Để di sản không bị biến dạng

Chủ nhật, 15 Tháng 1 2012 15:55 Lao Động
In

Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích những năm gần đây luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, bởi nó là một trong những đầu việc quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.

Tuy nhiên, trong hoạt động này, nhiều công trình tu bổ không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ các nguyên tắc khoa học, bị biến dạng, suy giảm giá trị và mất nhiều yếu tố gốc… 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó cơ bản là nguồn nhân lực cho công tác này còn thiếu chuyên nghiệp... Đó cũng là lý do để Viện Bảo tồn di tích và Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích ở VN” vào ngày 10/1 tại Hà Nội.

“Biến dạng” - dễ hiểu

Theo GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản VN: “Về nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích của nước ta, lẽ ra họ phải được tập huấn, bổ túc những kiến thức chuyên sâu về khoa học bảo tồn, nhưng phần lớn là do họ tự tìm hiểu. Vì thế, ngay trong hội đồng khoa học về bảo tồn di tích đôi khi cũng có những nhận thức chưa phù hợp với nguyên tắc về tu bổ, phục hồi di tích”.

Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều di tích được bảo tồn, phục dựng, trưng bày méo mó, biến dạng, thậm chí dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai về lịch sử. Đền Hùng là di tích có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng trong đó, tượng Vua Hùng, Lạc Long Quân đầu đội mũ cánh chuồn, mặc long bào, chân đi hia, mắt xếch... rất giống với các đời vua Trung Quốc.

Chùa Bái Đính xây mới rất đồ sộ trên một vùng đất lịch sử thời Đinh, Lê, nhưng lại mang dáng dấp đặc trưng thời Nguyễn thế kỷ 19... Đó chỉ là một vài trong vô vàn ví dụ về công tác tôn tạo, trùng tu di tích “cười ra nước mắt” trong cách nói của GS-TS Hoàng Văn Khoán (ĐH Quốc gia HN) đã dẫn ra tại hội nghị.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích cũng dẫn đến nhiều hệ quả khó chấp nhận về mặt di sản. GS Lưu Trần Tiêu cho rằng: Với tốc độ xã hội hóa không được kiểm soát như hiện nay, thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi thì nhiều di sản sẽ không còn là di sản đích thực nữa.

Phải chuyên nghiệp hoá

Hiện  nay, nguồn lực xã hội và lực lượng tham gia vào tu bổ di tích đã phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, với những kiến thức chuyên ngành riêng biệt như đã nói ở trên thì khó có thể có được một đội ngũ chuyên nghiệp trong công tác bảo tồn.

Vì thế, việc đào tạo nhân lực ngành này thực chất là đào tạo bổ sung những kiến thức còn thiếu của chuyên ngành bảo tồn di tích cho những người đã được đào tạo một chuyên ngành cơ bản, liên quan đến di tích và hoạt động bảo tồn di tích như kiến trúc, xây dựng, lịch sử, văn hóa...

GS Lưu Trần Tiêu cho rằng, nguồn nhân lực này phải được đào tạo theo các nhóm: Nhóm chuyên nghiên cứu các công trình tín ngưỡng, tôn giáo (đình, chùa, miếu, mạo...); nhóm nghiên cứu lăng tẩm, cung điện; nhóm nghiên cứu bảo tồn di tích khảo cổ học; nhóm nghiên cứu bảo tồn các di tích Chămpa; nhóm nghiên cứu di tích cách mạng, kháng chiến; làng cổ... thì mới có thể chuyên môn hóa được.

Bên cạnh đó, những người xây dựng chính sách cũng phải hiểu rõ công tác bảo tồn.

Với hơn 3.200 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, hàng vạn di tích cấp tỉnh đã và chưa được xếp hạng, có thể nói, VN có một khối tài sản văn hóa lớn lao, nhưng làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị khối tài sản đó, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội ngày hôm nay và để chuyển giao cho các thế hệ mai sau là một vấn đề đòi hỏi một sự đột phá đồng bộ từ  hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách cho đến nguồn nhân lực. Trong đó, nguồn nhân lực là điều cốt lõi và căn bản.

Trương Hoàng (lược thuật)

[ Chuyên đề: Bảo tồn di tích


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: