Hãy giữ những khoảng không quý giá còn lại của Hà Nội

Thứ hai, 15 Tháng 12 2008 22:00 Tuần Việt Nam
In

"Có thể coi dự án xây dựng trung tâm thương mại ở vị trí chợ 19-12 là một minh chứng cho kiểu làm quy hoạch thiếu đồng bộ và tiền hậu bất nhất của những người làm công tác quy hoạch" - Ý kiến của một nhóm kiến trúc sư.

Sau khi địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội được mở rộng bao trọn Hà Tây và một số địa phương lân cận, Hà Nội trở thành một trong những thủ đô lớn nhất thế giới với nhiều lời hứa hẹn từ những người có thẩm quyền về một thủ đô xứng tầm khu vực và quốc tế, một thủ đô sẽ được quy hoạch lại bởi các công ty tư vấn quy hoạch uy tín quốc tế và những người làm công tác quản lý quy hoạch có tầm nhìn và lương tâm nghề nghiệp.

Thế nhưng, những động thái gần đây liên quan đến dự án xây dựng trung tâm thương mại trên nền chợ tạm 19 -12 khiến không ít người yêu mến và hi vọng về một Thủ đô Hà Nội vừa hiện đại, vừa bảo vệ được những giá trị đã trường tồn cùng năm tháng phải bức xúc.


Ảnh : Deadly Tedly

Để bảo vệ cho đề án mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội, các nhà quản lý đã lập luận rằng mở rộng không gian sẽ giúp cho không gian sống của người dân thủ đô được cải thiện, tạo điều kiện cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vốn bị giới hạn trong một thủ đô cũ “chật hẹp” được tiến hành nhanh chóng, đồng thời cũng góp phần giảm tải cho khu vực trung tâm của Hà Nội cũ về mật đô dân cư và lưu lượng giao thông, tạo điều kiện bảo tồn và nâng cao các giá trị về kiến trúc của khu vực này.

Tuy nhiên dự án xây dựng trung tâm thương mại (TTTM) ở vị trí chợ 19-12 là một minh chứng cho kiểu làm quy hoạch thiếu đồng bộ và tiền hậu bất nhất của những người làm công tác quy hoạch.


Khu vực chợ 19-12 (Ảnh do nhóm tác giả cung cấp)

Quy hoạch và quản lý độ thị cần tầm nhìn dài

Hà Nội ngày nay với diện tích hơn 3000km2, đất dành cho xây dựng không thiếu. Khu vực trung tâm Hà Nội cũ đã đến lúc cần được bảo tồn triệt để. Hãy nhìn lại những năm qua xem chúng ta đã đối xử với đô thị của chúng ta như thế nào?

Hãy nhìn những tòa nhà cao tầng thương mại, khách sạn như: Melia, Vietcombank, Tháp Hà Nội, Trung tâm thương mại (TTTM) Vincom….với khu vực phố xung quanh nơi chúng được xây dựng. Trong một bán kính chưa đến 1 km nếu lấy Hồ Gươm làm tâm, đã có không dưới 5 TTTM cao tầng. Với mật độ TTTM cao tầng như thế, thì một TTTM ở vị trí chợ 19-12 liệu có thực sự cần thiết?

Đương nhiên việc đã từng tồn tại chợ 19-12 khẳng định sự cần thiết phải có của nó, nhưng không có nghĩa là nó phải ở vị trí đấy, và càng không có nghĩa là cứ phá một cái chợ cũ đi, thì ta phải xây dựng TTTM cao tầng, đặc biệt là với một thành phố có mật độ dân cư quá cao ở trung tâm như Hà Nội.

Không cần kể các nước tiên tiến ở đâu cho xa, ngay các nước láng giềng của chúng ta như Trung Quốc, Malaysia… các siêu thị và trung tâm mua sắm lớn đều được quy hoạch ở xa trung tâm thành phố, liền kề các khu vực ngoại ô.

Một mặt giảm chi phí xây dựng vì đỡ tốn kém trong khâu giải phóng mặt bằng, một mặt góp phần giảm lưu lương giao thông ở khu trung tâm vào những ngày cuối tuần và nghỉ lễ lúc người dân tập trung đi mua sắm.

Nhưng đồng thời, việc xây dựng các trung tâm thương mại ở ngoại ô cũng góp phần nâng cao mức sống và cảnh quan đô thị ở các khu vực đó, cũng như kéo gần sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các khu vực trong cùng một thành phố.


Bản đồ cao độ khu vực xung quanh chợ 19/12 (Ảnh do các tác giả cung cấp)

Các nước phát triển từ lâu đã có được tầm nhìn dài về quy hoạch và quản lý đô thị như thế, cho nên dù cuối tuần người dân ở các đô thị lớn đều đi mua sắm cho cả tuần, thì lưu lượng giao thông ở các khu vực đông dân cư ở trung tâm không tăng thêm nhiều, vẫn giữ được cho các khu phố cũ sự thanh bình vốn là nét đẹp lâu nay của các đô thị có lịch sử lâu đời.

Đối với loại hình chợ phục vụ nhu yếu phẩm hàng ngày như rau quả, thực phẩm,  tại các nước tiên tiến, người ta sử dụng hệ thống siêu thị thực phẩm mini tại các khu dân cư, một khu dân cư có thể có nhiều siêu thị loại nhỏ của nhiều tập đoàn khác nhau, nhưng chúng chỉ chiếm mặt bằng tầng trệt hoặc tầng hầm của các khu dân cư.

Về mặt văn hóa và tâm linh

Sau khi giải tỏa chợ 19-12 nên tạo ra tại đây một không gian tưởng niệm những người dân Hà Nội đã ngã xuống trong những ngày đấu kháng chiến chống Pháp. Đó không chỉ là điểm nhấn về không gian xanh cho khu vực vốn có mật độ xây dựng cao (xem bản đồ trên) và còn có ý nghĩa tâm linh với người dân thủ đô, nhắc nhở chúng ta về một thời điểm lịch sử bi tráng hào hùng của dân tộc.

Chủ dự án trung tâm thương mại đã đưa ra ý tưởng xây dựng một đài tưởng niệm nhỏ hay một bức phù điêu cho mục đích cao quý trên đây. Ý tưởng này ban đầu xem ra có vẻ hợp lý nhưng kỳ thực càng cho thấy sự bất hợp lý của những người cổ vũ cho dự án.

Có lẽ chỉ duy nhất ở Việt Nam chúng ta mới có kiểu quy hoạch kết hợp giữa trung tâm mua bán sầm uất nhộn nhịp và có thể nói là hơi phần xô bồ với nơi tưởng niệm những người đã khuất.

Để tưởng nhớ những người ngã xuống cho ngày đầu kháng chiến không đòi hỏi phải những tượng đài hoành tráng, những bức phù điêu tinh xảo nhưng nhất quyết không nên kết hợp nó với một nơi mua sắm giải trí xô bồ náo nhiệt.

Nếu có thể hãy tạo ra một không gian nhỏ nhưng yên tĩnh và thiêng liêng. Kết hợp trung tâm thương mại mua sắm với nơi tưởng niệm là ý tưởng có phần không tôn trọng những người đã ngã xuống vì một Hà Nội hôm nay.

Ngoài ra, cần chú ý đến sự tôn nghiêm của Tòa án Nhân dân tối cao. Tại bất kỳ quốc gia nào tòa án đều được xây dựng tại những nơi tôn nghiêm, yên tĩnh là biểu tượng của quyền lực nhà nước và sức mạnh của công lý.

Người Pháp khi xưa xây dựng trụ sở tòa án ở khu vực này (tên cũ là Palais de justyce) vốn đã tạo cho nó một không gian như thế. Sau này, trụ sở tòa án tối cao được bao bọc bằng hai tòa cao ốc  18 và 25 đã là quá đủ, nay có thêm một tòa nhà 17 tầng nữa sẽ tạo ra một bộ mặt xấu xí và lố bịch cho cảnh quan.


"Nguyện vọng nhân dân" được xem xét trong dự án như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Cường – Giám đốc công ty TNHH Thủ Đô II trong bài trả lời VietNamNet có nói : “Suốt trong 4 năm triển khai dự án chúng tôi đã hoàn tất hàng chục thủ tục pháp lý, trình lên Bộ Xây dựng, qua Hội đồng Kiến trúc- Quy hoạch, được thẩm định bởi nhiều viện sở…nhưng chưa một cơ quan nào bảo chúng tôi ngừng tiến hành vì đây là một con đường”.

Tại sao trong suốt 4 năm liền, từ năm 2004, người dân thành phố Hà Nội, kể cả giới truyền thông báo chí, không hề được biết một chút tin tức nào về dự án này?
 
Hơn nữa, vị trí này trước đây đúng là một con đường. Chợ 19-12 được thành lập và hoạt động ở đó như một giải pháp tình thế trong thời kì bao cấp. Và ngày nay nó không còn phù hợp với chức năng hoạt động là chợ tạm nữa, thì việc trả nó về đúng chức năng là một con đường là phù hợp với quy hoạch khu vực này từ xưa vốn được các chuyên gia quy hoạch người Pháp làm rất nghiêm túc và khoa học.  

Chỉ có kiểu quy hoạch không có tầm nhìn, thiếu đồng bộ và thiếu sự công khai minh bạch mới tạo điều kiện cho tư lợi, tạo điều kiện cho những dự án chỉ tính đến lợi ích kinh tế trước mắt của một nhóm người mà bỏ qua những lợi ích lâu dài của đa số dân cư đô thị.

Ông Chủ tịch Thành phố lập luận rằng: “Dự án xây trung tâm thương mại kia đáp ứng nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân”.

Căn cứ vào đâu để “nguyện vọng của nhân dân kia” được đánh giá và xem xét trong dự án này, trong khi người ta dễ dàng nhận thấy đó chỉ là quyết định vì lơi ích của một nhóm người, cụ thể ở đây là công ty TNHH Thủ Đô II, mà ông Nguyễn Anh Cường đã viện ra 4 năm gian khổ trải qua biết bao nhiêu thủ tục rối rắm và hơn 11 tỉ tiền chi phí đầu tư ban đầu dường như với mục đích đặt công luận vào “việc đã rồi”.

Như vậy, về mặt quy hoạch kiến trúc thì việc xây dựng thêm một tòa nhà cao 17 tầng ở nền chợ 19 -12 chỉ làm tệ hại thêm cảnh quan đô thị vốn đã bị phá vỡ nơi đây. Về mặt công năng cũng không cần thiết khi mà trong bán kính 1km từ khu vực đó đã có nhiều trung tâm thương mại tồn tại từ trước.

Ngoài ra về mặt tâm linh và văn hóa như đã phân tích ở trên càng không nên vì lợi ích kinh tế trước mắt của một nhóm người mà bất chấp dư luận.

KTS Phùng Trung Hậu (Tây Ban Nha) - KTS Nguyễn Lê Minh (Mexico) - Nguyễn Quân (Pháp)

>> Hà Nội cần "hy sinh" một số lợi ích! - Dương Trung Quốc 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: