Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện "Lĩnh vực đất đai đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp"

"Lĩnh vực đất đai đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp"

Viết email In

Lĩnh vực đất đai đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm 70%, chủ yếu xuất phát từ việc người dân không đồng tình với quyết định của chính quyền về đất đai… 

Đó là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chiều ngày 12/3, tại Hà Nội.  

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tich Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng nhấn mạnh: “Sửa đổi Luật đất đai là việc làm cần thiết, nhằm đáp ứng với sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, cần tập trung vào một số nội dung mới liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân...” 

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đa số các ý kiến tại Hội nghị đều nhất trí với Dự thảo Luật bổ sung quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất “phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường” (Điều 34). 

Đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ nêu trên còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Luật đất đai năm 2003 chỉ có 2 điều (Điều 42 và 43) quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Vì vậy, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã dành 2 mục với 19 điều (từ điều 72 đến điều 90) để quy định cụ thể về vấn đề này. Đây cũng là một trong những nội dung đổi mới của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì dự thảo vẫn còn chung chung, việc giao đất, thu đất... vẫn còn những hạn chế. Một số điểm vẫn chưa làm rõ, thiếu giải pháp cụ thể, cần sửa đổi.

Theo ông Nguyễn Văn Phan, Phó Văn phòng Hội Nông dân Việt Nam, dự thảo mới chỉ quy định việc khuyến khích đầu tư vào đất đai tại Điều 8, nhưng chưa có điều nào quy định về quyền của người sử dụng đất đã đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật.. Do vậy, Luật đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ quyền của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.

Góp ý vào khoản 2, điều 159, ông Phan cũng cho rằng Dự thảo luật mới chỉ quy định nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng. Do vậy, Luật cũng cần quy định rõ quyền của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, nhiều ý kiến góp ý Luật nên tách việc thu hồi đất nông nghiệp với các loại đất khác vì đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất của nông dân, vì vậy việc thu hồi và đền bù cũng khác. Việc bồi thường cho nông dân khi Nhà nước hoặc doanh nghiệp thu hồi đất phải đảm bảo cho người dân có đủ điều kiện sống và sản xuất lâu dài với khoản bồi thường đó…

Góp ý khoản 2, điều 7 nêu “Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương,” ông Phạm Xuân Hồng, Phó Ban tổ chức đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và đất chưa sử dụng” vào sau cụm từ “đất chưa cho thuê…tại địa phương”.

Lý giải rõ hơn, ông Hồng cho rằng hiện nay đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng, còn bỏ hoang rất nhiều gây lãng phí, trong khi đó nhiều người có nhu cầu sử dụng thì không có đất.

Góp ý vào khoản 3 mục 2 điều 72, ông Nguyễn Minh Doanh, Phó Ban Dân tộc tôn giáo đề nghị trong Luật lần này Nhà nước định giá đất phải thật công bằng. Định giá đền bù phải được xác lập dựa vào sản phẩm bình quân trên đất đó, tuyệt đối không được áp giá từ trên xuống, rẻ mạt, bất hợp lý như hiện nay.

Ông Doanh cũng đề nghị giá đền bù của tỉnh nào nên để cho tỉnh đó quy định, được Chính phủ phê duyệt, tránh trường hợp giá chênh lệch quá lớn giữa các địa phương. Giá đất khu tái định cư cần thấp hơn hoặc ngang bằng giá đền bù thu hồi đất ở. 

“Việc định giá đất phải lấy mặt bằng chung không nên lấy hệ số theo từng loại đất và phải sát với giá thị trường. Các dự án cần triển khai cùng thời điểm, trên cùng một loại đất nên có chung một khung giá đền bù, cần có đơn vị tư vấn độc lập để việc định giá đất đảm bảo công bằng cho người bị thu hồi đất,” ông Doanh nói./. 

Hùng Võ 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo