Nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các công trình, dự án, hiện nay các loại thép xây dựng được áp dụng theo tiêu chuẩn Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… Tuy nhiên, chất lượng thép trên thị trường vẫn bị thả nổi và có sự chênh lệch giữa các tiêu chuẩn, khiến khách hàng gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn.
Chênh lệch về tiêu chuẩn thép xây dựng
Trong thực tế, các loại thép dài như thép thanh tròn trơn, thép thanh vằn được áp dụng theo tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN, tiêu chuẩn Nhật Bản - JIS, tiêu chuẩn của Hiệp hội vật liệu và thử nghiệm Hoa Kỳ - ASTM, tiêu chuẩn Đức – DIN, tiêu chuẩn Anh – BS.
Các loại thép ống được áp dụng theo các tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN, tiêu chuẩn quốc tế ISO, tiêu chuẩn của Hiệp hội vật liệu và thử nghiệm Hoa Kỳ - ASTM, tiêu chuẩn Nhật Bản – JIS, tiêu chuẩn Anh – BS và tiêu chuẩn Trung Quốc – GB.
Tương ứng với mỗi bộ tiêu chuẩn sẽ có các tiêu chuẩn cụ thể và tương ứng cho từng loại thép trong 2 nhóm thép trên. Từ đó, người tiêu dùng sẽ xác định được cỡ loại, thông số kích thước, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, ghi nhãn, bao gói của các loại thép.
Mặc dù chúng ta đã có hệ thống chuẩn đo lường chất lượng thép nhưng vẫn chưa có đủ công nghệ, thiết bị để kiểm tra chất lượng của loại sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, mỗi năm có hàng triệu tấn thép được tung ra thị trường nhưng lại chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng. Vì thế, cho dù có tiêu chuẩn nhưng chất lượng thép xây dựng Việt Nam vẫn bị thả nổi.
Trên thị trường xuất hiện khá nhiều sản phẩm thép có trọng lượng, kích thước thấp hơn tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có thủ đoạn đó là sản xuất thiếu chuẩn kích cỡ thép khoảng trên dưới 1mm đường kính. Loại thép này có đường kính nhỏ hơn thép chuẩn từ 0.5 – 0.8mm, có giá thấp hơn và tất nhiên chất lượng cũng kém hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, còn có sự chênh lệch về tiêu chuẩn thép xây dựng giữa tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới. Ví dụ, với các mẫu thép sử dụng trong công trình giao thông thì khi áp dụng TCVN, các mẫu chủ yếu không đạt yêu cầu về trọng lượng đơn vị, còn khi áp dụng ASTM thì có một số mẫu thép vừa không đạt yêu cầu về trọng lượng đơn vị vừa không đạt yêu cầu về cường độ do yêu cầu về cường độ của ASTM cao hơn. Vì thế, rất cần thống nhất tiêu chuẩn thép của Việt Nam với tiêu chuẩn của các nước khác trên thế giới để tránh sự sai khác về chất lượng thép.
DN nhập khẩu thép trong nước “bị làm khó” vì thông tư
Mới đây, để ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ kém chất lượng tràn lan trên thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho DN ngành thép, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN.
Theo đó, từ ngày 1/6/2014, nhà nhập khẩu thép trong nước phải áp dụng đối với sản phẩm thép trong hợp đồng nhập khẩu. Căn cứ trên các tiêu chuẩn được công bố, các lô hàng sẽ được thực hiện đánh giá phù hợp tiêu chuẩn trước khi nhập khẩu.
Đối với sản phẩm thép trong nước, căn cứ đặc thù của từng loại thép, Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quá trình sản xuất. Tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước có trách nhiệm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này. Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện.
Sau khi Thông tư 44 của liên Bộ Công thương và Bộ Khoa học & Công nghệ chính thức có hiệu lực từ 1/6/2014, nhiều công ty kinh doanh và nhập khẩu thép loại 2 rơi vào tình trạng bế tắc và có nguy cơ phá sản hàng loạt vì các quy định chứng minh chất lượng sản phẩm. Nhiều lô hàng thép loại 2 được nhập về không được thông quan vì vướng Thông tư 44 của Bộ công Thương
Từ trước tới nay, các loại thép loại 2 khi nhập khẩu vào Việt Nam chỉ phải căn cứ vào chứng minh xuất xứ hàng hóa, hợp đồng mua bán và vận đơn để Hải quan kiểm tra cho thông quan. Việc này đã diễn ra hàng chục năm nay và hàng triệu tấn thép loại này đã được các doanh nghiệp nhập vào Việt Nam, góp phần bình ổn giá cả, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước.
Thép loại 2 là hàng thu gom, số lượng các lô hàng nhỏ, do nhiều đơn vị cung cấp, kích thước và kỹ thuật đa dạng nên không có một tiêu chuẩn nào đồng nhất để mà thẩm định. Hơn nữa, do là hàng sử dụng thừa, hàng tồn kho, hàng tận dụng nên ngay tại nơi sản xuất cũng không có chứng nhận chất lượng.
“Chúng tôi mua thép của các công ty Nhật Bản, có lô hàng được họ phân loại, nhưng đa số là không phân loại. Nếu muốn họ phân loại thì phải chấp nhận mua giá cao vì giá nhân công của họ cao. Mình mua được giá thấp rồi về Việt nam phân loại, người lao động vừa có việc làm, giá cả hàng hóa lại thấp và được người tiêu dùng chấp nhận, tại sao không khuyến khích mà lại gây khó khăn bằng các thủ tục hành chính chẳng khác gì như cấm nhập thép loại hai", ông Trần Thanh Hải – Giám đốc Công ty Đại Hải Kim đã bức xúc khẳng định.
Về vấn đề này, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cho từng lô hàng được thực hiện bằng cách thẩm định tại Việt Nam trước khi cho thông quan rất khó khả thi. Theo ông Phạm Thái Bảo - Phó Giám đốc Công ty Thép Tuấn Võ: “Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về chất lượng thép loại 2 thì biết căn cứ vào đâu mà làm?”. "Nếu cứ bắt làm theo quy định thì sẽ rất mất thời gian, tốn tiền của và phát sinh tiêu cực".
Theo các doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ nên lắng nghe ý kiến của họ, xem xét lại văn bản đã ban hành kịp thời điều chỉnh những điều chưa hợp lý để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, đúng pháp luật. Nếu điều chỉnh hợp lý sẽ loại bỏ những tiêu cực không đáng có, giúp cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài và bền vững.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng việc ra Thông tư 44 liên Bộ nhằm quản lý chất lượng mặt hàng thép (quy định tại Phụ lục 1, trong đó có thép nhập khẩu loại 2) là hoàn toàn không cần thiết, gây tốn kém, thiệt hại cho doanh nghiệp và đình trệ sản xuất kinh doanh.
Phương Linh (Báo Xây dựng)
- Viglacera đầu tư dự án sản xuất kính tiết kiệm năng lượng
- Amiăng trắng độc hay không độc?
- Gần 39 triệu USD từ Quỹ GEF nhằm tăng cường sử dụng gạch không nung
- Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020
- Xi măng hỗn hợp polime vô cơ - silicat, từ phế thải đến vật liệu xanh
- Gạch xây tường 150mm - Sự lựa chọn hợp lý?
- Những góc nhìn đa chiều về amiăng trắng
- Gạch xây chống thấm - Bảo vệ "sức khỏe" công trình
- Vì sao thị trường gạch không nung ảm đạm?
- Gạch - vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống