Thư ngỏ gửi Thủ tướng về quy hoạch Hà Nội mở rộng

Thứ ba, 24 Tháng 8 2010 15:00 Ashui.com
In

Tác giả Vũ Tuấn Dũng vừa gửi Ashui.com thư ngỏ và Concept, một vision (tầm nhìn) về Quy hoạch Hà Nội mở rộng đã được trình bày và gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua cổng điện tử của chính phủ vào ngày 9-8-2010, cũng như cho Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội.

Ashui.com xin giới thiệu cùng bạn đọc để cùng tham khảo. 

Kính thưa Thủ tướng, 

Năm 2010 là một năm đặc biệt!

Mở đầu cho thập kỉ mới của thế kỉ 21,tinh hoa của thế giới đã tụ họp tại Davos Thụy sĩ để bàn về các vấn đề của thế giới với tư duy: rethink, redesign and rebuild. Trong bối cảnh đó,lần đầu tiên thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự như một trong những diễn viên chính và cũng là lần đầu tiên Việt Nam đề cập đến vai trò của mình trong một cộng đồng đang dần hiện hình: cộng đồng Asean và mở rộng hơn Asean+3, Asean+6 hay cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương. 

Năm 2010 cũng là năm đánh dấu 1000 năm Hà Nội trở thành “nơi thượng đô kinh sư muôn đời” của mảnh đất hình chữ S, đánh dấu sự phát triển đột phá của dân tộc sau hơn ngàn năm bắc thuộc thành một quốc gia cường thịnh tại khu vực.

Một trong những việc quan trọng cho sự kiện Hà Nội 1000 năm là chuẩn bị quy hoạch tổng thể Hà nội 2030 và tầm nhìn 2050 với mục tiêu biến Hà Nội thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và chính trị không những của cả nước mà còn cả của khu vực.

Nhưng, dù được thực hiện bởi liên danh tư vấn nhiều kinh nghiệm, dù được áp dụng những lý thuyết tiên tiến nhất trong quy hoạch và được thể hiện với trình độ bậc thầy mà lần đầu tiên người Việt Nam biết đến, đồ án này vẫn phải đối mặt với những vấn đề gây quan ngại rộng rãi trong xã hội.

Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để một mặt vẫn đáp ứng được những quyền lợi của các tập đoàn bất động sản, mặt khác vẫn giải tỏa được những quan ngại của xã hội. Trong bối cảnh đó xin mạn muội đề xuất một cái nhìn khác cho quy hoạch Hà Nội mở rộng, một giải pháp cho phép giải quyết về cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông cũng như di dân tại trung tâm hiện hữu và tạo dựng được bản sắc lâu dài cho thủ đô của cả nước. 

 

I. Vị trí trung tâm hành chính quốc gia

Với quy hoạch Hà Nội mở rộng, khi mà nhu cầu nâng cấp các trụ sở công quyền vốn cũ nát, chật chội đã trở lên hết sức cấp bách, vấn đề mấu chốt và quan trọng bậc nhất là phải đề xuất cho được vị trí của trung tâm hành chính quốc gia.Trên cơ sở đó đưa ra cách giải quyết các bài toán về quy hoạch không gian, mối liên hệ giữa trung tâm lịch sử hiện hữu và trung tâm hành chính mới; tạo lập hạ tầng cho việc phát triển một nền kinh tế dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp với hàm lượng khoa học cao, bền vững và thân thiện với môi trường; tạo cho Hà Nội một vị thế mới sau 1000 năm “là nơi thượng đô kinh sư muôn đời” .

Trong các hội thảo về quy hoạch Hà Nội mở rộng cũng đã khẳng định rất rõ : "... để phù hợp với một thành phố phát triển trong tương lai cần phải xem xét kỹ vị trí Trung tâm hành chính quốc gia. Nếu đặt ở vị trí phù hợp sẽ tạo đà cho sự phát triển chung về tất cả các mặt: Kinh tế - Xã hội - Văn hoá cho toàn thành phố. Đó cũng là nền tảng vững chắc cho các Trung tâm chính trị và hành chính quốc gia”.

Với mục tiêu đó, xin đề xuất vị trí cho trung tâm hành chính quốc gia tại địa bàn Tây Mỗ và Đại Mỗ huyện Từ Liêm Hà Nội vì những lý do sau:

1. Khu vực này nằm ở trung tâm của Hà nội mở rộng cũng như vùng thủ đô, lại liên kết với trung tâm hiện hữu cực kì mật thiết bằng những trục giao thông thuận tiện nhất của Hà nội hiện có mà chẳng cần phải cải tạo, nâng cấp hay bổ sung gì: Láng-Hòa Lạc –Nguyễn Chí Thanh ở phía bắc; Nguyễn Trãi-Hà Đông ở phía nam và Lê Văn Lương –Láng Hạ-Giảng Võ kéo dài gần như chạy thẳng đến trung tâm. Đây lại cũng là trung tâm của một loạt những dự án bất động sản lớn đang triển khai nằm ở phía tây thành Hà Nội như Bắc,Nam An Khánh, Đức Phương, Mỹ Đình, Mễ Trì, Cầu Giấy, Trung Yên, Trung Hòa-Nhân Chính, Văn Quán, Văn Khê và như thế nếu được chọn thì không chỉ thúc đẩy một làn sóng phát triển đô thị vô cùng mạnh mẽ mà đồng thời, chỉ sau một thời gian ngắn ta sẽ có một khu vực rộng lớn với bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh. Thêm nữa, ở đây rất gần thành phố hiện hữu, thậm chí cả khu vực Tây hồ Tây cũng chẳng thể gần gũi hơn, nên sẽ đảm nhận vai trò giãn dân từ khu nội thành cũ đang quá tải một cách hoàn hảo.

2. Địa điểm này nằm trong huyện Từ Liêm, gốc Hà Nội nên sẽ không có chuyện phải dời Đô đi đâu , điều mà không ít người đang băn khoăn, lo lắng đòi hỏi phải cân nhắc cho thấu đáo.

3. Nếu phải xét về phong thủy: Địa điểm này nhìn sơ bộ hoàn toàn tương tự như thành Thăng Long xưa: cũng dựa núi Tản Viên, không chỉ nhìn ra sông Hồng mà còn được cả dòng sông Cái bao bọc và trước khi chảy ra biển còn luyến tiếc triều lại đến mấy lần.Thậm chí nếu cân nhắc đến yếu tố trục linh mạch thì ở đây tuy cũng hơi lệch về phía nam so với trục hướng Đông là Ba Vì-Hồ Tây như Hoàng Thành nhưng lại hoàn toàn chính cung trên trục Đông Bắc-Tây Nam qua Cổ Loa-Hồ Tây-Chúc Động. Nếu nhìn tổng thể hơn thì cả thành Cổ Loa, thành Thăng Long và khu vực đề xuất cũng gần như nằm theo hướng Tây Bắc-Đông Nam hướng lên những địa danh lịch sử như phòng tuyến Như Nguyệt, ngã ba sông Thiên Đức và xa hơn là cửa ngõ biên giới Đồng Đăng. Khu vực này còn nằm kẹp giữa hai sông nhỏ là sông Nhuệ và sông Đáy nên yếu tố phong thủy lại còn có nhiều tầng lớp hơn.

4. Căn cứ theo ảnh Google chụp khu vực này hiện tại thì khu vực này sau khi di dời giải phóng mặt bằng theo ước tính ban đầu khoảng 35-45 ngàn dân (nếu chỉ riêng xã Tây Mỗ thì chỉ có 17 ngàn) sẽ có một quỹ đất rộng, sạch gần như tương đương với cả 4 quận nội thành cũ là Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng; đảm bảo để xây dựng downtow cho bất cứ một thành phố hiện đại tầm cỡ hiện có trên thế giới.


Hiện trạng phân bố dân cư

5. Khác với 5 vị trí do PPJ đem ra xem xét mà chưa có đủ sức thuyết phục, với cùng các tiêu chí đã được dùng để đánh giá ,cân nhắc, thì đây lại là vị trí có ưu thế vượt trội .Hiện tại, khu vực này có hệ thống giao thông đường bộ được quy hoạch căn cứ theo hệ thống đường hiện có được nâng cấp nhằm kết nối và phát triển Hà Đông như một trung tâm mới của Hà Nội.Tuy nhiên,do chỉ được xem xét là vùng xen kẹp giữa hai tuyến phát triển không gian là Hà Đông và Láng-Hòa Lạc, cùng với tư duy lảng tránh các vấn đề nhạy cảm trong giải phóng mặt bằng cũng như các dự án được xét duyệt khi bản thân quy hoạch tổng thể của Hà Nội mở rộng chưa được nguyên cứu nên các tuyến đường đang quy hoạch này lại xé nát một khu vực có diện tích lớn và tiềm năng đặc biệt. Chỉ cần tĩnh trí nhìn nhận, cơ cấu lại hệ thống giao thông, điều chỉnh chút ít quy hoạch những dự án còn nằm trong quá trình chuẩn bị đầu tư, ta hoàn toàn có thể biến khu đất kẹp, vùng sâu vùng xa trong quy hoạch hiện tại thành nơi đắc địa bậc nhất cho trung tâm Hà Nội mới; biến cả vùng đất rộng lớn thành những khu đất vàng, sẵn sàng để biến kinh đô xưa thành global city, hiện đại, bản sắc đủ sức để “vẻ vang sánh vai với bạn bè năm châu”.


Hệ thống sông hồ điều hòa và đường giao thông đề xuất trên nền hiện trạng khu vực

6. Với vị trí và diện tích của mình, khu vực này không chỉ đáp ứng vai trò trung tâm hành chính quốc gia mà còn hoàn toàn có thể trở thành trung tâm mới của Hà Nội, một trung tâm hiện đại, có hạ tầng kĩ thuật đồng bộ, có giao thông thuận tiện. Để làm được việc này, đề nghị tiến hành di dân và giải phóng mặt bằng toàn bộ dân cư hiện có, quy hoạch lại hệ thống đường và cơ cấu lại các dự án dù đã được duyệt trước khi Hà Nội mở rộng. Thiết nghĩ, một quy hoạch phát triển trên nền tảng tư duy “win-win” có thể điều hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan. Như thế, Hà Nội sẽ có một trung tâm mới hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; có quảng trường và những không gian công cộng rộng lớn đáp ứng được mọi lễ hội, sự kiện văn hóa mà trung tâm hiện hữu đang hết sức quá tải; có mặt nước, cây xanh và cả những tòa nhà cao tầng, những trụ sở, những bệnh viện, trường học và nhà văn hóa khang trang, bề thế; có nhiều khu dân cư, siêu thị, nhà hàng, triển lãm, khách sạn vừa đẹp vừa tiện nghi…Và điều quan trọng là nó không chỉ tương thích với những dự án xung quanh mà thậm trí còn làm chúng thay đổi hẳn về chất để đem lại lợi thế lớn hơn, hứa hẹn nguồn lãi khổng lồ hơn hòng có thể kêu gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn bất động sản hợp tác để phát triển cùng đất nước.

7. Xin đề xuất thêm một chút “lãng mạng thần tiên” cho trung tâm hành chính mới là ý tưởng về một trung tâm thương mại tầm cỡ, nơi tập trung các sàn giao dịch, đầu mối của dịch vụ tài chính, thương mại với hình tượng con rồng mới Việt nam đang vươn lên trời cao.


Trung tâm thương mại Thăng Long-nơi tập trung các sàn giao dịch hàng hóa của cả nước

Hãy cùng thử mường tượng một chút về hình ảnh trung tâm này : “… một con rồng đang trườn mình vươn lên khỏi mặt đất để rồi bay vút lên trời cao. Đấy! Thăng long của Hà nội trong thế kỉ 21 đấy! Hãy cùng nhau đứng tại tượng đài kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, nơi có tượng Lý Công Uẩn đang lướt trên thuyền rồng tìm đất định đô cho nước Đại Việt. Ta dường như đang thấy truyền thuyết năm xưa đang vang vọng về nhắc nhở lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc lại khởi nguồn của mảnh đất ngàn năm văn vật là thủ đô Hà Nội và rồi ta sẽ càng ngẩng cao đầu tự hào hơn khi chợt hiểu ra rằng đấy không còn là truyền thuyết nữa mà là lời khẳng định quyết tâm xây dựng đất nước “bằng xương bằng thịt” của thế hệ Việt Nam hôm nay trước cha ông...”.

Đấy chính là bước khởi đầu cho việc thế hệ Hồ Chí Minh xây dựng Trung tâm Hà Nội mới- Quận Thăng Long, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc cùng với niềm khát khao, hoài bão của người Việt nhằm nâng cao lòng tự tôn dân tộc trong thời điểm toàn dân cần phải vượt qua sức ép rất lớn để trước tiên là bảo vệ chủ quyền còn sau đó là xây dựng và phát triển đất nước.


Trung tâm thương mại Thăng Long nơi khơi gợi truyền thống và khát vọng của người Việt

Sau 1000 năm,Thăng Long-Hà Nội cùng với hình ảnh rồng bay sẽ là mở đầu cho bước phát triển đột phá của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong tiến trình hình thành cộng đồng Asean và rộng hơn là cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương-khát vọng lớn lao, tầm nhìn mới mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mở ra trước mắt cả dân tộc.

II.Mô hình cho đô thị lõi

Muốn “tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển”, đô thị lõi của Hà Nội mở rộng phải nằm ở bờ nam sông Hồng để gìn giữ cuộc đất “rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi ” vốn được xem như điều kiện đảm bảo cho sự vững bền của kinh thành cũng như của quốc gia mà Lý Thái Tổ khẳng định khi dời đô về Thăng Long và lại được tái khẳng định trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 29-5-2008 về mở rộng địa giới Hà nội tại kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa 12. 

Hà Nội hiện nay, sau khi mở rộng, có cấu trúc đô thị hoàn toàn lệch tâm so với địa giới hành chính. Do đó, nhằm tìm kiếm giải pháp cho sự phát triển đồng đều hơn về phía Tây và Nam; nhằm hạn chế những khó khăn, bất cập trong giải phóng mặt bằng; đô thị lõi phải được phát triển về phía tây và nam với xu hướng tạo dựng 2 hình ảnh đô thị tương phản: Thăng Long-Hà Nội mới hiện đại và năng động nhưng đầy bản sắc dân tộc cùng sóng đôi với Hà Nội lịch sử, thâm trầm ngàn năm văn hiến đang vươn đến tương lai. Đặc trưng bởi 2 trung tâm, đô thị lõi sẽ hình thành theo mô hình Paralel city để cuối cùng hợp nhất lại, nén lại thành trung tâm lớn cho cả Hà Nội mở rộng và vùng thủ đô. Đấy cũng chính là mô hình mà những thủ phủ lâu đời trên thế giới đã lựa chọn : Paris với La Defense, London với Canary Wharf và mới đây nhất Shanghai với Pudong, Moscow với Moscow-city.

Vì vậy, xin đề xuất một hình ảnh hết sức Á Đông hoàn toàn có thể đem lại một giải pháp đặc sắc cho quy hoạch đô thị lõi Hà Nội đó là Thái cực đồ. Nó tượng trưng cho sự cân bằng giữa : Mới-Cũ, Hiện đại-Truyền thống, Thông suốt-Ách tắc, Thoáng đạt-Chật chội, Văn minh-Lạc hậu, Con người-Môi trường, Đô thị-Tự nhiên, Bản sắc-Hội nhập, Dân tộc-Quốc tế . Đấy cũng là những điều kiện rất cần thiết đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một thành phố vốn vẫn tự hào về truyền thống ngàn năm của mình.


Mô hình trung tâm đô thị-biến thể của Thái cực đồ và Concept cho đô thị lõi Hà Nội

Mô hình lý thuyết này cho phép gắn kết 2 hình ảnh đô thị tương phản trong một thể thống nhất; tạo dựng được mối liên hệ gần gũi, mật thiết giữa trung tâm chính trị lịch sử hiện hữu và trung tâm hành chính mới nhưng đồng thời cũng phân biệt một cách rõ ràng công năng, vai trò giữa 2 khu vực tránh tình trạng lộn xộn, chia cắt và manh mún hiện nay. Không những thế, mô hình này lại cho phép phân bố lại hợp lý dân cư tùy theo công việc lựa chọn, rút ngắn được khoảng cách từ các khu dân cư đến các cực thu hút do đó sẽ giảm đáng kể dòng người tìm việc đổ dồn vào một trung tâm chật hẹp vốn quá tải trầm trọng như hiện nay.

Nói một cách khác, xin đề xuất concept như sau cho đô thị lõi :

1.Cuộc đất phong thủy dựa núi nhìn sông:  Đô thị lõi Hà Nội- huyệt của cuộc đất để có thể xem phong thủy- nằm hoàn toàn ở bờ phải của sông Hồng và như thế vẫn gìn giữ được những gì mà bậc tiên đế Lý Thái Tổ đã định ra trong chiếu dời đô.

2.Cấu trúc đô thị lõi-thái cực đồ:  Bản thân đô thị lõi cũng là một đô thị đa trung tâm trong đó trung tâm hiện hữu vốn có bề dầy lịch sử, văn hóa ngàn năm tuổi và cùng với trung tâm hành chính mới là chủ đạo, là lưỡng cực cho toàn bộ Hà nội và cả vùng thủ đô.

Nhìn lại lịch sử, quy hoạch Hà nội cũng chỉ ra mối liên hệ hoàn hảo theo mô hình trên. Hãy nhìn vào bản đồ Hà nội ta sẽ thấy khu Hoàng Thành đối xứng với khu Phố Tây qua tuyến đường sắt bắc nam.Cho đến tận bây giờ, mô hình quy hoạch mà KTS Pháp Ernest Hebrard đề xuất vào những năm đầu thế kỷ 20 đã giải quyết một cách hoàn hảo những mâu thuẫn đã được đề cập ở trên để chúng ta có một Hà nội vô cùng quyến rũ, thơ mộng không chỉ trong mắt con dân đất Việt mà còn cả trong lòng khách du lịch quốc tế.

Xa hơn nữa, cung Vua-phủ Chúa thời Lê-Trịnh cũng đã từng tồn tại song song hàng thế kỉ và chỉ hỏa hoạn mới xóa nhòa dấu vết của một thời vàng son của đất kinh kỳ xưa mà thôi.

Vậy sơ đồ bát quái được áp dụng cụ thể cho trường hợp Hà Nội mở rộng như thế nào:

Bên trong, chạy theo hình chữ S quen thuộc là chuỗi các trụ sở, văn phòng, khu đô thị mới trải suốt từ khu Tây hồ Tây, theo đường vành đai 3 hiện tại-Phạm Văn Đồng rồi Phạm Hùng đến Linh Đàm rồi rẽ xuống phía nam. Chuỗi trung tâm này sẽ tạo nên CBD cho Hà nội mới mà sự tập trung đông đúc các trụ sở, văn phòng lại không gây nên tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay nhờ có một hệ thống giao thông rộng thoáng đã lên hình và sẽ hoàn tất ngay trong nay mai.

Vòng ngoài, chuỗi các khu đô thị mới kể theo chiều kim đồng hồ như Ciputra, thành phố Sông Hồng, Numura, Pháp Vân-Tứ Hiệp, Linh Đàm, Xa La, Văn Khê, Mỗ Lai, nam An Khánh, bắc An Khánh,…Chèm …tạo thành vành đai dân cư bao quanh đô thị lõi.Từ vành đai dân cư này, mọi người hoàn toàn dễ dàng tiếp cận với cả hai trung tâm ở bên trong lẫn dải CBD, thêm vào đó cũng chẳng khó khăn gì trong việc ra ngoài đến các đô thị vành đai, nơi tập trung các khu công nghiệp, các khu chế xuất, các trung tâm khoa học và đào tạo để làm việc. Hơn nữa, việc tập trung hình thành các khu dân cư vành đai này đa phần đều nằm trong vùng ven đô cũ, do đó việc đền bù giải phóng mặt bằng đơn giản hơn nhiều. Thêm nữa, việc bố trí này không chỉ giải tỏa áp lực phát triển lên trung tâm hiện hữu, giãn dân đô thị mà còn vẫn cho phép cho nhiều hộ dân Hà Nội cũ giữ mối liên hệ với môi trường sống, thói quen cư sống vốn nhiều năm nay là rào cản cho tiến trình di dân khỏi khu phố cổ.

Hiển nhiên, hai tâm điểm của mô hình này là trung tâm chính trị lịch sử hiện hữu và trung tâm hành chính quốc gia.Cùng với chuỗi CBD ở khu vực ven đô hiện tại và vành đai các khu đô thị mới, Hà Nội có thể có vẽ lên một quy hoạch độc đáo nhưng lại giải quyết được những vướng mắc về giao thông đô thị, về mặt bằng và vấn đề giãn dân tại trung tâm thành phố.

Hơn thế nữa, các đô thị vành đai cùng với đô thị lõi trước hết sẽ tạo thành một Thái cực đồ hoàn chỉnh để rồi sau đó các đô thị vệ tinh lại một lần nữa vẽ lại sơ đồ này ở một tầm rộng hơn.

3.Tìm kiếm bản sắc cho trung tâm mới: Việc các đô thị mới mang nặng phong cách quốc tế cũng là điều dễ hiểu bởi kiến trúc cổ truyền thống Việt nam hoàn toàn là những công trình thấp tầng, đã thế phần mái lại chiếm phần chính trong giải pháp mặt đứng cũng như phối cảnh do đó không được phù hợp với đòi hỏi vươn cao của thời đại mới.

Vậy bản sắc nào cho trung tâm hành chính mới ?

Thiết nghĩ, bản sắc không nhất thiết nằm ở mặt đứng bên ngoài. Bản sắc sẽ nằm trong nội hàm cấu trúc bên trong, phù hợp với lối sống, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.Trước hết là tục thờ cúng tổ tiên luôn có trên bàn thờ của từng gia đình, tôn vinh các liệt tổ liệt tông, các danh nhân, các anh hùng lịch sử trong các đền thờ, miếu mạo nằm rải rác khắp các vùng quê và đặc biệt tập trung ở mảnh đất kinh đô. Đó là tín ngưỡng đa thần giáo trong đó đạo Phật với gốc rễ hơn 24 thế kỉ luôn ăn sâu trong lòng người với hệ thống chùa chiền phổ biến khắp đất nước. Đó là lối sinh hoạt cộng đồng mà tiêu biểu là các lễ hội được tổ chức tại các đình làng. Ngoài ra, còn phải kể đến di sản phong phú các truyền thuyết, các giai thoại lịch sử có thể mang lại những gợi ý đặc sắc cho việc khai sáng ý tưởng thiết kế; còn phải kể đến kho tàng văn hóa phi vật thể tầng tầng, lớp lớp, nghệ thuật ẩm thực đa dạng độc đáo mà khéo léo ta sẽ tạo dựng được vô số các điểm đến hấp dẫn chẳng lẫn với đâu được. Đó là cuộc đời của những anh hùng, danh nhân trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, những con người là kết tinh để rồi lại hun đúc thêm hào khí dân tộc. Cuối cùng, chính điều kiện tự nhiên, khí hậu, mặt nước, sông hồ cùng hệ thực vật lại là phông nền chính để mà khi thiết kế phù hợp với nó, dựa vào nó ta sẽ có bản sắc của riêng mình. Tóm lại, Hà nội mới mà đại diện là trung tâm hành chính mới phải kiến tạo những không gian thuần Việt đủ lớn, đủ hấp dẫn để ghi nhớ và nhận biết làm cơ sở để tạo dựng một không gian hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc.

4. Bảo tồn, tôn tạo trung tâm hiện hữu:  Vành đai bảo tồn các di sản kiến trúc của trung tâm hiện hữu trùng với tuyến thành Đại la, nơi cho phép gìn giữ toàn bộ quá trình phát triển của Hà nội như một đô thị từ khi bắt đầu quá trình quy tụ dân cư, đến thành Đại la của Cao Vương, rồi mốc định đô Thăng Long của Lý Thái Tổ…cho đến việc tạo dựng đô thị Hà Nội của người Pháp và phát triển không ngừng đến mốc 1000 năm Thăng Long-Đông Đô Hà Nội để đánh dấu một giai đoạn mới của Hà Nội mở rộng-megapolis Hà Nội.

Ưu tiên việc đánh dấu vị trí thành Hoàng thành Thăng Long trên bản đồ thành phố để bất cứ ai cũng cảm nhận được vị trí của kinh thành huyền thoại một thời mỗi khi dạo bước trên các phố Phan Đình Phùng-Lý Nam Đế-Trần Phú-Hùng Vương. Khu vực phía đông kinh thành giáp đường Lý Nam Đế sẽ di dời toàn bộ các nhà dân xây dựng lộn xộn chẳng ăn nhập với lịch sử ngàn năm để tái tạo lại, mô phỏng không gian Việt truyền thống các công trình văn hóa, bảo tàng, chùa chiền cùng với việc khôi phục lại không gian tường thành ít nhất là đúng theo một cạnh của kinh thành cũ nhằm khẳng định tầm vóc của ngôi thành cổ. Tất cả các công trình này phục vụ cho hoạt động du lịch văn hóa và trong khu vực kinh thành cũ sẽ không để tồn tại nhà dân, loại bỏ hoàn toàn nguy cơ tái hủy hoại không gian thành cổ một lần nữa.

Ở Long thành-Cấm thành, khu vực nằm giữa đường Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu sẽ xóa bỏ những trại lính Pháp cũ, giữ lại căn hầm làm việc của quân ủy trung ương, nhằm tôn tạo biến toàn bộ khu thành nội thành một quần thể tôn nghiêm, một Tông miếu muôn đời của con dân Việt tưởng nhớ ghi ơn các bậc tiên đế của mình. Sân Long Trì sẽ là nơi tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh lòng tự tôn dân tộc.Còn bãi đá bóng hiện tại sẽ biến thành vườn hoa, nơi tổ chức các hoạt động công cộng như hội hoa xuân, chợ hoa Tết, các lễ hội truyền thống…để lưu giữ muôn đời những nét tinh hoa của người Hà thành thanh lịch. Không gian Cột cờ Hà Nội phải được mở rộng, dỡ bỏ những công trình không phù hợp ở xung quanh nhằm tạo không gian trang trọng hơn cho cột mốc chủ quyền dân tộc.Viện bảo tàng quân đội cũng sẽ được nguyên cứu để tái cấu trúc lại cho phù hợp với quần thể mới.
Để gìn giữ không gian 36 phố phường, bảo tồn nhịp sống cuốn hút chốn kẻ chợ xưa truyền thống mà vẫn đảm bảo sự hòa nhập trong môi trường của thế kỷ XXI, điều quan trọng là phải cung cấp những dịch vụ kỹ thuật của thời mới như metro, highway, carparking mà không phá nát không gian là điều tối quan trọng. Việc di dời ga Hàng Cỏ, khu dân cư phía đông Hoàng thành, làm lại cầu Long Biên và xây mới thành phố sông Hồng sẽ là những việc hết sức cần thiết để có một chốn Kẻ chợ bản sắc, cuốn hút cho trung tâm lịch sử văn hóa của Hà Nội mới. Việc mô phỏng kinh thành cũ cho không chỉ phép tái tạo lại mối liên hệ “thứ nhất kinh kỳ,thứ nhì kẻ chợ” mà còn cung cấp gara ô tô cho khu vực dân cư giàu có bậc nhất Hà Nội bằng cách khai thác không gian ngầm. Việc dỡ bỏ tuyến đường sắt và làm lại cầu Long Biên sẽ biến tuyến đường 1 huyết mạch cũ thành tuyến xuyên tâm nội đô mới rộng rãi. Chạy suốt từ đô thị vệ tinh Bắc Ninh ở phía bắc qua hành lang công nghiệp Từ Sơn, Đông Anh, Gia Lâm đến trung tâm lịch sử văn hóa hiện hữu, xuyên qua đô thị lõi rồi đến khu hậu cần Thường Tín và lại đô thị vệ tinh Phú Xuyên ở phía nam, đường chính đô thị này gồm cả tuyến đường sắt đô thị sẽ đảm bảo sự tiếp cận hoàn toàn mới cho khu 36 phố phường. Ngay cả cầu Long Biên mới với 2 làn đường sắt đô thị và 4 làn xe cũng không phải quá khó để vẫn giữ lại hình ảnh cũ thỏa mãn sự hoài cổ của dân phố cổ. Còn thành phố sông Hồng sẽ cung cấp nơi giãn dân lý tưởng cho bộ phận dân cư buôn bán giàu có hoài niệm nối sống xưa đồng thời cung cấp cả chỗ để xe cho vùng phía đông của 36 phố phường. Như thế cả khu vực Kẻ chợ này hoàn toàn có thể trở thành vùng đi bộ kì thú mà vẫn rất thuận tiện giao thông.

Khu phố cổ, vốn có hàng cây xanh bao bọc, sẽ dễ dàng hòa nhập và cải tạo khi giới hạn độ cao 30-35m. Ở đây, do được tổ chức theo các khu phố, nên việc cải tạo sẽ chỉ có thể đồng bộ, hiện đại và đảm bảo nhu cầu giao thông tĩnh theo hướng hạ ngầm khi tiến hành theo cả khu. Tất nhiên, phải ưu tiên cho phong cách kiến trúc hòa hợp với những công trình mang nặng dấu ấn kiến trúc Pháp. Với những khu biệt thự, nhà vườn-một nét đặc chưng của di sản kiến trúc Hà Nội sẽ cần phải được duy trì cũng như bảo tồn và tôn tạo.

5. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử trong lòng đô thị : Xây dựng cơ chế chính sách, đòn bẩy, thuế bất động sản, quỹ hỗ trợ di sản để gìn giữ các làng cổ, với toàn bộ cảnh quan bao gồm nhà ở vườn tược, đường làng ngõ xóm, đình chùa, đảm bảo mật đô xây dựng thấp, bảo tồn được không gian truyền thống theo mô hình phố cổ Hội An. Gắn liền bảo tồn, tôn tạo với hoạt động du lịch văn hóa.

Những địa danh cũ không thỏa mãn điều kiện làng cổ sẽ chỉ được bảo tồn các đình, chùa như một yếu tố bản sắc văn hóa trong một không gian đô thị mới. Điều đấy cũng đồng nghĩa cho phép từng bước xóa bỏ các khu cư dân không còn đáp ứng với đỏi hỏi của cuộc sống mới hiện đại thông qua điều chỉnh thuế bất động sản gắn liền với các chỉ tiêu xây dựng như mật độ, hệ số sử dụng đất.

Các di sản văn hóa lịch sử sẽ được ngăn cách với đô thị bằng một dải cây xanh đủ để biệt lập không gian.

6. Hành lang xanh : Trong đô thị lõi, sông Nhuệ và sông Tô Lịch cùng với hệ thống sông đào, hồ điều hòa liên kết với nhau và với hồ Tây, với sông Hồng qua các cửa đập, trạm bơm tạo thành mạng lưới thủy kết đảm bảo môi trường sinh thái cho toàn thành phố. Việc này đòi hỏi phải triệt để sử lý tình trạng nước thải sinh hoạt trực tiếp xả thẳng xuống các con sông gây ô nhiễm nặng nề cho một vùng hạ lưu đồng bằng bắc bộ rộng lớn như hiện nay. Dọc theo sông Nhuệ, tạo thành giải 200-500m là hành lang xanh công viên, hồ điều hòa cùng với 2-3 nhà máy sử lý nước thải công suất lớn như trạm Hải Bối, hoặc Yên Sở đảm bảo sử lý hết nước thải sinh hoạt của các khu đô thị mới trước khi đổ ra sông. Còn dọc theo sông Tô Lịch, tạo thành hành lang xanh 100-200 m với các nhà máy sử lý nước thải kín dạng Kim Liên, Trúc Bạch bố trí xen kẽ các khu dân cư, các di tích lịch sử như chùa Láng, công viên Thủ Lệ…ngăn chặn việc xả thải nước thải bừa bãi như hiện nay.

Bổ xung vào hành đai xanh là công viên bảo tồn nghề trồng hoa truyền thống Hà Nội. Cũng gần sông để có nguồn cung cấp phù sa dồi dào, lại nằm ngay cạnh trung tâm hành chính mới, công viên bảo tồn các nghề trông hoa được bố trí tại La Phú sẽ biến thành một vùng nông nghiệp sinh thái giá trị cao, một không gian mở ven đô độc đáo cho downtow mới đồng thời gìn giữ những hoa, những đào ,những quất của Thái Hà, Nhật Tân , Quảng Bá vốn nổi tiếng ngày xa xưa.

7. Tái cấu trúc lại các cơ sơ sản xuất, sân vận động, nhà ga, các khu tập thể cũ : Hà Nội sẽ cần phải cân nhắc việc nên hay không nên giữ lại những cơ sở hạ tầng không còn đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại mới: Ga Hàng Cỏ-nhà ga không còn cơ hội nâng cấp, hiện đại hóa -với vai trò như một ga chính của hệ thống đường sắt. Sân vận động Hàng Đẫy-trừ mặt sân, đã hoàn toàn bê tông hóa, nhỏ đến nỗi chỗ gửi xe máy cũng còn chẳng đủ-như một trong những trung tâm thể thao chính, xanh và đẹp của một megapolis trên 10 triệu dân.

Như vậy, cùng với các cơ sở sản xuất phải di dời, ga Hàng Cỏ, sân Hàng Đẫy sẽ cung cấp một quỹ đất đủ lớn để ưu tiên cho việc cấu trúc lại không gian trung tâm hiện hữu, tái định cư những đối tượng chính sách thuộc diện giải phóng mặt bằng cho việc tôn tạo lại kinh thành Thăng Long.

Còn với các khu tập thể cũ, trong thời gian trước mắt nên giữ lại, cho nó một tên gọi khác, phù hợp hơn với thực tế-nhà ở cho người thu nhập thấp.Tại sao chúng ta lại phải bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ để vừa đập đi, xây mới làm tăng thêm gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật vốn đã quá tải, đi ngược lại chiến lược giãn dân vừa phải lo tìm đất, giải phóng mặt bằng, xây mới những nhà ở cho người thu nhập thấp mà nhu cầu diện tích cũng tương tự như những khu tập thể hiện nay? Quá lãng phí của cải xã hội! 

8. Hệ thống giao thông đô thị : Hệ thống giao thông đô thị phải phù hợp với cấu trúc đô thị lõi mới, cũng như tiếp nối với mạng lưới hiện hữu đồng thời tương thích với hệ thống giao thông đã có trong quy hoạch đã được phê duyệt.

Để giảm thiểu nguy cơ ách tắc giao thông, quy hoạch của Hà Nội cũng như các đô thị lớn nên tránh việc hình thành các khu đô thị mới biệt lập như những ốc đảo, thiếu hẳn mạng lưới giao thông liên hệ dẫn đến việc dồn hết dòng chuyển động vào một số ít trục chính đô thị. Giải pháp cứu cánh, bất đắc dĩ cho trường hợp này là đường nhiều tầng sẽ chỉ làm hỏng không gian đô thị, hạn chế sử dụng các trục chính như vai trò các tuyến phố, đại lộ bộ mặt của đô thị.

9. Hệ thống giao thông công cộng cao tốc : Để nâng cao công suất của hệ thống giao thông công cộng, các tuyến tầu điện ngầm, đường sắt trên cao phải được nghiên cứu xây dựng. Điều quan trọng là trong quy hoạch đã phải hoạch định rõ vấn đề này.

Do nhu cầu tăng cao hệ số sử dụng đất, nâng chiều cao nhà, hạ sâu phần ngầm và do cấu tạo địa chất Hà Nội, việc sử dụng cọc hoan nhồi ngày càng phổ biến với các công trình xây mới trong thời gian gần đây. Với chiều sâu 35-45 m, hệ thống này sẽ là rào càn không thể khắc phục với các tuyến metro trong tương lai nếu ngay từ bây giờ ta chưa có ý tưởng nào cho nó. Như thế việc tối quan trọng là phải định hình cho được bộ khung mà đáp ứng được nhu cầu cũng như quỹ đất dự trữ cho quy mô dân số ổn định tối ưu của Hà Nội để sau đó hoạch định được các tuyến tầu điện ngầm.

Với vốn di sản không gian lịch sử, văn hóa lâu đời, không phải chỗ nào Hà Nội cũng có thể cho phép các tuyến tàu điện trên cao xông vào được mà không phá hủy không gian cần phải bảo tồn. Điều này càng quan trọng với khu vực trung tâm hiện hữu.

Vậy đâu là mạng đường sắt đô thị này ?
`

Mạng đường sắt đô thị hướng đến một cấu trúc bền vững khi dân số đi vào ổn định

10. Vị trí ga đường sắt mới trong đô thị lõi: Các ga đường sắt sẽ bố trí trên tuyến đường sắt vành đai để tránh gây ách tắc cho giao thông nội đô với các vị trí ưu tiên là tại các nút giao với các tuyến đường hiện có: Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội –Hải Phòng, Hà Nội-Sài Gòn.Ngoài ra, với khoảng cách 4-6 km sẽ bố trí các ga phụ để thu gom hành khách trên toàn tuyến.

Với việc tập trung hình thành 3 Megapolis là Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn và vài ba trung tâm kinh tế ven biển khác tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt sẽ có đủ điều kiện để phát huy hiệu quả kinh tế. Hướng đến tương lai này, khu vực Văn Điển sẽ được ưu tiên phát triển thành một đầu mối giao thông quan trọng bao gồm các tuyến ga của hệ thống đường sắt vành đai, đường sắt liên tỉnh và đường sắt cao tốc. Với tuyến đường sắt đô thị nối liền sân bay Nội Bài và Miếu Môn chạy qua, đây là vị trí thuận lợi và tối ưu cho mục đích này và do đó cần dành một quỹ đất tương ứng ngay từ bây giờ.

11. Vị trí các trung tâm thể thao, công viên và vui chơi giải trí: Với quy mô dân số của mình, Hà Nội phải có nhiều hơn nữa những trung tâm thể thao mà tiêu biểu là các sân vận động. Để triệt để sử dụng quỹ đất đắt đỏ của Hà Nội, tận dụng các không gian mở thì mỗi sân vận động này nên gắn chặt với hệ thống công viên và hành lang cây xanh . Ngoài ra, mỗi trung tâm nên đi kèm với một mô hình hoạt động công cộng nhất định : Công viên động vật hoang dã và thể thao; Công viên hải dương học và các hoạt động thể thao nước; Trường đua và các hoạt động vui chơi có thưởng; Quần thể Olimpic…Để nhằm mục đích này kiến nghị dành các quỹ đất đủ lớn, trước mắt cho các công viên với các dạng đầu tư được xã hội hóa … tại Trạm Trôi, Đào Nguyên, Đại Áng, Lĩnh Nam và Cổ Bi, Vĩnh Ngọc. Bên cạnh các công viên hiện có, các công viên tương lai gắn liền với mặt nước, sông hồ và các trung tâm thể thao sẽ đảm bảo môi trường phát triển thể chất toàn diện cho lớp lớp người Hà Thành mới cũng như nguồn vận động viên đỉnh cao xứng đáng với vị thế là một trong những trung tâm của khu vực.

Như vậy, trải rộng từ sông Đáy đến sông Hồng, đô thị lõi của Hà Nội mở rộng đã đạt độ giới hạn của điều kiện địa lý mà không cần bất cứ biện pháp nào để hạn chế sự phát triển tràn lan.Với đường kính 17-23km và diện tích khoảng 300 km2 nó có thể dung nạp 4.5-6.0 triệu dân tương ứng theo mật độ 150-200 người/ha. Cũng chính sự giới hạn về địa lý này càng làm sơ đồ bát quái đề xuất cho giải pháp quy hoạch trở lên trọn vẹn và phù hợp. Với định hướng tập trung các ngành dịch vụ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục và văn hóa, các trung tâm tài chính thương mại, quy mô nói trên là phù hợp, đủ điều kiện để nâng tầm Hà Nội thành một trung tâm tầm cỡ trong khu vực. Đồng thời, được giới hạn bằng các điều kiện tự nhiên, đề xuất này cũng buộc Hà Nội phải có định hướng tránh sự phát triển tràn lan, tự phát mất kiểm soát các cụm dân cư thấp tầng mật độ dày đặc, tối tăm thiếu thốn các điều kiện của môi trường sống tối thiểu như các siêu đô thị của các nước đang phát triển như Bangkok, Jakarta, Malina, Mexico…điều mà một nước có quá ít nguồn đất canh tác và mật độ dân số cao như Việt Nam không cho phép chấp nhận.

Tuy vẫn bị nhiều người coi là không có căn cứ khoa học nhưng cũng như tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Việt, Phong thủy vẫn có giá trị văn hóa, tâm linh; là một phần gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển ngàn năm của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội; và là bản sắc không thể lãng quên không chỉ của dân Hà Thành mà của cả muôn dân đất Việt yêu nước, thương nòi. Giải pháp đề xuất đô thị lõi-huyệt đất của Hà Nội mới nằm hoàn toàn bên hữu ngạn sông Hồng, dòng sông Cái bao đời nay vun đắp và bảo vệ cư dân Việt là một cách tri ân những giá trị mà cha ông ta vun đắp, là quyết tâm không bỏ vào lãng quên lịch sử thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ giữa những hào hoa phù phiếm của trào lưu quốc tế không bản sắc khoác áo hiện đại. Cùng với cấu trúc dựa trên Thái cực đồ đậm nét Á đông, lưỡng cực của Hà Nội: Trung tâm lịch sử hiện hữu và Trung tâm hành chính mới sẽ cho phép chúng ta, thế hệ Hồ Chí Minh hôm nay xây dựng mảnh đất “thượng đô kinh sư muôn đời” được cha ông truyền lại thành một đô thị, một Megapolis của thời đại toàn cầu hóa mang tầm khu vực vừa hiện đại,văn minh lại vừa bản sắc và thấm đậm lịch sử văn hóa dân tộc.


Không chỉ xanh, giải pháp đô thị lõi Hà Nội như thế này không những không quên đi lịch sử hình thành, phát triển ngàn năm mà còn khát khao vươn đến một ngày mai hiện đại, hội nhập nhưng vẫn đậm đà bản sắc của riêng mình.

 

III. Mô hình cho Hà Nội mở rộng

Là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền bắc, mô hình cho Hà Nội mở rộng phải được cân nhắc trong mối liên hệ với sơ đồ phát triển vùng. Đồng thời, hướng tới một quy hoạch bền vững, việc cấp thiết lúc này là phải xây dựng một cấu trúc bền vững cho Hà Nội khi chẳng bao lâu nữa dân số Việt nam sẽ bước vào thời kì ổn định.

Cũng trong các cuộc hội thảo về quy hoạch Hà Nội mở rộng đã nêu lên quan điểm : “Có lẽ đã đến lúc phải bám vào điều kiện thực tế của thủ đô và Việt nam để tìm một cấu trúc hợp lý là chùm đô thị đa tầm cho thủ đô thể kỉ 21. Đô thị-trung tâm giữ vai trò đầu não hành chính-chính trị quốc gia có quy mô không quá 3 triệu dân, gắn với hệ thống đô thị vệ tinh nhỏ và vừa là các thị trấn nằm trong vùng nông nghiệp ngoại thành và xa hơn là các đô thị độc lập, đối trọng: ở phía tây là Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn(1 triệu dân); ở phía tây bắc là đô thị Vĩnh Phúc (1 triệu dân); phía bắc là Bắc Ninh(0.5-1 triệu dân) và phía đông là Hưng Yên-Phố Nối(0.5-1 triệu dân), để hỗ trợ các chức năng khác cho đô thị trung tâm hiện hữu.

Như vậy, với toàn bộ vùng thủ đô, xu hướng hình thành một megapolis tầm cỡ, biến Hà Nội Megapolis thành một Hub của khu vực là điều đã được tiên đoán và vấn đề phải xúc tiến với những chính sách, hành động cụ thể. Rõ ràng, nếu không được định hướng để phát triển thành một trung tâm có nền kinh tế công nghiệp bản thể mạnh, có các nghành dịch vụ tiên tiến Hà Nội sẽ không thể có vai trò đủ cân bằng với đầu tầu kinh tế năng động của cả nước là Sài Gòn Megapolis, đồng nghĩa với việc càng lép vế, chìm sâu vào vùng trũng của hành lang phát triển châu Á khi Trung Quốc sẽ đầu tư biến Hainan thành cửa ngõ kểm soát biển Đông. Đồng thời với việc đảm bảo phát triển kinh tế, hình thành các cụm công nghiệp chế tạo có kĩ thuật cao, các trung tâm công nghệ cao, ưu tiên xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo khoa học hành đầu trong cả nước và khu vực, Hà Nội phải có chiến lược gìn giữ, không chỉ bảo tồn mà phải tôn tạo di sản phong phú của mình. Bản sắc ngàn năm văn hóa, lịch sử càng cần phải tìm cách lưu tồn, phát triển tại vùng đô thị mới mở rộng mà đại diện là trung tâm hành chính mới. Chính điều đó mới tạo sự khác biệt đảm bảo Hà nội luôn là trái tim của cả nước, là “đất thượng đô kinh sư muôn đời”. Cũng chính điều đó sẽ tạo được sức hấp dẫn cho Hà nội trước những thành phố khác trong khu vực và trên thế giới.

Để làm được điều đó, thiết nghĩ, cần phải cân nhắc những bài học quy hoạch, những thực tế ta phải đối mặt, xem đó là tiền đề cho quy hoạch mới .Để làm được điều đó, cũng phải hướng đến tầm nhìn xa hơn, xác định vị trí, vai trò, điểm yếu cũng như tiềm năng của Hà Nội trong hành lang kinh tế châu Á nhằm thực hiện tầm nhìn mới biến Hà Nội thành một trung tâm của cộng đồng Asean và châu Á-Thái Bình Dương.

Vậy nên, phát triển những ý nêu trên, xin đề xuất concept như sau :

1. Xây dựng cấu trúc bền vững cho Hà nội lẫn vùng thủ đô với quy mô dân số khoảng 10.8-16.8 triệu, tương đương 15%-17.5% dân số đô thị Việt nam vào thời kì ổn định dân số 120 triệu vào năm 2050.

2. Hà nội và cả vùng thủ đô phát triển theo xu hướng một megapolis tạo bởi trùm đô thị sinh thái, đa trung tâm, đa tầng bậc mà trong đó trung tâm là đô thị lõi phát triển theo mô hình compact city-đô thị nén. Ở vành đai giữa, xen kẽ trên nền xanh sinh thái là các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, chế xuất…iCBD mà tạm gọi là đô thị vành đai như: Mê Linh, Kim Chung, Đông Anh, Cổ Loa, Xuân Canh, Việt Hưng ,Thạch Bàn, Thường Tín, Chúc Sơn, Thanh Oai, Thạch Thất….với quy mô vài trăm ngàn dân.Vành ngoài, ngăn cách bởi vành đai xanh, là các đô thị vệ tinh có cấu trúc độc lập và chuyên biệt hóa trong hướng phát triển bao gồm cả các đô thị vệ tinh như: Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc, Sơn Tây… lẫn các thủ phủ của các địa phương khác trong vùng thủ đô như: Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên.Các đô thị vệ tinh sẽ có quy mô dân số 0.5-1.2 triệu dân.

3. Trung tâm hành chính quốc gia phát triển song hành với trung tâm chính trị lịch sử, liên kết mật thiết với trung tâm hiện hữu, đồng thời bổ xung những nhu cầu của gia đoạn toàn cầu hóa, mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống Việt nhưng vẫn hiện đại và mang tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, trung tâm mới phải có vai trò không những thúc đẩy làn sóng phát triển đô thị mới mà còn là tiền đề quan trọng trong việc giãn dân nhằm nâng cấp, bảo tồn, tôn tạo trung tâm văn hóa, lịch sử. Trung tâm hành chính quốc gia mới cũng phải có vị thế “đúng ngôi Nam ,Bắc, Đông, Tây”, cũng “tựa núi nhìn sông” cùng hệ thống giao thông hướng tâm riêng, thậm chí còn tốt hơn của trung tâm hiện hữu, để liên kết với các vùng trong cả nước.

Hai trung tâm: trung tâm hành chính mới; trung tâm chính trị, văn hóa lịch sử tạo thành đô thị lõi của Hà nội và cả vùng thủ đô, là trung tâm dịch vụ của cả Hà nội, vùng thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm miền bắc và mở rộng ra cả tầm khu vực.

4. Sông Hồng và sông Đáy tạo thành vành đai cảnh quan, môi trường bao bọc đô thị lõi.Đây là vành đai xanh thứ nhất của cả vùng thủ đô nơi cho phép bảo tồn các làng nghề, di tích lịch sử văn hóa cùng với các khu biệt thự nhà vườn với tỉ lệ xây dụng thấp.Vành đai thứ hai có chiều dày lớn hơn, ngăn cách các đô thị vệ tinh với phần còn lại của Hà Nội, chủ yếu dành cho các hoạt động nông nghiệp.

5. Khu vực bắc sông Hồng, có ưu thế về kết nối với thị trường nước ngoài qua hệ thống quốc lộ 2, quốc lộ 18, quốc lộ 5 và cảng hàng không Nội Bài; lại liên hệ trực tiếp với các cụm công nghiệp tại Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên…lên sẽ ưu tiên phát triển các khu chế xuất với vốn đầu tư nước ngoài nhằm vào những ngành hướng đến xuất khẩu mang yếu tố công nghệ, kỹ thuật. Dựa theo điều kiện địa lý tự nhiên sẽ chia khu vực này thành các trung tâm được chia cách bởi mặt nước và hành lang xanh, vừa đảm bảo môi trường vừa phù hợp với phong thủy cho từng trung tâm. Có thể kể tên các vùng như Mê Linh, Kim Chung, Đông anh, Cổ Loa, Đông Trù. Đặc biệt ở đây sẽ bố trí khu Olimpic tại Vĩnh Ngọc và trung tâm thương mại quốc tế iBCD tại Xuân Canh. Với chiến lược ngoại giao là quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp để tránh chiến tranh xung đột thì vành đai “liên doanh” này sẽ cùng sông Hồng tạo thành chiến hào bảo vệ trung tâm Hà nội.

6. Khu vực giữa sông Đuống và sông Hồng, nằm dọc trục quốc lộ 5, vốn đã quy tụ nhiều cụm công nghiệp sẽ cần cân nhắc bổ xung các khu nhà ở xã hội cho công nhân để tránh tình trạng quá phụ thuộc vào đội ngũ “nông nhàn” trong tương lai. Khu vực này sẽ giành cho các ngành gia công như dệt may, chế biến nông thủy sản, các ngành phục vụ nhu cầu trong nước…cũng như các ngành sử dụng nguyên, vật liệu nhập khẩu. Ở đây cũng sẽ có các trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và dịch vụ đa ngành.

7. Khu vực nam sông Hồng, ngoài đô thị lõi là trung tâm chính trị , kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học, kĩ thuật sẽ bao gồm các khu công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu, các trung tâm đào tạo tiên tiến,…cũng như khu nông nghiệp hiệu suất cao dựa trên nền tảng công nghệ sinh học tạo thành vành đai nông nghiệp ở lưu vực sông Đáy và dự trữ cho công nghiệp khi sân bay phía nam đi vào hoạt động. Du lịch văn hóa cũng phải là ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn sau khi hình thành chiến lược phát triển dựa trên bề dày lịch sử lâu đời, vốn văn hóa phong phú cũng như điều kiện thiên nhiên theo mô hình của Hội An, Huế.

8. Hệ thống đường sắt Việt nam sẽ phải có cuộc cải cách triệt để mới hy vọng đáp ứng được nhu cầu nội địa cũng như tham gia vào phân khúc trung chuyển xuyên Á. Bên cạnh việc xây dựng mới tuyến tàu cao tốc Hà Nội-Sài Gòn thì việc nâng cấp khổ đường ray, tạo lập tuyến đường đôi và tiến tới điện khí hóa cũng là việc phải ưu tiên nghiên cứu, hoạch định. Điều đó đồng nghĩa với việc thay thế ga Hàng Cỏ bằng hệ thống ga nằm xa trung tâm hiện hữu, có vị trí hợp lý hơn cho việc hiện đại hóa đường sắt. Các ga này cũng sẽ là các ga tàu điện ngầm, đường sắt trên cao…để đảm bảo liên kết dễ dàng tới các khu vực khác trong thành phố. Ưu tiên thiết lập vành đai đường sắt cho vùng thủ đô để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như thu hút lao động ngoại tỉnh.

9. Hệ thống đường bộ, liên kết vùng sẽ được tái cấu trúc dựa trên nền tảng sẵn có của hệ thống giao thông. Điểm khác biệt là đường cao tốc 5b sẽ không rẽ lên Gia Lâm mà vượt thẳng qua sông Hồng sang phía nam Hà nội đến Xuân Mai rồi nhập với đường Hồ Chí Minh đi Hòa Lạc, Sơn Tây, Việt Trì…Cũng tại Xuân Mai, tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được nối tiếp bằng tuyến cao tốc chạy thẳng lên Vĩnh Phúc qua Quốc Oai, Thạch Thất. Các tuyến đường cao tốc này cùng với hệ thống quốc lộ 2, 18 ở phía bắc, quốc lộ 1 ở phía tây sẽ tạo thành xương sống cho giao thông Hà nội cũng như vùng thủ đô. Hệ thống này sẽ đem lại cơ hội phát triển mới cho cả cửa ngõ Hà Tây trù mật cũ trong vùng thủ đô tương lai.

10. Cân nhắc một sân bay ở phía nam tại Miếu Môn. Sân bay này sẽ cùng với đương cao tốc 5b kéo dài tạo thêm một hành lang phát triển kinh tế nữa của Hà nội với ưu thế kết nối giao thông không thua kém so với khu vực phía bắc sông Hồng với sân bay Nội Bài hiện nay. Sân bay này cũng sẽ phải gánh vác vai trò sân bay tầm ngắn của sân bay Gia Lâm, khi vị trí này ngày càng tỏ ra hạn chế sự phát triển của các vùng có địa thế đẹp và thuận tiện ở xung quanh.

Cấu trúc cho quy hoạch mở rộng vẫn lấy ý tưởng từ Thái cực đồ và áp dụng lần lượt cho từng tầng bậc tương ứng với vòng trong là các đô thị vành đai; vòng ngoài là các đô thị vệ tinh đối trọng với tâm điểm là tượng đài Vạn Xuân-Cái tên gắn liền với khát vọng khởi dựng nền độc lập trường tồn cho dân tộc của Lý Bí- tại bùng binh trước mặt Trung tâm hội nghị quốc gia.Với tâm này, cả 2 trung tâm, cả các vệ tinh của Hà Nội sẽ gần như nằm trên các vòng tròn đồng tâm với tâm là tượng đài Vạn Xuân, cột mốc km 0.0 , góp phần tôn thêm ý nghĩ cho công trình này cũng như cho Hà Nội mở rộng.


Thái cực đồ và sơ đồ cơ cấu không gian bền vững cho vùng thủ đô Hà Nội-Megapolis tương lai của hành lang kinh tế châu Á-Thái Bình Dương

Để thúc đẩy phát triển của các vành đai công nghiệp bên kia sông Hồng cũng như vành đai nông nghiệp bên kia sông Đáy nhằm tạo nên đô thị trung tâm cần phải có những cực thu hút đủ mạnh làm chất dính kết tạo mối liên kết chặt chẽ với đô thị lõi.Ở phía bắc có Kim Chung-đô thị công nghiệp với hạt nhân là TLIP của Sumitomo; phía nam có Thường Tín-trung tâm dịch vụ hậu cần cho toàn Hà Nội; phía tây có An Khánh-thành phố khoa học với hạt nhân là Speldora của Posco- Vinaconex; phía đông có Gia Lâm-đô thị công nghiệp với những Hanel,Sài Đồng…Ngoài ra cũng cần thiết các chính sách, cơ chế, ưu đãi đi kèm để đẩy mạnh và khuyến khích đầu tư FDI , thành lập FEZ và Logistic center tại khu vực Nội Bài, Mê Linh với triển lãm Expo… nhằm biến đổi vành đai công nghiệp bắc sông Hồng thành thiên đường của các nhà công nghiệp châu Á.Trong tương lai, thiết lập iCBD tại Xuân Canh nơi có vị trí vô cùng thuận tiện, gần trung tâm hiện hữu, liên hệ tốt với trung tâm hành chính khi đường Nguyễn Chí Thanh được kéo dài chui qua Hồ Tây tới cầu Tứ Liên hướng đến các khu công nghiệp của Bắc Ninh, có khoảng cách không xa đến sân bay quốc tế Nội Bài và nằm trên vành đai công nghiệp có rất nhiều dự án liên danh trên quốc lộ 5 và 18. Điều nay cũng sẽ góp phần biến Hồ Tây mênh mang từ vai trò cái ao sau nhà của các làng xóm xưa thành không gian công cộng hấp dẫn, là tấm gương lung linh phản chiếu toàn cảnh Hà Nội, nơi hội tụ những trung tâm văn hóa lớn…xứng đáng là não thủy của cố đô. Được ưu tiên phát triển bên hữu ngạn sông bao phủ hết bãi giữa, thành phố sông Hồng cũng nhờ thế mà có diện mạo và vai trò thuyết phục hơn, trở thành vành đai phía đông của đô thị lõi và góp phần không nhỏ trong việc tôn tạo trung tâm hiện hữu.Và như thế cảnh quan sông Hồng vẫn sẽ không thiếu những quần thể hiện đại soi bóng hai bên bờ như trong mường tượng xưa.


Tầm nhìn cho một đô thị bền vững phù hợp với một quy mô dân số Việt Nam ổn địnhở mức 120 triệu là kim chỉ nam cho việc hình thành Concept quy hoạch Hà Nội mở rộng.

 

Kính thưa Thủ tướng!

Quy hoạch tạo nên giá trị.

Với những giải pháp nêu trên, Hà Nội sẽ biến một vùng rộng lớn-những cánh đồng xưa thành những mảnh đất vàng, hạ tầng đồng bộ, thuận tiện mọi bề với một môi trường xanh, sạch và sinh thái mà ngay cả trung tâm thành phố hiện tại cũng phải chấp nhận nhún nhường về mọi mặt. Trong khi chính sách lấy đất làm động lực phát triển được UBND Hà Nội xác định như một chiến lược trọng yếu hàng đầu để xây dựng và phát triển thì những đề xuất nêu trên có ưu thế vượt trội. Điều này sẽ giúp Hà Nội không chỉ phát triển nhanh hơn, đồng đều hơn mà còn tạo điều kiện để bảo tồn, tôn tạo khu trung tâm hiện hữu và biết bao những di sản vô giá của cha ông đang ngày qua ngày tàn lụi dưới sức ép của sự phát triển bằng mọi giá.

Đồng thời, việc xác định được vị trí và quyết định xây dựng trung tâm hành chính quốc gia là một đòn bẩy quan trọng để kích cầu công cuộc phát triển đất nước. Khi đó, với phương trâm “hợp tác cùng phát triển” làm kim chỉ nam để tập hợp và thu hút mọi nguồn lực, để tiến hành lên kế hoạch xây dựng trung tâm này ngay từ bây giờ sẽ đẩy nhanh sự phát triển đất nước lên gần nửa thế kỉ. Nhờ thế Hà Nội sẽ không tự đánh mất cơ hội cho cả dân tộc, bỏ đi cơ hội ganh đua vai trò trung tâm trong cộng đồng Asean và cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người khởi xướng.

Để làm được việc đó, xin kiến nghị tập trung xây dựng, phát triển đô thị lõi bằng các nguồn lực có thể để tạo dựng bộ khung cho toàn vùng thủ đô. Cần thành lập một công ty dạng như VIC-công ty đầu tư đường cao tốc Việt Nam cho việc đầu tư, quản lý, xây dựng trung tâm hành chính quốc gia tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn thiết kế, quy hoạch định trước. Chính phủ cho phép một cơ chế đặc thù, đứng ra bảo lãnh vay vốn ODA, phát hành trái phiếu…để công ty cổ phần mà nhà nước là cổ đông chiến lược có vốn để đầu tư hạ tầng sau đó có nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất và bán bất động sản.

Kính thưa Thủ tướng !

Chắc chắn là những đề xuất nêu trên có nhiều thiếu xót, chưa hoàn chỉnh do năng lực và sự đầu tư là có hạn và càng khó thể hiện hoàn chỉnh như đồ án được thực hiện ở trình độ bậc thầy của PPJ.

Tuy nhiên, nó lại có sự khác biệt là thấu hiểu và giải tỏa được sự quan ngại của người Việt vốn tin vào những điều tâm linh, mang hồn cốt Á đông mà vẫn đáp ứng những yêu cầu của các tập đoàn bất động sản, đồng thời cũng thỏa mãn khát vọng bay lên cả ngàn năm được lưu truyền bằng tên gọi “ Thăng Long ” huyền thoại của cả dân tộc. Hơn nữa, không đơn thuần là phép cộng các “xứ quân hỗn loại” đang ngang nhiên cát cứ, chia cắt thủ đô yêu dấu mà nó còn tái cấu trúc lại, tạo những đường link liên kết các dự án bất động sản rải rác khắp Hà Nội vào một cấu trúc thống nhất mà bản sắc, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, trường tồn đến mai sau.

Thiết nghĩ, đề xuất nêu trên cho quy hoạch Hà Nội mở rộng (ngoại trừ cấu trúc và phương thức kết nối còn quy mô gần như tương tự với quy hoạch của PPJ) cũng phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch vùng thủ đô được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/12/2008 ,theo quyết định số: 1878/QĐ-TTg : “Quan điểm và mục tiêu của Quy hoạch là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị hoạt động có hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao và là Thủ đô có lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng phát triển và bảo tồn được sự riêng biệt. Qua đó, nâng cao vị thế, tính cạnh tranh của Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của một nước có trên 100 triệu dân ở đầu thế kỷ 21.”

Và như thế, đề xuất nêu trên tuy không thể gọi là đồ án quy hoạch hay báo cáo khoa học nhưng cũng có thể phác thảo sơ bộ một vision khác cho quy hoạch Hà Nội 2030 và tầm nhìn 2050, một vision hoàn toàn nhất quán với những gì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nhấn mạnh: “ Một là Quy hoạch Thủ đô thì phải lấy Thủ đô làm trung tâm chứ không được đi vào vùng đất hoang để xây dựng; Hai là quy hoạch Thủ đô thì phải coi trọng hệ thống sông hồ và môi trường nước của Thủ đô; Và ba là phải coi trọng những giá trị văn hoá lịch sử của Thủ đô ”.

Mong muốn để có một thủ đô xứng tầm cho đất nước trên trăm triệu dân trong cộng đồng thế giới là điều bất cứ con dân nước Việt nào cũng sẽ tự hào được đóng góp sức lực nhỏ nhoi của mình. Và thiết nghĩ, các tập toàn bất động sản vốn luôn kêu gọi hợp tác cùng phát triển cũng sẽ sẵn lòng theo tư duy “win-win” để vừa kiếm bội tiền vừa làm đẹp đất nước.

Nhưng quyết định có một thủ đô như thế nào bây giờ lại chỉ chờ chữ kí của một người vạch nét!

Rõ ràng, quy hoạch Hà Nội mở rộng là bài toán không đơn giản, phải giải quyết rất nhiều mâu thuẫn nội tại…! Hiệu quả của tất cả các quy hoạch đều được cân đong đo đếm bằng những mâu thuẫn mà nó giải quyết. Và một quy hoạch không thể gọi là hoàn chỉnh khi không điều hòa được những mâu thuẫn chủ chốt. Thêm vào đó, cho dù cùng với một mục đích phát triển, cùng với một phương châm của tinh thần xây dựng thì đích đến của những hướng đi khác nhau sẽ phải khác nhau. Và cho dù, khi có tập hợp rất nhiều những mâu thuẫn cần phải được giải quyết thì số lượng phương án sẽ càng giảm thì việc lựa chọn, cân nhắc cũng không hề đơn giản. Công việc lựa chọn ấy, trách nhiệm nặng nề ấy càng cần những thông tin, phản biện xác đáng và cả sự đồng tâm, hiệp lực hay ít ra là sự chia sẻ chân thành nữa.

Vậy chỉ xin được trình bày vài suy nghĩ cá nhân và hy vọng một chút đóng góp nhỏ này sẽ hữu ích cho quyết định trọng đại ấy ! Cũng cứ hy vọng rằng bài hát “Hà Nội những năm hai ngàn” của nhạc sĩ Trần Tiến đã báo trước ngày mà “ …Trời cao Thăng Long bay lên Nhà cao vươn trong mây xanh...” và xin được cổ vũ cho một Thăng Long-Hà Nội mới bằng slogan:

Xây dựng Thăng Long cùng thủ đô hiện đại,
Bảo tồn và tôn tạo Hà Nội với Hoàng thành lịch sử!


Vũ Tuấn Dũng [ Download ]

[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: