Hà Nội – Chợ dân sinh, lối sống và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa

Thứ năm, 17 Tháng 3 2011 20:42 Ashui.com
In

Các chợ dân sinh ở Hà Nội là một phần của bản sắc văn hóa và lịch sử của thành phố. Ngoại trừ các khu đô thị mới, tất cả các khu dân cư ở Hà Nội đều có chợ họp vào buổi sáng. Chúng không chỉ cung cấp cho người dân những thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng mà còn tạo ra không gian thú vị làm nảy sinh các mối quan hệ xã hội trong các khu dân cư. Tuy nhiên, hiện nay Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra một chính sách mà trong đó các chợ dân sinh truyền thống sẽ bị thay thế hầu hết bằng các siêu thị và đại siêu thị.


TS. Stephanie Geertman (giữa) trình bày nghiên cứu tại Hội thảo "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn" diễn ra tại Hà Nội ngày 17/3.
       
Các siêu thị mới sẽ thay thế các chợ hiện tại trong thành phố như chợ Hôm, hoặc được xây dựng liền kề với các chợ hiện có. Đồng thời, các chợ dân sinh đã bị loại ra khỏi các bản quy hoạch của các khu đô thị mới, thay vào đó là các siêu thị và đại siêu thị.

Sự chuyển đổi này cũng giống với những gì đang diễn ra ở các nước có thu nhập trung bình khác, nơi toàn cầu hóa và thương mại hóa đang gây áp lực lớn cho các chợ dân sinh truyền thống. Điều này đang mang lại những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng dinh dưỡng, văn hóa ẩm thực, kết cấu kinh tế-xã hội và sức khỏe dân cư.

Bài báo này giới thiệu sự xây dựng lại của hai chợ ở Hà Nội, đưa ra bảy lý do tại sao các chợ dân sinh là yếu tố quan trọng đối với các thành phố có điều kiện sống tốt, và đưa một số đề xuất về chính sách cần thiết để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được với thực phẩm tươi sống, có lợi cho sức khỏe.

 

Xây dựng lại chợ Hàng Da và chợ Cửa Nam

Ở Hà Nội, hai ví dụ điển hình về việc chợ đã được xây dựng lại là chợ Cửa Nam và chợ Hàng Da. Cả hai chợ đã được xây dựng thành các trung tâm thương mại bởi các công ty tư nhân với số vốn vào khoảng 11-11,5 triệu đô-la. Hai chợ cũ là hai trong số những chợ cổ nhất ở Hà Nội, cả hai đều được hoàn thành vào năm 2010, cả hai đều không cung cấp đủ không gian cho chợ dân sinh cũ.

Ở chợ Cửa Nam, Ngân hàng Vietinbank đã thuê lại gần như toàn bộ tòa nhà. Chức năng bán lẻ duy nhất trong tòa nhà là một siêu thị vắng vẻ ở tầng một. Tên gọi “Chợ Cửa Nam” vẫn được đặt trước lối ra vào, nhưng không còn thấy chợ dân sinh ở bên trong nữa. Tên gọi này chỉ gợi nhắc về một địa điểm đã bị mất. Những người bán hàng ở chợ bị mất việc, và chỉ có một số ít người chuyển đến những chợ khác ở gần đó và phải vất vả cạnh tranh với những người bán hàng khác (từ các cuộc phỏng vấn vào tháng 2, 2011)

Chợ Hàng Da vẫn có không gian cho những người bán hàng, tuy nhiên chợ lại ở dưới tầng hầm và giá thuê quá cao. Rất nhiều người đã cho thuê lại gian hàng của mình. Họ nói với chúng tôi rằng: “Chợ đã chết rồi” (từ cuộc phỏng vấn thực hiện vào tháng 2)

Sự phát triển hiện nay cho thấy các chợ dân sinh ở Hà Nội đang dần biến mất, thay vào đó là những bất động sản không những không tạo cơ hội kiếm thu nhập cho những người nghèo, mà còn giảm nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống bổ dưỡng. Do các chợ dân sinh là vô cùng quan trọng đối với các thành phố có điều kiện sống tốt, chúng tôi trình bày ở đây bảy lý do tại sao lại cần có hành động cấp thiết để thay đổi quá trình phát triển này ở Hà Nội. 

 

7 lý do tại sao các chợ dân sinh đóng góp cho một thành phố sống tốt

Từ một số tài liệu nghiên cứu và hoạch định chính sách liên quan đến chợ ở châu Âu và châu Á, chúng tôi nhận thấy có bảy khía cạnh liên quan đến chợ dân sinh nói chung và tác động của việc thay thế chúng bằng trung tâm thương mại nói riêng, những điều cần được giải quyết ở Hà Nội.

1 - Các mối quan hệ xã hội

Xây dựng lại một địa điểm bán lẻ là một sự phá hủy không gian xã hội.

Khi thay thế hoặc cải tạo chợ dân sinh, điều quan trọng là không phải chỉ nhìn vào những kết quả về kinh tế, mà còn nhìn vào sự tác động xã hội. Nghiên cứu ở London lập luận chợ đóng một vai trò văn hóa xã hội giá trị cho rất nhiều người. Nghiên cứu ở Hà Lan đã kết luận rằng chợ dân sinh có một vai trò to lớn đối với sự hòa nhập xã hội của người dân trong các khu dân cư và trong các thành phố. 

Nghiên cứu ở Bangkok và Hồng Kông cho thấy cả người bán và người mua ở các chợ dân sinh đánh giá cao các mối quan hệ thân thiết nảy sinh từ những cuộc nói chuyện hàng ngày của họ, và rằng sự giao tiếp thân thiết theo sau vượt lên trên sự trao đổi bình thường giữa người bán và người mua.

So với chợ dân sinh, việc quản lý một siêu thị, về nhiều mặt, áp dụng các hệ thống “có lô-gic” về tính hiệu quả, khả năng tính toán, tính dự đoán và kiếm soát, một hiện tượng được biết đến như một sự “McDonald hóa”.

2 - Sự thoải mái về tinh thần

Cách người dân mô tả về cuộc sống của mình gắn bó với không gian công cộng (và những điều kiện, những nét đặc trưng mang tính địa phương khác) có thể cho thấy rằng trong bối cảnh đó họ có được sự thoải mái về tinh thần hay không.

Nghiện cứu ở London đưa ra ba lý do tại sao chợ có đóng góp lớn cho sự thoải mái về tinh thần. Thứ nhất, những cử chỉ đơn giản như gật đầu và mỉm cười ở chợ đã được ghi nhận là mang lại sự vững tâm và có thể tạo nền tảng cho những sự tiếp xúc thân mật hơn trong tương lai. Thứ hai, chợ được coi như những không gian trị bệnh nhờ những yếu tố chung của không gian công cộng, nhờ sự sôi động của đời sống đô thị và sự ngắm nhìn những người khác. Thứ ba, chợ là một địa điểm gắn với nhiều kỷ niệm, ký ức về những địa điểm yêu thích có thể có ảnh hưởng quan trọng đến sự thoải mái về tinh thần.

Vì vậy, chợ dân sinh, có tác động tích cực trực tiếp tới người dân bằng cách làm nâng cao sự thoải mái về tinh thần và do đó đóng góp cho sức khỏe cộng đồng đối với những người sử dụng chợ.


Chợ Hoa tại khu Nghi Tàm - Quảng An, Hà Nội (ảnh: photobucket.com)

3 - Sự chuyển đổi dinh dưỡng và an toàn thực phẩm

Bằng chứng trên toàn thế giới cho thấy rằng những nước có thu nhập thấp và trung bình đang trải qua một quá trình chuyển đổi chế độ ăn uống và sự chuyển đổi này dẫn đến sự tiêu dùng những thực phẩm đã qua rất nhiều công đoạn bảo quản và chế biến, giàu năng lượng với mức độ lớn hơn.

Sự chuyển đổi dinh dưỡng trong chế độ ăn uống này gây ra một số bệnh không truyền nhiễm liên quan đến thực phẩm, bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ và béo phì, và những căn bệnh này đang gia tăng ở Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra rằng siêu thị /đại siêu thị chịu trách nhiệm chính cho sự phổ biến của những thưc phẩm được chế biến sẵn ít dinh dưỡng, giàu năng lượng này. Điều này có liên quan đến những hậu quả tiêu cực của sự chuyển đổi dinh dưỡng (Mendez và Popkin, 2004). Các siêu thị ở Hà Nội có bán một số thực phẩm địa phương truyền thống, nhưng với số lương rất hạn chế. Thực tế chúng phần lớn bán những thực phẩm được chế biến sẵn ít dinh dưỡng.

Khi chế độ ăn uống kém đi và những bệnh không truyền nhiễm tăng lên như là một hệ quả, sẽ lại có những kết quả tiêu cực về kinh tế. Chính phủ, các công ty bảo hiểm và bản thân các cá nhân đều phải chi trả tiền chữa bệnh, và phải chịu các chi phí khác của bệnh tật và tử vong sớm. Đối với Hà Nội, rất cần phải cân nhắc những yếu tố này khi thay thế chợ truyền thống bằng siêu thị.

4 - Đắt và rẻ

Đối với những người không khá giả trong xã hội, các chợ dân sinh là nơi họ có thể mua thực phẩm tươi sống với giá phải chăng. Trái ngược với siêu thị, giá cả ở các chợ dân sinh có dao động.

Theo một cách tiêu cực điều này có thể khiến cho khách hàng bị lợi dụng (làm tròn giá, cân không chính xác), nhưng theo một cách tích cực nó cũng phục vụ cho sở thích được mặc cả của khách hàng.Về mặt công bằng xã hội, nó cho phép những người sẵn sàng và có khả năng chi trả nhiều hơn mua với giá như vậy, trong khi đó tạo ra cơ hội có mức giá rẻ hơn cho những người không có khả năng mua giá cao. Rõ ràng là cơ hội này không tồn tại trong các siêu thị, trừ những thực phẩm rẻ tiền, ít dinh dưỡng.

Trong nghiên cứu về sự gia tăng số lượng siêu thị ở Việt Nam, Figuié và Moustier (2008) thấy rằng những khách hàng có thu nhập thấp dựa vào một mạng lưới đa dạng các cửa hàng chính thức và phi chính thức để đảm bảo việc tiếp cận với thực phẩm, cơ hội kiếm tiền và giá cả phải chăng. Những người nghèo mua sắm rất ít ở siêu thị do những điều kiện vât chất bắt buộc (giá cả, vận chuyển, v.v), mặc dù họ đánh giá cao các siêu thị và chất lượng các sản phẩm bày bán. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng để tạo thuận lợi cho những người nghèo, các chính sách phân phối thực phẩm cần nhắm đến việc duy trì sự cân bằng của những loại cửa hàng khác nhau và thực thi những tiêu chuẩn chất lượng công cộng để đảm bảo quyền lợi của tất cả mọi người đối với thực phẩm an toàn. (2008:2010).

Vì vậy, đóng cửa các chợ dân sinh để tạo điều kiện cho sự phát triển các siêu thị sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới những người không mấy khá giả, những người sẽ chỉ có khả năng mua những thực phẩm rẻ tiền và ít dinh dưỡng trong siêu thị.

5 - Lối sống văn hóa

Các chợ dân sinh được coi là những tài sản quan trọng đóng vai trò chính trong bản sắc của các khu dân cư. 
 
Các chợ ở các thành phố Châu Âu và Châu Á được coi là những tài sản quan trọng trong bản sắc của những thành phố này. Rất nhiều chợ dân sinh ở các thành phố trên toàn thế giới (như Amsterdam, Paris, Hong Kong, v.v..) đã trở thành những địa điểm thú vị cho khách du lịch khám phá ẩm thực địa phương và văn hóa hàng ngày. Điều này thường được ủng hộ bởi chính quyền địa phương.

Ở Hà Nội, các siêu thị đang thiếu vắng văn hóa ẩm thực của các chợ dân sinh và các chợ trên đường phố. Vì vây, kết quả của việc thay thế chợ dân sinh bằng siêu thị và đại siêu thị, và loại bỏ các hoạt động phi chính thức khỏi vỉa hè là “lấy đi một phần văn hóa của thành phố”.

6 - Nền kinh tế địa phương

Các chợ dân sinh được hưởng lợi từ một mạng lưới các cửa hàng hoạt động tốt ở xung quanh, và, đồng thời, các cửa hàng cũng được hưởng lợi từ một khu chợ hoạt động tốt.

Sự tương tác giữa các chợ, các cửa hàng và sự hiếu khách vì thế là một phần quan trọng của một thành phố hoặc một khu dân cư đa dạng, năng động và hấp dẫn.

Hiện tại ở Hà Nội, các tòa nhà hiện đại đã được nâng cấp có dành chỗ cho những người bán hàng thuê. Tuy nhiên, tất cả những vị trí đó thường không thích hợp hoặc có giá cao. Kết quả là những người bán hàng ở chợ mất việc.

7 - Quan hệ giữa nội thành và ngoại thành

Các chợ dân sinh là một trong những thành phần chính kết nối nền kinh tế đô thị và nông thôn. 

Ngày nay, chợ dân sinh ở Việt Nam vẫn là những địa điểm chính nơi thực phẩm tươi sống được bán ra.  Những thực phẩm tươi sống hiện đến từ những vùng ven đô xung quanh các thành phố của Việt Nam, như ở Hà Nội. Do đó có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa thành phố với các vùng lân cận. 

Nếu các chợ dân sinh biến mất trong thành phố và các tập đoàn (quốc tế) và/hoặc các chuỗi siêu thị lớn tiếp quản việc cung cấp thực phẩm trong thành phố thì mối quan hệ giữa nội thành và ngoại thành sẽ thay đổi. Các thực phẩm tươi sống sẽ được chế biến trước và sau đó đi trực tiếp từ những khu vực lân cận vào những siêu thị lớn trong thành phố. Thực phẩm sẽ không được tươi, được chế biến sẵn và rất nhiều thực phẩm từ các vùng khác và từ nước ngoài như Trung Quốc sẽ thâm nhập vào chuỗi thực phẩm ở Hà Nội.

Sự xáo trộn về mối quan hệ giữa nội thành và ngoại thành này sẽ dẫn đến một sự mất mát to lớn cho nền kinh tế địa phương ở cả khu vực đô thị và nông thôn, cho các mạng lưới xã hội, và mất đi bản sắc văn hóa. Nó cũng sẽ dễ tạo ra một nguồn cung cấp thực phẩm ít dinh dưỡng trong thành phố.

 

Hành động và tác động chính sách cho Hà Nội

Chợ dân sinh và chợ bán lẻ truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Về mặt công bằng xã hội, quan trọng cần phải duy trì sự đa dạng của các cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, khi quan sát hoạt động của các chợ mới ở Hà Nội hiện nay, chợ dân sinh không được bảo vệ và đánh giá một cách hợp lý, và việc đưa ra quyết sách là vô cùng cần thiểt để bảo tồn hơn là phá hủy chúng. Nếu chính quyền muốn đảm bảo sự tồn tại của chợ dân sinh, chính phủ cần công nhận tầm quan trọng về văn hóa – xã hội, kinh tế và dinh dưỡng của chợ dân sinh trong các chính sách của mình. Chính quyền cần công nhận rằng họ phải bảo vệ chợ dân sinh khỏi sự xâm nhập của những chuỗi siêu thị toàn cầu. Rất nhiều chợ đã được đưa vào kế hoạch cải tạo lại. Tuy nhiên, Hà nội vẫn còn những chợ đường phố sống động, và những đầu mối cung cấp thực phẩm tươi sống quan trọng vẫn đang hoạt động, như chợ Long Biên. 

Việc đưa ra quyết sách có thể không bảo vệ được tất cả các chợ, nhưng ít nhất một chính sách mới về chợ và thực phẩm tươi sống ở những thành phố của Việt Nam có thể giữ cho các chợ dân sinh vẫn tồn tại và đảm bảo rằng ở những khu đô thị mới có những không gian dành cho nó.

Điều trớ trêu là ở rất nhiều nước phát triển, các chợ dân sinh đang được khôi phục lại trong các thành phố và đây là một quá trình tốn kém. Việt Nam mặt khác vẫn có những thành phố đậm nét văn hóa chợ, và bài học cho Việt Nam là: đừng lặp lại sai lầm của những thành phố khác trên toàn thế giới. Hãy bảo vệ các chợ dân sinh trong các thành phố của Việt Nam!

TS. Stephanie Geertman
- Chuyên gia tư vấn, chương trình "Thành phố sống tốt" của HealthBridge Canada


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: