Theo dự báo của các tổ chức trên thế giới và các chuyên gia về biến đổi khí hậu (BĐKH), Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tổn thương do BĐKH đến TPHCM được đánh giá là nghiêm trọng hơn cả trên phạm vi cả nước do là nơi tập trung dân số đông nhất và mức độ đầu tư hạ tầng rất cao đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang có kế hoạch phấn đấu trở thành một trong những thành phố tầm cỡ quốc tế của khu vực Đông Nam Á. Có thể nói biến đổi khí hậu là nguy cơ thiên tai lớn nhất từ trước đến nay của TPHCM.
Tuy nhiên, vấn đề BĐKH còn rất mới mẻ, chưa được nhìn nhận sâu sắc và triển khai cụ thể. Hiện nay, vấn đề phát triển ở tầm vĩ mô của thành phố đang được nghiên cứu định hướng để điều chỉnh thông qua 2 cơ sở pháp lý quan trọng, đó là: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng thành phố. Các công tác quy hoạch được tiến hành lập trước đây và dĩ nhiên chưa xem xét kỹ những ảnh hưởng của BĐKH cũng như lồng ghép vào nội dung quy hoạch. Phần dưới đây phân tích nhanh những lĩnh vực, nội dung chủ yếu được xác định bị tác động khi tình hình BĐKH đang có chiều hướng gia tăng nhưng cũng đang được nhà nước quan tâm chỉ đạo ứng phó, thích nghi.
Tác động của Biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế
Về công nghiệp:
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm công nghiệp lớn với nhiều ngành nghề quan trọng và đặc biệt có một bộ phận quan trọng của đầu tư nước ngoài tại đây. Về diện tích phân bố công nghiệp, thì đa phần các doanh nhiệp lớn và vừa đều nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
Mô hình phát triển công nghiệp TPHCM từ nay đến năm 2025 dựa trên 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóadược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm) và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng. Về phân bố không gian lãnh thổ, thành phố quy hoạch phát triển 22 khu chế xuất – khu công nghiệp với tổng diện tích 5.918 ha, quy hoạch phát triển khu công nghệ cao với tổng diện tích 913 ha, Công viên phần mềm Quang Trung diện tích 43 ha, quy hoạch các cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.900 ha. Tổng diện tích đất cho phát triển các khu chế xuất – khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến năm 2020 là 8.774 ha.
Biến đổi khí hậu theo kịch bản xấu nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (diện tích ngập chiếm 23% diện tích đất tự nhiên) thì sẽ có nhiều khu công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hầu hết các khu công nghiệp đều bị ngập nặng, thấp nhất là trên 10% diện tích, cao nhất là đến 67% diện tích, KCN Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè nằm bên cạnh sông Nhà Bè thuộc vùng ảnh hưởng mạnh của triều biển Đông, nên khả năng bị ngập rất cao và một số KCN bị ảnh hưởng đáng kể khác như KCN Phong Phú, KCN Lê Minh Xuân, Khu Công nghệ cao.
Tương tự, tham khảo một kịch bản khác được xây dựng bởi các chuyên gia ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thì phần lớn các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy, biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến các khu công nghiệp đang hoạt động bởi tình trạng ngập lụt và thu hẹp diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp.
Nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và dệt da, may mặc vốn là một trong những ngành chủ lực sẽ có một sự suy giảm đáng kể, thậm chí cạn kiệt vì không được tiếp ứng từ các vùng nguyên liệu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này càng gây sức ép lớn đến việc chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp: loại hình công nghiệp, tỷ lệ công nghiệp chế biến, công nghệ cao.
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản:
Nông nghiệp ở TP.HCM chiếm một tỷ trọng không lớn trong cơ cấu GDP của thành phố, tuy nhiên diện tích đất nông nghiệp vẫn còn khoảng 120.000 ha. Theo kịch bản biến đổi khí hậu lạc quan nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (6,3% diện tích đất tự nhiên của thành phố bị ngập lụt) thì vùng sản xuất nông nghiệp của thành phố sẽ chịu tác động ít nhất so với các kịch bản còn lại. Vùng sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh và một phần huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi.
Biến đổi khí hậu theo kịch bản xấu nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (diện tích ngập chiếm 23% diện tích đất tự nhiên) thì hầu hết vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, một phần huyện Củ Chi, Cần giờ sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này vùng sản xuất nông nghiệp còn lại của thành phố chủ yếu là huyện Củ Chi và một phần huyện Cần Giờ.
Tác động của biến đổi khí hậu đến mô hình sản xuất nông nghiệp TPHCM thể hiện qua các khía cạnh sau:
- Phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị ngập lụt, bị xâm nhập mặn dẫn đến sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp.
- Cây trồng, vật nuôi phát triển theo mô hình nông nghiệp đô thị bị ảnh hưởng. Huyện Bình Chánh được quy hoạch vùng trồng cây kiểng lâu năm lớn nhất của thành phố với quy mô 550 ha vào năm 2025.
- Rừng bị ảnh hưởng;
Dịch vụ:
Mô hình phát triển dịch vụ TPHCM dựa trên 9 nhóm ngành dịch vụ cao cấp (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo). Phần lớn các ngành dịch vụ tập trung ở các khu vực trung tâm hiện hữu của thành phố. Quy hoạch phát triển dịch vụ luôn gắn kết với quy hoạch phát triển đô thị. Thành phố đã quy hoạch phát triển các khu đô thị quy mô lớn như Khu đô thị Tây – Bắc thành phố, khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Biến đổi khí hậu theo kịch bản xấu nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (diện tích ngập chiếm 23% diện tích đất tự nhiên) thì khu vực trung tâm thành phố (là trung tâm đầu não của các ngành dịch vụ) ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số khu đô thị dễ bị ảnh hưởng, như khu đô thị phía Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm… dẫn đến các ngành dịch vụ, xây dựng … cũng chịu ảnh hưởng.
Tác động của Biến đổi khí hậu đến phát triển xã hội
Ảnh hưởng ở khía cạnh xã hội sẽ rất dễ nhận thấy vì BĐKH tác động đến gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế chính yếu, dự báo có thể làm thay đổi nhiều qui trình, hình thức, công đoạn sản xuất kinh doanh … và thay đổi luôn cả những điều kiện sống của một bộ phận không nhỏ những người dân thành phố. Một vài nội dung có thể được nêu ra trước mắt như sau:
Biến động về dân cư – nhà ở:
Tuy chưa có những đánh giá cụ thể về tính tổn thương nhưng nhìn trên tổng thể, có thể nói rằng, sẽ có một sự co cụm dân cư về khu vực nội thành cũ, vốn dĩ là một vùng đất cao so với những vùng còn lại. Những quận như Quận 8, Quận 7, huyện như Bình Chánh, Nhà Bè, và Cần Giờ cần có giảm mạnh về quy mô dân số.
Một hiện tượng được dự báo diễn ra khi có tác động mạnh của BĐKH là sự dịch chuyển dân cư. Hiện nay dự báo giai đoạn 2011-2020, đang có xu hướng chuyển dịch dân số từ khu vực trung tâm nội thành cũ sang các khu vực nội thành mới là quận 2, 7 9, 12, Thủ Đức và ngoại thành (khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh,…) do sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng như các đường vành đai, các tuyến tàu điện ngầm sẽ giúp kết nối các khu vực dân cư với khu trung tâm thương mại nội thành cũ và tình trạng giá đất tại khu vực nội thành cao. Nay kết hợp thêm với yếu tố BĐKH, sự dịch chuyển còn có thể mạnh hơn do các khu vực cao sẽ thu hút các dự án phát triển đô thị thay thế dần cho các vùng trũng thấp.
Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến hầu hết tất cả lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Vùng ảnh hưởng không gói gọn trong phạm vi thành phố, mà còn tại các tỉnh thành trong khu vực Nam bộ. Với những tác động của biến đổi khí hậu trên diện rộng về địa lý và lĩnh vực, trong đó rõ nét ở khu vực ven bờ hoặc lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có sự dịch chuyển lao động, dân cư đến khu vực có hoạt động kinh tế thuận tiện, ổn định hơn. Điều này ảnh hưởng không ít đến TP.HCM.
Công tác quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội rất quan trọng, mang tính chiến lược bao gồm việc phân tích, đánh giá hiện trạng các mặt kinh tế, xã hội, đô thị, môi trường và đưa ra định hướng, dự báo các chỉ tiêu phát triển cho giai đoạn sắp tới. Công tác này cần căn cứ vào dữ liệu đa ngành từ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và các dữ liệu kinh tế - xã hội – đô thị - môi trường khác làm cơ sở cho việc quy hoạch.
Với tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, công tác quy hoạch, dự báo phát triển kinh tế xã hội sẽ gặp nhiều trở ngại bởi việc tích hợp các thông số, tiêu chí ứng phó biến đổi khí hậu để điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kinh tế - xã hội là việc rất khó khăn do chưa có cơ sở khoa học cũng như cơ sở pháp lý cụ thể để hướng dẫn thực hiện. Vấn đề này sẽ cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu và cần sự phối hợp của các chuyên gia về quy hoạch, biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác ở trong nước cũng như quốc tế mới có thể thực hiện. Theo Chiến lược quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu vừa được Thủ tướng phê duyệt (tháng 12/2011) thì việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào các quy hoạch chiến lược là hết sức cần thiết, trong đó có công tác quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội.
Y tế - sức khỏe cộng đồng:
Mạng lưới cơ sở vật chất của ngành y tế, cần được xem xét lại. Một số công trình như khu y tế kỹ thuật cao Bình Chánh cần được tính toán. Các bệnh viện, trạm xá nằm trên các địa bàn ngập trủng cần di dời. Việc bố trí lại cơ sở vật chất ngành y tế cần kết hợp với việc quy hoạch lại dân cư. Các khu vực có nguy cơ ngập do nước biển dâng, cơ sở hạ tầng bị “vô hiệu hóa” cần kế hoạch di dời. Làm sao để khả năng tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh của người dân được dễ dàng. Những cơ sở y tế còn có khả năng “bám trụ” cần có những giải pháp như nâng nên, đắp bờ bao,…
Một điều quan trọng nữa là khi tình hình ngập lụt xảy ra rộng lớn trên địa bàn TP thì việc gia tăng dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân nên cần tăng cường năng lực y tế dự phòng và cứu trợ, phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Giáo dục, việc làm:
Tương tự như ngành y tế, ngành giáo dục là ngành phục vụ thiết thực nhu cầu học hành của người dân và con em họ. Việc di dời các trường học, củng cố các trường học để giữ lại hoạt động là hết sức cần thiết. Cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học cần đầu tư để bảo đảm ổn định tránh việc di dời đại trà. Các cơ sở giáo dục tư nhân (phổ thông và đại học) ở những vùng trũng ngập cần có biện pháp để củng cố.
Do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nên số người mất việc làm có nhiều khả năng gia tăng đáng kể. Bộ phận người lao động trong khu vực chính thức (sản xuất công nghiệp. thương mại dịch vụ lớn,…) có thể được tái sắp xếp và bố trí theo xí nghiệp, đơn vị của họ, khả năng mất việc làm có thể xảy ra nhưng mức độ không lớn. Tuy nhiên đối với trong khu vực phi chính thức (lao động tự do, buôn bán, dịch vụ), một số lượng lớn những người hoạt động sẽ bị ảnh hưởng.
Nhìn chung, biến đổi khí hậu sẽ gây tác động tiêu cực đến các khía cạnh xã hội và vấn đề là làm sao ổn định được cuộc sống, công ăn việc làm của người dân Thành phố nói chung và đặc biệt là người dân ở những vùng bị ngập. Trong đó người nghèo sẽ bị tác động nhiều nhất. Dân cư một số vùng của TP HCM đã có một lối sống thích nghi với ngập nước do triều cường ở các vùng Bình Thạnh, Quận 6, Quận 7, quận 8,…bằng cách xây các bờ chắn, ngăn nước vào nhà. Tuy nhiên, để thích nghi với Biến đổi khí hậu trong tương lại, vùng ngập sẽ gia tăng diện tích, thời gian ngập dài thêm, người dân chẳng những cần chuẩn bị tâm lý mà còn phải biết cách “sống chung với lũ”.
Từ góc nhìn của một đơn vị nghiên cứu, tham mưu phát triển cho thành phố, trực tiếp triển khai nghiên cứu đề án quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đề án này, cũng như hàng loạt những chương trình phát triển khác đã bước đầu nghiêm túc xem xét và tính đến tác động của BĐKH nhưng đều chỉ ở mức độ tổng quát. Việc tiếp tục nghiên cứu, nhất là những đánh giá về tính tổn thương của các lĩnh vực tạo tiền đề triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH hay đề xuất điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tiếp theo với một phạm vi rộng hơn, trãi rộng khắp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long sẽ là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM
Tài liệu tham khảo:
- Tài liệu các chuyên đề nghiên cứu về BĐKH: “xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội”, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, 2012.
- Kịch bản BĐKH đối với TPHCM, TS. Nguyễn Kỳ Phùng, 2011
- Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, Bộ TNMT, 2009
- Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, Bộ TNMT, 2010
- Tác động về kinh tế của BĐKH tại Đông Nam Á: báo cáo khu vực, ADB, 2009.
- Đau đầu với các “quan” giao thông
- Quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp 1992 sửa đổi?
- Vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giải quyết ngập lụt tại TPHCM
- Đầu tư kết cấu hạ tầng TPHCM: Tồn tại và các giải pháp định hướng
- Tìm lời giải cho “cổ tích giao thông” Hà Nội
- Giao thông ở Hà Nội: Lề lối ứng xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
- Dự án trung tâm Điều khiển giao thông 3.800 tỉ đồng của TP.HCM
- Vấn đề cư trú: Nếu 62 tỉnh thành khác cũng làm như Đà Nẵng
- Mô hình thị trưởng của Đà Nẵng: Hy vọng và lực cản
- Ngân hàng Xây dựng: có cần lúc này?