Từ nạn chia lô đến kiến trúc sư trưởng thành phố

Thứ ba, 25 Tháng 11 2008 11:57 Ngô Huy Giao / Báo Xây Dựng
In

Từ ngày đổi mới, phổ biến “thuật ngữ”: Chia “lô”. Chia từng lô đất để xây nhà, người ta thường  nghĩ đến nhà mặt đường, nhưng không phải chỉ có thế - độc đáo kiến trúc đô thị Việt Nam, tràn lan nạn chia lô.

Thử điểm mặt

Chia lô mặt đường, ngõ hẻm, dù rất nhỏ, mặt trước chỉ vài mét. Diện tích dăm bảy chục mét vuông, có khi chỉ hai ba chục mét vuông, luồn lách đến chẳng có mặt trước. Chia lô lớn hơn diện tích có thể một, vài trăm mét vuông, để xây nhà có vườn, xây biệt thự. Chia lô hàng ngàn mét vuông để xây cao tầng làm văn phòng, dịch vụ, nhà ở kiểu căn hộ. Chia lô khổng lồ, từ vài ba héc-ta đến hàng trăm héc-ta để xây cả khu đô thị (KĐT). Tất nhiên, ông “trùm” KĐT sẽ lại chia thành từng lô nhỏ hơn cho các chủ đầu tư thứ cấp.

Khách từ xa đến, chẳng phải quan sát gì nhiều, đập ngay vào mắt là “kiến trúc chia lô”, chằng chịt, gờ chỉ, “trăm hoa đua nở”. Xuất hiện những từ ngữ thật mới: Nhà siêu mỏng, siêu méo! Thảm hại nhất ở những đường phố mới mở. Rồi hàng chục, hàng trăm héc-ta ruộng, vườn “đổi kiếp”, thôn xóm thu hẹp lại, hoặc chuyển đến nơi tái định cư, nhà cao cửa rộng, nhưng không nguồn sinh sống, giao đất cho chủ đầu tư, xây dựng theo tiến độ, từng khoảnh bỏ hoang, bỏ hoá nhiều năm liền. Công trình mới mọc lên từ từ, đủ cả: Nhà ở cao tầng kiểu căn hộ, nhà vườn, biệt thự, kể cả nhà ống nhỏ như thấy ở 36 phố phường xưa. Có người rụt rè lo ngại, nguyên phó Chủ tịch Lê Quý Đôn giải thích: “Thế mới đẹp, mới hiện đại!”.

Giang sơn nhất khoảnh” các chủ đầu tư tha hồ tương tác. Theo thể lệ quản lý xây dựng đô thị, đã có quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không cần xin phép xây dựng, mặc dù quy hoạch chi tiết chỉ là những hình kỉ hà trên trang giấy, bôi xanh bôi đỏ… Thuê “thợ vẽ”, hai ông chủ (ông có tiền, ông có quyền) “to nhất”, phán xét. Cho nên cứ tưởng đô thị mới mang diện mạo mới tự hào cho người Thủ đô, kiêu hãnh cho người Việt Nam, không quay lại “thời đồ đá”, mà vươn lên chiếm lĩnh bầu trời, sánh vai cường quốc năm châu. Khu Mỹ Đình, với “tháp đôi” lổn nhổn mái Mansard (cái thứ mái từ thế kỷ XVI, XVII ở châu Âu, nay chỉ còn thấy ở Việt Nam). Khoác cho nó mỹ từ “điểm nhấn cửa ngõ không gian Thủ đô”, khu The Manor, bố cục xa lạ chẳng kể gì đến khí hậu, khu Ciputra nghênh ngang hàng chục chú ngựa tung vó, đương nét kiến trúc cóp nhặt. Cảm giác như bước vào không gian đô thị thế kỷ XVI, XVII châu Âu xa vời.

Cơ quan quản lý quy hoạch chỉ có thể và chỉ được phép quản lý Nhà nước: Giới hạn xây dựng (đường đỏ), mật độ xây dựng, tầng cao, quyền sử dụng đất hợp pháp… Còn văn hoá sinh sống, tâm hồn người Việt, ngôn ngữ kiến trúc… thì phó mặc cho kim tiền.

Người ta thường ví kiến trúc đô thị như dàn nhạc giao hưởng, nhạc công với nhạc cụ khác nhau, chung lòng hoà tấu. Không người chỉ huy, không người cầm đũa, mỗi người cứ theo bản nhạc mà tuỳ hứng, âm thanh tất yếu rối loạn, thính phòng sẽ trống vắng. Kiến trúc thì khổ hơn, nạn chia lô, nguồn gốc của rối loạn kiến trúc, rối loạn đô thị mà người dân vẫn phải sống trong sự rối loạn ấy, tất yếu dẫn đến rối loạn đời sống. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải thành thật nói trước công luận, quản lý kiến trúc đô thị hiện nay thiếu cơ sở khoa học vì không có nghiên cứu thiết kế đô thị, nếu có cũng là thực hiện ý định của chủ đầu tư.


Một góc khu đô thị mới Mỹ Đình - Hà Nội (ảnh minh họa)

Khoảng trống lớn trong kiến trúc đô thị!

15 năm trước, Hà Nội, TP.HCM có KTS trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Không phân biệt quản lý nghệ thuật kiến trúc đô thị và quản lý Nhà nước xây dựng đô thị, không đạt hiệu quả mong muốn. Nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm gọi KTS trưởng là “đất sư trưởng”. Không rút kinh nghiệm cải cách bộ máy, cải cách thể chế hành chính. Vội vã ra quyết định “cấm”. Nghĩa là giải thể chế độ KTS trưởng. Nay nhận thấy khoảng trống đáng sợ này, nghị định quản lý kiến trúc đô thị năm 2007 đã đề cập đến vấn đề KTS trưởng. Giới kiến trúc rầm rộ hội thảo, kiến nghị soạn thảo trình Chính phủ tái lập chế độ KTS trưởng, bước đầu ở TP trực thuộc. Hội KTS Việt Nam hứa hẹn, sẽ giúp chính quyền “tìm mặt gửi vàng”, chọn được KTS trưởng, dù chẳng “mười phân vẹn mười”, nhưng cũng là “vàng chẳng phải thau”. KTS trưởng không phải “quan chức Nhà nước”, không cấp phép, không cấp đất, không quản lý hành chính. KTS trưởng và văn phòng quy hoạch kiến trúc chỉ tư vấn nghiệp vụ, quản lý nghệ thuật quy hoạch, nghệ thuật kiến trúc, giúp cho Chủ tịch TP ra quyết định (không giúp phó Chủ tịch phụ trách xây dựng). Hy vọng ngàn năm Thăng Long, Hà Nội sẽ có bước tiến mới trong kiến trúc đô thị, dẫn đầu cả nước “Xây dựng lại đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”. Thăng Long - Hà Nội lại có nhạc trưởng với quan niệm và tư duy mới, như cố vấn chuyên môn.

>> Nói thẳng về nền kiến trúc Việt Nam 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: