Ngành gỗ trước cuộc “viễn chinh" của doanh nghiệp Trung Quốc

Thứ hai, 25 Tháng 2 2019 08:50 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Bức tranh ngành gỗ Việt Nam đang pha nhiều gam màu sáng tối. Tiềm năng có, nhưng rủi ro cũng nhiều, đặc biệt là nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp trước làn sóng FDI từ Trung Quốc.


Gỗ được chế biến tại một doanh nghiệp tại Bình Dương chuyên xuất khẩu sang thị trường Mỹ
- Ảnh: TD

20 tỉ đô la Mỹ năm 2025

Diễn đàn: “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” đã diễn ra ngày 22/2 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ hai châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tới năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt gần 9,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong khi con số này năm 2005 chỉ là 1 tỉ đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, ngành gỗ đang dần tự chủ được nguồn cung nguyên liệu khi tỉ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước đã đạt 76,4%, chỉ nhập khẩu khoảng 10 triệu m3 quy tròn. Đây là cơ sở để ngành gỗ có sự phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Chính vì mảnh đất tiềm năng này, số doanh nghiệp đầu tư vào ngành gỗ liên tục tăng lên. Hiện tổng số doanh nghiệp chế biến sản xuất xuất khẩu đã đạt trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.

Với nền tảng như vậy, tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành này cần tiếp tục bứt phá để đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ đô la Mỹ năm 2025. “Việt Nam phải là trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới”, Thủ tướng nói.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành xây dựng các chính sách hỗ trợ cho đầu tư trồng rừng, xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng lâm sinh. Ngành ngân hàng cần nghiên cứu gói hỗ trợ cụ thể với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, để người dân trồng rừng thuận lợi tiếp cận, vay vốn trồng rừng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu.

Rủi ro áp thuế

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục được duy trì, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp chế biến gỗ có cơ hội mở rộng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm.

Hiện nay, thị trường thương mại đồ gỗ nội thất và đồ gỗ của thế giới rất lớn với khoảng 430 tỉ đô la Mỹ, trong đó, giá trị thương mại đồ nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỉ đô la Mỹ.

“Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á -  Âu, Trung Nam Á….mở cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển”, Bộ trưởng Cường nói.

Tiềm năng là có, đặc biệt trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do đã và đang được đàm phán, ký kết. Song, nhìn ở cấp độ doanh nghiệp, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cho hay, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, trong đó có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

“Dòng vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc đã đổ sang Việt Nam cạnh tranh trực tiếp về nguồn lao động và nguyên liệu, gây áp lực lên các doanh nghiệp trong nước”, ông Thiện nói. Chiến lược giá rẻ cũng gây ra nguy cơ “ngập lụt” hàng hoá dẫn đến thuế chống bán phá giá, thậm chí điều tra chống gian lận thương mại đối với các sản phẩm gỗ Việt Nam.

Chưa kể, dòng chảy nguyên liệu gỗ toàn cầu vào Trung Quốc hiện đang dịch chuyển sang Việt Nam đã đẩy các nhà cung cấp nguyên liệu gỗ trong nước vào tình thế khó khăn khi giá bán nguyên liệu giảm sâu.

Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cho hay, năm 2018, xuất khẩu gỗ dán, gỗ ghép từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ tăng 270% so với năm 2017.

“Đã có một số bằng chứng cho thấy có sự gian lận thương mại, với các loại gỗ dán của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào Mỹ với tên Việt Nam”, ông Phúc nói và cho biết: “Hiện Chính phủ Mỹ đang chính thức điều tra vụ việc này”.

Theo các doanh nghiệp trong ngành, kết quả của điều tra có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam. Dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ năm 2018 có cao hơn so với những năm trước nhưng với việc Chính phủ Mỹ điều tra về gian lận thương mại, lẩn tránh thuế đang diễn ra tại Việt Nam, cuộc chiến Mỹ - Trung chưa chắc đã đem lại lợi ích trong dài hạn cho ngành gỗ.

Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends nhận định, khả năng cao ngành gỗ Việt Nam phải chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Khi đó, ngành gỗ Việt Nam có thể phải chịu mức thuế suất nhập khẩu cao ngất ngưởng và rủi ro hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ hơn khi nhập khẩu vào Mỹ.

Vũ Dung

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: