TS Vũ Xuân Hòa (Khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng, trong các vụ sụp hố vừa qua, phần lớn mặt đường nhựa bên trên đều không có dấu hiệu lún, song thực tế bên trong lòng đất đã xuất hiện các hố rỗng. Cho nên, khi xe có tải trọng đủ nặng chạy qua, phần đường lập tức sụp xuống đột ngột, gây tai nạn. Nguyên nhân, theo TS Hòa, có thể do các cống thoát nước bên dưới đã được lắp đặt không đúng kỹ thuật, mối nối giữa các đốt cống bị hở khiến nước thay vì chảy trong ống cống thì lại chảy ra ngoài. Lâu dần đất cát, vật liệu trong lòng đất bị cuốn trôi, để lại các khoảng trống nằm chực chờ gây tai họa.
Không chỉ cống thoát nước mà với hệ thống ống cấp nước cũng nguy hiểm không kém, bởi nước chảy trong ống cấp nước có áp suất lớn, tốc độ dòng chảy nhanh nên khi bị rò rỉ thì phụt mạnh trong lòng đất làm đất cát cuốn trôi càng nhanh, hố ngầm càng rộng khiến mặt đường bên trên dễ dàng sụp xuống. Một nguyên nhân khác là công tác tái lập mặt đường cẩu thả cũng khiến nước từ trên ngấm xuống lòng đất, cuốn trôi đất cát bên dưới và về lâu dài dần hình thành các hố ngầm tương tự như trường hợp trên. Ông Hòa khẳng định, về nguyên tắc, nếu nhà thầu thi công đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng thì không bao giờ xảy ra sụp hố kiểu này.
Đáng nói là, theo TS Hòa, tình trạng hố ngầm không phải chuyện mới ở TP.HCM mà đã được các chuyên gia cảnh báo từ cách đây mấy năm. “Trước đây, khi chuẩn bị sửa chữa cống thoát nước trên đường Pasteur (Q.1), bên hông Sở GTVT, tôi đã có dịp chui xuống đường cống này để quan sát. Lúc đó, đường cống bị vỡ, nước chảy ào ạt cuốn trôi đất cát bên ngoài cống, để lại những lỗ hổng lớn mà người đứng dưới có thể nhìn thấy lớp kết cấu mặt đường xe chạy bên trên. Rất may, đường Pasteur không có xe tải chạy và phần cống bị hỏng nằm ở làn đường cho xe 2 bánh nên đã không xảy ra sự cố đáng tiếc. Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng vấn đề sụp hố đã được đề cập và cảnh báo đến các cơ quan chức năng từ lâu nhưng đến nay lại xuất hiện với mức độ dày đặc và nghiêm trọng” - ông Hòa nói.
TSKH Hoàng Ngọc Kỷ - chuyên gia nghiên cứu địa chất - cũng cảnh báo các sai sót về kỹ thuật khi lắp đặt cống thoát nước sẽ rất nguy hiểm về lâu dài. Bởi nếu sụp hố do tái lập cẩu thả có thể khắc phục bằng việc tái lập lại, nhưng nếu lắp đặt cống sai kỹ thuật trong lòng đất thì không cách gì khắc phục triệt để, ngoài việc phải đào lên làm lại.
Cần khẩn trương kiểm tra chất lượng thi công
Ông Kỷ cho rằng, người dân hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về chất lượng thi công cống thoát nước ở bên dưới các tuyến đường xảy ra tai nạn cũng như các tuyến đường còn lại, nhất là với hệ thống cống do các nhà thầu thi công cẩu thả gây ra sự cố sụp hố. Trong đó, Liên danh xây dựng VIC là một trong những nhà thầu bê bối nhất và từng bị xử phạt hàng trăm biên bản trong quá trình thi công, đây cũng là nhà thầu đã để xảy ra sự cố sụp hố tại cầu Kiệu (ngày 8.10) và giao lộ Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng (ngày 10/10). Như vậy, liệu các tuyến cống thoát nước do VIC lắp đặt trên các đường Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Trần Quang Khải, Đặng Dung... có đảm bảo chất lượng và không xảy ra sự cố sụp hố trong tương lai?
Tương tự, Tổng công ty xây dựng số 1 đã để xảy ra sự cố sụp hố tại ngã tư Phú Nhuận (ngày 1/8) cũng là nhà thầu thi công trên nhiều tuyến đường khác như Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm, Đinh Tiên Hoàng, Lê Quang Định, Phạm Văn Hai...
Còn liên danh Dreco - Cienco 5 để xảy ra 2 sự cố sụp hố vừa qua là đơn vị thi công lắp cống trên trục đường Lê Văn Sỹ, Bùi Thị Xuân...
Người dân không thể biết chất lượng lắp đặt các tuyến cống bên dưới lòng đất thế nào, liệu rồi bao giờ và ở đâu tình trạng sụp hố sẽ lại tái diễn? Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra rà soát lại chất lượng tại các tuyến đường do các nhà thầu này thi công, sau đó mở rộng ra toàn bộ hệ thống thoát nước của TP. Bởi nếu chậm phát hiện các sai sót, thì các hố ngầm sớm muộn cũng sẽ hình thành âm thầm trong lòng đất, chực chờ gây tai họa cho người dân.
Phương Thanh
Tin mới hơn:
- Chính phủ yêu cầu “siết” quản lý các gói thầu EPC
- Báo động chất lượng xây dựng nhà dân
- TPHCM: Nhiều công trình xây dựng đã tính đến khả năng động đất
- Bắt bệnh “hố tử thần”
- Kiến trúc sư Lê Viết Hải kể chuyện thắng thầu
Tin cũ hơn:
- Nhà thầu nội than khổ
- Giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đô thị theo cách tiếp cận mới
- Chứng nhận hợp chuẩn về chất lượng công trình xây dựng
- Kinh nghiệm triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả của Liên minh Châu Âu và Bungari
- Để tăng tuổi thọ công trình