Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Những “nguyên tắc vàng” trong thu hồi đất

Những “nguyên tắc vàng” trong thu hồi đất

Viết email In

Công tác thu hồi đất còn nhiều bất cập khiến nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, xảy ra tình trạng thu hồi đất dây dưa, khiếu kiện khiếu nại kéo dài, khiếu kiện tập thể...

Trong quá trình phát triển xã hội nói chung, từng vùng miền hay mỗi thành phố nói riêng việc thu hồi đất để phục vụ cho lợi ích chung là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, thu hồi đất không đơn giải là chỉ “lấy lại đất” theo nghĩa đơn giản nhất của nó mà nó liên đới đến nhiều vấn đề khác như vấn đề công bằng xã hội, ổn định xã hội, vấn đề sinh thái, phúc lợi xã hội, liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thậm chí nó còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Bởi đất đai không chỉ là tài sản, tư liệu sản xuất mà còn là sự gắn kết xã hội, tinh thần xã hội, văn hóa xã hội thậm chí là vấn đề tâm linh.

Chính lẽ đó, công tác thu hồi đất cần phải vừa hợp lí, vừa hợp tình; vừa phù hợp với quy luật thị trường nhưng cũng phải phù hợp với truyền thống, đạo đức, văn hóa của từng địa phương, khu vực thậm chí từng con người gắn bó với nó.

Thu hồi đất không gắn với quy hoạch vừa gây lãng phí chung cho xã hội vừa tổn hại đến tài sản, tinh thần của người bị thu hồi; vừa gây nên sự bất công bằng cho xã hội, mất lòng tin trong nhân dân.

Trong thời gian qua, nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư mà xuất phát điểm là công tác thu hồi đất còn nhiều bất cập (về lí luận lẫn thực tiễn) khiến nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, xảy ra tình trạng thu hồi đất dây dưa, khiếu kiện khiếu nại kéo dài, khiếu kiện tập thể...

Xuất phát từ thực tế đó, theo chúng tôi, công tác thu hồi đất đai cần phải tuân thủ những nguyên tắc vàng sau đây:

1. Dĩ nhân vi bản

Nhà nước của chúng ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Do vậy, trong hầu hết các chính sách phát triển kinh tế xã hội, chúng ta cần nhấn mạnh và tôn trọng đến nguyên tắc “dĩ nhân vi bản”, tức là xem trọng yếu tố con người, lấy con người làm mục tiêu của sự phát triển, tức “dân làm gốc”, lợi ích chính đáng của người dân cần phải được bảo đảm và là điều kiện tiên quyết. Người dân có quyền tham gia vào các lĩnh vực và hoạt động tương quan để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình đồng thời thỏa mãn về nhu cầu phát triển và sinh tồn của chính bản thân họ. Đối với công tác thu hồi đất, người dân được quyền tham gia đóng góp những ý kiến, kiến nghị, yêu sách, thậm chí đưa ra những đối sách phù hợp với bản thân, cộng đồng mà họ đang sống. Về phía cơ quan hữu quan, trong quá trình thu hồi đất luôn chú ý đến nhu cầu, lợi ích, quyền lợi của cư dân; hạn chế tối đa những biến cố trong vấn đề thu hồi đất của người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương.

2. Điều hòa lợi ích của cá nhân, tập thể và quốc gia

Thực tiễn đã chỉ ra rằng, trong quá trình thu hồi đất để phục vụ cho mục đích quốc gia, nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi phải giao đất lại cho Nhà nước để phục vụ cho công việc chung thì nơi đó hạn chế tối đa những xung đột (nhất là xung đột về lợi ích) và công tác thu hồi đất sẽ “suôn sẻ”, “xuôi chèo mát mái”, thậm chí người bị thu hồi đất cảm thấy “được” nhiều hơn là mất. Nói cách khác, khi giải quyết hợp lí và điều hòa được lợi ích giữa cá nhân, tập thể và quốc gia thì công việc suôn sẻ (thậm chí người dân hiến thêm đất, không kì kèo, dây dưa...). Công tác đền bù sẽ thuận lợi và “hợp tình hợp lí” khi các lợi ích này được điều hòa: người dân “không cảm thấy thua thiệt”; cộng đồng “không cảm thấy mất mát” (mất mát về những giá trị văn hóa, văn vật - văn hiến, những giá trị cộng đồng, giá trị tôn giáo, tín ngưỡng...) và Nhà nước cũng được lợi.

3. Phải tiết kiện tối đa nguồn tài nguyên đất, quy hoạch hợp lí tài nguyên đất và rừng

Nhìn lại những năm gần đây, chúng ta đã khai thác quá mức nguồn tài nguyên đất, tài nguyên rừng khiến phát sinh nhiều hệ lụy xã hội mà nhiều năm sau vẫn không thể khắc phục được như lũ lụt, sạt lở đất đá, phá hủy rừng... đây chính là bài học nhãn tiền chúng ta phải đối diện. Do đó, trong công tác quản lí tài nguyên đất hiện nay chúng ta cần phải nâng cao ý thức về quản lí chặt chẽ nguồn tài nguyên này. Tránh trường hợp thu hồi đất của người nông dân nhưng không sử dụng (hoặc sử dụng không đúng mục đích), rốt cuộc người nông dân mất đất, thất nghiệp nhưng chính mảnh đất bị thu hồi đó thì bỏ hoang hoặc bị người khác trục lợi, gây nên sự lãng phí chung cho xã hội và phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác.

4. Điều hòa giữa bảo vệ môi trường sinh thái với khai thác và sử dụng tài nguyên, chú ý đến phát triển bền vững

Phát triển bền vững đã và đang trở thành thành tố cơ bản trong triết lí phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Khai thác quá mức quỹ đất (bao gồm cả đất rừng, đất trồng cây lâu năm) mà không có tầm nhìn chiến lược trong công tác quy hoạch thì cái giá phải trải cho tương lai là hết sức nghiêm trọng. Chính lẽ đó, việc quyết định thu hồi (hay không thu hồi) đất và mục đích của việc thu hồi đó cần phải cân nhắc giữa cái trước mắt với cái lâu dài, giữa cái lợi và cái hại và luôn phải ý thức được yếu tố môi trường sinh thái, bởi không thể gọi là phát triển bền vững khi chỉ chú ý đến phát triển mà không chú ý đến môi trường.

5. Phải có quy hoạch hợp lí với từng vùng miền

Thực tiễn đã cho thấy, nhiều địa phương tiến hành thu hồi đất hết sức ngẫn hứng nếu không muốn nói là tùy tiện. Thu hồi đất của người dân mà không biết việc thu hồi đó nhằm mục đích gì (Tiên Lãng là một ví dụ), việc thu hồi đó có gắn với một quy hoạch phát triển cụ thể nào ở hiện tại hay trong tương lai hay không. Chỉ biết lấy đất để “sau này giảm bớt tiền đền bù” quả thật là một ý nghĩ “dĩ quan vi bản” hay nói thẳng ra là một cách nghĩ ấu trĩ, thiếu trách nhiệm. Thu hồi đất không gắn với quy hoạch vừa gây lãng phí chung cho xã hội vừa tổn hại đến tài sản, tinh thần của người bị thu hồi; vừa gây nên sự bất công bằng cho xã hội, mất lòng tin trong nhân dân.

ThS. Phạm Đi (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo