Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Phản biện Sài Gòn đang lún!

Sài Gòn đang lún!

Viết email In

14 quận, huyện tại TP.HCM đang lún với tốc độ nhanh, các quận huyện còn lại cũng lún khá nhanh, kéo theo nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Dù không phải chuyện mới, song diễn biến ngày càng phức tạp do kiểu quy hoạch “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Người dân TP.HCM hẳn không lạ với tình trạng lún nứt xảy ra thường xuyên tại các công trình giao thông, mà mới đây nhất là đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Con đường cao tốc đầu tiên này vừa đưa vào sử dụng chưa đầy 2 tháng đã phát hiện nhiều điểm lún cục bộ. Trong đó, phần đường dẫn thuộc H.Bình Chánh, TP.HCM là một trong những điểm lún nghiêm trọng nhất, chỉ một thời gian ngắn đã lún từ 10 - 15 cm.

2,5m chỉ còn 1,4m

Trước đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh 2 ở Q.Bình Thạnh được xem là điển hình về công trình “siêu lún” đến mức không kiểm soát nổi. Con đường này kể từ khi đưa vào sử dụng (năm 2001) đến nay đã xuống cấp trầm trọng, nền mặt đường trên toàn tuyến bị lún từ 0,5 - 1,1m so với thiết kế ban đầu, trong đó 2 hầm chui cao 2,5m bị lún chỉ còn 1,4m, không thể lưu thông được.

  • Ảnh bên : Nước ngập sâu hơn nửa bánh xe làm giao thông tê liệt một bên con đường Trần Hưng Đạo, Q1 (Ảnh: VNE)

Bệnh “lún” đã khiến các cơ quan chức năng phải liên tục chi tiền tỉ để sửa chữa, bù lún cho công trình và đến thời điểm này, chi phí sửa chữa đã lên đến hàng trăm tỉ đồng và vượt quá số tiền xây lắp ban đầu...

PGS-TS Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa tin học (đơn vị thực hiện quan trắc lún mặt đất trên địa bàn TP.HCM) cho rằng, trên thực tế, hiện tượng lún tại TP.HCM đã xuất hiện từ lâu và không chỉ làm hư hại các công trình hạ tầng giao thông, mà còn gây ra hàng loạt sự cố đối với nhà ở của người dân.

Ngay từ năm 2003, các sự cố sụp, lún đất ở H.Hóc Môn làm ảnh hưởng đến 42 hộ gia đình. Đến năm 2004, mức độ lún càng nghiêm trọng khi bất ngờ xuất hiện 30 hố sụt sâu hơn 2m ảnh hưởng lên phần diện tích rộng đến 4 ha ở Q.9.

Tình trạng lún còn làm xuất hiện hiện tượng nhiều trụ giếng khoan khai thác nước ngầm bị trồi lên trong khi mặt đất hạ thấp xuống ở Q.Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Cụ thể như tại khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) có trụ giếng khoan bị trồi đến 30 cm. Nguyên nhân, theo ông Trung, do quá trình khai thác nước ngầm tại khu vực này dần tháo khô các lớp tầng chứa nước, làm hình thành các lỗ rỗng khiến mặt đất bị sụp và trồi trụ giếng khoan lên.

Biến dạng mặt đất 

UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường lập dự án đánh giá, phân tích lún cho toàn TP bằng kỹ thuật Insar vi phân. Kỹ thuật này sử dụng ảnh vệ tinh radar đa thời gian (thu nhận nhiều thời điểm khác nhau), dựa trên độ lệch pha động của sóng điện từ để tính toán độ dịch chuyển của từng vị trí trên mặt đất, từ đó xác định vị trí lún, đánh giá mức độ lún theo thời gian cho từng quận - huyện, phường - xã. 
Lý giải tình trạng lún ngày càng nhanh tại TP.HCM, ông Trung cho rằng diễn biến lún thời gian qua có mối liên quan với tốc độ phát triển đô thị. Bởi quan trắc cho thấy thời điểm nhiều khu vực trên địa bàn TP bị lún nhanh cũng trùng với thời điểm tốc độ phát triển đô thị tăng mạnh.

Trong đó, 2 mốc quan trọng là việc lập thêm 5 quận mới ở TP vào năm 1997 và việc phát triển đô thị, các khu công nghiệp từ năm 1998. Quá trình đô thị hóa kéo theo nhiều diện tích mặt đất bị bê tông hóa, tình trạng san lấp kênh rạch nở rộ trong khi nhu cầu khai thác nước ngầm tăng mạnh là những nguyên nhân gây ra hiện tượng biến dạng mặt đất.

Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Kỷ - TSKH về địa chất - phân tích, cấu tạo đất vùng ĐBSCL nói chung và TP.HCM nói riêng đều có lớp trầm tích trẻ, dạng bùn, bở rời, sâu 30 - 40m, nhiều nơi vốn là các lòng sông cổ trước đây nên lún nhiều là đương nhiên.

Theo ông Kỷ, hầu hết các khu vực chạy dọc các con sông, rạch như Bình Thạnh, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ... đều cấu tạo từ các lớp đất yếu có độ dày mỏng khác nhau. Do đó, trong quá trình xây dựng các công trình nhà ở cũng như đường sá, hàng loạt khối bê tông nặng nề được đặt trên nền đất yếu gây ra hiện tượng lún và trượt, làm hư hại các công trình này.

Quy hoạch đi ngược với quy luật tự nhiên

Ở góc độ bao quát hơn, GS-TSKH Lê Huy Bá (Viện Khoa học - Công nghệ - Quản lý môi trường) - cho rằng hiện tượng lún nghiêm trọng kéo theo ngập lụt gia tăng tại TP.HCM là hệ quả của việc phát triển quy hoạch đi ngược với quy luật của tự nhiên.

Theo ông Bá, ai cũng biết nguyên tắc biến đổi khí hậu sẽ làm nước biển dâng nhưng trong quy hoạch vẫn cứ phát triển và mở rộng đô thị về các vùng trũng, thấp ở đông nam TP và thực hiện các công trình lấn biển. Chẳng hạn, khu vực Q.7, Nhà Bè càng đi về phía Cần Giờ thì địa chất càng yếu và dễ xuất hiện các đứt gãy trong lòng đất nhưng mức độ đô thị hóa ngày càng tăng.

Sự xuất hiện của các con đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập vô tình tạo thành các con đê chắn ngang khiến tình trạng ngập ở Q.7 ngày càng nặng. Khu vực đã bị bê tông hóa như Phú Mỹ Hưng có thể không ngập nhưng xung quanh lại ngập nặng và lan ra quận 4, 8 và toàn bộ khu nội đô.

Trong tương lai khi nước biển dâng thì xã Hiệp Phước (H.Nhà Bè) sẽ là khu vực ngập đầu tiên, kế đó là Q.7. Bởi vậy, nếu xây dựng khu đô thị Hiệp Phước và tiếp tục mở rộng khu Phú Mỹ Hưng thì tình trạng lún và ngập càng nghiêm trọng. Tương tự, nếu đô thị hóa Q.2 thì tình trạng ngập lụt sẽ đổi dòng về phía trung tâm Q.1” - ông Bá khuyến cáo.

Ông Bá cho rằng, TP.HCM nên chú trọng việc phát triển đô thị về hướng bắc và tây bắc (như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức...) bởi các khu vực này nền đất cứng nên chi phí cho việc xây dựng tại đây thấp hơn từ 3 - 4 lần so với xây dựng tại vùng trũng đông nam (vì ít tốn chi phí chống lún, chống ngập, chống phèn, chống ăn mòn kim loại, chống nước biển dâng...).

(Theo Thanh Niên)
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo