết cho công nghệ bê tông.

Bộ Xây dựng đã có quyết định xóa toàn bộ lò gạch thủ công trên cả nước, chuyển sang dùng các loại gạch không nung, song thói quen không dễ dàng thay đổi.

-    Cần có cuộc vận động rộng rãi qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Các doanh nghiệp thiết kế phải đi đầu trong chủ trương này.

-    Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với các nhà sản xuất gạch nhẹ không nung. Giai đoạn đầu cần ưu đãi cho những nhà đầu tư sử dụng dụng không nung.

-    Đến một giai đoạn thích hợp cần công bố: Đánh thuế tài nguyên đối với gạch đất nung, vì dùng đất và nhiên liệu cộng với đánh thuế môi trường do xả ra tro, bụi, khí độc hại...

-    Giá thành gạch đất nung sẽ cao hơn, nhà đầu tư sẽ chuyển sang dùng gạch không nung rẻ hơn, có chất lượng tương đương.

-    Ngoài gạch nhẹ không nung còn có gạch dùng các phế liệu, đất đồi, đất lẫn sỏi đá, xỉ lò cao... được nghiền và polyme hóa, qua nung nhẹ thành gạch đặc có thể xây tường chịu lực.

-    Đối với một số lò gạch hiện vẫn tồn tại, do chưa tìm được địa điểm di dời hoặc chưa tìm được việc làm mới, Nhà nước cần cho vay vốn ưu đãi để họ chuyển sang sản xuất gạch nhẹ không nung, bởi chỉ cần khoảng 12 tỉ đồng và 2.500-3.000m2 mặt bằng là có thể sản xuất ra được 12-15 triệu viên gạch tiêu chuẩn - nhẹ không nung.

ThS. Phan Phùng Sanh - Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo