Hà Nội nan giải với vấn đề nghĩa trang - Bài 1

Thứ sáu, 17 Tháng 9 2010 07:40 Lao Động
In

Bài 1: Sắp hết chỗ dành cho người chết


Quy hoạch treo

Bất kỳ đô thị nào trên thế giới, ngoài vấn đề quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người sống, nhà quản lý luôn phải tính đến việc quy hoạch nơi an nghỉ cho người đã khuất. Đối với Hà Nội, hiện tại có 7 nghĩa trang quy mô cấp thành phố, đó là: Mai Dịch, Văn Điển, Thanh Tước, Yên Kỳ (cũ), Sài Đồng, Ngọc Hồi và Nhổn, với tổng diện tích khoảng 70ha. Ngoài ra còn có rất nhiều nghĩa trang có quy mô nhỏ nằm lẫn lộn trong các khu dân cư, khá mất vệ sinh. Đại đa số các nghĩa trang của Hà Nội hiện đều đã quá tải, trong đó nghĩa trang Văn Điển đã phải dừng chôn cất địa táng từ tháng 7/2010 vì không còn diện tích đất trống và vì mục đích bảo vệ môi trường.

Sau khi đóng cửa nghĩa trang Văn Điển, hiện thành phố chỉ có 2 nghĩa trang nhân dân có thể chôn cất là Yên Kỳ (cũ) và Thanh Tước. Nhưng nghĩa trang Thanh Tước đã gần hết chỗ địa táng, nghĩa trang Yên Kỳ (cũ) cũng chỉ còn tiếp nhận thêm được khoảng 2 năm. Chính vì lẽ đó Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch vùng thủ đô tới năm 2020, tầm nhìn tới 2050, trong đó chỉ rõ việc quy hoạch, xây dựng nghĩa trang sinh thái tại huyện Sóc Sơn với quy mô 150ha. Công nghệ chủ yếu là cát táng. 

Tiếp sau quyết định của Thủ tướng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành văn bản số 181/TB-TU, về quy hoạch hệ thống nghĩa trang và nhà tang lễ trên địa bàn thủ đô. Trong đó đã chỉ rõ sự cần thiết phải xây dựng nghĩa trang sinh thái trên địa bàn huyện Sóc Sơn làm nơi an táng cho cư dân thủ đô sau khi qua đời. Ngày 13/8/2009, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã họp bàn thống nhất, ra thông báo 292/TB-HU, về việc chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang sinh thái trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Ngày 15/9/2009, UBND TP.Hà Nội có công văn 8935/UBND-XD, về việc chấp thuận địa điểm xây dựng nghĩa trang tập trung của thành phố tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ngay sau đó, ngày 20.10.2009, Huyện ủy Sóc Sơn đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang tập trung của thành phố. Tiếp sau đó, các sở TNMT, sở xây dựng, sở NNPTNT đều vào cuộc và có hàng loạt văn bản khẳng định việc xây dựng nghĩa trang sinh thái tại xã Minh Phú là hoàn toàn phù hợp quy hoạch, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cũng vì tính cấp thiết của dự án nên sau khi đi thị sát tình hình, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã phải lên tiếng với báo chí: “Nếu triển khai chậm dự án thì người dân Hà Nội khi qua đời sẽ không có chỗ để chôn”. Thế nhưng suốt từ đó đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy, nhà đầu tư không thể vào khảo sát vì vấp phải sự phản đối của người dân.

Trách nhiệm cán bộ, đảng viên xã Minh Phú ở đâu?

Mặc dù dự án mới nằm trên giấy thế nhưng ngay sau khi nhận được thông tin về việc quy hoạch, xây dựng nghĩa trang tại khu vực xã Minh Phú, hàng trăm người dân đã tập trung tới UBND huyện Sóc Sơn để phản đối. Ý kiến của người dân cho rằng việc xây dựng nghĩa trang tại khu vực đồi gò đó là xây dựng vào khu vực rừng phòng hộ, gây ô nhiễm môi trường... mặc cho Sở NNPTNT và UBND huyện Sóc Sơn đã có nhiều văn bản khẳng định: Đất quy hoạch nghĩa trang là đất rừng kém hiệu quả, chứ không phải là đất rừng phòng hộ; các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, TNMT cũng đều đã có văn bản trả lời: Dự án xây dựng nghĩa trang tập trung của thành phố tại xã Minh Phú là hợp quy hoạch, đảm bảo các giải pháp công nghệ, biện pháp xử lý môi trường... nhưng các cán bộ, đảng viên của xã Minh Phú vẫn kiên quyết không đồng thuận việc xây dựng nghĩa trang tập trung của thành phố tại địa phương mình.

Điều đáng chú ý hơn nữa là có 8/8 chi bộ Đảng thôn của xã Minh Phú đều đã biểu quyết chống lại chủ trương về việc xây dựng nghĩa trang. Chưa hết, hễ có bất cứ động thái nào của huyện, hoặc các cơ quan của thành phố về họp bàn về việc triển khai dự án là có hàng ngàn người dân lại tập trung kéo đến bao vây, phá rối khiến không thể họp được. Đỉnh điểm nhất là vào ngày 3.8.2010, khi UBND huyện và Sở Xây dựng tổ chức khảo sát, đo đạc khu vực dự tính làm dự án, đã có hơn 4.000 người, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên cùng tham gia bao vây khu đất khiến cho việc khảo sát không thực hiện được.

Về nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng đông người a dua chống lại chủ trương này khiến dự án nghĩa trang tập trung của thành phố không triển khai được, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt khảng khái thừa nhận: Trước Đại hội Đảng bộ xã, một số cán bộ chủ chốt của xã không tán thành dự án nên không triển khai các văn bản kế hoạch của huyện. Lãnh đạo huyện, xã trong thời gian dài không kiểm soát được tình hình. Công tác chỉ đạo tuyên truyền của huyện chưa quyết liệt, sâu sát, vì vậy người dân chưa thông...

Trong khi Chủ tịch UBND huyện khảng khái nhận trách nhiệm thì khi chúng tôi đặt vấn đề về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng và nguyên nhân của việc 100% chi bộ thôn bỏ phiếu chống lại chủ trương xây dựng nghĩa trang thì Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong lại từ chối một cuộc làm việc. Điều này có thể thấy tổ chức Đảng ở huyện Sóc Sơn chưa làm tròn vai trò của mình và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến dự án chưa thể triển khai.

Chí Tùng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: