Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Phản biện Giao thông đô thị tại TP.HCM: Tàu điện một ray - không phải “chiếc đũa thần”!

Giao thông đô thị tại TP.HCM: Tàu điện một ray - không phải “chiếc đũa thần”!

Viết email In

Tuy chi phí đầu tư xây dựng ít tốn kém, hạn chế giải tỏa mặt bằng và thời gian thi công nhanh hơn so với tàu điện ngầm, song loại hình tàu điện một ray (TĐMR) không phải "chiếc đũa thần" giải quyết bài toán ùn tắc giao thông hiện nay tại TPHCM.

Trước mắt, TPHCM cần khoanh vùng một số khu vực và tập trung phát triển mạnh vận tải công cộng xe buýt, nhằm hạn chế việc đi lại bằng xe cá nhân.

  • Ảnh bên : Loại tàu điện một ray tại nước ngoài

TĐMR - giải pháp cho bài toán kẹt xe?

Tại hội thảo TĐMR trong quy hoạch giao thông đô thị tại TPHCM do Sở GTVT TPHCM và Tổng Cty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng VN (Vinaconex) tổ chức ngày 26.8, ông Đặng Hoàng Huy - TGĐ Vinaconex Xuân Mai - đã đề xuất đầu tư xây dựng TĐMR tại các đô thị Việt Nam, trong đó có TPHCM. Theo ông Đặng Hoàng Huy, so với đầu tư xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, TĐMR có nhiều ưu điểm và phù hợp với các điều kiện đô thị tại VN. TĐMR có chi phí đầu tư thấp (khoảng 8 triệu USD/km), những tuyến đường có dải phân cách lớn có thể xây dựng được hệ thống TĐMR (chạy trên cao), hơn nữa thời gian thi công nhanh.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam – Bộ Kế hoạch & Đầu tư) lại cho rằng, với tình giao thông tại TPHCM như hiện nay thì việc đầu TĐMR chưa khả thi và không phải là “chiếc đũa thần” giải quyết được nạn kẹt xe. Thay vào đó, TĐMR chỉ khả thi trong thời gian tương lai khi TPHCM đã hình thành được các khu đô thị chức năng và TĐMR sẽ kết nối các khu đô thị này với nhau. Cùng quan điểm này, PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân (GĐ Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển) nhận định: “Để giải quyết kẹt xe tại TPHCM, chúng ta đừng quá kỳ vọng vào TĐMR”.

Ông Nguyễn Đức Huy – Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM – lại tỏ ra băn khoăn về chi phí đầu tư, bởi theo tính toán của ông Huy, với chi phí 8 triệu USD/km thực tế chỉ mới xây dựng được phần đường trên cao, trong khi để TĐMR hoạt động được cần phải đầu tư thêm nhiều hạng mục khác cũng khá tốn kém như: Xây dựng depot, nhà ga, hệ thống điện, toa xe... Mặt khác, kỹ thuật thi công cũng không đơn giản như mọi người nghĩ (chỉ xây dựng các trụ bêtông trên đường với khoảng cách 20-30m rồi gác các thanh dầm lên). Ngược lại, muốn xây dựng được mỗi trụ bêtông giữa đường cần phải khoan những cọc nhồi và đổ móng bên dưới, trong khi đó điều kiện đường sá tại TPHCM hiện nay có mật độ xe khá đông thì tiến độ thi công xây dựng TĐMR khó có thể nhanh.

  • Ảnh bên : Liệu tàu điện một ray có giải quyết được nạn kẹt xe tại TPHCM như hiện nay? 

Khoanh vùng tập trung phát triển mạnh xe buýt

Để giải quyết bài toán kẹt xe hiện nay tại TPHCM, tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn (Cty tư vấn thiết kế NVD) cho rằng TPHCM cần phải ưu tiên mở thêm đường cũng như đầu tư xây dựng hệ thống vận tải công cộng thật tốt.

Do điều kiện TPHCM hiện chưa thể đầu tư hệ thống vận tải hành khách công cộng hoàn chỉnh (gồm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt...) nên ông Nam Sơn đề xuất trước mắt thành phố có thể khoanh từng vùng và tập trung phát triển mạnh hệ thống xe buýt. Đi kèm với phát triển tốt hệ thống xe buýt, thành phố có thể hạn chế những bãi giữ xe ôtô, xe gắn máy bên trong vùng và tăng giá giữ xe lên rất cao, nhằm tạo sự khó khăn cho người dân khi sử dụng xe cá nhân đi vào bên trong hoặc họ phải chấp nhận kẹt xe. Ngược lại, bên ngoài phạm vi được khoanh vùng cần bố trí nhiều bãi đậu xe ô tô, xe gắn máy với giá rẻ, để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt đi vào khu vực khoanh vùng.

Theo quy hoạch giao thông của TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, trên địa bàn TPHCM có 2 tuyến monorail (tàu điện trên cao): Tuyến đi dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh (có hướng tuyến từ QL50 – Nguyễn Văn Linh - khu đô thị mới Thủ Thiêm) và tuyến ngã sáu Gò Vấp – Công viên phần mềm Quang Trung – Tân Thới Hiệp. Hiện nay, Vinaconex cũng đang có ý định muốn đầu tư tàu điện một ray vào 2 tuyến này. 

Trần Phan

[ Chuyên đề : Giao thông đô thị

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo