Thị trường đồ gỗ nội địa tiêu thụ tốt và có thể đạt đến 4 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, một con số khá cao so với mức 3,2 tỉ đô la của năm ngoái, trong khi đó xuất khẩu ngành này có thể cán đích 9 tỉ đô la, đưa độ lớn của thị trường đồ gỗ Việt Nam lên tới 13 tỉ đô la.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đã đưa ra dự báo như trên tại buổi Tọa đàm Sống xanh với nội thất gỗ do HAWA tổ chức vào chiều ngày 12/11 tại TPHCM.
Ông Huỳnh Văn Hạnh (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ thông tin tại buổi hội thảo (Ảnh: Hùng Lê)
Thị trường nội địa với quy mô gần 95 triệu người, theo ước lượng, mức tiêu dùng đồ gỗ năm ngoái trên 3,2 tỉ đô la, tăng trưởng bình quân trong 7 năm qua khoảng 8%, trong đó các công trình mới xây dựng đang trên đà tăng trưởng sẽ thu hút khoảng 40%. Từ xu hướng sống xanh đang lan rộng, các cơ hội do thị trường bất động sản trong nước mang lại cùng tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong 7 năm qua, HAWA dự báo thị trường nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng ở phân khúc trung cao cấp trong thời gian tới.
Đáng chú ý, theo số liệu của cơ quan hải quan nhập khẩu mặt hàng này bình quân chỉ đạt khoảng 68 triệu đô la/năm. Do đó, theo ông Hạnh, hiện nay thị trường này chủ yếu thuộc về doanh nghiệp chế biến đồ gỗ trong nước. Ông Hạnh cho rằng, hiện nay doanh nghiệp trong nước đáp ứng cả những đơn hàng cao cấp, sang trọng.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Công ty TNHH Scansia Pacific, cho rằng ngành gỗ đã có những bước chuyển mạnh mẽ với kỹ thuật, máy móc, tay nghề, quy trình quản lý đều thay đổi, hiện đại và bắt kịp nhịp phát triển của thế giới. Theo ông Thắng, ngành gỗ Việt Nam hiện không thua kém ngành gỗ bất cứ một nước nào khác. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều tăng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Cùng với tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ trong nước trong năm nay theo ông Hạnh cũng cho thấy sẽ đạt mục tiêu đề ra là 9 tỉ đô la. Cụ thể theo ông Hạnh trong 10 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu đạt 7,6 tỉ đô la, trong khi hai tháng còn lại là mùa cao điểm nhất trong năm của ngành để giao hàng cho khách nên 1,4 tỉ đô la còn lại là nằm trong tầm tay.
Báo cáo từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho thấy trong 10 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,612 tỉ đô la, bằng 84% kế hoạch năm; tăng 16,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỉ đô la, tăng 16,12%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU,chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 1,88 tỉ đô la, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn 400 gian hàng tại Vifa Home 2018Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam (Vifa Home 2018) sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 19-11 quy tụ 95 doanh nghiệp tham gia với 410 gian hàng, bao gồm đồ gỗ (63% gian hàng), trang trí nội thất 26%, thủ công mỹ nghệ 3%, thiết bị vệ sinh 3% và dịch vụ hỗ trợ 5%. Theo HAWA, ở lần thứ 9 này, Vifa Home thu hút được sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam trên thị trường thế giới như Scansia Pacific, Đức Lợi, Nguyễn Thanh, Royal Funiture, Square Home, Woac, Funiture Maker... Những thương hiệu này đã và đang chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... |
Hùng Lê
(TBKTSG)
- AKA Furniture Group khai trương Trung tâm nội thất cao cấp Bellavita Luxury tại Hà Nội
- Từ bảo hộ, “nuông chiều” đến sự bất công, lệch lạc trong phát triển ngành thép
- Chỉ 5% đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu tự thiết kế
- Ngành gỗ trước cuộc “viễn chinh" của doanh nghiệp Trung Quốc
- Thép Thái Lan lo sốt vó vì thép giá rẻ của Trung Quốc
- Nhà máy sen vòi INAX tại Quảng Nam kỷ niệm 10 năm thành lập
- Vietceramics khai trương flagship showroom thiết kế và trưng bày tại Hà Nội
- Xây dựng thương hiệu cho gạch ốp lát Việt
- Phát triển ngành gỗ theo hướng bền vững
- Nên giãn tiến độ đầu tư nhà máy xi măng mới