Đồ nội thất gỗ Việt trước thách thức "cánh cửa" EVFTA

Thứ bảy, 22 Tháng 2 2020 06:41 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Phải liên tục thay đổi mẫu mã, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, đầu tư chi phí lớn cho hoạt động tuân thủ các chứng chỉ ngành nghề... đang là những thách thức cho doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất gỗ Việt Nam khi tiếp cận thị trường châu Âu.


Khách hàng châu Âu tìm hiểu sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam tại hội chợ Ambiente tại Franfurt - Ảnh: TD

Cơ hội xuất khẩu trị giá 1 tỉ đô la

Nghị viện châu Âu vừa qua đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Nhiều khả năng, hiệp định sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 7-2020. Theo Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp định sẽ mang về cho Việt Nam 1 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất ngay trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Điều này thể hiện được tầm quan trọng của hiệp định tới ngành chế biến gỗ, một trong những ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau điện tử, dệt may, da giày…

Theo HAWA, EU hiện đứng thứ 4 trong những thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam sang EU đạt 785,2 triệu đô la Mỹ, trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ghế ngồi, nội thất phòng ngủ, nội thất văn phòng, đồ gỗ ngoài trời.

Theo lộ trình, 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ sẽ giảm từ 6% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; 17% dòng thuế còn lại sẽ được giảm trong 5 năm sau đó. Tuy nhiên, theo các thành viên Hawa, ngay từ 2 năm trước, một số nước Tây Âu đã chấp thuận đưa thuế xuất các mặt hàng gỗ của Việt Nam về 0% theo quy chế Tối huệ quốc với Việt Nam.

“Về ngắn hạn, ngành chế biến gỗ Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều về cắt giảm thuế. Nhưng về lâu dài, ngành này sẽ mở rộng quy mô và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngành gỗ toàn cầu. Một trong những lợi ích quan trọng khi EVFTA có hiệu lực là các doanh nghiệp trong ngành có thể tận dụng được công nghệ sản xuất và kỹ năng quản lý của EU, vốn được coi là có trình độ cao nhất thế giới. Thuế nhập khẩu các loại máy móc này sẽ về 0%, thay vì ở mức 20-30% như hiện nay", HAWA nhấn mạnh.

Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA sẽ giúp các doanh nghiệp EU yên tâm hơn khi đầu tư vào vào Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp ngành gỗ có thể tranh thủ được nguồn vốn, kỹ thuật, trình độ quản lý, thương mại từ EU

“Đa phần các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay có đầu tư hạ tầng thấp, trang thiết bị công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chủ yếu trang bị máy móc giá rẻ từ Trung Quốc. Trong khi đó đổi mới công nghệ là then chốt để nâng cao giá trị, đáp ứng đúng tiến độ đơn hàng của toàn ngành. EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam cải thiện đáng kể vấn đề này”, HAWA nhận định.

Con đường không bằng phẳng với doanh nghiệp nhỏ

Bên cạnh những doanh nghiệp hồ hởi đón nhận tin tức từ EVFTA, một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng trong việc tiếp cận thị trường này, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc tiếp thị Công ty Bảo Hưng cho hay, công ty đã ngừng tiếp cận thị trường châu Âu 7 năm qua và vẫn chưa có kế hoạch tiếp cận lại thị trường này.

Hiện Bảo Hưng đã có một số thị trường khá vững chắc là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Giải thích về lý do chưa quay lại thị trường châu Âu, ông Cường cho rằng, để bán được sản phẩm tại một thị trường mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng và phương thức bán hàng...Hơn nữa, Bảo Hưng đã từng bán tại thị trường châu Âu nhiều năm về trước và thấy rằng đây là thị trường rất khó mở rộng, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp châu Âu thường đặt hàng theo bộ sản phẩm, hơn là một sản phẩm cụ thể. Nhưng nhiều doanh  nghiệp hiện nay chỉ chuyên về bàn, ghế, không phát triển các sản phẩm khác nên rất khó nhận đơn hàng từ phía EU. Hơn nữa, muốn bán được hàng sang thị trường này, mẫu mã phải thường xuyên thay đổi theo mùa, khác với các thị trường “ăn chắc, mặc bền” như các nước Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nói về thủ tục xuất khẩu, theo ông Cường, so sánh với thị trường Mỹ, thủ tục xuất khẩu đi châu Âu rườm rà và tốn kém hơn thị trường Mỹ rất nhiều vì doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc trong chuỗi cung ứng gỗ, nhằm đảm bảo gỗ xuất khẩu là gỗ hợp pháp.

Nhập khẩu máy móc chất lượng với mức thuế bằng 0% cũng là một trong những lợi thế khi Việt Nam gia nhập EVFTA. Song, đại diện công ty Bảo Hưng vẫn giữ lập trường nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Đài Loan, Trung Quốc. Bởi máy móc cùng chức năng ở châu Âu là 400.000-500.000 đô la Mỹ, nhưng ở Đài Loan và Trung Quốc, con số này chỉ là 150.000 tới 200.000 đô la Mỹ. Do đó, dù thuế có giảm cũng chưa thể tiệm cận được với mức giá từ các thị trường trong khu vực châu Á.

"Điều này là chưa kể công tác bảo trì, bảo dưỡng. Châu Âu có những mùa nghỉ kéo dài như Noel hay nghỉ hè. Máy móc chẳng may hỏng trong thời kỳ này sẽ phải đợi cho tới hết kỳ nghỉ mới bảo dưỡng được, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất", ông Cường chia sẻ.

Nhiều năm xuất khẩu sang thị trường EU, bà Phạm Hồng Quang, Giám đốc VietS, đơn vị làm đồ nội thất sử dụng các thiết bị mây tre đan cho rằng, Châu Âu có thị hiếu và thẩm mỹ khác với thị trường khác. Ví dụ, người tiêu dùng Mỹ có tư duy thực dụng. Sản phẩm mà họ lựa chọn phải sử dụng dễ dàng, thuận tiện và rẻ. Trong khi, người dùng châu Âu chú trọng tới thiết kế, tính bền vững, yếu tố môi trường, sức khỏe.

“Tại Mỹ, khách hàng dễ dàng mua thùng rác bằng nhựa vì sản phẩm đó rẻ, tiện dụng, không thích thì bỏ. Ngược lại, thùng rác mà người châu Âu chọn ngoài chức năng, thì phải là vật trang trí, chất liệu phải thân thiện môi trường. Muốn làm ăn lâu dài với đối tác châu Âu phải thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của họ. Áp lực thay đổi mẫu mã tại thị trường châu Âu là rất lớn. Mỗi năm chúng tôi phải thay đổi mẫu mã tới 2-3 mùa cho khách hàng”, bà Quang nói.

Chưa kể, để đáp ứng được tiêu chuẩn tại cộng đồng chung này, ngoài yếu tố giá cả, mẫu mã, doanh nghiệp phải có năng lực sản xuất. Hiện nay, châu Âu đang đặt vấn đề quy chuẩn cao cho sản phẩm họ sử dụng. Khách hàng phải biết nguồn gốc sản phẩm xuất phát từ đâu, nguyên liệu do ai làm ra, tiêu chuẩn lao động ra sao…

Do đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, EVFTA sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường giàu có này, nhưng vẫn còn nhiều rào cản để có thể thành công.

Vũ Dung

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: