Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện Giải bài toán di dân vào Hà Nội

Giải bài toán di dân vào Hà Nội

Viết email In

Không nên để quá trình di dân ngoại tỉnh vào Hà Nội một cách tự phát nhưng cũng không nên quản lý quá trình này bằng mệnh lệnh hành chính.
 
Khuyến nghị này được nêu ra tại Hội thảo “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” được tổ chức vào chiều 8/10 tại Hà Nội.

Trên 5,2 vạn người nhập cư vào Hà Nội năm 2010

Theo TS Đinh Văn Thông, ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), theo dự báo, trong năm 2010, tỷ lệ người nhập cư đến Hà Nội sẽ là 52.588 người, tăng so với tỷ lệ nhập cư vào TP này trong năm 2009 (48.620 người) cũng như những năm trước đó. “Như vậy, xu thế chung trong những năm tới là số lượng người lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội vẫn tăng lên một cách nhanh chóng. Hiện tượng này, nếu không có sự quản lý, điều tiết sẽ gây ra những vấn đề phức tạp trong đời sống kinh tế xã hội cho thủ đô trong những năm tới”, TS Thông cảnh báo.


Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (ảnh minh họa - xomnhiepanh.com) 

Những thách thức của quá trình dân ngoại tỉnh nhập cư vào TP Hà Nội, theo TS Thông, thể hiện rõ ở sự gia tăng sức ép việc làm cho thủ đô; tăng sức ép điều kiện hạ tầng, quỹ nhà ở; gia tăng tệ nạn xã hội và khó khăn cho các nhà quản lý.

Đặc biệt, việc số dân nhập cư vào Hà Nội ngày một tăng khiến cho việc ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Ông Thông dẫn chứng: “Chất thải sinh hoạt, mức gia tăng dân số quá nhanh hiện nay luôn gắn với việc ô nhiễm môi trường và gây bất lợi cho hệ sinh thái. Hà Nội mỗi ngày có khoảng 2.000m3 rác thải, trong khi chỉ giải quyết được khoảng 50% số rác đó”.

Không nên hạn chế nhập cư bằng mệnh lệnh hành chính

Tuy nhiên, TS Thông vẫn cho rằng, “di dân ngoại tỉnh vào các thành phố lớn nói chung và Hà Nội nói riêng là một xu thế tất yếu. Vì vậy, không nên để quá trình di dân ngoại tỉnh (đặc biệt là di dân mang tính chất thời vụ) vào Hà Nội trở thành quá trình tự phát, nhưng đồng thời cũng không nên duy ý chí, quản lý quá trình này bằng mệnh lệnh hành chính một cách cứng nhắc”.

TS Phạm Thị Hồng Điệp, ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm: “Với sự tăng lên nhanh chóng và khó kiểm soát của dòng lao động nhập cư vào Hà Nội, đã xuất hiện ý tưởng quản lý theo kiểu “siết chặt” quy chế nhập cư đối với lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội. Ý tưởng này thể hiện cách nhìn nhận về di chuyển lao động theo quan điểm cổ điển”.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lao động di chuyển vào Hà Nội, TS Điệp cho rằng, trước hết cần thống nhất một số quan điểm cơ bản như coi lao động nhập cư là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phân bố lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống. Phải nhìn nhận lao động nhập cư cần trở thành một cấu thành của chiến lược phát triển bền vững. Đặc biệt, Hà Nội cần coi trọng hàng đầu việc thu hút và sử dụng có hiệu quả đội ngũ lao động trình độ cao, có kỹ năng nghề nghiệp và phong cách lao động đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Để thực hiện được chủ trương trên, TS Điệp đề xuất 5 giải pháp, trong đó, đáng chú ý là TP cần tăng cường điều tiết và quản lý lao động di chuyển vào Hà Nội bằng các phương pháp kinh tế, phù hợp với cơ chế thị trường và quy luật phát triển thủ đô. “Hà Nội cần chú ý hạn chế tiếp nhận các dự án đầu tư cần nhiều lao động phổ thông ở đô thị nhằm tạo ra hàng rào kỹ thuật và công nghệ để gián tiếp hạn chế lao động phổ thông vào thành phố. Vùng đô thị hạt nhân trung tâm cần khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, công nghệ tiên tiến không gây ô nhiễm, sử dụng ít đất, sử dụng lao động có lựa chọn và gắn với các trung tâm nghiên cứu”, TS Điệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo TS Điệp, để phát triển kinh tế thủ đô bền vững, các chính sách quản lý lao động nhập cư vào Hà Nội cần tập trung theo hướng tạo điều kiện cho lao động có trình độ cao. Cụ thể là Hà Nội cần dành những ưu đãi thích hợp về chế độ nhập hộ khẩu, nhà ở, tuyển dụng và các chính sách khác về lương, phụ cấp để thu hút, tuyển dụng những sinh viên, trí thức, chuyên gia tài năng trong lĩnh vực kinh tế quan trọng của thủ đô và các nhà doanh nghiệp trình độ cao ở các lĩnh vực phù hợp về công tác tại thủ đô.

Cùng quan điểm với TS Điệp, TS Thông đề xuất Hà Nội cần có biện pháp chủ động nhằm tổ chức thu hút lực lượng lao động theo nhu cầu thị trường thay vì hạn chế bằng các rào cản hành chính. Đặc biệt, phải có quy hoạch nơi ở và nơi giao dịch việc làm cho người di dân theo mùa vụ; thành lập các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người di dân.

Nguyệt Minh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo