Dự án xây dựng trung tâm Điều khiển giao thông thông minh TP.HCM, với tổng mức đầu tư khoảng 187 triệu USD (hơn 3.800 tỉ đồng) dự kiến triển khai từ năm 2012 – 2017 vừa được UBND TP.HCM đề nghị bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét trình Thủ tướng đưa vào danh mục sử dụng nguồn vốn tài trợ ODA của Chính phủ Pháp trong năm 2012.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM đã được đưa vào chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Sở Giao thông vận tải TP.HCM (GTVT) kỳ vọng đây là một giải pháp đột phá của TP.HCM để kéo giảm ùn tắc giao thông. Điều này có khả quan?
Hệ thống đèn giao thông trên đại lộ Võ Văn Kiệt được lắp đặt cách đây chưa lâu (Ảnh: Thanh Hảo)
Gom mọi thứ về một thứ
Theo báo cáo của sở GTVT, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 590 giao lộ có đèn tín hiệu giao thông. Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông trực thuộc Công an thành phố đang quản lý và khai thác điều khiển hệ thống 159 chốt đèn tín hiệu giao thông bao gồm hai dự án: dự án hệ thống đèn tín hiệu giao thông (48 chốt, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, được lắp đặt từ năm 1998 và đưa vào hoạt động khai thác cuối năm 2000); dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị (gồm 11 chốt, sử dụng nguồn vốn vay ODA của ngân hàng Thế giới, được lắp đặt từ năm 2002 và đưa vào sử dụng tháng 6.2005). Hơn 400 chốt đèn tín hiệu giao thông còn lại do các khu Quản lý giao thông đô thị trực thuộc sở GTVT quản lý.
Điều bất cập trong thời gian qua là trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông trực thuộc Công an thành phố và các chốt đèn tín hiệu do các khu quản lý giao thông đô thị đang được vận hành và điều khiển độc lập nhau, chưa kết nối hoặc không thể kết nối thành một hệ thống quản lý chung. Điều này đã dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý hệ thống đèn tín hiệu, công tác tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Vì vậy, rất cần một chiến lược đầu tư lớn, đồng bộ hoá các hệ thống để tăng cường hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí vận hành, tích hợp các hệ thống riêng lẻ thành một hệ thống thống nhất, đồng nhất hoá việc phân cấp quản lý và vận hành cho từng khu vực.
Cái hiện đại gắn trên cái lạc hậu chỉ là lãng phí Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam – SVEC, việc thành phố muốn thực hiện dự án trung tâm Điều khiển giao thông thông minh trong điều kiện hiện nay là chưa đúng lúc. Làm như vậy chẳng khác nào chúng ta lấy công nghệ điều hành hiện đại gắn vào cái nền vốn quá lạc hậu cần phải khắc phục nhiều. Như thế chỉ lãng phí. Việc thành phố cần làm ngay là cải tạo cái nền lạc hậu đó. Trước mắt, thành phố phải nâng cao công tác tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân; đề ra tiêu chuẩn về lộ giới, giao lộ, biển báo một cách rõ ràng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát… |
Sở GTVT dẫn chứng, trên thế giới có nhiều nước kinh tế đang phát triển đã áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) và thu được kết quả và hiệu quả kinh tế cao: “... Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng trong quá trình đô thị hoá, TP.HCM cần áp dụng hệ thống ITS để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại và tạo ra bộ mặt văn minh cho hệ thống giao thông vận tải”.
Theo sở GTVT, một trong những ưu điểm vượt trội làm tăng hiệu quả của ITS là hệ thống này có khả năng tổng hợp các hợp phần hệ thống riêng lẻ như hệ thống quản lý xe buýt, hệ thống thu phí cầu đường điện tử, hệ thống quản lý an toàn giao thông… thành một hệ thống quản lý và điều khiển giao thông vận tải chung của toàn thành phố. Hơn nữa, khi đưa ITS vào hoạt động, sẽ cải thiện hiệu quả năng lực của các loại hình vận tải hành khách công cộng (tàu điện ngầm, xe điện mặt đất, taxi, buýt) làm cho vận tải công cộng trở thành phương án hấp dẫn so với phương tiện cá nhân.
Tích hợp hay bỏ đi?
Theo ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND thành phố – người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ trong ngành giao thông), về lý thuyết thì những ưu điểm của ITS mà sở GTVT TP.HCM đưa ra đều đúng, đây là việc trước sau gì cũng phải làm, nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay TP.HCM có nhất thiết phải làm ngay chưa? Nếu không tính toán kỹ, coi chừng sẽ lãng phí rất lớn.
Việc sở GTVT đưa ra mục tiêu dài hạn của dự án là xây dựng hoàn thiện trung tâm điều khiển giao thông hiện đại trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ tiên tiến nhất hiện nay về hệ thống giao thông thông minh để tích hợp, điều khiển các hệ thống tín hiệu đèn giao thông, hệ thống camera quan sát và biển quang báo điện tử đang tồn tại, hoạt động độc lập trên địa bàn thành phố khó khả thi.
Hệ thống 159 chốt đèn tín hiệu giao thông do trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông trực thuộc Công an thành phố quản lý và khai thác đến nay đã hơn mười năm. “Đối với công nghệ sau mười năm là quá lỗi thời. Như vậy làm sao kết nối. Ở đây chỉ còn cách bỏ hết để đầu tư lại mà thôi”, ông Quân nhấn mạnh.
Khi đặt câu hỏi hiện nay Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có cần phải đầu tư hệ thống ITS, ông Quân đã được một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thế giới trả lời rằng: để đầu tư hệ thống ITS, trước tiên phải tiến hành bốn bước. Thứ nhất, thiết kế giao lộ cho chuẩn. Thứ hai, biển báo phải rõ ràng. Thứ ba, tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông thật tốt. Thứ tư, xử phạt thật nghiêm. Nếu làm được bốn bước trên mới tiến hành làm hệ thống ITS, và khi đó, hệ thống ITS mới phát huy hiệu quả.
“Như vậy, TP.HCM cần phải làm rất nhiều việc trước khi tiến hành xây dựng hệ thống ITS. Nếu cứ đầu tư mà không thoả mãn được bốn điều kiện nêu trên thì rất khó thành công”, ông Quân nói. Hiện Việt Nam vẫn chưa có thiết kế chuẩn cho giao lộ, chưa có thiết kế chuẩn cho hệ thống đèn xanh, đèn đỏ… Vì thế, để tạo tiền đề tốt cho việc xây dựng ITS, nhất thiết TP.HCM phải thúc đẩy bộ GTVT sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn ngành thì sau này khi tiến hành kết nối mới ít bị trục trặc.
Ông Trần Quốc Hùng (Ban An toàn giao thông TP.HCM) cũng cho rằng, những lời khuyên của vị chuyên gia trong lĩnh vực giao thông kể trên đều đúng: “Hiện nay thành phố cũng đang tiến hành nhiều biện pháp để đáp ứng những tiêu chuẩn trên. Hy vọng đến khi dự án hoàn thành các chuẩn trên cũng kịp thời đáp ứng. Như thế mới mong phát huy hiệu quả của dự án một cách cao nhất”.
Đào Lê
- Vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giải quyết ngập lụt tại TPHCM
- Đầu tư kết cấu hạ tầng TPHCM: Tồn tại và các giải pháp định hướng
- Tìm lời giải cho “cổ tích giao thông” Hà Nội
- Tác động của biến đổi khí hậu đến TPHCM nhìn từ góc độ kinh tế-xã hội
- Giao thông ở Hà Nội: Lề lối ứng xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
- Vấn đề cư trú: Nếu 62 tỉnh thành khác cũng làm như Đà Nẵng
- Mô hình thị trưởng của Đà Nẵng: Hy vọng và lực cản
- Ngân hàng Xây dựng: có cần lúc này?
- Chuyển cao ốc văn phòng sang căn hộ: Lợi năm năm, hại lâu dài
- Cần sửa đổi Luật đất đai