Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện Thu hút vốn tư nhân: Bệ phóng xây dựng cơ sở hạ tầng

Thu hút vốn tư nhân: Bệ phóng xây dựng cơ sở hạ tầng

Viết email In

Tại buổi Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới hội nhập và phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội mới đây, đa số ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, tăng trưởng khá mạnh mẽ và liên tục của Việt Nam đang khiến cơ sở hạ tầng bị quá tải. Trong khi đó, sự tham gia của tư nhân trong cũng như ngoài nước vào lĩnh vực này còn bị hạn chế, dù đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng đối với các nhà đầu tư.

Buổi toạ đàm là một trong bốn hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chương trình của Đại hội Liên hiệp UNESCO Thế giới lần thứ 8 (Đại hội WFUCA 8), nhằm xúc tiến thương mại và kết nối, kêu gọi đầu tư vào các dự án, doanh nghiệp (DN) Việt Nam.


Ảnh minh họa: Đại lộ Thăng Long (Hà Nội)

Kinh tế Việt Nam trong năm 2010 đã thể hiện được khả năng phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính với tốc độ tăng trưởng GDP tăng trong ba quý liên tiếp, 5,8% vào quý I, 6,4% trong quý II và 7,2% vào quý III…Theo đại diện WB, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trong năm 2010 của Việt Nam là kết quả của việc liên tục cải thiện môi trường kinh tế.

Tuy nhiên, những thiếu sót cố hữu về cơ sở hạ tầng, tổ chức kinh tế và nguồn nhân lực vẫn còn gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Nhận thức được điều này, Chính phủ đã và đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, coi đây là cơ sở cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế.

Đối với ngành Giao thông vận tải (GTVT), nguồn vốn đầu tư cho các dự án giao thông trong 5 năm tới là rất lớn. Dự kiến, nguồn ngân sách nhà nước (kể cả ODA) sẽ chỉ đáp ứng 38%, nguồn trái phiếu chính phủ đáp ứng 18%, còn lại phải huy động ngoài ngân sách khoảng 44%.

Khi kinh tế VN phát triển mạnh, nguồn vốn ODA sẽ hạn chế dần. Muốn phát triển hạ tầng giao thông một cách bền vững, nhất thiết phải đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, qua đó hút vốn từ nhà đầu tư tư nhân.

Thực tế, cũng do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nên thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm đầu tư nước ngoài vào các dự án ở Việt Nam như đối tác công – tư (PPP), xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT)…đang là những giải pháp “nóng” trong thời gian qua.

Theo ông Phạm Thanh Tùng- Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ GTVT trong thời gian tới, Việt Nam cần khoảng 110 tỷ USD cho hạ tầng giao thông. Trong đó, số liệu kế hoạch đầu tư của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, các dự án giai đoạn 2011 - 2015 cần số vốn khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương với 40 tỷ USD.

Hiện tại, ngành GTVT đang có rất nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cần triển khai trong thời gian tới. Cụ thể: Trong lĩnh vực xây dựng đường bộ có các dự án như xây dựng đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn cần 35.000 tỷ đồng, Quy Nhơn - Nha Trang cần 30.000 tỷ đồng, Đường Vành đai 4 Hà Nội cần số vốn lên tới 65.000 tỷ đồng; Trong lĩnh vực hàng không, các dự án như xây dựng sân bay quốc tế Chu Lai (38.000 tỷ đồng), Sân bay Long Thành (103.000 tỷ đồng); Lĩnh vực đường sắt gồm các dự án xây dựng đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (15.000 tỷ đồng), Đường sắt vận chuyển quặng Đăk Nông - Bình Thuận (14.500 tỷ đồng), Đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ (28.000 tỷ đồng)…

Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng cảng biển hiện đang có các dự án xây dựng 2 cầu cảng tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có quy mô đầu tư dưới 100 triệu USD, dự án Cảng quốc tế Đà Nẵng và dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong nhận đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân dưới hình thức PPP.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù cảng biển Việt Nam nhiều về số lượng, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các khách hàng quốc tế. Do đó, để thu hút được khách hàng trong thời gian tới đòi hỏi phải có hệ thống cảng chất lượng cao mang tính cạnh tranh. Theo thống kê của Hiệp hội Cảng biển VN (VPA), hiện có trên dưới 60 cảng biển thuộc hệ thống cảng biển VN, trong đó tỷ lệ đầu tư của tư nhân rất thấp, khoảng 20%. Gần đây, tỷ lệ này đã bắt đầu tăng lên bởi đầu tư cảng biển thực tế mang lại một khoản lợi nhuận không nhỏ nên thu hút các nhà đầu tư. Chỉ cần một vài năm đầu, sau khi cảng đi vào hoạt động là nhà đầu tư có thể thu hồi vốn. 

Với nhà đầu tư tư nhân, lợi nhuận lâu dài là yếu tố đảm bảo để họ bỏ vốn đầu tư. Do vậy muốn kéo được các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng giao thông rất cần phải tạo ra cơ chế phù hợp, như khi tham gia dự án doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án, được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án. Việt Nam cần tiếp cận nguồn vốn tư nhân để phát triển mạng lưới giao thông và PPP (Public - Private - Partner) đã và đang là lựa chọn hàng đầu. Mô hình PPP thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi sẽ tạo điều kiện cạnh tranh minh bạch, công bằng cho các nhà đầu tư. Vì vậy, thu hút vốn PPP chính là vừa xây dựng hạ tầng giao thông làm bệ phóng phát triển kinh tế một cách bền vững, vừa không tăng nợ công.

Nếu mô hình PPP được triển khai, các nhà thầu sẽ đặc biệt linh động được thời gian hoàn vốn phù hợp với từng dự án. PPP không chỉ góp phần huy động vốn của các thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là khu vực tư nhân trong và ngoài nước, mà còn giúp Chính phủ giải được bài toán thu hút đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, không chỉ là một hình thức huy động vốn rất hiệu quả, PPP còn mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Mai Thanh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo