VICEM – FLSmidth khát vọng thay đổi công nghệ xi măng thế giới: Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên

Thứ hai, 10 Tháng 2 2020 08:22 Báo Xây dựng
In

Ngày 9/2 tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), dưới sự chứng kiến của đại diện Chính phủ, các cơ quan ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học & Công nghệ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cùng truyền thông trong nước và quốc tế, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cùng Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) ra tuyên bố chung về phát minh thế hệ công nghệ mới ngành Xi măng "Zero emission – natural cycle" (Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên).


VICEM và FLSmidth thống nhất cùng nghiên cứu, phát kiến, phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới làm thay đổi căn bản công nghệ hiện nay.

Đánh giá vai trò của ngành Xi măng, theo các chuyên gia, trong nhiều thế kỷ qua, ngành Xi măng đã tạo ra loại vật liệu chủ yếu, quan trọng cho xây dựng cơ sở hạ tầng của các quốc gia. Tuy nhiên, ngành sản xuất này phải sử dụng nhiều nguyên liệu, tài nguyên hóa thạch không tái tạo. Việc nung luyện clinker, nghiền xi măng đã tạo ra bụi và các khí thải CO2, CO, NOx, SOx tác động không tốt đến môi trường.

Biến đổi khí hậu gia tăng khi phát thải nhà kính ngày càng trầm trọng. Ngành công nghiệp xi măng thế giới đã thải ra môi trường 7% tổng lượng carbon phát thải toàn cầu.

Với khát vọng nghiên cứu công nghệ xi măng thế hệ mới; sử dụng nguồn chất thải đô thị và chất thải khác làm nguyên liệu thay thế, đốt chất thải làm nhiệt năng thay thế, sau quá trình nghiên cứu độc lập và hợp tác, VICEM và FLSmidth thống nhất cùng nghiên cứu, phát kiến, phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới làm thay đổi căn bản công nghệ hiện nay, đó là công nghệ không phát thải - tuần hoàn tự nhiên. Hai bên đã đặt ra 5 mục tiêu để cùng thực hiện.

Ông Bùi Hồng Minh - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Vicem nhấn mạnh: Các mục tiêu, sứ mệnh hướng tới là không phát thải các khí thải có ảnh hưởng đến môi trường và luân chuyển, tuần hoàn khí theo quy luật của tự nhiên, quy luật của môi trường sống.

Cùng đó, giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất clinker và xi măng như đá vôi, đất sét, silic, quặng sắt và thay thế bằng các nguyên liệu lấy từ các chất thải của các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hàng ngày của xã hội như rác thải, bùn thải, tro xỉ, phế thải vật liệu xây dựng, tất cả tro thải sau quá trình đốt, các chất thải khác có các vật chất tương tự.

Theo đó, thay thế nhiên liệu đốt từ than, dầu bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, các vật chất thải có khả năng sinh nhiệt mà con người đang thải ra hàng ngày, góp phần làm sạch môi trường và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hai bên sẽ tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt năng, điện năng cùng với việc tìm những giải pháp công nghệ mới cho phát điện để vừa sử dụng trong sản xuất của nhà máy vừa có thể cung ứng thêm điện cho xã hội.

Đồng thời, ứng dụng các thuật toán trong lĩnh vực điện toán để thiết lập hệ điều khiển thông minh đáp ứng việc luân chuyển tuần hoàn khí, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, xử lý rác thải, nâng cao hiệu suất sử dụng và phát điện.

Theo ông Bùi Hồng Minh, ngành Xi măng là ngành công nghiệp tổng hợp, ứng dụng khoa học công nghệ nhiều ngành khác. Do vậy, ngành Xi măng phát triển bền vững sẽ góp phần tác động đến nhiều ngành công nghiệp khác. Hiện Việt Nam sản xuất gần 100 triệu tấn xi măng/năm, tiêu tốn khoảng 8 triệu tấn than đá. Năm 2019, VICEM sử dụng 2,7 triệu tấn than.

Ông Per Mejnert Kristensen - Chủ tịch khu vực của FLSmidth cho biết: VICEM là đơn vị đầu tiên Tập đoàn này chọn để hợp tác thực hiện chương trình không phát thải - tuần hoàn tự nhiên. Những đổi mới đột phá sẽ làm tăng đáng kể tính bền vững của ngành Xi măng Việt Nam. Trọng tâm chính là sử dụng nguồn chất thải đô thị và các chất thải khác làm nguồn nguyên nhiên liệu thay thế, nhờ đó ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ việc đốt chất thải.

Trong khi việc quản lý chất thải đang là mối quan tâm ngày càng tăng ở Việt Nam, FLSmidth đang phát triển các giải pháp cho phép chuyển đổi 100% sang nhiên liệu thay thế, có thể giảm lượng khí thải carbon khoảng 33%. Các lĩnh vực hợp tác khác sẽ tập trung vào giải pháp liên quan đến hiệu quả năng lượng và thu hồi nhiệt thải.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh khẳng định: Ngành Xi măng Việt Nam có truyền thống với 120 năm hình thành và phát triển. Nhiều năm qua, Chính phủ và Bộ Xây dựng luôn quan tâm phát triển ngành Xi măng hướng bền vững tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo thân thiện với môi trường.

Hiện sản lượng xi măng Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn/năm, quy mô lớn thứ 4 trên thế giới, đáp ứng đủ nhu cầu xi măng trong nước và một phần dành cho xuất khẩu. VICEM là doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 34% thị phần trong nước và đảm nhận vai trò là nòng cốt của ngành Xi măng Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đánh giá cao nỗ lực của VICEM trong nghiên cứu, đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh; hợp tác với nhiều hãng sản xuất chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất xi măng hàng đầu trên thế giới.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh nhấn mạnh: Việc VICEM và FLSmidth ký kết tuyên bố Hà Nội về công nghệ xi măng của kỷ nguyên mới với chủ đề "Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên" thể hiện sự quyết tâm, tầm nhìn mới của VICEM trong việc hưởng ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đặc biệt là việc chú trọng bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và thực hiện một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành xi măng Việt Nam. Đây cũng là giải pháp cơ cấu ngành Xi măng Việt Nam. Bộ Xây dựng luôn quan tâm, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để VICEM và FLSmidth nghiên cứu và áp dụng vào ngành Xi măng Việt Nam.

Bản tuyên bố đánh dấu bước tiến quan trọng hợp tác chung giữa VICEM - nhà sản xuất xi măng hàng đầu tại Việt Nam và FLSmidth - nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ, nhằm tạo đột phá về công nghệ, tăng tính bền vững của ngành Xi măng Việt Nam và thế giới. Hiện VICEM là nhà sản xuất xi măng lớn thứ 4 thế giới.

Vũ Huyền

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: