TPHCM tiến ra phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ hai, 25 Tháng 3 2013 12:28 SGGP
In

Tại hội thảo “TPHCM tiến ra phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu”, các chuyên gia Hà Lan cho rằng TPHCM có đủ tiềm năng, cơ hội phát triển một nền kinh tế tiến ra biển. Đây cũng là biện pháp để thích ứng với biến đối khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, theo một số ý kiến, việc TPHCM phát triển hướng ra biển vẫn còn gặp những thách thức.  

Cơ hội... 

Theo phân tích của ông Enrico Moens, Trưởng đoàn tư vấn đối tác Hà Lan, TPHCM có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển một nền kinh tế hướng ra biển. TP có đường bờ biển dài và hàng trăm kilômét đường sông lớn rất thuận lợi cho phát triển cảng biển. Trong khi đó, các hệ thống cảng hiện hữu đang nằm sâu trong đất liền đã trở nên không phù hợp với tình hình hiện nay. Hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ là vùng đất thấp ngập mặn, hạ tầng cơ sở yếu kém, dân cư thưa thớt nhưng chiếm gần 1/2 diện tích TPHCM. Đây là cửa ngõ ra biển Đông của TP, đồng thời cũng là vùng tiếp giáp ĐBSCL (tỉnh Tiền Giang, Long An), giao thông đường thủy vô cùng thuận lợi. Xét về mặt vị trí địa lý, TPHCM có nhiều điểm tương đồng với TP Rotterdam (Hà Lan) như nằm sát ven biển và có một diện tích đất khá lớn thấp hơn mực nước biển. Cách đây nhiều năm, hệ thống cảng biển Rotterdam cũng nằm sâu trong đất liền và hiện nay đã buộc phải tiến ra biển để phát triển kinh tế. 

Theo Sở TN-MT TPHCM, nhằm hướng tới mục tiêu hướng ra biển, thời gian qua, TPHCM đã tiến hành quy hoạch và đầu tư Khu đô thị cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) với quy mô khoảng 4.000 ha. Từ trung tâm TP theo hương lộ 34 xuống tới KCN Hiệp Phước khoảng 16km và xuôi dòng sông Soài Rạp ra bờ biển còn khoảng 20km. Tại đây sẽ xây dựng một KCN cơ bản, với các ngành cần sử dụng đất rộng, cần bến cảng cho tàu có trọng tải lớn cập bến, có những mức độ ô nhiễm phải xử lý tập trung như xi mạ, nhuộm, hóa chất. 

Về cơ bản, đến năm 2025 các công trình cơ bản ứng phó với BĐKH như cảng biển, công trình đê điều chống ngập lụt, đập ngăn mặn, mạng lưới giao thông thủy, quản lý mạng lưới nước tiêu thụ, mở tuyến đường từ nội thành sang Cần Giờ sẽ được hoàn thành. Khi các công trình cơ bản hoàn thành, chắc chắn sẽ giúp hạn chế, ngăn chặn được các tác động tiêu cực của BĐKH. 

Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc sở TN-MT TPHCM, việc phát triển TP hướng ra biển đem đến các thuận lợi mới cho TP như mở rộng vùng không gian phát triển đô thị, tạo thêm mặt bằng mới cho TP, xây dựng các KCN, khu dân cư mới. Tạo thêm một luồng tàu mới, một khu vực cảng mới gần biển hơn, cho phép tàu có trọng tải lớn hơn vào thành phố, giải quyết được sự ách tắc khó khăn của cảng Sài Gòn hiện nay.

... Và thách thức 

Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển hướng ra biển của TPHCM vẫn đang phải đối mặt với những thách thức, rủi ro, phức tạp. PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm nước và BĐKH (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, không nên quá tin tưởng vào dự án đê bao chống ngập. Bởi thời gian đầu, giải pháp này có thể phát huy hiệu quả rất tốt, nhưng đến một thời gian nhất định, các đê bao xuống cấp, xảy ra sự cố sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Cũng theo PGS-TS Hồ Long Phi, hiện nay tất cả những gì con người có thể làm được là giảm thiểu thiệt hại, không thể chống hay giảm mức độ BĐKH. Một vấn đề khác mà PGS-TS Hồ Long Phi cũng cân nhắc thêm đó là TP còn hạn chế về tài chính, công nghệ, thể chế và đặc biệt là ý thức về BĐKH của người dân còn rất yếu kém nên rất khó thực hiện. 

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM cũng cho rằng, chiến lược TP phát triển hướng ra biển mới chỉ dừng lại ở việc phát triển cảng biển, trong khi mục tiêu tiến ra biển còn nhiều yếu tố khác. Vì vậy, ông Hưng đề nghị cần phải làm rõ thêm mục tiêu tiến ra biển, phát triển các mô hình kinh tế nào cho phù hợp? PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM lo ngại đến vấn đề quy hoạch. 

Theo ông, việc quy hoạch phát triển của TP hiện nay chưa hợp lý. Chúng ta xây dựng được nhiều đồ án quy hoạch tốt nhưng chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý thực hiện triển khai. Nếu được quy hoạch phù hợp, TP sẽ có nhiều lợi thế trong việc thích ứng với BĐKH. Ông cũng đề xuất một số giải pháp cho quy hoạch như quy hoạch phải đảm bảo phần thoát lũ, bảo đảm phần diện tích cây xanh, khoảng trũng cần thiết để điều tiết nước cục bộ, giảm ngập trong TP. Quá trình xây dựng cũng phải bảo đảm hệ thống thoát nước đầy đủ cân đối, tính toán khi lượng mưa to hay khi có triều cường nước ngập, để nước thoát nhanh. 

Trước góp ý của các chuyên gia, ông Đào Anh Kiệt nhấn mạnh, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế tình trạng này. Trong đó chú trọng vào sáu định hướng chính dựa trên điều kiện về đất và nước để xây dựng khu dự trữ nước, kết hợp các biện pháp giảm xâm nhập mặn, củng cố mạng lưới “thông gió đô thị” để giảm áp lực về nhiệt. Ngoài ra, một số giải pháp như tối ưu hóa quản lý hồ chứa nước để chống ngập; phát triển thích ứng tại các quận huyện, xác định và bảo vệ những vùng trọng yếu dễ bị tổn thương tại TPHCM; bảo vệ các khu vực vùng ven sông cũng cần phải được chú trọng. 

Minh Hải - Ảnh: Phạm Kim Ngân


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: