Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Năm Rồng - Luật hóa chính sách đất đai, tạo đà cho Chuyển đổi Xanh “cất cánh”

Năm Rồng - Luật hóa chính sách đất đai, tạo đà cho Chuyển đổi Xanh “cất cánh”

Viết email In

Một mùa Xuân mới đang về. Vận hội mới trong tư thế Rồng bay cùng những tín hiệu tốt lành, tươi đẹp đang đến với Việt Nam.

Hòa trong niềm vui thành công của cả nước, ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm qua đã “về đích” với nhiều thành tích đặc biệt quan trọng, tạo đà cho năm 2024 hoàn thiện thể chế, đưa Luật Đất đai, Luật Tài nguyên Nước đi vào cuộc sống cũng như bứt phá về đẩy mạnh Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường vì một tương lai bền vững của đất nước.

Đảm bảo người dân dễ dàng tiếp cận thông tin đất đai

Khởi đầu năm Rồng, ngành Tài nguyên và Môi trường đã “ghi điểm” khi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, tiếp thu chỉnh sửa, đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và được giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh Luật Đất đai là đạo luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đây cũng là bộ luật có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và là dự án luật rất khó, phức tạp.

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều đã thể chế đúng chủ trương của Đảng, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành luật.

Điển hình là các quy định của luật đã tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch; phân cấp cho các địa phương trong xác định các chỉ tiêu quy hoạch để các địa phương chủ động phát triển kinh tế-xã hội.


Xác định các chỉ tiêu quy hoạch để các địa phương chủ động phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trong những nội dung được nghiên cứu, bổ sung đưa vào quy định trong luật lần này. Theo đó Luật Đất đai năm 2024 đã quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, luật cũng phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực; phân cấp trong chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giá đất cụ thể, thu hồi đất…

Trên tinh thần đó, trong năm 2024, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để khi luật có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2025) sẽ đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Quản lý tài nguyên một cách toàn diện, thông minh

Trước đó, dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng cũng đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, có được kết quả nổi bật trên là nhờ sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước trong việc hoàn thành xây dựng dự án luật, với kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.


Phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững. (Nguồn: TTXVN)

Luật Tài nguyên Nước 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước cần tích cực phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả luật, đảm bảo tiến độ và chất lượng; hoàn thiện xây dựng các chính sách pháp luật với tầm nhìn tư duy chiến lược, lâu dài để đưa ra mục tiêu phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cũng theo tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường, nước là một lĩnh vực quản lý rộng, liên ngành, liên địa phương, do đó các đơn vị trong lĩnh vực cần đẩy mạnh Chuyển đổi Số, tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước đảm bảo “sống, đủ, sạch;” tận dụng “cánh tay nối dài” ở các địa phương để nâng cao công tác quản lý trên cơ sở quản trị thông minh tài nguyên nước; tăng cường công tác quan trắc, giám sát để phòng ngừa các trường hợp vi phạm.

Tiếp nối những dấu ấn đặc biệt trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ trình Quốc hội. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với hồ sơ dự án luật này tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu triển khai đồng loạt thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị quyết cho phép áp dụng các “cơ chế đặc thù” trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp; hướng dẫn các địa phương có dự án đi qua và nằm trong hồ sơ dự án về quy trình, thủ tục đăng ký khối lượng, khu vực khai thác mỏ nhằm rút ngắn thời gian, có thể khai thác ngay vật liệu cung cấp cho dự án.


Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị quyết cho phép áp dụng các “cơ chế đặc thù” trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. (Nguồn: Vietnam+)

Trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung giám sát các cơ sở, khu vực có hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, đôn đốc để yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%...

Tập trung đẩy mạnh Chuyển đổi Xanh, thể chế hóa Luật

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do vậy, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.

Cùng với đó, trong năm nay, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên; nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; hướng dẫn triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai...

Cũng trong năm 2024, bộ đặt quyết tâm, chủ động vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số; từng bước đưa Việt Nam trở thành hình mẫu phát triển trong khu vực và trên thế giới về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe, chất lượng sống và an toàn, thịnh vượng cho nhân dân, mang đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn cho Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về ứng phó với ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Một số mục tiêu cụ thể mà ngành Tài nguyên và Môi trường đặt ra là cải thiện các chỉ số thành phần môi trường, đơn cử như: 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; 100% hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; hơn 600 hồ chứa thủy điện, thủy lợi được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu sau đập...


Trong năm 2024, ngành Tài nguyên và Môi trường quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số, để mang đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn cho Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đặc biệt, ngành Tài nguyên và Môi trường xác định sẽ hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật khí tượng thủy văn để thực thi hiệu quả Luật Khí tượng Thủy văn; làm tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn, thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Trên tinh thần phát huy các kết quả đạt được, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ tiếp tục tập trung công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong toàn bộ cán bộ, đảng viên để nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường để phát triển đất nước, vì một tương lai Xanh và bền vững./.

Hùng Võ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo