Để sông hồ Hà Nội đừng mất thêm

Thứ sáu, 22 Tháng 7 2011 11:02 DVT
In

Cùng sự phát triển kinh tế xã hội không theo quy hoạch nhất quán, nhiều hồ trong nội đô đã và đang biến mất hoặc không giữ được vai trò của mình.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 116 hồ. Hệ thống hồ ở Hà Nội  đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của thành phố, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng về giá trị  tài nguyên, điều hòa môi trường, giải trí, văn hóa và du lịch. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội không theo quy hoạch nhất quán, nhiều hồ trong nội đô đã và đang biến mất hoặc không còn giữ được vai trò của mình.


Bản nghiên cứu trong Workshop quốc tế về Đô thị học cảnh quan, chủ đề “Sông hồ Hà Nội” - Tài liệu do Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) cung cấp  

Không phải chỉ riêng Hà Nội mà khắp nơi ở Việt Nam, từ thành thị cho đến nông thôn, người ta đã và đang ra sức lấp đi các hồ, ao vì nhiều mục đích khác nhau mà trong đó chủ yếu là để lấy đất xây dựng. Một số hậu quả nhãn tiền là ngoài việc mất nhiều giá trị về tài nguyên, còn mất dần hoặc mất hết các giá trị về dịch vụ môi trường như: úng ngập thường xảy ra khi có mưa, nguồn nước ngầm cạn kiệt nghiêm trọng (ngoài lý do khai thác quá mức, còn do mất dần nguồn cung cấp), tình trạng ô nhiễm gia tăng, khả năng điều hòa khí hậu trong và xung quanh hồ ngày càng kém hoặc không còn cảnh quan cho du lịch, giải trí v.v…

Ngay các nước phát triển như Mỹ, phải trả giá rất đắt vì đã phá bỏ các vùng đất ngập nước trước đây, bây giờ họ đã và đang phải đầu tư rất tốn kém về tiền bạc và công sức để  khôi phục lại các vùng  đất ngập nước vì sự phát triển bền vững.

Hệ thống hồ ở Hà Nội là những hệ sinh thái thực hiện đồng thời nhiều chức năng khác nhau, cho nên công tác quản lý hồ đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban ngành nhằm đảm bảo khả năng quản lý tốt các chức năng đa mục tiêu của hồ. Tuy nhiên, chính tính đa ngành trong công tác quản lý hồ dẫn tới sự chồng chéo trong quá trình quản lý, việc phân bổ chức năng nhiệm vụ và trách nhiêm giữa các bên có liên quan chưa được rõ ràng gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý hồ.

Ví dụ, cấp bậc thứ nhất trong thực hiện Luật, có tới năm sở giúp cho UBND các chính sách về bảo vệ hồ. Mỗi sở đều có chức năng khai thác hồ từ các góc cạnh khác nhau, không xuất phát từ khía cạnh bảo vệ hệ sinh thái. Do vậy các chính sách đưa ra và các biện pháp thực hiện đều không coi cách tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược. Điều này khá nguy hiểm vì hệ sinh thái của hồ ao không được ưu tiên bảo vệ (không đạt được mục tiêu cao nhất đã được đặt ra trong điều 63 Luật Bảo vệ Môi trường).

Ở cấp bậc thứ hai là quận huyện: Nếu chính sách ở trên đưa xuống đã không theo cách tiếp cận hệ sinh thái, thường cấp quận và huyện cũng thực hiện như vậy. Do đó, sẽ có nhiều dự án liên quan đến làm sạch hồ, kè hồ, nạo vét hồ, nhưng rất ít khi xuất phát từ khía cạnh sinh thái mà nặng về thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Việc kè hồ nhằm giúp giữ diện tích hồ không bị suy giảm nhưng có thể làm tê liệt hệ sinh thái bờ của hồ. Việc làm sạch hồ sẽ không có hiệu quả nếu rác và nước thải tiếp tục thải xuống hàng ngày. Có hồ kè rồi, làm sạch nước rồi chỉ sau một thời gian ngắn thì trông tù túng thảm hại là do cả hai cách trên đều chưa đủ để duy trì hệ sinh thái. Cách quản lý trên dẫn đến một hậu quả tai hại: Ai cũng hoàn thành được nhiệm vụ của mình nhưng hệ sinh thái hồ vẫn có thể chết mà không có ai phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, có thể thấy ngay việc giám sát chất lượng sinh thái hồ (sức khỏe của hồ) hoàn toàn thiếu vắng. Ai giám sát và giám sát cái gì, giám sát thế nào, và nếu phát hiện các vấn đề thì báo cáo với ai và ai là người có quyền quyết định giải quyết nhanh.

Mỗi hồ ở Hà Nội thường có ba đơn vị quản lý chính như các công ty cấp thoát nước quản lý nước hồ và lòng hồ, các công ty công viên cây xanh quản lý cây xanh ở hành lang bờ, các công ty môi trường đô thị thì chịu trách nhiệm về vệ sinh xung quanh bờ. Các công ty này gần như làm công tác trong tư thế hết sức bị động, vì hoàn toàn lệ thuộc vào ý thức của người dân và cộng đồng xung quanh. Nếu nơi nào người dân có ý thức gìn giữ bảo vệ hồ, không xả rác thải ra thì công việc của các công ty trên đỡ vất vả. Nếu nơi nào ý thức của người dân không cao, dù có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể theo kịp giải quyết ô nhiễm, tốn kém cả về tiền của và nhân lực, lại tạo nhiều bức xúc. Thiệt thòi nhất chính là những người dân và cộng đồng sống quanh hồ.

UBND thành phố đã ban hành Quy chế thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định số 1919/QĐ-UBND ngày 23/4/2009, quy định các yêu cầu về việc lựa chọn các hồ, quy trình thử nghiệm và các yêu cầu kỹ thuật đi kèm cho việc thử nghiệm của các đơn vị.  Nhìn chung, các hồ được lựa chọn xử lý bằng công nghệ quản lý tổng hợp và các thủy vực với sự tham gia của cộng đồng áp dụng cho các hồ Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn cho kết quả khả quan, các chỉ tiêu về cơ bản đạt TCVN 5945: 2005 cột B. Một số biện pháp “Phục hồi cảnh quan hồ bằng giải pháp tổ hợp sinh học kết hợp với phương pháp kết tủa” được áp dụng cho hồ Hai Bà Trưng, nạo vét hồ Ao Đình, hồ Ngọc Hà v.v… Cảnh quan các hồ được cải thiện, vệ sinh trên hồ và xung quanh hồ thực hiện tương đối tốt, bước đầu được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng dân cư xung quanh khu vực hồ. Tuy nhiên, cần có thời gian để đánh giá tính ổn định của các công nghệ áp dụng các các hồ đã tiến hành thử nghiệm, nhất là việc xử lý bùn đáy tích lũy dưới hồ trong nhiều năm.
 
Ở phạm vi cả nước cũng như Hà Nội, việc cần làm ngay là điều tra nghiên cứu, đánh giá, hiểu rõ bản chất các nguyên nhân gây ô nhiễm hồ và đặc trưng của từng hồ  như tình trạng dinh dưỡng,  phân bố nitơ và phốt pho theo mùa,  nhiệt độ và oxy theo thời gian, và chế độ thủy văn của hồ. Đặc biệt, trong quản lý, nuôi dưỡng, bảo vệ, cải tạo các hồ thì việc quan tâm đến vòng  bảo vệ xung quanh hồ từ 5-10 m là điều rất cần thiết.
 
Tô Văn Trường - Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam 

[ Chuyên đề : Sông hồ Hà Nội


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: