Xây dựng Đô thị đại học ở Việt Nam

Thứ sáu, 08 Tháng 4 2011 07:44 T/c Kiến trúc Việt Nam
In

Trong thời gian vừa qua, thực tế với công việc quy hoạch và xây dựng đô thị đại học tại Hà Nội và TpHCM, đã có rất nhiều công việc được triển khai thành công. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung còn rất nhiều các vấn đề cần được thực hiện một cách nhanh chóng. Đây là một trong những phần quy hoạch và xây dựng lớn của Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Nó có tầm ảnh hưởng không chỉ về giáo dục mà còn cả những ảnh hưởng về cả kinh tế và xã hội.

Về cơ bản, trong các giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần thực hiện được ba vấn đề thiết yếu nhất, trong đó có tính đến những yếu tố đặc trưng về văn hóa, xã hội thì chắc chắn công tác quy hoạch và xây dựng mạng lưới khu đô thị đại học ở Hà Nội và Tp.HCM sẽ thực hiện thành công, phát triển bền vững và đồng đều, cân đối với các nhu cầu và nguồn lực. Ba yếu tố này bao gồm: xây dựng hệ thống giao thông công cộng thuận tiện; Xây dựng đô thị đại học bền vững theo giai đoạn, Cơ chế đầu tư riêng biệt và chính sách thu hút mạnh mẽ, lâu dài.


Khu đô thị Đại học Queensland - Úc 

Xây dựng hệ thống giao thông công cộng thuận tiện

Mạng lưới giao thông kết nối trường đại học với các đô thị trung tâm và các trường đại học với nhau là vô cùng quan trọng. Với khoảng cách trên 40 km hiện nay từ các trường đại học tới trung tâm đô thị, cần phải có một hệ thống hạ tầng giao thông thật hoàn chỉnh. Hệ thống này cần đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của sinh viên và giáo viên, bao gồm các hệ thống tầu điện cao tốc, hệ thống xe buýt... đảm bảo thời gian di chuyển từ nội đô đến các đô thị đại học khoảng 45 phút với nhiều chặng đỗ và lịch trình chính xác. Yếu tố này giúp giảm thiểu việc quy hoạch và xây dựng khu đô thị đại học như một ốc đảo cho sinh viên.

Trong cơ cấu dân số ở các đô thị như Hà Nội và TP.HCM, sinh viên tại các trường đại học cũng là một phần rất quan trọng của đô thị. Họ cũng tham gia đóng góp cho đời sống văn hóa, đời sống xã hội và cả những giá trị khác. Kinh nghiệm ở châu Âu như Amsterdam (Hà Lan), những thành phố có nhiều sinh viên học tập cũng là một lợi thế lớn bởi nó có thể là lực hút rất nhiều các hoạt động văn hóa xã hội, thậm chí là cả các hoạt động kinh tế.

Việc quy hoạch và xây dựng đô thị đại học như một ốc đảo về cơ bản có ảnh hưởng tiêu cực cho cả sinh viên cũng như bản thân đô thị đại học. Cần có một lộ trình xây dựng và củng cố mạng lưới giao thông kết nối đến các khu đô thị đại học. Chỉ có thế mới thu hút được sinh viên và giáo viên đến giảng dạy, học tập. Lộ trình này phải được hoạch định hết sức chặt chẽ do chi phí rất cao do phải xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị trên quy mô rộng toàn thành phố. Muốn làm tốt điều này, cần phân kỳ đầu tư hợp lý để có được một lộ trình quy hoạch và xây dựng phù hợp với tiến trình quy hoạch và phát triển của đô thị đại học. Tránh việc xây dựng cùng một lúc hệ thống giao thông tốn kém sau đó để không vì quy mô đô thị đại học chưa phát triển phù hợp hoặc ngược lại.

Trên tổng thể, giá thành xây dựng cũng sẽ trở nên rẻ hơn khi xây dựng mạng lưới giao thông cũng như các hạ tầng đô thị khác nếu có thể đáp ứng được cùng lúc cho các chức năng đô thị khác như: khu công nghiệp, khu ở dân dụng, khu du lịch... bên cạnh mục tiêu đáp ứng trực tiếp cho nhu cầu sử dụng của một đô thị đại học. Ví dụ, khi xây dựng hệ thống đường tầu điện cao tốc, nếu chỉ đầu tư để phục vụ cho mỗi khu vực đại học xa trung tâm sẽ là rất lãng phí. Trong tầm nhìn ngược lại, nếu được quy hoạch và xây dựng theo các chiến lược cụ thể thì bản thân hệ thống giao thông cao tốc này là lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư vào các khu vực lân cận trên tuyến giao thông đi qua.

Xây dựng đô thị đại học bền vững theo giai đoạn

Xét về mặt văn hóa, các đô thị đại học cũng rất cần có vị trí gần và mối liên hệ chặt chẽ với trung tâm đô thị. Sức hút và ảnh hưởng của đô thị trung tâm tới cộng đồng sinh viên là rất lớn. Kinh nghiệm tại châu Âu, sinh viên học tập tại các khu đại học không chỉ tiếp nhận những kiến thức trong khuôn viên ngôi trường mà còn cả các kỹ năng thực tế khác từ môi trường văn hóa xã hội của đô thị. Tại Hà Lan, trường đại học Amsterdam bao gồm mô hình trường đại học tập trung nằm tập trung ở ngoại vi thành phố và hệ thống các khoa nhỏ bố trí rải rác phân tán trong đô thị, tương tự như các trường đại học ở Hà Nội hiện nay. Tâm lý chung của sinh viên thường vẫn ưa chuộng học tập trong các khoa giảng dạy trong đô thị hơn là vào nghiên cứu tại khu đại học tập trung xa trung tâm. Chính vì vậy, với điều kiện hiện tại ở Việt Nam, việc thực hiện công tác quy hoạch và xây dựng các khu đô thị đại học nên theo hướng tiếp cận, tương tác và uyển chuyển.

Hiện nay, rất khó có thể dự báo được sự phát triển kinh tế xã hội trong nước cũng như thế giới cho một tổng thể dài hạn. Các công tác quy hoạch và xây dựng đô thị đại học nên được triển khai từng phần. Với mỗi giai đoạn, chúng ta phát triển một mục tiêu và sau đó đều có sự rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với các tình hình thực tế. Mỗi giai đoạn phân kỳ sẽ là một mảnh ghép. Sau khi hoàn thành, các “mảnh quy hoạch” được ghép lại tạo thành tổng thể khu đô thị đại học tập trung hoàn chỉnh theo đúng tổng thể quy hoạch chung ban đầu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu được những rủi ro về mặt đầu tư, tài chính và theo kịp với những biến đổi của tình hình thực tế. Cách thức triển khai quy hoạch và xây dung các khu đô thị đại học luôn được theo hướng “mở”, dễ điều chỉnh và không cứng nhắc. 

Cơ chế đầu tư riêng biệt và chính sách thu hút mạnh mẽ, lâu dài

Trong quá trình triển khai thực hiện di dời, chúng ta cần lựa chọn và thu hút và thực hiện các kế hoạch di chuyển trước tiên đối với các trường đại học có chất lượng được xã hội công nhận trước - các trường loại 1 về chất lượng giảng dạy và sự nổi tiếng. Không nên lựa chọn những trường loại 2 và 3 trong giai đoạn đầu. Khuyến khích các trường này di dời bằng các chính sách hấp dẫn như: chính sách cấp đất rẻ, chính sách hỗ trợ về tài chính xây dựng, chính sách thuế... Bên cạnh đó, Nhà nước và chính quyền địa phương sở tại cũng cần có chính sách an sinh xã hội đồng bộ thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương bởi quy luật tự nhiên khi khu vực phát triển kinh tế sẽ thu hút được nhiều chuyên gia có chất lượng đến sinh sống và giảng dạy. Đô thị đại học ở Hòa Lạc là một ví dụ. Về cơ bản, sẽ có được một sự hỗ trợ rất lớn khi thực hiện nếu khu công nghệ cao Hòa Lạc được thúc đẩy phát triển bởi sinh viên sẽ bị thu hút bởi tiềm năng về nhu cầu lao động, tiềm năng về kinh tế bên cạnh sự phát triển xây dựng đầy đủ hạ tầng cơ sở, nơi ăn chốn ở. Bên cạnh đó, có chính sách mạnh mẽ khuyến khích khu vực tư nhân và các trường dân lập tốt có chất lượng, các trường quốc tế nổi tiếng trên thế giới cùng tham gia vào việc phát triển thời gian đầu thì trong giai đoạn tiếp theo sẽ thu hút được thêm rất nhiều các đơn vị khác di chuyển theo.

Phải tạo ra được sức hấp dẫn tốt nhất cho giảng viên, sinh viên và cả các nhà đầu tư. Bên cạnh sự đầu tư hoàn chỉnh và có chất lượng về hạ tầng, đội ngũ giảng viên cao cấp có chất lượng và đẳng cấp cao cũng là yếu tố thu hút sinh viên và sự phát triển của các khu đô thị đại học mới trong tương lai. Tại Trung Quốc, trong 2 năm gần đây, các thành phố lớn đã thực hiện rất tốt việc triển khai những thành phố đại học lớn. Gần 300 khu đô thị đại học mới có sức hấp dẫn và tập trung đông sinh viên do thu hút được rất nhiều các giáo sư hàng đầu đến giảng dạy, đặc biệt là cả các giáo viên quốc tế. Các chính sách thu hút giảng viên đến giảng dạy được sao chép lại chính xác mô hình của đại học Havard (Hoa Kỳ) từng làm trước đây.

Nếu có được những cam kết và ủng hộ mạnh mẽ từ phía Chính phủ trong một thời gian dài, cùng với những chương trình quảng bá và xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, chắc chắn các đô thị đại học mới tại Hà Nội và TpHCM sẽ được hoàn thành nhanh chóng, không chỉ với khối các trường đại học công lập mà cả với khối dân lập và các trường quốc tế có chất lượng. 

Trong cơ cấu di chuyển, không nên quá chú trọng đến việc phân chia các trường đại học theo nhóm, theo ngành nghề. Có thể kết hợp một cách tương đối nhóm các trường đại học khối kỹ thuật với nhóm các trường xã hội. Điều này được xác định phụ thuộc rất nhiều về xác định quy mô đầu tư, khả năng về tài chính. Nếu chúng ta thực hiện xây dựng một tổ hợp lớn thì có thể xây dựng cùng lúc nhiều hệ thống hạ tầng. Với một nhóm trường có quy mô vừa và nhỏ, chúng ta có thể sử dụng chung hệ thống hạ tầng trên cơ sở nhu cầu sống của sinh viên là tương đối giống nhau. Ưu tiên sử dụng mô hình sử dụng chung một số công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản: sân thể thao, căng tin, nhà tập thể thao, thư viện... Về góc độ văn hóa, đời sống của khu đô thị đại học sẽ được sống động hơn. Cộng đồng các sinh viên xã hội cũng là những người bổ sung các kỹ năng về xã hội cho sinh viên ngành kỹ thuật và ngược lại. Riêng đối với những trường đào tạo các chuyên ngành đặc thù riêng biệt như nông nghiệp hay vật lý hạt nhân... cần có những thiết bị và không gian đặc thù thì có thể bố trí ở các vị trí độc lập riêng.

Về cơ bản, trong quá trình triển khai thực hiện di dời để xây dựng các đô thị đại học lớn tại Hà Nội và TpHCM, cần xác định và cơ cấu trường đại học sao cho phù hợp, hài hòa với các ngành nghề tại địa địa phương, đô thị, vùng, cũng như quốc gia. Cùng với đó là vai trò đầu tầu rất quan trọng của Chính phủ để tạo ra các chính sách và cơ chế khuyến khích phát triển ngay từ ban đầu. Nếu có được những cam kết và ủng hộ mạnh mẽ từ phía Chính phủ trong một thời gian dài, cùng với những chương trình quảng bá và xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, chắc chắn các đô thị đại học mới tại Hà Nội và TpHCM sẽ được hoàn thành nhanh chóng, không chỉ với khối các trường đại học công lập mà cả với khối dân lập và các trường quốc tế có chất lượng.

Việc thực hiện xây dựng các trung tâm đại học cho Hà Nội và TpHCM là một việc làm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển và quy hoạch đô thị bởi Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh thời gian gần đây. Hoàn thành được công việc này, đây sẽ là một trong những cú hích mạnh, làm động lực không chỉ cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa rất cao cả về mặt văn hóa xã hội.

Paul Schuttenbelt - Giám đốc Urban Solution Việt Nam (ảnh bên)
Hoàng Phương (ghi)  

 

Ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý: 

Ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Tương lai, sẽ không còn trường ĐH chỉ có vài ngàn m2. Trên thế giới, có những trường diện tích vài trăm ha thì mới phát triển lâu dài. Vì vậy trường ĐH của Việt Nam dần dần cũng phải phù hợp với chuẩn, trước hết là chuẩn Việt Nam và dần tiến tới chuẩn quốc tế.

Giáo viên tham gia giảng dạy ở những trường này cũng ý thức được với trường có quy mô lớn thì bản thân cũng có điều kiện phát triển. Thực tế, nhiều trường trong nội thành có diện tích quá chật hẹp không đảm bảo được chất lượng cũng như sự phát triển lâu dài. Bộ GD-ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí "chấm điểm" để di dời các trường ĐH ra ngoại thành. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành tiêu chí về mặt chuyên môn ngành giáo dục; còn các tiêu chí khác do các Bộ, ngành khác cùng tham gia xây dựng. Dựa trên các tiêu chí đó, Chính phủ sẽ tổng hợp xác định trường phải di dời.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Việc xem xét bố trí mạng lưới các trường đại học như thế nào là việc lớn, và phải có suy tính, có chiến lược chứ không thể nói vắn tắt. Nguồn nhân lực chất lượng cao dựa vào các trường đại học trọng điểm, thì quy hoạch đô thị đại học trước tiên nên bàn tới các trường ấy. Không nên tản mát.

Khi xây dựng các đô thị đại học, chúng ta cần xác định những trường nào là trường trọng điểm quốc gia và nhà nước chỉ có năng lực tập trung đưa những trường ấy trong thời hạn tương đối ngắn lên tầm khu vực hay quốc tế. Kế hoạch nâng tầm các trường này với việc xây dựng các khu đô thị đại học là đúng đắn. Nhưng như Bác Hồ nói là chủ trương 1 thì quyết tâm phải 3 và biện pháp phải 7.

TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học và Quản lý đô thị, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Cho đến, ở Việt Nam chưa có khái niệm cũng như quy chế chính thức cho “Đô thị đại học”, mà hiện đang tồn tại một khái niệm và quy chế khác là “Khu đô thị đại học tập trung”. Hai khái niệm này có sự khác biệt nhau. Nếu khu đô thị đại học là một thành phố với không gian quy hoạch, kiến trúc, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dịch vụ, cơ sở phục vụ giảng dạy thống nhất, thì “khu đô thị đại học tập trung” đơn giản chỉ là một phép cộng cơ học của các trường rời rạc trên một khu đất mang tính chất hành chính, lúc này chúng được hình dung giống như các củ khoai tây dồn vào trong một cái túi (theo cách ví của K.Marx).

Ths. Lê Văn Cường - Trường Cầu đường Paris:

Để một khu Đô thị Đại học có thể đưa vào sử dụng và khai thác hết tiện ích của nó, trước hết, cần phải nhận thấy sự cần thiết của hệ thống tàu điện RER. Tại Đô thị đại học Descartes, nếu không có hệ thống này thì không thể đưa các trường đại học ra xa trung tâm khoảng 30km. Vào 9h sáng hàng ngày, mọi người đã có mặt ở ga Noisy Champs để tới khu đô thị Descartes. Tới 5h chiều, mọi người làm việc ở đây lại tập trung về Noisy Champs để đi tàu điện về nhà. Đi bộ từ các trường ra nhà ga đều rất gần, chỉ mất vài phút. Di chuyển về trung tâm thành phố cũng chỉ mất có 30 phút. Tiếp đó, để được gọi là một khu đô thị, cần thiết phải đặt vào trong đó tất cả cơ sở hạ tầng như Trường học (các cấp), nhà ở, nhà thuốc, bệnh viện, quán ăn, nhà ăn công cộng, quán café, trung tâm siêu thị, ký túc xá, ngân hàng... Với Descartes, các yêu cầu trên đều được đáp ứng đầy đủ và đây là lý do quan trọng giúp khu Đô thị Đại học này tập trung được đông đảo nguồn lực, từ đội ngũ giảng dạy đến những sinh viên ưu tú nhất, giúp nó trở thành niềm tự hào của Paris cũng như nước Pháp. 

Nguyễn Đỗ Dũng - Cty Tư vấn Thanh Bình:

“Đô thị đại học” là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ trong lĩnh vực giáo dục đại học tại nước ta. Tạo dựng một môi trường văn hóa đặc trưng và sống động trong một “đô thị đại học” là một công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực từ giáo dục đại học, quản lí giáo dục, tổ chức hoạt động cho sinh viên - thanh niên, quy hoạch đại học và thiết kế đô thị. Từ góc độ tạo dựng một trường vật chất cho “đô thị đại học”, thiết kế đô thị sẽ tác động thế nào đến hành vi của con người để rồi tác động đến môi trường văn hóa là một câu hỏi lớn và các nhà thiết kế đô thị cũng như đô thị học luôn theo đuổi. Câu trả lời chung mà họ có được là làm sao khuyến khích con người giao tiếp thông qua thiết kế. Tạo ra một không gian vật chất khuyến khích con người giao tiếp và tham gia các hoạt động cộng đồng chính là góp phần tạo ra một không gian văn hóa trong “đô thị đại học”.

Trần Trọng Hanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi:

Phải có vốn ODA, dành ít nhất mỗi trường 150 triệu USD, do vậy một vài trường cần phải sáp nhập, hoặc giải thể. Không nên để tràn lan, kể cả trường công, trường tư. Các nước, trên thế giới, mỗi Thủ đô chỉ có một vài trường ĐH. Cũng giống như trong một gia đình, ít con thì sẽ chăm lo tốt hơn. Quá nhiều trường, ai cũng chạy lên xin, cuối cùng, lại gây hỗn độn. Nếu trường ra trường, công suất và hiệu quả sẽ lên gấp bội, không nhất thiết phải có quá nhiều Ban giám hiệu, đôi khi lại gây lãng phí lớn. Cần phân cấp các trường giống như ta phân cấp đô thị, cũng có loại 1, loại 2... Với những khung tiêu chí, chuẩn riêng, các trường chỉ cần đối chiếu vào đó là có thể xếp loại được trường mình đang ở level nào!

KTS Nguyễn Hữu Thái:

Ở nước ta khái niệm ĐH xanh vẫn còn mới mẻ. Đi tiên phong trong xu hướng tích cực này phải nói đến nhóm nghiên cứu phát triển và xây dựng Đại học Trí Việt (TP.HCM). Nhóm đã làm được nhiều việc khai phá trong vài năm trở lại đây. Họ đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận, tổ chức cả một cuộc thi ý tưởng thiết kế mang tính quốc tế về ĐH xanh. Đặc biệt với chuyên đề hội thảo gần đây: “Điều gì tạo nên một trường đại học "xanh" tại Việt Nam” với mong muốn làm rõ các mối liên kết trong thực tiển giữa khái niệm đại học bền vững trên phạm vi toàn cầu và trong bối cảnh của Việt Nam, làm rõ tham vọng xanh của một trường đại học hướng tới phục vụ lợi ích công.

TS Trịnh Hồng Đoàn - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội:

Hiện nay, khi nói đến việc xây dựng mô hình đô thị Đại học, tôi nghĩ đó là điều tất yếu, và nên làm trong tương lai. Có lẽ, một điểm ưu việt trong đồ án Quy hoạch Hà Nội mở rộng chính là việc đưa ra được mô hình Đô thị Đại học. Bởi lẽ, việc xây dựng này là một quá trình dài hơi, đòi hỏi cần có những lộ trình cụ thể, từng giai đoạn. Thế nhưng, điều trước tiên cần có, đó là việc đề án Đô thị Đại học này sớm được phê duyệt, chúng ta sẽ có một khu đất sạch, đã được quy hoạch để dành cho việc này. Nếu không, sau 10 năm, 20 năm nữa, có muốn quy hoạch để làm cũng khó. Bởi đất đai lúc này có lẽ đã bị chia nhỏ, xé lẻ ra nhiều phần. Và, kinh phí để thực hiện chắc sẽ gấp nhiều lần hiện nay.

(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - 03/2011) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: