Ashui.com

Sunday
Sep 08th
Home Tương tác Phản biện Đầu tư kết cấu hạ tầng TPHCM: Tồn tại và các giải pháp định hướng

Đầu tư kết cấu hạ tầng TPHCM: Tồn tại và các giải pháp định hướng

Viết email In

Sau Nghị định 93 phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010” đã được ban hành ngày 18/1/2002, như luồng gió mới tiếp sức cho TPHCM trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành phố. Nhiều cơ chế chính sách mới đã được đề xuất thí điểm và vận dụng, tạo tiền đề để phát huy tiềm năng và thế mạnh của thành phố.

Sau thời kỳ khôi phục và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng TPHCM (1996-2005), cũng từ Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị, TPHCM đã tập trung đẩy nhanh tiến độ nhằm từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ hóa. Trong 10 năm qua, có thể thấy rõ sự nỗ lực của chính quyền thành phố thông qua các sự kiện như: thành phố đã quy hoạch và tìm vốn để đầu tư lần lượt 6 tuyến tuyến metro (hiện tại đang đầu tư tuyến số 1) để góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông về lâu dài. Thành phố đã và đang đang nghiên cứu ngầm hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng điện, nước, viễn thông, kể cả các công trình ngầm; đang nghiên cứu phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT) nhằm thu hút người dân tham gia vận tải hành khách công cộng.

Bên cạnh hoàn thành tuyến đường xa lộ, như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông Tây; thành phố đang nghiên cứu đầu tư các trạm thu phí tự động nhằm hiện đại hóa công tác thu phí trên các tuyến đường.Thành phố cũng đang di dời cảng biển ra ngoài nội thành, tạo điều kiện để hiện đại hóa và nâng hiệu quả hiệu quả các hoạt động dịch vụ cảng biển. Một trong những công trình gần đây nhất là thành phố đã hoàn thành hầm vượt sông Thủ Thiêm (theo công nghệ Nhật bản), phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm Quận 2, đang cải tạo và xử lý ô nhiễm kênh Nhiêu lộc Thị Nghè, tách ra 2 hệ thống nước thải và nước mưa như hệ thống thoát nước của các nước đã phát triển ; chỉnh trang hai bên bờ kênh, tăng mỹ quan đô thị. Những kết quả trên cho thấy thành phố từng bước đang chuyển sang thời kỳ hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố.

Tồn tại và nguyên nhân 

Bên cạnh các thành tựu đạt được, thành phố vẫn còn nhiều bất cập phát sinh trong quá trình phát triển, nhất là công tác đồng bộ hóa hệ thống kết cấu hạ tầng như Nghị quyết 20 đã đề ra.

Một là, trong quá trình phát triển, đôi lúc thành phố chưa chú trọng “đồng bộ hóa” đối với đầu tư kết cấu hạ tầng cùng lúc một lúc cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Về nguyên tắc, thành phố cần phải đầu tư đầy đủ các thành phần, các ngành/ lĩnh vực có liên quan về kết cấu hạ tầng để phát huy tác dụng liên hoàn giữa các dự án hạ tầng với nhau (ví dụ: phải đầu tư đầy đủ thành phần như đường, điện, cấp nước, thoát nước, bưu chính viễn thông...) trên một địa bàn, trong đó hạ tầng giao thông phải ưu tiên xây trước.

Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua cho thấy, khi xây dựng khu dân cư mới hoặc các tuyến đường mới, thành phố đã chưa chú trọng bố trí hào kỹ thuật để dùng chung cho ngành điện, cấp nước, bưu chính viễn thông..., nên đã xảy ra tình trạng đào đi, đào lại, gây lãng phí và làm hư hỏng mặt đường, chưa kể mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hai là, thành phố chưa chú trọng việc “đồng bộ hóa” trong phạm vi đầu tư hạ tầng của từng ngành, từng lĩnh vực. Chẳng hạn như ngành cấp nước, do chỉ tập trung đầu tư nguồn cấp nước (xây thêm nhà máy nước) nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đầu tư mạng lưới ống cấp nước (các loại đường ống), nên dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước hiện nay là khá cao (gần 40%). Đối với ngành giao thông, do cũng chưa đầu tư đồng bộ các loại hình giao thông như đường sắt (nội đô), đường bộ, đường thủy theo hướng phát triển đa phương thức, nên phát huy hiệu quả của toàn ngành giao thông vận tải nhìn chung còn hạn chế. Khi đầu tư giải quyết chống ngập (hạ tầng thoát nước) cũng xảy ra tương tự.

Do thiếu vốn, nên thành phố chưa thể đầu tư đồng bộ giữa giải quyết thoát nước mưa (cải tạo và lắp đặt mới hệ thống cống thoát) đồng thời với công tác giải quyết nước triều dâng (xây dựng một hệ thống đê bao hoàn chỉnh), nên dẫn đến kết quả là chưa giải quyết dứt điểm vấn đề ngập úng cho toàn thành phố. Điều này cho thấy đồng bộ hóa hệ thống kết cấu hạ tầng là điều kiện rất tiên quyết hiện nay.

Ba là, thành phố cũng chưa chú trọng “đồng bộ hóa” đối với đầu tư hạ tầng trong phạm vi của từng dự án. Về nguyên tắc, các hợp phần của dự án phải được triển khai đầu tư song song, không chờ xong hợp phần này, mới đầu tư hợp phần khác, để phát huy hiệu quả của công trình. Tuy nhiên, vừa qua, khi xây dựng Cầu Phú Mỹ, do chưa đồng bộ hóa các hợp phần, nên đã xảy ra hiện tượng thiếu đường dẫn, sau khi cây cầu đã xây dựng xong, nên làm hạn chế rất lớn đến hiệu quả khai thác của công trình sau khi hoàn thành, ảnh hưởng đến kết quả thu phí và mô hình BOT, gây ra lãng phí rất lớn.  

Từ các bất cập nêu trên cho thấy, có một số nhóm nguyên nhân chính cần xác định như sau:

1. Xét về quá trình phát triển kết cấu hạ tầng, chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề ngầm hóa (đồng bộ để nhiều ngành dùng chung) nên dẫn đến sự phối hợp sử dụng và khai thác giữa các ngành hạ tầng chưa hiệu quả. Trong khâu triển khai và đầu tư dự án, chúng ta chưa tuân thủ đúng theo trình tự đầu tư, là ưu tiên đầu tư hạ tầng khung đi trước trong quá trình phát triển đô thị, nên đã dẫn đến việc phát triển nhà ở lại đi trước hạ tầng, nên buộc phải tiến hành chỉnh trang, nâng cấp về sau rất tốn kém, mà hiện nay Chương trình nâng cấp đô thị đang phải nỗ lực để giải quyết.

Bên cạnh đó, do chúng ta chưa đa dạng hóa thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng nên nguồn vốn ngân sách đang bị áp lực rất lớn hàng năm. Đồng thời, chúng ta còn chưa chú trọng công tác quản lý và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hiện có, chưa tận dụng khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng một cách hiệu quả để tạo nguồn thu, nên đã gây lãng phí... Đây là các định hướng lớn để xem xét đề xuất các hành động giải quyết về sau.

2. Xét riêng công tác quản lý, do việc phân công quản lý về hạ tầng đô thị còn chồng chéo trong thời gian qua, đã làm giảm rất lớn hiệu quả sử dụng khai thác. Chẳng hạn như theo phân cấp hiện nay, một tuyến đường lại trực thuộc khá nhiều đơn vị quản lý khác nhau, như Sở GTVT quản lý lòng đường (các khu Quản lý giao thông đô thị); Quận huyện quản lý vỉa hè; Công ty Điện lực, Tổng Công ty Cấp nước, các công ty viễn thông quản lý các công trình tiện ích; Công viên cây xanh quản lý mãng xanh đường phố v.v… Điều này cũng làm ảnh hưởng sự phối hợp trong công tác duy tu bảo trì và nhất là chưa khai thác hiệu quả, nhất là trên các tuyến đường xây mới.

Trong khi đó, Trung ương lại chưa có chính sách về phân cấp quản lý hạ tầng đô thị cho chính quyền ở các đô thị nhằm tăng tính chủ động cho các chính quyền ở đô thị (hiện nay quản lý hạ tầng đô thị cơ bản vẫn giống nhau ở các tỉnh và thành phố). Như vậy, phân công quản lý chưa hợp lý đã ảnh hưởng đến tính đồng bộ trong khai thác vận hành.

3. Cũng xét về cơ chế quản lý và phối hợp đầu tư, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một cơ chế “nhạc trưởng vùng” chuyên trách về phát triển kết cấu hạ tầng của từng vùng đô thị lớn (như vùng Kinh tế trọng điểm phía nam), gắn với chương trình hành động cụ thể trung và dài hạn nhằm đảm bảo cơ chế thống nhất chỉ huy phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, xuyên suốt, hạn chế hành động rời rạc, “dẫm chân” lên nhau trong phạm vi toàn vùng, do vậy, chưa đảm bảo phát huy được vai trò, lợi thế của từng địa phương trong vùng. Vì vậy, quản hệ thống kết cấu hạ tầng, rất cần một cơ chế đặc thù này trong phạm vi ranh giới vùng đô thị TPHCM, để triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả.

4. Cũng xét về cơ chế quản lý và đầu tư, hiện nay vẫn còn “tư duy nhiệm kỳ” trong tổ chức thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng, trong khi yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng tại các đô thị lớn buộc phải có chương trình dài hạn tối thiểu 3 nhiệm kỳ trở lên để đảm bảo tính kế thừa và phát triển, không gián đoạn. Điều này làm hạn chế hiệu quả của các công trình kết cấu hạ tầng mang tầm cỡ trung và dài hạn.

Đề xuất những giải pháp định hướng

Dựa trên những phân tích các nhóm nguyên nhân nêu trên, có thể đề xuất các giải pháp định hướng để thực hiện chủ trương đồng bộ hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, theo các nhóm giải pháp chủ yếu như sau:

1. Nhóm giải pháp về cải thiện công tác lập quy hoạch và xây dựng dự án:

Trong thời gian tới, cần chú trọng đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đồng bộ hóa trong nội bộ ngành và của từng dự án. Quy hoạch kết cấu hạ tầng cần có tầm nhìn dài hạn (20-30 năm) và nhất là giải quyết tồn tại về vấn đề “tư duy theo nhiệm kỳ”. Các đồ án quy hoạch cần xây dựng một kế hoạch phân bổ nguồn vốn dài hạn và liên tục, để khóa sau có thể tiếp nối các khóa trước, trong công tác đầu tư các hệ thống kết cấu hạ tầng trọng yếu (nhất là lĩnh vực giao thông vận tải).

2. Nhóm giải pháp về cải thiện công tác triển khai và đầu tư dự án:

Cần xây dựng một cơ chế kiểm tra giám sát khi triển khai thực thi quy hoạch phát triển các khu dân cư mới, nhằm đảm bảo khung hạ tầng kỹ thuật đi trước. Việc kiểm tra giám sát “đầu ra” các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng khu dân cư, đô thị mới là rất cần thiết, tránh tình trạng chủ đầu tư chỉ lo xây nhà để bán, trong khi mạng lưới kết cấu hạ tầng chưa được xây dựng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những nhóm cư dân đầu tiên đến sinh sống tại các khu này.

3. Nhóm giải pháp về cải thiện công tác quản lý và khai thác sau khi đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng:

Do bất cập hiện nay rất nhiều ở khâu quản lý, do vậy, đây là nhóm giải pháp cần ưu tiên đặt ra giải quyết. Trước tiên, cần giải quyết mối quan hệ phối hợp trong công tác đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trên phạm vi toàn vùng đô thị TPHCM, thông qua một bộ máy hoặc cơ chế điều phối lâu dài. Đặc biệt là, cho đến nay, quỹ kết cấu hạ tầng của thành phố là rất lớn; do vậy, cần lập chương trình quản lý đầy đủ và khai thác một cách hiệu quả nhất quỹ hạ tầng hiện có này. Cần tận dụng vừa bảo trì, vừa khai thác các công trình để tạo nguồn thu, qua đó hạn chế bớt nguồn ngân sách bỏ ra để bảo trì và vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng này là rất lớn. 

Tóm lại, nhìn lại 10 năm từ lúc triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010”, chủ yếu trong lĩnh vực phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, chúng ta cần đúc kết những bài học trong quá trình phát triển vừa qua và qua đó, định hướng một số giải pháp trọng tâm, ưu tiên chú trọng nhiều hơn trong thời gian tới.   

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo