Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Không gian công cộng với sự tham gia của 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư

Không gian công cộng với sự tham gia của 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư

Viết email In

Nhà nước quản lý, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, cộng đồng dân cư giám sát thực hiện, các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý. Thực tiễn cho thấy việc tư nhân hóa các không gian công cộng (KGCC) được sự đồng thuận cao của Chính phủ, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư.

Tạo nguồn lực cho không gian công cộng từ việc thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn (place-making)”. Cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau để đạt được sự đồng thuận tối ưu để tạo nên các dự án KGCC tốt nhất.

1. Đặt vấn đề

Thế giới đã thay đổi nhanh chóng kể từ sau 1950. Năm 1950 dân số đô thị đạt mức 746 triệu người (chiếm 29,6% dân số toàn cầu), dự báo đến năm 2030, dân số đô thị đạt mức 5,06 tỉ người (chiếm 60% dân số toàn cầu).

Dân số đô thị hiện đã vượt mốc 50% tổng dân số thế giới, viễn cảnh một thế giới toàn đô thị đang ngày càng trở nên rõ ràng. Đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, điều đó đem lại cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức cho chúng ta.

Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm chỉ đạo “…đảm bảo quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị là nền tảng phát triển…”.

Định hướng của Chính phủ tại Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010; Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021 - 2022; Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP Phú Quốc nhiệm kỳ 2021 – 2025: Định hướng TP Phú Quốc (thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam) trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Tại một thành phố nói chung hay các khu vực đô thị nói riêng, phát triển một cách đồng nhất không chỉ là phần “cứng” bao gồm cơ sở hạ tầng, đường cao tốc hiện đại hay tòa nhà. KGCC là một thành phần quan trọng của đô thị.

Một thành phố phát triển thành công và bền vững là một thành phố có hệ thống KGCC với chất lượng cao, cảnh quan đẹp và bền vững về môi trường. KGCC không chỉ chịu áp lực trong thực tế mà ngay cả trong các đồ án quy hoạch, KGCC đô thị cũng “lép vế”. Trong khi đó, trách nhiệm thực hiện KGCC còn chồng chéo giữa các ngành, các cấp và chưa thấy rõ vai trò tham gia của cộng đồng dân cư.

Với các yêu cầu cấp bách về đô thị hoá, biến đổi khí hậu, cơ sở pháp lý, phát triển bền vững và giá trị của không gian công cộng trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hướng đến “Công bằng - Dân chủ - Văn minh”. Nội dung nghiên cứu về sự tham gia của 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư trong việc hình thành nên các KGCC tại TP Phú Quốc tỉnh Kiên Giang là cần thiết.

2. Khái quát chung về TP Phú Quốc

Kiên Giang là một tỉnh ven biển, là 1/13 tỉnh thành thuộc vùng ĐBSCL, vị trí nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam. Lãnh thổ bao gồm phần đất liền và hải đảo, diện tích tự nhiên rộng 6.348,5 km2, dân số khoảng hơn 1,723 triệu người. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính, gồm 3 thành phố và 12 huyện, trong đó TP Phú Quốc và huyện Kiên Hải thuộc vùng hải đảo.

TP Phú Quốc là đô thị loại II, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, nằm trên vùng biển Tây Nam bộ, cực Nam của Tổ quốc. Hòn đảo lớn nhất Việt Nam, diện tích tự nhiên rộng 589,923 ha, dân số khoảng 179,5 nghìn người, gồm 9 đơn vị hành chính (2 phường: Dương Đông, An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn và xã đảo Thổ Châu).


Bản đồ giới thiệu khái quát tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc.

3. Thực trạng KGCC của TP Phú Quốc

Quy hoạch chung xây dựng xác định đất dành cho không gian công cộng của toàn TP Phú Quốc khoảng 3.372 ha. Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đảo Phú Quốc; công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Kiên Giang.


Bản đồ thể hiện KGCC, 7 khu vực thiết lập hành lang biển và phân bố KGCC của TP Phú Quốc.

Căn cứ điều chỉnh QHCXD đảo Phú Quốc đến năm 2030, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt 352 đồ án quy hoạch, trong đó 17 QHPK và 335 QHCT. Trong 335 QHCT, tỷ trọng gồm: 244 du lịch (chiếm 72,8%), 9 hạ tầng kỹ thuật (chiếm 2,6%), 25 khu dân cư (chiếm 7,5%), 12 vui chơi giải trí (chiếm 3,5%), 8 công cộng (chiếm 2,3%) và 37 đồ án khác (chiếm 11,3%).


Bảng tổng hợp quy hoạch sử dụng đất toàn đảo sau khi điều chỉnh cục bộ lần 1 (năm 2015) và lần 2 (năm 2021).


Bản đồ không gian công cộng của đô thị Dương Đông và An Thới.


Biểu đồ cơ cấu sử dụng đất đô thị Dương Đông và An Thới.


Bản đồ không gian công cộng của khu Du lịch - Dân cư Bắc và Nam Bãi Trường.

Hiện nay, Phú Quốc có khoảng 150 km bờ biển, chiều dài các bãi cát ven biển có khả năng phát triển du lịch (bãi tắm) khoảng 48,8 km được phân bố tại 18 bãi tắm công cộng.


Bản đồ không gian công cộng ven biển của TP Phú Quốc.

4. Đánh giá thực hiện theo quy hoạch ở phạm vi KGCC

Trong quá trình phát triển, Phú Quốc được phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc năm 2004, QHCXD đảo Phú Quốc năm 2005, điều chỉnh QHCXD đảo Phú Quốc năm 2010, thành lập khu kinh tế Phú Quốc năm 2013, công nhận đô thị loại II năm 2014 và thành lập TP Phú Quốc 2020 và là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.

Trong thời gian qua TP Phú Quốc đã phát triển vượt bậc về hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, dịch vụ du lịch, giải trí và đạt tầm vóc quốc tế và cũng tồn tại một số vấn đề như sau:

(1). Cơ sở pháp lý, các công cụ quản lý KGCC ở khu vực nhà nước gồm: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp thành phố, cấp xã, phường; khu vực của các nhà đầu tư và khu vực cộng đồng dân cư còn nhiều nội dung từ các bước quy hoạch, kêu gọi đầu tư, đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng chưa rõ ràng để thống nhất thực hiện.

(2). Phát triển thiếu cân bằng giữa các khu chức năng, thiếu đồng bộ giữa các hạng mục công trình. Trong tổng số 335 đồ án QHCT được phê duyệt thì tập trung vào các dự án du lịch, khu đô thị mới, khu dân cư, chưa tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng như xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường tại các dòng sông, bãi biển, các dự án về y tế và giáo dục…; đặc biệt là thiếu các công trình công cộng, không gian mở  để phục vụ cộng đồng.

(3). Phối hợp chưa đầy đủ trong thực hiện không gian công cộng ở 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư. Nhiều KGCC đã được quan tâm, đầu tư và trở thành hình ảnh đặc trưng của Phú Quốc.

Tuy nhiên, sự phát triển của KGCC chưa đồng đều, các khu vực tư nhân được quan tâm đầu tư nhưng có sự hạn chế cho người tiếp cận, sử dụng. Trong khi đó, các KGCC thuộc phạm vi quản lý của nhà nước lại đơn sơ, thiếu cải tạo, chỉnh trang nên bị xuống cấp và ít thu hút người dân và du khách. 


Bảng vẽ xác định khu vực KGCC ven biển, vấn đề cần quan tâm và cơ quan quản lý.

5. Bài học kinh nghiệm

1- Không gian công cộng mở và khu vực tư nhân - Bộ công cụ để quản lý và thực hành tốt nhất (Open Public Space and the Private Sector - A toolkit for overcoming barriers and best practices)

Hiện tượng sự tham gia của khu vực tư nhân vào quản lý KGCC mở có xu hướng  gia tăng trên toàn thế giới và đã được triển khai cụ thể, đạt hiệu quả tích cực (đường Orchard, Singapore (Orchard Road, Singapore); dưới cầu Manhattan, Brooklyn, USA (Down Under the Manhattan Bridge Overpass (DUMBO), Brooklyn, USA); trung tâm thương mại của Ahmedabad, Ấn Độ (Ahmedabad’s commercial Center, India); công viên vùng Colne Valley, Vương quốc Anh (Colne valley Regional Park, United Kingdom); Jakarta, Indonesia).

Động lực của hiện tượng này là các chính phủ, chính quyền địa phương gặp khó khăn về tài chính và coi khu vực tư nhân là nguồn cung cấp tài chính rất cần thiết. Khu  vực tư nhân quản lý hiệu quả, thường xuyên đổi mới và sáng tạo để đáp ứng và phục  vụ ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên nếu không có sự giám sát, lập kế hoạch, quy định và sự tham gia của cộng đồng thì sự tham gia của khu vực tư nhân vào các KGCC mở cuối cùng có thể dẫn đến KGCC mở không được sử dụng đúng mức, hạn chế tiếp cận của người sử dụng, bảo trì kém và không phát huy được hiệu quả khai thác sử dụng.

Nghiên cứu đã đánh giá được điểm mạnh và điểm yếu về sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển và quản lý kgcc mở. Khu vực tư nhân có thể tham gia vào 4 khía cạnh của KGCC mở gồm: tài chính, lập kế hoạch và chiến lược, quản lý và điều hành và chất lượng.

Báo cáo đề xuất 6 nội dung để các nhà quản lý thực hiện  quản lý KGCC mở khi hợp tác với khu vực tư nhân để đảm bảo KGCC mở đạt chất lượng cao, gồm: (1) quy hoạch tổng thể, (2) thu hút sự tham gia của cộng đồng ngay từ đầu và trong suốt vòng đời của dự án, (3) xác định vai trò và trách nhiệm rõ ràng và hỗ trợ họ thông qua tài chính, quy định và thể chế phù hợp, (4) tiếp cận linh hoạt và sáng tạo, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo mới, (5) sử dụng các công cụ đã có để quản lý và (6) tất cả mọi người được quyền tiếp cận và sử dụng.

2- Đời sống xã hội của các KGCC thuộc sở hữu tư nhân ở Melbourne (The Social Life of Privately - Owned public Space in Melbourne)

Từ những năm 1970, loại hình KGCC do tư nhân khởi xướng được hình thành trên mối quan hệ đối tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân. Đến nay  có nhiều quan điểm cho rằng việc tư nhân hoá các KGCC có nhiều tích cực từ hình thức, chức năng, công năng, kiến trúc cảnh quan và công tác quản lý.

Song song đó cũng có một số ý kiến cho rằng các KGCC thuộc tư nhân quản lý sẽ “làm giảm tính đa dạng và tự do của các hoạt động KGCC”, “sự suy tàn của KGCC”.

Một số chính sách và quy tắc đề cập trực tiếp đến việc tạo ra các KGCC thuộc sở hữu tư nhân (POPS) ở TP Melbourne như: Không hạn chế quyền tiếp cận KGCC; khuyến khích tăng chỉ giới xây dựng công trình để tạo khoảng lùi và từ đó hình thành nên các KGCC; tăng hệ số sử dụng đất (FAR) và phải chia sẽ lại một phần lợi ích (khoảng 10%) để tạo nên các KGCC.

3- KGCC thuộc sở hữu tư nhân là của ai? Sự tách biệt, sử dụng không hiệu quả và thiếu hiểu biết và nhận thức (Whose space is privately owned public space? Exclusion, underuse and the lack of knowleddge and awarness)

KGCC là những đặc điểm quan trọng của bất kỳ thành phố sôi động và bền vững nào. Từ những năm 1960 tại NYC, chính quyền thành phố đã có những bước nghiên  cứu triển khai thực hiện.

Có 3 lý do rõ nhất cho sự phát triển trên phạm vi toàn cầu của POPS:

Thứ nhất, đây là cách tốt nhất để có được KGCC miễn phí vì chính quyền không phải tạo quỹ đất hay nguồn vốn để đầu tư;

Thứ hai, tăng sử dụng hiệu quả sử dụng đất và khai thác tối ưu không gian sẵn có;

Thứ ba, được phân bổ rộng khắp các khu vực trong đô thị.

Các câu hỏi đặt ra, đâu là lý do khiến POPS trở nên độc quyền và không hấp dẫn:

(1) phương án thiết kế và cách thức quản lý chưa thật sự hiệu quả, vận hành POPS trở nên độc quyền, (2) không tuân thủ các quy định giữa Chính phủ và các nhà phát triển KGCC (kiểm tra của NYC chỉ ra rằng hơn một nữa (55%) trong số 333 POPS được kiểm tra đã vi phạm), (3) hạn chế tiếp cận của cộng đồng dân cư.

Hai điều kiện cốt lõi để POPS tại NYC được khai thác và sử dụng tốt nhất là cung cấp đầy đủ các tiện nghi thiết yếu và khả năng tiếp cận thuận lợi nhất.

4- Quản lý một điểm đến ven biển phát triển: Pattaye, Thailand (Managing a mature coastal destination: Pattaya, Thailand)

Trên cơ sở mặt cắt ngang điển hình của một khu vực ven biển được biểu thị từ cột 1 - 6, trong đó xác định lớp không gian 2 - 6 liên kết với nhau tạo thành một  KGCCVB hoặc là một điểm đến). Mỗi lớp không gian thể hiện rõ chức năng nhiệm vụ, các vấn đề cần quan tâm, cơ quan quản lý.

5- Không gian công cộng trong thành phố đáng sống và nhân văn

Kiến tạo nơi chốn (placemaking) là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi và là tiền đề để tạo ra các không gian công cộng hoặt không gian cộng đồng. Về cơ bản có 3 cách làm chính: từ trên xuống (top-down), từ dưới lên (bottom-up) và tham dự đa phương (participatory).

Cách tiếp cận từ trên xuống (top-down): Đây là cách làm truyền thống và phổ biến. trong cách này các KGCC được quy hoạch, thiết kế và đầu tư kiểu bao cấp hoặc cung cấp sẵn, người dân là người sử dụng thì hầu như không đóng góp ý tưởng, công sức hay tài chính gì, cho sao hưởng nấy. Hiệu quả tác động của các KGCC này tới đời sống ra sao thì cũng “hên xui”, nếu trúng nhu cầu trúng ý thì thành công và hiệu quả, còn không thì ngược lại và gây lãng phí.

Cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up), còn được gọi là ground-up: Cách làm này nhỏ lẽ nhưng có tính đột phá sáng tạo và thường là sáng kiến (innitiative) của một cá nhân, nhóm cá nhân hay một cộng đồng. Các không gian chung được chính những người sử dụng trong tương lai khởi xướng và chung tay thực hiện để đáp ứng nhu cầu của chính họ.

Cách làm này thiết thực và hiệu quả nhưng có những hạn chế về quy mô, tính tổng thể, khả năng nhân rộng và phụ thuộc nhiều vào mức độ đồng thuận tại cộng đồng sở tại.

Cách tiếp cận tham dự đa phương (participatory): Là cách làm kết hợp giữa top-down và bottom-up và thêm nhiều bên liên quan khác. Xu hướng mới này đang nổi lên  ở nhiều quốc gia, khi cộng đồng góp tiếng nói và tham gia ngày một chủ động vào các kế hoạch phát triển của địa phương.

Xu hướng quy hoạch, thiết kế đô thị cũng chuyển dịch dần từ quy hoạch, thiết kế “cho” cộng đồng (cộng đồng thụ động) sang “cùng” cộng đồng (cộng đồng tham dự) và về lâu dài sẽ hướng tới “bởi” cộng đồng (cộng đồng khởi xướng và thực hiện).

6- KGCC trong đô thị - từ lý luận đến thiết kế

Những khoảng trống giữa lý luận và thực tiễn.

Ở cấp độ tổng thể: Trong hệ thống quy hoạch đô thị chính quy, cần xác định và cũng cố vai trò của hệ thống KGCC như một loại cơ sở hạ tầng chính trị - xã hội thiết yếu, có chỉ tiêu và nguyên lý thiết kế phù hợp, nhằm đảm bảo yếu tố đầu tiên là “lượng” đối với KGCC.

Chúng ta có thể biến KGCC và hệ thống KGCC trở thành một bộ phận không thể thiếu tạo thành bản sắc của đô thị. Khi đó, chúng sẽ được bảo tồn cho tất cả mọi người. Hướng đi này mở ra xu hướng nghiên cứu rất rộng, đa ngành và linh hoạt về KGCC.

Ở cấp độ cụ thể: KGCC không chỉ là không gian vật chất cố định  với các chức năng cụ thể được thiết kế có chủ đích, mà còn là không gian do người sử dụng tạo ra (Koh 2007). Trên thế giới cũng đang có một cuộc cách mạng trong tư duy và cách tiếp cận vấn đề khai thác tính xã hội, sinh động, linh hoạt, bền vững… trong không gian đô thị.

6. Đề xuất giải pháp

Giải pháp 1: Nhà nước quản lý, Tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, Cộng đồng dân cư giám sát thực hiện.

Lập kế hoạch tổng thể, thực hiện tầm nhìn, và tập hợp các bên liên quan lại với nhau để xác định xác định các vần đề chưa phù hợp là rất cần thiết khi có sự tham gia của khu vực tư nhân trong quản lý KGCC mở.

Chính quyền xác định vai trò quản lý, giám sát và hoạch định chiến lược để đưa ra các thoả thuận nhằm có lợi cho cả ngân sách thành phố, cộng đồng và khu vực tư nhân (win-win). Thực tiễn này có thể giúp xoay chuyển tình thế từ việc khiến các thành phố “tự quản lý, phục vụ khu vực tư nhân” thành “khu vực tư nhân phục vụ cộng đồng”.

Giải pháp 2: POPS là tài sản riêng nhưng nó là sản phẩm của sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân, nhà phát triển POPS không cung cấp miễn phí không gian này. Kết quả nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy việc tư nhân hoá các KGCC được sự  đồng thuận cao của Chính phủ và cộng đồng dân cư, đạt hiệu quả lớn trong công tác quản  lý của thành phố. Với những lý do trên, POPS sẽ tiếp tục phát triển, là một cơ chế đầy hứa hẹn để cung cấp KGCC chất lượng cao cho các thành phố trên toàn thế giới.

Giải pháp 3: Một KGCC để quản lý tốt và khai thác sử dụng hiệu quả, đúng mục đích thì rất cần nhiều bên tham gia thực hiện. Tập trung ở 3 khu vực như: Quản lý nhà nước, nhà đầu tư và cộng động dân cư. Các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết  định, quy định, quy chế quản lý. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích của các bên. Một nguyên tắc cần phải được thống nhất giữa các bên tham gia quản lý KGCC là “win - win”.

Giải pháp 4: Thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn (place-making)”. Khi đó, nguồn lực cho không gian công cộng không chỉ trông chờ ở nhà nước mà có thể huy động ý tưởng, tài chính, vật tư và công sức của cộng đồng cùng với trách nhiệm và sự gắn bó của họ với không gian nữa.

Giải pháp 5: Ở các nước tiên tiến có nền dân chủ lâu đời ở phương tây thì cách làm “bottom-up” và “participatory” tương đối thuận lợi hơn. Còn ở châu Á, cách làm này không dễ được tiếp cận từ cả phía chính quyền và cộng đồng, do nền tảng văn hoá - xã hội phong kiến tập quyền và tính cách thụ động, bàng quan, “có trên có dưới” cố hữu của nguời châu Á. Do vậy, muốn dự án KGCC tốt nhất thì cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau để đạt được sự đồng thuận tối ưu có thể.

7. Kết luận

Từ các nội dung tổng quan về sự phát triển của các đô thị theo xu hướng phát triển bền vững; định hướng phát triển của TP Phú Quốc; đánh giá hiện trạng KGCC; 6 bài học kinh nghiệm. Đề xuất 5 giải pháp để hình thành nên các KGCC với sự tham gia của 3 khu vực: Nhà nước, Tư nhân và Cộng đồng dân cư.

Nhà nước quản lý, Tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, Cộng đồng dân cư giám sát thực hiện; các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý. Thực tiễn cho thấy việc tư nhân hoá các KGCC được sự đồng thuận cao của chính phủ, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư.

Tạo nguồn lực cho KGCC từ việc thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn (place-making)”. Cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau để đạt được sự đồng thuận tối ưu để tạo nên các dự án KGCC tốt nhất.

Hà Văn Thanh Khương - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Việt:
1. Bộ Xây dựng - Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (2021), Nghiên cứu quy hoạch, phát triển đô thị cụm dân cư vùng biển đảo (khu vực vùng biển phía Nam từ Đà Nẵng đến Kiên Giang.
2. Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang (2022), Đồ án quy hoạch vùng ĐBSCL  thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn 2050. 
3. Trần Thị Việt Hà (2016), Kiến tạo không gian công cộng ngoài trời ven biển Nha Trang” TP Nha Trang, Luận án tiến sĩ quy hoạch vùng và đô thị, Trường ĐHKT TP.HCM.
4. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (2013), Cải thiện các công viên ở Hà Nội, NXB Tri thức. [5]. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (2021), Tổ chức không gian công cộng khu vực quận Hoàn Kiếm - Hà Nội phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch.
5. Trương Văn Quảng (2015). Giải pháp thiết kế quy hoạch không gian công cộng ven biển cho các đô thị du lịch nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thích ứng biến đổi khí hậu, đề tài nghiên cứu khoa học.
6. Chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực môi trường 2005 - 2010 (2010), Sổ tay quy hoạch và thiết kế đô thị ở Việt Nam: phát triển năng động trong thời đại mới, Việt Nam - Đan Mạch.
7. Đỗ Trần Tín (2013), Khai thác yếu tố cây xanh mặt nước trong tổ chức không gian công cộng các khu đô thị mới tại Hà Nội, Luận án tiến sĩ quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.
8. Lê Ngọc Kiên (2021), Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan quần thể di tích cố đô Huế, Luận án tiến sĩ quản lý đô thị và công trình, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.
9. Lê Phục Quốc (2009). Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc - Sử dụng không gian công cộng, HealthBridge, NXB Xây dựng.
10. Lưu Đức Cường (2021), Đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam, NXB Xây dựng.
11. Nguyễn Liên Hương (2020), Quản lý kiến trúc, cảnh quan không gian công cộng khu nội đô lịch sử TP Hà Nội, LATS quản lý đô thị và công trình, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. 
12. Phạm Thuý Loan, (2016). Xây dựng..
13. Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang (2010), Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.
Tiếng Anh:
1. Akharapon Thanyagaset (2017). The Study of Design Elements and User’s Behavior in Public Space: A Case Study of Pattaya Beach Road Public Space, The Asian Conference on Sustainability, Energy & the Environment 2017, Official Conference Proceedings.
2. Ogbonna Chukwuemeka Godswill1, Nwaeze Chinweoke, Okoye Veronica Ugonma and Eleazu Eberechi Ijeoma, (2016), The Resilience of Street Vendors and Urban Public Space Management in Aba, Nigeria, (2016), ISSN 2224-607X (Paper) ISSN 2225-0565 (Online), Vol.6, No.11.
3. Rajjan Man Chitrakar, Douglas C Baker và Mirko Guaralda (2017). Emerging Challenges in The Management of Contemporary Public Spaces in Urban Neighbourhoods, 2017, Archnet-IJAR, International Journal of Architectural Research.
4. Dahae Lee (2022). Whose space is privately owned public space? Exclusion, underuse and the lack of knowleddge and awarness. Urban Research & Practice
5. Globallzation Research Center (2005), The Urban transition and the Future of City Life in Vietnam – The Question of Public and Civic Space. University of Hawai’i.
6. Jan Gehl (2019), Đô thị vị nhân sinh (Cities for People), Ashui.com, NXB Xây dựng.
7. Marichela Sepe1 (2021). Covid- 19 pandemic and public spaces: improving quality and flexibility for healthier places, 2021, Urban Des Int 26, 159-173.
8. Pages Sanchez, Jose. (2016). Euroméditerranée urban embellishment Project - 2016, Port-City governance. A comparative analysis in the European context.
9. Seema Praliya and Pushplata Garg, (2019), Public space quality evaluation: prerequisite for public space management, (2019), The Journal of Public Space, 4(1), 93-126, DOI 10.32891/jps.v4i1.667.
10. Debra Efroymson and Udan Fernando (2013). Public Space and Quality of Life - A case Study of Mount Lavinia beach.
11. Aaron vansintjan. (2020). Open Public Space and the Private Sector - A toolkit for overcoming barriers and best practices. Healthbridge Canada.
12. Chootima longjit a,1, douglas G.Pearceb,*, (2023). Managing a mature coastal destination: Pattaya, Thailand.
13. Mohammad Mohammadi (RMIT University), Quentin Stevens (RMIT University), Bridget Keane (RMIT University). (2021). The Social Life of Privately - Owned public Space in Melbourne. 10th State of Australasian Cities Conference (SOAC), 1-3 December 2021, Melbourne.

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo