Nhắc đến sông nước Sài Gòn bây giờ, người ta thấy buồn nhiều hơn vui. Nhiều địa danh trở thành hoài niệm, dòng nước ô nhiễm trầm trọng và những tiềm năng lớn chưa được tận dụng hết… KT&ĐS xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia và những người quan tâm đến lĩnh vực này để bạn đọc có cái nhìn tổng quát hơn.
Giáo sư tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm: Khi người ta quay lưng lại với dòng sông…
Văn hoá sông nước là hệ thống giá trị trong ứng xử giữa con người với môi trường sông nước như sông, ngòi, kênh, rạch,... Người ta gắn hoạt động sống của mình với sông nước khi tận dụng dòng sông để ăn, ở, đi lại và đối phó, sùng bái, lưu luyến với nước. Văn hoá sông nước ở TP.HCM tồn tại với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, với hơn 100 tuyến sông rạch có chiều dài khoảng 700km và nó cũng nằm trong tổng thể văn hoá sông nước phong phú tại Việt Nam.
Văn hoá sông nước phụ thuộc vào giá trị của hệ thống kênh rạch và hệ thống này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều kênh rạch tại TP.HCM đã bị lấp hoàn toàn hoặc lấp từng đoạn, biến chúng thành cống ngầm. Nhiều tổ chức cá nhân lấn chiếm lòng kênh, bờ sông để xây nhà và thậm chí là san lấp sông rạch trên quy mô lớn. Người Pháp khi mới đặt chân đến đất Gia Định xưa đã quy hoạch thành phố này để phát triển trên lợi thế mạng lưới sông rạch phong phú. Họ cũng đã từng lấp một số con kênh nhưng lại đào thêm nhiều con kênh khác để tổng thể phát triển hài hoà.
Giao thông Việt Nam hay giao thông Sài Gòn đều có lợi thế sông nước nhưng chưa tận dụng. Với mạng lưới sông rạch phong phú của mình, chúng ta có thể học tập các mô hình thành phố sông nước như Venice (Ý), Saint Petersburg (Nga), Tô Châu, Hàng Châu (Trung Quốc) hay gần nhất là Bangkok (Thái Lan). Tuy nhiên, các lợi thế này đã bị bỏ quên do tốc độ tăng dân số cơ học (dân nhập cư), tốc độ đô thị hoá và sự quản lý yếu kém, thiếu quan tâm đúng mức của chính quyền. Hiện nay, chúng ta đang phát triển theo cách đồng hoá văn hoá với những mô hình hoàn toàn không tương đồng với chúng ta.
Những ngôi nhà xưa có mặt tiền hướng ra sông kiểu Việt Nam trong khi hiện nay bờ sông bị lấn chiếm và người ta quay lưng về phía sông để hướng về đường bộ như phương Tây. Khi người ta quay lưng với dòng sông thì làm sao phát triển những thứ gắn bó với sông nước?
Sự quản lý mang tính vĩ mô của Nhà nước cũng rất yếu mà những thuỷ điện xuất hiện dày đặc trên sông Đồng Nai là ví dụ. Khi xây dựng, người ta chỉ mới tính thuỷ điện sẽ tạo ra được bao nhiêu điện và chỉ xây một lần rồi tận dụng dòng nước mà thu lợi. Nhưng những đơn vị hưởng thụ lợi ích đó lại không phải gánh chịu trách nhiệm khi môi sinh bị tác động xấu, văn hoá sông nước bị thay đổi, giao thông thuỷ bị chia cắt…
Theo tôi, việc đưa yếu tố sông nước vào thành một nguyên lý quan trọng để lên chiến lược khôi phục, cải tạo, tận dụng lợi thế sông rạch trong xây dựng, phát triển đô thị TP.HCM. Chính quyền địa phương ở các tỉnh cũng cần có những giải pháp cụ thể để cứu lấy dòng sông và chống ô nhiễm.
Phó giám đốc khu Đường sông Phan Hoàng Trí: Coi chừng có tội với thế hệ sau!
Lợi thế của giao thông đường thuỷ rất lớn và có khả năng cạnh tranh mạnh với các loại hình giao thông khác. Với đường thuỷ có thể chuyên chở những mặt hàng siêu cường, siêu trọng mà đường bộ, đường hàng không khó lòng thực hiện hoặc nếu thực hiện được thì giá cao hơn nhiều. Ngoài giao thông, sông rạch còn có những chức năng như cân bằng môi trường, cấp, thoát nước, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch… Nếu tính luôn tuyến trung ương chạy qua thì TP.HCM có khoảng 1.000km dành cho giao thông thuỷ. Trên quan điểm cá nhân tôi, không cần bàn đến những gì quá xa xôi, mà hãy tận dụng những lợi thế lớn trời cho mà chúng ta có được từ sông nước thành phố.
Chúng tôi là đơn vị thừa hành của sở Giao thông vận tải để quản lý trực tiếp các vấn đề về sông rạch của TP.HCM nhưng thực trạng sông nước bây giờ cũng có nhiều nỗi lo lắm. Những chiếc cầu tại thành phố hiện nay có độ tĩnh không (chiều cao so với mặt nước), khẩu độ thông thuyền (khoảng cách giữa hai trụ cầu) quá thấp và lòng sông cạn do bồi lấp. Đây là lỗi một phần do lịch sử và chúng tôi chỉ có thể kiến nghị để tình trạng này không diễn ra với các công trình kế tiếp. Cá nhân tôi cũng cho rằng việc cống hộp hoá kênh rạch là không nên vì giữ nguyên và cải tạo, sử dụng tốt thì mới tận dụng được chức năng tự nhiên của kênh rạch.
Có những công trình lấn chiếm hai bên bờ sông hoặc muốn đầu tư xây dựng bên bờ sông nhưng chỉ phục vụ cho mục đích riêng, cho lợi ích nhóm thì chúng tôi kiến nghị với sở Giao thông vận tải dứt khoát không cấp phép cho họ. UBND TP.HCM cũng từng ra quyết định 150 quy định về hành lang 15 – 50m hai bên bờ sông nhưng với các công trình trước khi quyết định 150 ra đời thì khó lắm. Nếu chúng ta giữ được diện tích này để quy hoạch bến bãi, đường sá, công viên để phục vụ người dân thì tốt biết mấy. Khoảng cách này phục vụ cho sinh hoạt, giải trí và môi trường cho người dân và hạn chế việc xả rác, lấn chiếm hành lang an toàn đường thuỷ. Hành lang này cũng phù hợp để xây đập ngăn triều, chống nước dâng lên do biến đổi khí hậu. Không giữ được coi chừng có tội với thế hệ sau…
Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười: Chưa đạt được sự đồng bộ
Tôi cho rằng các công trình ven sông hiện nay cũng chưa có sự đồng bộ, nhưng khi khu đô thị Thủ Thiêm hình thành hoàn tất thì diện mạo về một đô thị dọc bờ sông sẽ rõ ràng. Hiện nay, các công trình quy hoạch lớn đều phải tuân thủ nguyên tắc về xử lý nước thải, nên khả năng ảnh hưởng môi trường không lớn.
Việc tăng hay giảm tĩnh không, khoang thông thuyền của cầu tôi nghĩ ngành giao thông đã tính toán từ trước bởi chỉ cần tăng, giảm một chút là kinh phí sẽ có sự khác biệt rất lớn. Những ý tưởng để phát triển buýt đường sông nghe thì dễ nhưng không dễ. Nếu tạo buýt đường sông phải khảo sát xem tàu buýt có ảnh hưởng đến ghe thuyền của người dân mưu sinh trên sông Sài Gòn không. Tàu chạy nhanh quá sẽ tạo sóng lớn khiến ghe thuyền bị lật, tàu chạy chậm thì không cạnh tranh lại với giao thông bộ. Khi buýt đường sông cập bến thì hệ thống xe buýt, metro, xe điện mặt đất… có ở ngay bến đó để người ta thuận tiện di chuyển đến các điểm khác hay chưa? Một vấn đề khác, động đất hay bão lũ thường không xuất hiện ở miền Nam nhưng nếu xảy ra thì hậu quả của nó sẽ rất nghiêm trọng vì người dân không có kinh nghiệm đối phó. Hiện nay các công trình tại TP.HCM chứ không riêng gì các công trình ven bờ sông đều phải tính toán lại đến vấn đề này.
Trước khi triển khai công trình nào, viện Quy hoạch TPHCM sẽ mời các đơn vị liên quan đến để lấy ý kiến đánh giá. Khi ấy, tôi mong sẽ có thêm nhiều ý kiến phản biện để vấn đề rõ ràng hơn. Có phản biện mới có phát triển.
Ông Hoàng Trung Nguyên, người dân TP.HCM: Nhớ làm cho dân
Tôi không dám nói những mong ước quá sức mà chỉ xin gửi đến chính quyền thành phố nguyện vọng đơn giản không chỉ của mình mà còn nhiều người khác. Tôi từng nhiều lần đi đò qua sông Sài Gòn từ trước lẫn sau năm 1975 và thấy bây giờ chưa hơn trước nhiều lắm. Người dân chỉ muốn đi lại nhanh hơn, cảnh quan sạch đẹp nên những công trình nào xây nên nhớ làm cho dân nghèo cảm thấy thoải mái là được.
Và xin nghĩ đến hậu dự án
Hiện nay diện mạo đô thị ven sông TP.HCM về cơ bản đã được xác định hướng về khu vực từ trung tâm quận 1, 2, 4, 7 và Thủ Thiêm với nhiều công trình được hoạch định từ khoảng mười năm trước đến các công trình mới hơn. Bản thân trong mỗi chủ dự án riêng cũng có nhắc đến việc phát triển du lịch hoặc chuyên chở khách hàng bằng đường thuỷ. Tuy nhiên, việc này vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và không có sự phối hợp đồng bộ, cũng như chưa có sự đa dạng về lựa chọn điểm đến như kiến trúc sư Khương Văn Mười từng nhắc đến ở trên.
Đã có vài chủ dự án lớn liên hệ với khu Đường sông, sở Giao thông vận tải TP.HCM để xin triển khai các dự án xã hội hoá bến bãi neo đậu tàu thuỷ chở khách, kết hợp du lịch và khai thác khu thương mại mua sắm, công viên, khu vui chơi ven sông… Điều này sẽ rất tốt nếu kết hợp được các dự án monorails, metro, buýt nhanh… nhưng cuối cùng các dự án trên đều bị từ chối bởi chủ dự án nào cũng muốn hành lang dọc bờ sông thuộc về mình quản lý.
Những dòng sông, kênh rạch ở Sài Gòn ngày càng xuống cấp, trở thành những dòng sông, con kênh “chết”.
Theo tìm hiểu, chưa có cuộc khảo sát nào để lấy ý kiến người dân cũng như lấy các số liệu kỹ thuật thực tế về sự xuống cấp của sông nước Sài Gòn một cách toàn diện. Khi ấy, nhu cầu về một đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường sông nước vốn có và giàu tính năng công cộng phục vụ, người dân sẽ “khó gần” hơn với người có thu nhập thấp.
Mong lắm thay những ý kiến, nhìn nhận của giới chuyên gia, các nhà quản lý, những chủ đầu tư và người dân được chính quyền TP.HCM lắng nghe nhiều hơn nữa.
Mai Quốc Ấn
- Điểm nhấn Kiến trúc và điểm nhấn Đô thị
- "Sự im lặng của bầy cừu" và chuyện giao thông đô thị
- Nhận thức lại về quản lí đô thị
- Có lối thoát cho ùn tắc giao thông đô thị?
- Muốn cấm, phải đảm bảo nhu cầu di chuyển của dân cư
- Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Xây dựng Đô thị đại học ở Việt Nam
- Cư dân đô thị TPHCM và chất lượng sống
- Lối ra nào cho vấn đề bất bình đẳng về tài sản?
- Dự thảo Luật Thủ đô: Bỏ rơi ngoại thành và khu vực nông nghiệp nông thôn