Khi Việt Nam thành nước công nghiệp, tiêu thụ thép phải đạt 700kg/người/năm

Thứ năm, 18 Tháng 2 2021 17:09 Dân Trí
In

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tới năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển. Khi đó tiêu thụ thép/đầu người sẽ phải đạt 500 - 700 kg/người/năm...  

Phải đạt 500 - 700 kg thép/người

Mới đây, tại Hội thảo khoa học về phát triển ngành thép, ông Chu Đức Khải - Chủ tịch Hội Khoa học Đúc - Luyện kim Việt Nam - cho biết: Sản xuất thép thô của thế giới năm 2019 đạt 1,86 tỷ tấn, trong đó Trung Quốc sản xuất 996,3 triệu tấn - chiếm 53,3% sản lượng thép thô toàn cầu. Ngành luyện thép Việt Nam (sản xuất thép thô gồm phôi vuông/billet; phôi dẹt/slab và phôi bloom) trong thời gian qua có tốc độ phát triển khá tốt, luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm.

Sản lượng phôi các loại của Việt Nam năm 2020 đạt 19 triệu tấn. Theo xếp hạng của Hiệp hội Thép thế giới, năm 2019 sản xuất thép thô của Việt Nam đứng thứ 15 (đã vượt Cộng hòa Pháp). Năm 2020 sản xuất thép thô của Việt Nam được xếp hạng cao hơn.


(ảnh minh họa)

"Theo Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, tới năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển. Khi đó tiêu thụ thép/đầu người sẽ phải đạt 500-700 kg/người/năm (hiện tại mới đạt 240 kg/người), do vậy, ngành thép Việt Nam sẽ còn phải phát triển mạnh hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế quốc dân", ông Khải cho biết.

Chủ tịch Hội Khoa học Đúc - Luyện kim Việt Nam cho biết, sản xuất phôi thép của thế giới hiện đang áp dụng 2 công nghệ chính là Lò cao - Lò thổi (BF-BOF) chiếm 70% và Lò điện Hồ quang (EAF) chiếm 30%. Ngành luyện thép Việt Nam hiện đang áp dụng 3 công nghệ để sản xuất phôi gồm: Công nghệ BF-BOF chiếm 61%; công nghệ - EAF 30% và Lò Cảm ứng tần số IF chiếm 9%.

"Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã đóng cửa trên 600 cơ sở sản xuất thép phôi bằng lò cảm ứng IF với tổng công suất 140 triệu tấn bởi lý do chất lượng phôi thấp, ảnh hưởng tới chất lượng các công trình xây dựng và công nghệ này không thân thiện với môi trường", ông Khải chia sẻ.

Cũng liên quan đến công nghệ sản xuất thép, Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết: Tại Việt Nam nhiều nhà máy sản xuất thép sản xuất theo phương pháp đầu tư chế biến sâu từ quặng sắt; một số nhà máy có kết hợp sử dụng quặng sắt và sắt phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo tỷ lệ nhất định.

Trong đó, công nghệ sản xuất chung là áp dụng theo phương pháp đầu tư chế biến sâu từ quặng sắt với lưu trình công nghệ chính bao gồm: Quặng tinh, vôi bột, dolomite, than => Phối liệu => Trộn, tạo hạt => Thiêu kết => Sàng lần 1 => Sàng lần 2 => Quặng cỡ, than cốc, đá vôi, quặng thiêu kết => Lò cao => Gang lỏng => Lò thổi => Đúc phôi=> Cán thép.

Nhiều nhà máy sản xuất thép ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ mới, trang thiết bị sản xuất tiên tiến, trình độ tự động hóa cao trong các công đoạn sản xuất nêu trên.


Công nghệ luyện thép ở Việt Nam đang có những bước phát triển  mạnh mẽ.

Bảo vệ môi trường như thế nào?

Theo Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường chính của ngành luyện thép được thực hiện như sau:

Về xử lý nước thải: Nước thải sản xuất phát sinh được thu gom, dẫn về các trạm xử lý nước thải để xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải; nước làm mát thông thường được giải nhiệt và tuần hoàn tái sử dụng.

Về xử lý bụi, khí thải: Khí thải từ các lò thổi của xưởng luyện thép thường được lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện và lọc bụi túi vải. Công trình làm nguội khí thải lò gia nhiệt nung phôi: Lò gia nhiệt cán là loại lò gia nhiệt liên tục kiểu đẩy phôi có năng lực gia nhiệt, gia nhiệt bằng khí than và thải qua các ống thải. Các dòng khí thải phát sinh phải được thu gom, xử lý đạt các quy chuẩn về môi trường trước khi xả thải; lắp đặt và vận hành các hệ thống giám sát tự động, liên tục khí thải các nguồn thải, kết nối và truyền dữ liệu quan trắc tự động cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định.

Về xử lý chất thải rắn thông thường: Xỉ thải từ quá trình luyện gang thép được thu gom, lưu chứa tại kho chứa chất thải rắn và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định. Vảy sắt từ quá trình luyện, cán thép và bụi thu được từ các hệ thống thiết bị lọc bụi được thu gom đưa trở lại kho nguyên liệu thiêu kết.

Bùn thải từ các bể xử lý nước tuần hoàn và thạch cao từ hệ thống xử lý khí SO2 được thu gom, lưu chứa trong kho chứa chất thải rắn và chuyển giao cho đơn vị chức năng theo quy định. Gạch chịu lửa phế thải định kỳ được đưa trở lại nguồn cung ứng để tái sử dụng. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.

Về xử lý chất thải nguy hại: Chất thải nguy hại được thu gom, lưu giữ tại kho chứa chất thải nguy hại và ký hợp đồng với đơn vị có đầy đủ chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật.

"Với trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, tiềm lực kinh tế, ý thức bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư, hệ thống chính sách pháp luật và năng lực thực thi về bảo vệ môi trường ngày một hoàn thiện nên hoàn toàn có thể xử lý, kiểm soát tốt các nguồn thải phát sinh" - Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường cho biết.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Chu Đức Khải cho biết, hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các quy chuẩn phát thải khí và nước trong công nghiệp sản xuất thép (QCVN 51:2017/BTNMT và QCVN 52:2017/BTNMT).

"Các QCVN này đã cập nhật, tham khảo các tiêu chuẩn phát thải của những nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Một khi đã là quy chuẩn thì các doanh nghiệp ngành thép phải tuân thủ, phát thải theo quy định của QCVN", ông Khải nói.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Mọi công nghệ, thiết bị trong ngành luyện kim đều có phát thải sẽ có các công nghệ xử, thiết bị xử lý môi trường phù hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 02 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Quy chuẩn số 51:2017/BTNMT về khí thải công nghiệp sản xuất thép; Quy chuẩn số 52:2017/BTNMT về nước thải công nghiệp sản xuất thép. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép phải tuân thủ các Quy chuẩn về khí và nước thải trước khi được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, ngoài việc kiểm soát môi trường bằng quan trắc online, các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư, xây dựng và vận hành các công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp.

"Các công đoạn luyện kim đều có phát thải ra môi trường nhưng xu thế chung các biện pháp công nghệ bảo vệ môi trường là: hình thành quy trình sản xuất khép kín tuần hoàn không phát thải trực tiếp ra môi trường, thay thế dần các nguyên nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu tái sinh và nâng cao hiệu suất của thiết bị" - ông Thành cho biết.

Nguyễn Dương

(Dân Trí)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: