Học thuyết Ngũ hành là nền tảng cơ bản của tất cả các môn khoa học phương Đông trong đó có Phong thủy. Thuật Phong thủy quan niệm mọi vật chất đều mang những tính chất của Ngũ hành. Đối với những vật liệu xây dựng, tùy thuộc vào tính chất và nguồn gốc của chúng, Phong thủy cũng phân ra những vật liệu mang tính Kim (sắt, thép, inox...), vật liệu mang tính Mộc (Gỗ, tre, giấy...), vật liệu mang tính Thủy (kính, thủy tinh...), vật liệu mang tính Hỏa (nhựa...) hay vật liệu mang tính Thổ (gạch, đá, gốm).
Việc lựa chọn và sử dụng vật liệu phù hợp với mục đích cũng như vị trí sẽ giúp không gian sống của bạn trở nên hoàn hảo hơn.
(ảnh minh họa: nhaxuan.vn)
1. Vật liệu mang hành Kim
Vật liệu mang tính Kim như sắt, thép, inox và đá cứng (đá hoa cương...) là những vật liệu thông dụng trong kiến trúc. Ưu điểm của chúng là độ bền cao hơn nhiều so với những vật liệu khác dù không được chú ý, bảo quản, duy trì. Bên cạnh đó, những vật liệu như nhôm, inox có bề mặt sáng bóng mang tính dương, giúp khí di chuyển nhanh hơn.
Với đặc tính như vậy, đối với những khu vực cần sự năng động như văn phòng công sở, phòng khách...sử dụng những chất liệu này là sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên lạm dụng vật liệu mang tính Kim. Đá hoa cương nếu được lát ở hành lang khách sạn thì tượng trưng cho sự sang trọng nhưng nếu để trang trí trong phòng ngủ hay phòng khách chung cư, nơi thường đi chân trần trên nền thì sẽ không tốt vì phát sinh nhiều hàn khí ảnh hưởng đến sức khỏe. Những dạng thức trang trí trong nhà cũng không nên thiên về kim loại vì dụ như trang trí thang Inox, hoặc giường bằng kim loại, điều này dễ gây cảm giác lạnh lẽo, thậm chí là cả cô đơn, không lợi cho đời sống gia đình cần tới sự ấm áp, chia sẻ.
2. Vật liệu mang hành Mộc
Hành mộc theo Phong thủy có tính vươn thẳng, người mang hành Mộc thường xử sự từ tốn, nhân hậu. Sử dụng hành Mộc trong nhà ở cũng có ý nghĩa tương tự. Nhiều hành Mộc hoặc cây cối dễ làm cho con người ta cảm thấy thư thái, dễ chịu.
Vật liệu mang tính Mộc thường có nguồn gốc từ thiên nhiên như gỗ, tre, mây, nứa... Chúng mang một vẻ đẹp tự nhiên, bình dị tạo được nét mộc mạc, dân dã.
Trong xây dựng, gỗ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hầu hết các ngôi nhà. Dùng gỗ để lát sàn nhà là điều lý tưởng vì gỗ dễ lau chùi, không tích bụi. Đối với những căn phòng hay khu vực cần sự yên tĩnh, thư thái như phòng ngủ, phòng thờ nên sử dụng các vật liệu mang tính âm như gỗ, mây, tre..Những vật liệu này sẽ cho bạn cảm giác tĩnh tâm, yên bình và tốt cho sức khỏe.
3. Vật liệu mang hành Thủy
Kính thuộc hành Thủy hiện nay được sử dụng phổ biến trong các công trình cao ốc và thiết kế cửa sổ. Hiện nay, chúng ta thấy nhiều người sử dụng những tấm kính làm bậc cầu thang. Đây là điều rất nên tránh và kính không có tác dụng giữ và dẫn khí. Kính được sử dụng trong thiết kế bàn ăn, bàn trà, bàn làm việc không nên dùng loại quá trong suốt mà nên dùng loại lính màu.
Thỉnh thoảng ta thấy một số tòa nhà dùng đá ở bờ sông làm vật liệu trang trí bên ngoài. Tự bản thân các viên đá đó mang tính Kim nhưng do bị bào mòn lâu ngày trong nước nên chúng cũng chứa đầy khí Thủy. Vật liệu có tính Thủy mạnh như đá sông ảnh hưởng không tốt cho con người. Không chỉ có trong đá sông mà khí Thủy còn có trong các tầng hầm do ảnh hưởng của nước ngầm.
(ảnh minh họa: nhaxuan.vn)
4. Vật liệu mang hành Hỏa
Hành hoả trong Phong thủy chủ về sự thăng hoa hay danh tiếng. Người mang nhiều hành Hoả thường chú trọng sự lễ nghĩa, làm việc nhiệt tâm, nhanh nhẹn, quyết đoán. Trong tự nhiên, những vật liệu mang hành Hoả không nhiều có thể nhận biết chủ yếu qua sắc đỏ của vật liệu.
Những vật liệu nhân tạo như nhựa mang tính Hỏa vì được làm ra bằng các phương pháp xử lý nhiệt. Nhựa có thể ngăn cản khí và tỏa ra hơi và hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó nên sử dụng chúng càng ít càng tốt. Ngoài ra, gạch ngói có màu đỏ và được xử lý qua nhiệt cũng có thể coi là mang tính Hỏa. Vì vậy, tránh thiết kế những kiểu nhà có mái quá nhọn (theo Phong thủy gọi là Hoả hình) sẽ làm cho khí Hỏa quá vượng ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của gia chủ.
5. Vật liệu mang hành Thổ
Hành thổ trong Phong thủy chủ về sự trung chính. Mọi hành trong Phong thủy sau khi sinh vượng đều quy về Thổ khí, do vậy người mang hành Thổ thường có khả năng điều tiết các mối quan hệ và dễ thành đạt trong việc điều hành.
Với đặc tính là vậy, những vật liệu có nguồn gốc từ đất như gạch, gốm, sứ, đá ốp lát.. mang tính Thổ dễ tạo cho con người cảm giác tin cậy, an toàn, bình yên. Trong tự nhiên, những vật liệu mang hành Thổ thường là những vật liệu rất dễ kiếm. Hầu như ở vùng miền nào cũng có thể tận dụng vật liệu địa phương mang hành Thổ.
Vật liệu mang Thổ khí rất dễ trong việc sắp đặt và trang trí trong nhà. Với những ngôi nhà có giếng trời ở khoảng giữa (trung cung mang hành Thổ) việc dùng nhiều vật liệu thổ (ốp gạch, sỏi, đá...) là điều thật sự tốt và mang ý nghĩa Phong thủy. Các loại đá ốp lát thuộc hành Thổ mang lại cảm giác vững chắc cũng thích hợp để lát cầu thang hay sử dụng làm mặt bếp nấu.
Hiện nay có xu hướng là trang trí vật liệu đá trong việc bài bố sân vườn, ngoại cảnh, chú ý là dùng là điều tốt nhưng không nên lạm dụng. Mục đích lớn nhất của sân vườn là cầu nối trung gian giữa tòa nhà kiến trúc và thế giới tự nhiên. Nếu trên mặt đất lát quá nhiều vật liệu đá với đặc tính nặng nề, đè nén thì những dương khí, Thổ khí tốt cũng sẽ bị che kín, bất lợi đến môi trường và các vi sinh vật sống trên đó.
Năng lượng của ngôi phụ thuộc không nhỏ vào cách lựa chọn và sử dụng vật liệu. Để có thể kết hợp khéo léo các loại vật liệu cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và kinh nghiệm của người thiết kế. Sự hài hòa của vật liệu theo Ngũ hành sẽ tạo ra những mảng không gian có ngôn ngữ khiến cho ngôi nhà của chúng ta có được tính sinh động và cuốn hút. Phong thủy hướng con người ta tới sự cân bằng và hài hoà. Những quan điểm sử dụng quá chú trọng hành này mà bỏ quên đi các hành khác trong Phong thủy được xem là lệnh lạc và hết sức thiển cận. Việc lạm dụng một hành nào đó trong Phong thủy thường dẫn đến trạng thái bệnh lý "gút" trong Phong thủy. Quan điểm của người viết là dùng đủ hành trong Phong thủy cũng tương tự như ăn đủ các loại thức ăn, vậy mới đủ dưỡng chất cho một cơ thể cân đối. Ngôi nhà, nơi gắn bó hữu cơ với cuộc sống của chúng ta nhất thiết càng phải vậy./.
KTS Phạm Cương
- Chuyện nhà chuyện cửa
- Tháp cổ và thuật phong thủy
- Nhà bền tại người
- Cân bằng khi sống trên cao
- Khóa học "Ứng dụng Phong thủy học trong Kiến trúc và Xây dựng"
- Cầu thang dưới góc nhìn Phong thủy
- 7 yếu tố phong thủy cơ bản khi chọn mua nhà
- Ở dưới gian áp mái
- Giải mã bí ẩn phong thủy Kinh đô ánh sáng Paris
- Sinh khí trong nhà gắn máy lạnh