Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Vật liệu / Thiết bị Trang trí nội thất Ưu, nhược điểm của các vật liệu ốp lát phòng tắm

Ưu, nhược điểm của các vật liệu ốp lát phòng tắm

Viết email In

Gạch ceramic dễ thi công, rẻ tiền nhưng khó tạo cảm giác sang trọng còn đá tự nhiên không phù hợp với nhà tắm nhỏ. 

Ốp lát phòng vệ sinh, phòng tắm có nhiều công dụng như chống thấm, chống ẩm, vệ sinh bề mặt và tăng tính thẩm mỹ. Vật liệu ốp lát nói chung và cho phòng tắm nói riêng ngày càng đa dạng về mẫu mã, tính năng song mỗi loại lại có ưu nhược điểm khác nhau.

Trong mỗi trường hợp cụ thể lại phải căn cứ vào các yếu tố khác (kích thước, cấu trúc phòng, thiết bị...) để chọn loại vật liệu, kích thước và kiểu ốp lát phù hợp.

Gạch ceramic

Gạch ceramic (gạch đất nung tráng men, hay còn gọi là gạch men) là loại vật liệu phổ biến nhất, dễ lựa chọn, dễ thi công và giá thành hợp lý. Ưu điểm nổi bật của gạch ceramic là vật liệu nhân tạo nên có nhiều mẫu mã (kích thước, màu sắc, hoa văn, tính chất bề mặt...). Ngoài ra, gạch ceramic không quá dày, nhờ đó tiết kiệm diện tích phòng tắm, phòng vệ sinh.


Phòng vệ sinh ốp gạch ceramic xung quanh gương.
(Ảnh: Hà Thành)

Không khó để lựa chọn mẫu gạch ceramic cho một phòng tắm nhưng nếu muốn nâng giá trị cho không gian thì cần đến những nguyên tắc chuyên môn và sự tinh tường của người thiết kế. Bên cạnh đó, việc xác định kiểu, hướng ốp lát hoặc sáng tạo ra các cách ốp lát cũng làm nên sự đa dạng cho không gian của mỗi công trình. Gạch ceramic có thể dùng cho cả ốp tường và lát nền.

Thị trường hiện nay có nhiều loại gạch do các hãng trong nước sản xuất, và cũng có nhiều loại được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới.

Đá tự nhiên

Đá tự nhiên là vật liệu ốp lát lâu đời nhất. Các loại đá có tính chất cơ lý khác nhau, nhưng nói chung đều chắc, bền, chịu được sự ăn mòn mà không ảnh hưởng đến tính chất và thẩm mỹ bề mặt. Đá tự nhiên có ưu điểm là có thể khai thác thủ công, không sợ hết mẫu. Đá tự nhiên không bao giờ giống hệt nhau nên dễ dàng sửa chữa, thay thế. Đá chịu nước, chịu ẩm tốt, cho cảm giác sang trọng, thoáng đãng, rộng rãi, mát mẻ, rất phù hợp với tính chất phòng tắm.


Phòng vệ sinh ốp lát đá tự nhiên, mảng tối là điểm nhấn cho tường và sàn.
(Ảnh: Hà Thành)

Tuy vậy, đá cũng có nhiều nhược điểm. Việc khai thác, gia công và vận chuyển từ địa hình tự nhiên khá phức tạp, khó khăn. Đá nặng nên chất tải lên công trình lớn và khó thi công hơn so với gạch ceramic. Một viên đá ốp lát dày, nặng hơn nhiều so với với gạch ceramic cùng kích thước. Độ dày của đá ốp cũng khiến cho phòng "hẹp" lại đáng kể, chưa kể đá gia công có kích thước tối thiểu lớn (khoảng 30 cm x 30 cm). Vì những lý do này, những phòng vệ sinh nhỏ không nên dùng đá.

Đá tự nhiên có thể dùng cho cả tường và nền/sàn.

Gạch trang trí mosaic

Trước đây, gạch trang trí mosaic đa phần làm từ gốm, sản xuất thủ công nên hạn chế về nhiều mặt, đặc biệt là mẫu mã xuất xưởng không đồng đều. Nay gạch kính mosaic là một loại vật liệu phổ biến.

Gạch kính mosaic (mosaic thủy tinh) được sản xuất công nghiệp nên có nhiều mẫu mã, màu sắc đa dạng, tính đồng nhất cao, dễ thi công (do được kết lại thành vỉ, trung bình 30 cm x 30 cm). Gạch kính mosaic chịu nhiệt, chịu ăn mòn cơ học và hóa học tốt, bề mặt đẹp, độ dày nhỏ (khoảng 3 - 4 mm). Do đặc tính được ghép từ nhiều viên nhỏ (từ 2,5 x 2,5 cm đến 4 x 4cm) nên gạch kính mosaic rất dễ hiệu chỉnh, sửa chữa và thay thế.


Một mẫu nhà tắm dùng gạch mosaic thủy tinh.
(Ảnh: Hà Thành)

Gạch mosaic thủy tinh được sản xuất công nghiệp có thể phối trên máy tính thành các mảng màu, dải màu, tranh theo ý đồ thiết kế và xuất xưởng ra từng vỉ, thuận lợi cho việc thi công. Trong khi đó, gạch mosaic gốm phải gắn từng viên nhưng lại có ưu điểm cho chất cảm thô mộc, gần gũi, tự nhiên.

Về cơ bản, các loại gạch mosaic có nhược điểm là giá thành cao và khi thi công phải cẩn thận, kỹ càng vì viên nhỏ và phải xử lý rất nhiều mạch. Đó cũng là nguy cơ dễ bị thấm nước qua mạch.

Gạch mosaic chỉ nên dùng để ốp tường, không nên dùng lát nền vệ sinh; nhưng có thể lát nền bể bơi, bể cảnh.

Kính

Kính càng ngày càng xuất hiện nhiều trong các công trình xây dựng hiện đại nhờ ưu điểm khác biệt so với các loại vật liệu khác. Kính có thể dùng cho bề mặt phòng như một vật liệu ốp, giúp hạn chế khả năng thấm nước, chiếm độ dày nhỏ hơn nhiều so với các loại gạch ốp lát khác (dán bằng keo, định vị bằng phụ kiện chứ không phải dùng vữa xi măng). Kính cho một chất cảm mới mẻ, hiện đại, sạch sẽ.

Nhược điểm của việc ốp kính (tấm lớn) là giá thành cao, khó khăn khi lắp dựng. Bên cạnh đó, để có một sản phẩm ốp kính tốt cần thiết kế thật chi tiết, thi công phần nền thật chuẩn. Các vị trí lắp đặt thiết bị cũng cần được tính toán và định vị chính xác để khoan lỗ trên bề mặt kính. Bề mặt nhẵn bóng của kính cũng là nhược điểm bởi dễ gây trơn trượt, khó cầm, bám lên bề mặt. Do vậy, kính tấm lớn chỉ để ốp tường, không lát nền/sàn phòng tắm.

Một loại kính khác là gạch kính (glass block), kích thước chung là 20 cm x 20 cm. Nó cũng được sử dụng nhiều cho nhà vệ sinh, phòng tắm bằng cách xây chèn tường, cho ánh sáng đi qua mà vẫn kín đáo. Gạch kính sử dụng đúng chỗ tạo nên điểm nhấn trang trí bằng hình khối, chất liệu và ánh sáng.

Các loại vật liệu khác

Bên cạnh các loại vật liệu trên còn có nhiều loại vật liệu khác có thể tham gia vào hạng mục ốp lát trong nhà vệ sinh, phòng tắm như gỗ, sơn, sỏi... Các loại vật liệu này ít khi được dùng hết không gian mà hay được dùng kết hợp với một loại chủ đạo khác. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn lựa chọn vật liệu cho phù hợp, ví dụ gỗ ốp tường phải sử dụng ở những chỗ khô ráo, nếu lấy gỗ làm sàn thì phải dùng gỗ chịu nước và xử lý thoát nước tốt, tránh bị đọng... Diện tích, cấu trúc phòng, tính năng sử dụng chính của không gian, phong cách kiến trúc - nội thất sẽ là yếu tố quyết định cho các loại vật liệu ốp lát và giải pháp ốp lát để tạo nên những sắc màu đa dạng.

Hà Thành

(VnExpress)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo