Bên dòng sông nhà mình

Thứ tư, 05 Tháng 2 2014 10:35 KT&ĐS
In

Hiếm có nơi cư trú nào trên thế giới không gắn với một mặt nước, hoặc biển, sông, hoặc hồ ao kênh rạch. Nước là sự sống, giao thương, cảnh quan... trở thành đương nhiên, điều kiện cần và đủ để định vị và quy hoạch một đô thị. Vì vậy tiềm năng của nguồn tài nguyên nước đối với những quốc gia có sông có biển dồi dào như Việt Nam là rất lớn. Tận dụng tài nguyên thiên nhiên để làm ăn sinh sống trở thành bản năng ai cũng biết nhưng làm sao bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ấy thì dường như ít ai quan tâm, thậm chí người ta còn vì những lợi ích trước mắt mà tàn phá thiên nhiên để kinh doanh thu lợi.  


Từ nhà hát Esplanade đến bến Clarke Quay, có vẻ như đảo quốc nhỏ bé Singapore biết khai thác mặt nước hiệu quả hơn xứ mình nhiều quá? 

Khi đọc nội dung quy hoạch xây dựng chung TP.HCM đến năm 2025 ghi rõ “Hình thành trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè. Kéo dài từ địa bàn huyện Củ Chi tới huyện Cần Giờ...”, ta có cảm giác cảnh quan sông nước sẽ được khai thác đúng đắn. Nhưng thực tế và hiện trạng đang hỏi từ bản quy hoạch trên những giải pháp cụ thể, quyết liệt. 

Trông người…  

Các quốc gia tiên tiến trên thế giới luôn biết tận dụng nguồn tài nguyên sông nước của họ trong công tác quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế. Thử nhìn Venice nhỏ bé nơi nước Ý xa xôi. Những ngôi nhà san sát dọc theo bờ kênh, những cây cầu duyên dáng soi bóng cùng thuyền gondola đưa du khách len lỏi khắp nơi, tạo nên một hình ảnh vô cùng hấp dẫn và an bình. Những ngôi nhà theo kiến trúc cổ điển thời Phục hưng vẫn luôn được tôn tạo và giữ gìn mỗi ngày khiến Venice luôn giữ vững vị trí thành phố du lịch bậc nhất châu Âu và thế giới. Tuy nhiên, nói về nước Ý thì xa xôi quá, xin đơn cử hai ví dụ về cách quản lý và kinh doanh dọc theo bờ sông của hai nước gần với chúng ta hơn là Úc và Singapore. Họ có những điểm chung với Việt Nam là giáp biển và cũng có hệ thống sông ngòi phong phú. Họ biết chăm chút từng đoạn bờ bao một cách tươm tất để tạo nên một vùng cảnh quan đô thị, không chỉ thu hút khách nội địa mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Sự chăm chút ấy đã xuyên suốt từ khâu quy hoạch tổng thể, định hướng phân khu chức năng đến việc thiết kế kiến trúc công trình và xử lý các chi tiết nhỏ về đường đi lối lại, hàng cây bãi cỏ, rồi quản lý thực tế sử dụng như thế nào. Hàng loạt các dịch vụ vui chơi giải trí dọc theo Darling Harbour ở Sydney hay Clarke Quay ở Singapore luôn là “mặt tiền” của thành phố, giúp ngành du lịch của Úc và Singapore thu lợi đáng kể. Du khách khi đến những bờ sông này đều có chung cảm giác an toàn và thoải mái thư giãn, tận hưởng tối đa tiện ích, nhưng vẫn đủ riêng tư, nhẹ nhàng, không bị cuốn vào nhịp sống công nghiệp hối hả, không cảm thấy mình chỉ là khách, được hoà cùng các hoạt động công cộng của cư dân chủ nhà. 

 
Chỗ sôi động ngồi xem bóng đá, chỗ êm ả vui thú chim muông ở hai bên dòng Main, Đức. 

Và ngẫm đến ta…

Việt Nam ta không hề thua kém các nước kia về cảnh quan thiên nhiên, nếu không nói là có phần hơn bởi nguồn tài nguyên sông nước ao hồ đa dạng, phong phú. Nhưng thực tế là dường như các cơ quan chức năng của chúng ta thiếu sự quan tâm chăm sóc để giữ gìn và tôn tạo nguồn tài nguyên nước sẵn có, chứ chưa nói đến việc tận dụng nó để kinh doanh sinh lợi, phục vụ cho ngân sách quốc gia. Ở Việt Nam có một quan niệm trở thành mặc định là giới giang hồ anh chị thường lợi dụng khu vực sông nước, bến cảng để hoạt động. Vì vậy an ninh thực tế tại các khu vực này rất phức tạp với vô số các tệ nạn xã hội. Dân địa phương còn không đến các khu vực này huống chi là du khách. Vậy là chúng ta vừa lãng phí một nguồn tài nguyên thiên nhiên cực lớn có thể sinh lợi, vừa bỏ qua cơ hội tạo dựng không gian công cộng hữu ích cho cư dân, mà lại vô tình khiến sông nước trở thành vấn đề ám ảnh về mặt an ninh trật tự. Khi chính quyền không quản nổi thì dân chúng lập tức nhảy vào kinh doanh một cách tự phát, từ hàng rong, xe đẩy đến các quán càphê dã chiến xếp ghế bố dọc theo bờ sông rất thiếu mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn khá cao! 

 
Ảnh trái: Với những đô thị được quy hoạch bài bản ta vẫn phải bàn đến các không gian công cộng bên mặt nước. / Ảnh phải: TP.HCM cần những quy hoạch sử dụng bờ sông hiện đại hơn, văn minh hơn và tiện ích hơn là những vạt cỏ êm đềm theo kiểu "thành phố vườn" ở Huế bên dòng Hương Giang. 

Có thể sẽ có những ý kiến phản bác, cho rằng sao không ghi nhận điểm sáng ở những dự án cải tạo Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hay đại lộ Đông Tây sạch đẹp, mà cứ nhìn vào các “tồn tại khách quan”. Xin thưa, vấn đề nằm ở chỗ cần có một quy hoạch sử dụng mặt nước – cảnh quan sông nước mang tính đồng bộ, xuyên suốt và đáp ứng lợi ích nhiều mặt, chứ không phải chuyện một con đường hay dòng sông được nạo vét tốn kém thế nào. Tốn và kém vẫn đang đi kèm nhau bởi xử lý xong vệ sinh môi trường thì lại chưa xong chuyện nhà siêu mỏng bám bờ sông, kiến trúc cảnh quan luôn bị phá nát khi mở đường, làm bờ kè. Các lan can an toàn hay cầu bắc ngang kênh rạch mới được thiết kế một cách sơ sài, thiếu đầu tư chăm chút. Khu Thanh Đa được xem như một bán đảo có giá trị sinh thái rất hấp dẫn, nhưng đến giờ sau bao nhiêu năm “treo quy hoạch” thì vẫn chỉ là một trung tâm ăn nhậu và càphê đèn mờ. Có vài người bạn nước ngoài khi đi du lịch đến TP.HCM đã nói thẳng một sự thật đáng thất vọng rằng thành phố của anh chẳng có gì độc đáo để tôi tham quan cả! Gần hơn như Vũng Tàu, suốt mấy chục năm nay cũng thế. Vẫn là bờ biển đầy rác, các nhà vệ sinh công cộng tạm bợ, vẫn là các quán hàng rong bát nháo, lâu lâu lại xuất hiện quán xá khách sạn chặt chém du khách… 

Dường như đã đến lúc không chỉ cần tầm nhìn mang tính chiến lược vĩ mô và các bản quy hoạch được lập bài bản mà còn cần cả những chỉ định ứng xử đơn giản, gần gũi, thiết thực. Không biết làm thì có thể thuê, không đủ tiền hay nhân lực thì cứ theo lộ trình từng bước, nhưng đối xử tệ hại với tài nguyên thiên nhiên và phá hỏng các giá trị nhân văn thì lại là vấn đề mà các đồ án quy hoạch xuất sắc đến đâu cũng không kham nổi. Sông nước là ưu thế trời cho nhưng nếu chỉ biết tận hưởng, khai thác mà không biết đầu tư, tu bổ và phát triển nó một cách bài bản, chuyên nghiệp thì trước sau gì con người cũng nhận lấy hậu quả theo kiểu “gieo gì gặt nấy”. Câu chuyện về chuồn chuồn bay thấp bay cao bên bờ ao nhà mình có thể mua vui vài phút loanh quanh dễ thương, nhưng khi bước chân ra bên bờ sông rộng lớn dài sâu, có lẽ cần những nhạc trưởng lẫn nhạc công đủ tâm và đủ tầm để bản hoà tấu đô thị sông nước của chúng ta không bị ngắc ngứ và rơi vào lãng quên.

KTS Trần Nam Phương (Đại học tổng hợp New South Wales – Úc) / ảnh: NP, Trường Ân  


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: