Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam: Triển vọng tích cực!

Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam: Triển vọng tích cực!

Viết email In

Cơ hội đối với ngành gỗ Việt Nam được đánh giá là rất lớn, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ.

Triển vọng sáng sủa

Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ đã có những bước phát triển lớn, trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 3.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, 340 làng nghề gỗ và một số lượng lớn các hộ gia đình sản xuất kinh doanh đồ gỗ chưa được thống kê.


Chế biến gỗ đã trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
(Ảnh: Minh Duy)

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô đa phần là nhỏ. Theo nguồn gốc vốn thì 5% số doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, 95% còn lại là thuộc khu vực tư nhân, trong đó có 16% có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Bối cảnh quốc tế gần một năm qua đã và đang mang đến những cơ hội rất lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Mức thuế mà Mỹ áp lên các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc đã phần nào làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận của các công ty có hoạt động sản xuất tại nước này, từ đó tạo ra khoảng trống về thị trường cho các doanh nghiệp ngoài Trung Quốc.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng từ mức 3,1 tỉ đô la Mỹ năm 2017 lên mức 3,6 tỉ đô la năm 2018. Trong bốn tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Mỹ đạt gần 1,4 tỉ đô la. Các mặt hàng của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất bao gồm: gỗ dán, ván ép, ghế ngồi, nội thất nhà bếp.

Ngoài thị trường Mỹ, triển vọng xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới cũng rất tích cực, nhất là sau khi Hiệp định EVFTA chính thức được ký kết tại Hà Nội cuối tuần vừa qua. Theo EVFTA, ván ép và các sản phẩm tương tự mà Việt Nam xuất sang EU sẽ được loại bỏ thuế quan trong vòng 3-5 năm; sản phẩm nội, ngoại thất cũng sẽ được xóa bỏ ngay thuế khi EVFTA có hiệu lực (mức thuế hiện nay từ 2,7-5,7%). Đến nay, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU chủ yếu vào năm nước là Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Ý, nhưng với EVFTA, thị trường sẽ được mở rộng ra 28 nước.

Thực tế, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ của EU một năm khoảng 80-85 tỉ đô la, như vậy gỗ Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 1% dung lượng thị trường này nên tiềm năng còn rất lớn. Theo dự báo, doanh thu từ thị trường EU có thể đạt 1 tỉ đô la vào năm 2020 với mức tăng trưởng bình quân 15% so với trường hợp không có hiệp định EVFTA. Trong năm 2019, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU có thể đạt gần 900 triệu đô la.

Ngoài kim ngạch xuất khẩu gia tăng, một điểm tích cực nữa là Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều vốn FDI đầu tư vào ngành gỗ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm tháng đầu năm nay, có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ, tương đương với 73% tổng số dự án trong cả năm 2018, trong khi tổng nguồn vốn đăng ký đã lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn trong cả năm 2018. Tuy nhiên, quy mô các dự án đầu tư mới là khá nhỏ, trung bình chỉ khoảng 2 triệu đô la/dự án.

Đi kèm thách thức...

Cơ hội đối với ngành gỗ Việt Nam được đánh giá là rất lớn, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ. Xác định và giảm thiểu các rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang là vấn đề cấp bách của ngành gỗ.

Theo đó, các cơ quan quản lý cần có đánh giá tổng thể về loại hình rủi ro trong các dự án đầu tư FDI (cả về dự án mở rộng, dự án mua cổ phần và sáp nhập doanh nghiệp), đồng thời phối hợp với hiệp hội gỗ rà soát toàn bộ các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ và toàn bộ các dòng sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc có biến động lớn, từ đó có thể xác định được những rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

Quy trình cấp phép chứng nhận xuất xứ (C/O) cũng cần được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ được cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện phải đạt tỷ lệ nội địa hóa theo quy định.

Các doanh nghiệp gỗ trên sàn

Trên sàn chứng khoán, hiện không có quá nhiều doanh nghiệp gỗ được niêm yết. Một số cái tên nổi bật là Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), Công ty Chế biến gỗ Thuận An (GTA), Công ty Chế biến gỗ Đức Thành (GDT).

Trường Thành là một trong những tập đoàn chế biến gỗ hàng đầu Việt Nam với hệ thống nhà máy đa số được trang bị công nghệ hiện đại của châu Âu. Nhóm sản phẩm xuất khẩu chính của Trường Thành bao gồm nội thất, ngoại thất, ván sàn, ván ép, được xuất sang nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ, Úc.

Điểm cần khắc phục của Trường Thành là phải cải thiện cơ cấu nguồn vốn, xử lý các khoản lỗ lũy kế và trích lập dự phòng đầy đủ. Nếu giải quyết được vấn đề an toàn tài chính, tiềm năng của Trường Thành là rất lớn.

Thuận An chưa có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận trong những năm qua. Biên lợi nhuận thấp khiến công ty dễ bị ảnh hưởng bởi lãi vay tăng và sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác.

Đức Thành là một trong những công ty chuyên sản xuất đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng và đồ chơi trẻ em. Đức Thành hoạt động khá hiệu quả trong ngành, với biên lợi nhuận cao và doanh thu liên tục tăng trưởng. Đây là một doanh nghiệp rất đáng chú ý do chất lượng sản phẩm cao, đã khẳng định được thương hiệu với thị trường nước ngoài và nội địa.

Ngoài ba cái tên trên thì trong những năm gần đây, mảng sản xuất gỗ của Công ty Phú Tài (mã PTB) tăng trưởng rất mạnh, bình quân hơn 20% mỗi năm và chiếm đến 40% doanh thu toàn công ty trong năm 2018. Điều này chứng tỏ Phú Tài đã có bước “chuyển mình” mạnh mẽ sang mảng gỗ và đây có thể sẽ là động lực tăng trưởng chính của công ty trong vài năm tới.

Cũng như các doanh nghiệp khác, Phú Tài chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc... với các sản phẩm chủ lực từ gỗ tinh chế và gỗ ván ghép. Trong năm nay, Phú Tài chuẩn bị đưa vào vận hành thêm một nhà máy gỗ và đẩy mạnh công suất ở nhà máy Phù Cát (chỉ đạt 50% công suất trong năm 2018).

Linh Trang

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo