Thủy điện phát triển quá nóng: Nhiều hệ lụy

Thứ ba, 08 Tháng 5 2012 08:37 Lao Động
In

Việc phát triển thủy điện tràn lan thời gian qua đã bộc lộ những bất ổn, hậu quả xấu. Cần xem xét lại toàn diện, đảm bảo phát triển bền vững, có sự tham gia của nhiều phía từ quy hoạch cho đến công nghệ, vận hành, vì lợi ích chung, công bằng cho cả nhà đầu tư, người dân và kinh tế - xã hội đất nước trong kế hoạch phát triển thủy điện.

Đó là thông điệp từ hội thảo "Phát triển thủy điện bền vững – các bài học và khuyến nghị" do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 7/5 tại Quảng Nam - nơi xảy ra sự cố thủy điện Sông Tranh 2.

Phát triển quá nóng

Theo TS Đào Trọng Hưng - thành viên Mạng lưới sông ngòi VN - nước ta có lợi thế lớn về phát triển TĐ, với 2.360 sông dài hơn 10km, có 9 hệ thống sông lưu vực rộng hơn 10.000km2. Hiện có cả ngàn TĐ trên cả nước, đóng góp khoảng 37,1% tổng năng lượng điện quốc gia, đem lại lợi ích quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia. GS-TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi VN - cho rằng, có sự "leo thang" về công suất TĐ, trước năm 1975 trên 300MW, đến năm 2010 là 9.200MW, quy hoạch phát triển đến năm 2020 là 17.400MW. Trong đó, những TĐ vừa và nhỏ sau năm 1995 có đến 800 dự án, riêng Quảng Nam có đến 50 dự án thủy điện, 7 dự án TĐ đầu tư trên sông Thu Bồn. Tuy nhiên, trên thực tế sau một khoảng thời gian phát triển, nhiều dự án TĐ đã làm nảy sinh những vấn đề bất cập liên quan đến môi trường, đất rừng, đất sản xuất, thay đổi thủy văn các sông ngòi, gây rung chấn kích thích, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội.

"Phát triển thuỷ điện đã làm mất rừng, ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học, mất đất sản xuất, xói mòn, bồi lắng lòng hồ, trong đó mạng lưới sông ngòi bị thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu, chia nước lưu vực, biến dạng địa mạo ven bờ vùng cửa sông, gây địa chấn - động đất..."

TS Đào Trọng Hưng

Theo TS Đào Trọng Hưng: "Phát triển TĐ đã làm mất rừng, ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Mất đất sản xuất, xói mòn, bồi lắng lòng hồ. Trong đó mạng lưới sông ngòi bị thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu, chia nước lưu vực, biến dạng địa mạo ven bờ vùng cửa sông, gây địa chấn - động đất. Tác động xấu đến hệ sinh thái thủy vực. Ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt gây mất rừng nghiêm trọng. TĐ như ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), người ta cứ chuyển đổi để lấy dần từng 100ha rừng, tổng cộng nhiều lần lấy mất đến 400ha rừng. Theo ước tính trung bình, để làm 1MW điện phải mất đến 16ha rừng. Đến nay có đến 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng, mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia cõng 2,5 dự án TĐ. VQG Cát Tiên có 6 dự án, Hoàng Liên có 6 dự án, khu bảo tồn Sông Tranh có 7 dự án...".

Hổng từ nhiều phía

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, nguyên nhân của những hệ lụy từ TĐ là do những bất cập trong công tác quản lý xây dựng và vận hành các công trình này. Mạng lưới TĐ phát triển quá nóng, nhưng nhiều yếu tố liên quan lại không theo kịp đà phát triển này. GS - TS Vũ Trọng Hồng nói: "Không ai dám đảm bảo đập TĐ an toàn tuyệt đối cả. Nhiều TĐ sau mấy mươi năm xảy ra sự cố, trên thế giới hàng chục trường hợp như vậy. Ngay cả hồ Trị An tốt như vậy mà sau này dưới nền vẫn còn bùn tiềm ẩn. Hiện nay nhiều TĐ xây dựng theo công nghệ bêtông đầm lăn, như TĐ Sông Tranh 2. Nhưng đập TĐ được xây dựng bằng bêtông đầm lăn đến nay chưa có ai duyệt cả, đưa vào VN chưa qua thử nghiệm! Chưa hề có quy chuẩn và tiêu chuẩn nào cả! Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương không trả lời được vấn đề này sau sự cố Sông Tranh 2". Điều GS - TS Hồng nói được minh chứng rõ ràng qua sự cố TĐ Sông Tranh 2, hiện đang ký hợp đồng với phía Trung Quốc để khắc phục. TS Lê Anh Tuấn - Đại học Cần Thơ - cũng cho rằng, cần xem xét lại việc sử dụng công nghệ Trung Quốc hoặc chí ít cũng phải xem xét lại hợp đồng với phía Trung Quốc. Bởi, theo thống kê ngay tại Trung Quốc thì đã có đến 40% số TĐ xây dựng công nghệ bêtông đầm lăn không an toàn, ở ngay nước họ đã vậy, huống hồ là xuất khẩu sang ta.


Các nhà khoa học khảo sát TĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) ngày 6/5
 

Ngoài ra, hơn 90% số TĐ trong cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ vào mùa mưa và điều tiết nước cho vùng hạ du vào mùa khô hạn. Ở Quảng Nam, vào mùa mưa lũ năm 2009 và 2011, công trình thủy điện A Vương và Sông Tranh 2 đã xả lũ không theo quy trình gây lũ lớn, thiệt hại nặng về người và tài sản. Hiện tại, mặc dù mới đầu mùa khô hạn nhưng thủy điện Đăk Mi 4 Quảng Nam không chịu xả nước về dòng Vu Gia, khiến gần một triệu người dân TP.Đà Nẵng khốn khổ vì nguồn nước bị nhiễm mặn. Theo quy định, trung bình mỗi ngày thủy điện Đăk Mi 4 phải xả 25m3/s, thế nhưng hiện tại đơn vị quản lý khư khư giữ nước để phát điện.

Tai hoạ đang đến!

Lấy thủy điện Sông Tranh 2 làm ví dụ, GS - TS Hồng cho rằng, cần quan tâm đặc biệt của cả quy trình để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Ông đề xuất chủ đầu tư TĐ Sông Tranh 2 cần nghiêm túc đánh giá lại sự ổn định của đập, nhất là phía vai đập; xây dựng quy trình tích nước, xả lũ công trình. Chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, phòng ngừa thảm hoạ trong tình huống sự cố vỡ đập xảy ra. Nếu không xử lý dứt điểm sự cố rò rỉ ở đập Sông Tranh 2 thì tuổi thọ công trình bị rút ngắn. Ông Hồng nói một cách đầy hình tượng: "Đừng nghĩ rằng dòng nước rò rỉ nhỏ mà không đặt mối quan tâm lớn để khắc phục rốt ráo. Chớ coi thường dòng nước nhỏ từ thân đập vì đây là tai hoạ đang đến". Ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng: "Khai thác tiềm năng thủy điện dồi dào sẽ mang lại nguồn lợi lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng quá trình xây dựng và vận hành các TĐ, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh không được giải quyết thấu đáo trên cơ sở các căn cứ khoa học vững chắc sẽ để lại nhiều hậu quả xấu".

Hội thảo kết thúc vào chiều 7/5 với thông điệp: Kế hoạch phát triển TĐ của Nhà nước cần đưa ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế phát triển tràn lan, giảm thiểu tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái các dòng sông, văn hoá cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ hôm nay và mai sau.

Thanh tra các dự án thủy điện tại 9 tỉnh. Thông tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường ngày 7/5 cho biết, trong năm 2012 sẽ thanh tra các dự án thuỷ điện tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đắc Nông, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Cụ thể, sẽ có 3 đoàn thanh tra thực hiện 2 nội dung thanh tra là công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường liên quan đến các dự án thủy điện và các vấn đề về tài nguyên môi trường ở các dự án thủy điện. Kết quả thanh tra sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất quản lý phù hợp và sửa đổi, bổ sung các chế định pháp luật nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong phát triển thủy điện. Các đoàn thanh tra sẽ được thành lập trước ngày 30.5 và hoàn thành công tác thanh tra ở các địa phương trước ngày 30/10. (ĐT)

Hội thảo ngày 7/5 tại Quảng Nam thu hút đông đảo các nhà khoa học đến từ các Viện Vật lý Địa cầu, Hội Thủy lợi VN, Hiệp hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước VN, Mạng lưới sông ngòi VN, các nhà quản lý và đại biểu của một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam. Hầu hết các vấn đề liên quan đến phát triển TĐ ở nước ta từ quy hoạch, công nghệ, xây dựng, vận hành, sự cố, ảnh hưởng môi trường, TĐC cho dân... đều được mổ xẻ, phân tích từ nhiều phía. (TT)

Trương Tâm Thư


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: