Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Cải thiện sức chống chịu vùng ven biển

Cải thiện sức chống chịu vùng ven biển

Viết email In

Dự án “Cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển Việt Nam, Campuchia và Thái Lan” vừa được Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức khởi động. Dự án được triển khai tại 8 tỉnh, thành của 3 quốc gia, trong đó có TPHCM, Bến Tre, Sóc Trăng và Kiên Giang của Việt Nam; dự kiến kéo dài đến tháng 6/2014. Với mục tiêu chính là cải thiện sức chống chịu vùng ven biển nhằm ứng phó với tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, tăng khả năng thích ứng của con người và hệ sinh thái đối với biến đổi khí hậu, đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người dân ven biển…

Các đối tác dự án sẽ cùng làm việc với chính quyền các tỉnh của Việt Nam để tăng cường năng lực, qua đó giúp các cơ quan tỉnh thành tiến hành đánh giá tính dễ tổn thương, xác định các hoạt động thử nghiệm nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương; thiết kế, thực hiện và giám sát kết quả của các hoạt động thử nghiệm và tiến hành phân tích chi phí – lợi ích, đánh giá tính khả thi cho việc nhân rộng các hoạt động thử nghiệm ra khu vực duyên hải.

Dự án cũng tạo cơ hội để cộng đồng ở các vùng khác nhau dọc đường bờ biển có thể học hỏi lẫn nhau về cách thức ứng phó với thiên tai, đồng thời tổ chức các chuyến thăm quan học tập và các diễn đàn thường niên để chia sẻ kiến thức với 12 tỉnh còn lại ở suốt dải ven biển từ TPHCM đến Bangkok.

Trao đổi với báo giới, PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, người chủ trì nhóm xây dựng kịch bản cho biết, ở Việt Nam, năm 2009, các ngành, các địa phương sử dụng kịch bản mức trung bình để xây dựng chính sách cũng như triển khai các hoạt động ứng phó, nhưng sau đó chính ông là người đã nêu ý kiến nên sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu ở mức cao. Thực tế đã cho thấy những lo ngại ấy là có cơ sở. Mức tăng nhiệt độ tại nước ta dao động trong phạm vi lớn hơn so với kịch bản trung bình năm 2009. Lượng mưa mùa khô theo dự báo mới nhất có thể giảm đến 30% vào năm 2100 ở một vài nơi thuộc Nam bộ, trong khi đó theo phiên bản năm 2009 thì trung bình cho toàn vùng chỉ giảm 18%...

Đặc biệt, khu vực ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đã được nhóm nghiên cứu chú trọng phân tích. Bản cập nhật kịch bản mới đã chia vùng ven biển Việt Nam thành 7 khu vực có sự tương đồng về xu thế mực nước biển dâng. Theo tất cả các kịch bản (từ cao đến thấp), đến năm 2100, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, thấp nhất ở vùng Móng Cái đến Hòn Dáu. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 60,3cm đến 74,2cm.

Sau khi công bố hệ thống bản đồ ngập lụt cho TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở kịch bản năm 2009, lần cập nhật này, các nhà khoa học đã bổ sung tính toán và trình bày các bản đồ nguy cơ ngập cho khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Diện tích có nguy cơ ngập cũng được tính toán chi tiết cho các vùng và tỉnh. Tương tự như kịch bản năm 2009, đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Riêng TPHCM, sẽ có khoảng 20% diện tích bị ngập và 9% số dân bị ảnh hưởng.

Hẳn đây là những thông tin đầy sức thuyết phục cho những ai còn hồ nghi về biến đổi khí hậu và những tác động khôn lường của nó. Không nghi ngờ gì nữa, không chỉ có 4 tỉnh thành của nước ta bước vào dự án Cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển hôm nay cần tích cực triển khai dự án mà tất cả các tỉnh thành còn lại, kể cả những tỉnh không thuộc vùng duyên hải, cũng cần nghiêm túc cân nhắc vấn đề này và có sự phòng bị đầy đủ trước khi quá muộn.

Anh Thư

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo