Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Phản biện Hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp: Phải có lợi cho số đông

Hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp: Phải có lợi cho số đông

Viết email In

Bề ngoài, sự hợp tác chiến lược giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nghe có vẻ hay, nhưng đằng sau tiềm ẩn nhiều vấn đề. Nếu không được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo và xử lý một cách thận trọng, có thể sẽ dẫn tới hệ lụy xấu. Đó là việc các cơ quan quản lý Nhà nước một ngày nào đó có thể bị thao túng bởi các tập đoàn kinh tế, mất đi sự công tâm, chỉ phục vụ cho một số nhóm lợi ích, gây bất lợi cho toàn bộ nền kinh tế và người dân.

Hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp: Nhiều nước đã làm

Ở bất kỳ quốc gia nào, thuộc bất cứ hệ thống chính trị nào, cơ quan quản lý Nhà nước (Chính phủ, các bộ, ngành) là cơ quan quản lý toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của quốc gia đó, thông qua việc xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách, chiến lược. Doanh nghiệp và người dân là đối tượng quản lý.

Tuy nhiên, mô hình kết hợp giữa Nhà nước với thị trường đã được một số nước, nhất là các nước Bắc Âu như Thụy Điển, coi trọng.

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, tự do thương mại, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, môi trường hoạt động của doanh nghiệp biến đổi không ngừng. Do vậy, doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường quốc tế càng phải nỗ lực lớn hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh. Nhận thức được những thách thức doanh nghiệp phải đương đầu, chính phủ nhiều nước, nhất là ở các nước phát triển, đã đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Từ đó xuất hiện một khái niệm mới về vai trò của Nhà nước: Chuyển từ chức năng quản lý sang chức năng tạo điều kiện thuận lợi.

Khái niệm này rất phổ biến ở các nước có nền hành chính công tiên tiến như Canada hay New Zealand. Trên cơ sở đó, một khái niệm mới về quan hệ giữa doanh nghiệp và Nhà nước đã hình thành. Đó là quan hệ đối tác, trong đó Nhà nước coi doanh nghiệp là đối tác, chứ không phải là đối tượng bị quản lý. Đồng thời ở các nước này đã xuất hiện khái niệm “dịch vụ hành chính công”, trong đó cơ quan công quyền xem người dân là khách hàng. Những cải cách này góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, phải làm rõ một điểm: Nhà nước coi doanh nghiệp là đối tác, có nghĩa là tạo thuận lợi về mặt pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, lắng nghe họ khi xây dựng chính sách, luật pháp và quan trọng nhất là tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, chứ không phải chỉ cho một số doanh nghiệp hoặc một ngành. Các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau trong môi trường bình đẳng đó.

Ví dụ ở Singapore, khi Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển trung và dài hạn, trong thành phần Ban xây dựng chiến lược có đại diện của giới doanh nghiệp, gồm các nhà lãnh đạo xuất sắc có nhiều kinh nghiệm và tầm nhìn. Họ là những người đóng góp ý kiến tốt cho quá trình soạn thảo chiến lược, chứ không phải Chính phủ hay ban soạn thảo hợp tác nghiên cứu với một tập đoàn nào đó.

Việt Nam đâu có lạ gì

Trong hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, Nhà nước quản lý chủ yếu bằng mệnh lệnh, can thiệp thái quá vào hoạt động kinh doanh. Thậm chí Nhà nước còn chỉ đạo chỉ tiêu sản lượng, mặt hàng sản xuất, khiến doanh nghiệp bị mất đi tính chủ động. Trong cơ chế thị trường, vai trò quản lý Nhà nước trở nên linh hoạt, uyển chuyển hơn, chủ yếu mang tính định hướng và xây dựng hành lang pháp lý. Các doanh nghiệp, dù thuộc sở hữu của ai, quy mô như thế nào, cũng phải tuân thủ pháp luật nhưng vẫn được chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Theo cơ chế này, vai trò quản lý của Nhà nước và sự vận hành của cơ chế thị trường hài hòa hơn, tuy không phải là hoàn hảo.

Trong những ngày đầu Đổi mới, khi chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang vận dụng cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường đã được bàn thảo rất nhiều. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có nhiều hội thảo cấp cao được tổ chức để thảo luận về việc Chính phủ phải làm gì và không nên làm gì trong cơ chế thị trường.

Khi Việt Nam soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999 (có hiệu lực năm 2000), Ban soạn thảo Luật và các cơ quan liên quan đã lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ rộng rãi đại diện doanh nghiệp trên cả nước để nghe ý kiến của họ về Dự thảo Luật. Họ đã đóng góp rất hiệu quả cho Dự thảo Luật. Đó là cách làm tốt, đúng đắn, góp phần quan trọng vào sự thành công của Luật.

Quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và Nhà nước còn được phát triển thành sự hợp tác, liên kết trong các dự án cụ thể, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng. Hình thức cộng tác đó gọi là “hợp tác công - tư (Public Private Partnership - PPP), khi Nhà nước và tư nhân cùng bỏ vốn xây dựng một số công trình. Đó là hình thức tốt để thu hút vốn trong xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trong khi vốn Nhà nước còn hạn hẹp.

Đương nhiên, nhà đầu tư tư nhân phải được bảo đảm lợi nhuận thích hợp thì họ mới tham gia góp vốn. Lợi nhuận đó được tạo ra từ chính dự án, chứ không phải là lợi nhuận vô hình dưới dạng ưu đãi về chính sách.

Khi các công ty hay tập đoàn hợp tác với Nhà nước xây dựng luật pháp hay chính sách, nếu không có cơ chế thích hợp, sẽ dễ xảy ra tình trạng chính sách bị thao túng. Chính sách có thể bị méo mó theo hướng có lợi cho một tập đoàn hay một ngành nhất định.

Khoảng năm 1992, khi Việt Nam bắt đầu xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô, một công ty ôtô lớn của Nhật đã nhiệt tình và hào phóng giúp Việt Nam soạn thảo chiến lược tổng thể phát triển ngành. Trong bối cảnh nước ta rất thiếu kiến thức, kinh nghiệm và cả tài chính, việc được một công ty ôtô lớn giúp đỡ có vẻ như rất đúng lúc.

Ngay sau đó, chuyên gia của một số hãng ôtô khác, nhất là các hãng của Mỹ và châu Âu, đã tiếp cận với người có trách nhiệm của Việt Nam. Họ khẳng định, nếu Việt Nam thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển ngành ôtô này thì sau 10 năm, thị trường ôtô của Việt Nam chỉ có một loại xe, là xe của Nhật. Đó chính là điều đã từng xảy ra với Thái Lan trước đây.

Khi đó, ý kiến của các chuyên gia này đã được phía Việt Nam quan tâm xem xét.

Cẩn thận với con dao 2 lưỡi

Tận dụng nguồn lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc vào việc xây dựng chính sách phát triển là việc nên làm, nhưng chỉ khi nó mang lại lợi ích cho số đông chứ không phải cho một nhóm lợi ích. 

Vì vậy, hình thức hợp tác chiến lược đang diễn ra rầm rộ hiện nay cần được xem xét một cách hết sức thận trọng. Trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp, việc huy động nguồn lực, cả tài chính và trí tuệ, từ các tập đoàn để xây dựng chính sách cũng có thể xem xét. Tuy nhiên, phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản.

Thứ nhất, chính sách hay luật pháp phải bảo đảm tính minh bạch và phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

Thứ 2, các văn bản luật pháp, chiến lược phát triển trung và dài hạn, các chính sách quan trọng trước khi ban hành, cần được công bố công khai để công chúng tham gia góp ý kiến, phản biện. Đặc biệt là các chính sách được xây dựng với sự hợp tác chiến lược của một tổ chức kinh tế nào đó. Thành phần các cơ quan, thậm chí tên cụ thể của các thành viên ban soạn thảo phải được công bố. Tại Singapore, danh sách Ban soạn thảo Chiến lược Phát triển từng giai đoạn luôn luôn được công bố rộng rãi cho công chúng.

Hợp tác chiến lược giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực hoạch định chính sách, xây dựng luật pháp, giống như con dao 2 lưỡi. Nó có thể góp phần giải quyết một số khó khăn trước mắt, mang lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, việc làm này có thể gây méo mó trong hành lang pháp lý, tạo bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh và gây tác hại đến sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Những sai lệch đó, nếu xảy ra, có thể tác động trên phạm vi rộng lớn và tác hại lâu dài, do không thể một sớm một chiều mà sửa đổi luật pháp, chính sách được.

Các nhà hoạch định chính sách, soạn thảo luật pháp, những người làm công tác quản lý Nhà nước luôn thận trọng trước những chuyển biến mới trong nhiều giai đoạn đã qua. Vậy nên, hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng họ sẽ tiếp tục thận trọng và có cái nhìn thấu đáo với hiện tượng nêu trên.

Những gì hợp lý sẽ luôn tồn tại. Tất nhiên, phải là hợp lý với số đông./. 

Linh Thảo 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo