Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Xây dựng nông thôn mới bằng cách nào?

Xây dựng nông thôn mới bằng cách nào?

Viết email In

Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 800/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Mục tiêu là xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; xây dựng NTM theo định hướng XHCN.

Phát huy nội lực gắn với văn hóa làng xã

Người ta thường nói “giúp con cá không bằng giúp cái cần câu”, nhưng khi thực hiện hầu hết các dự án nhà nước, lại vẫn quen đường mòn “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, tức là vẫn quen tư duy và làm ăn theo kiểu dự án, nên khi tiêu hết tiền thì khó duy trì được kết quả ban đầu. Đây là sự khác biệt cơ bản với các dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong và ngoài nước. Các dự án phi chính phủ không bao cấp vốn cho người dân, mà dùng dự án “làm mồi” để người dân phát huy nội lực của mình.

Rất nhiều chương trình, dự án đầu tư vào nông thôn thường chú trọng vào các công trình xây dựng cơ bản, thiếu đi sự quan tâm đúng mức đến đời sống văn hóa làng xã, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi lẽ trải qua bao cuộc thăng trầm, nhưng tầng tầng lớp lớp văn hóa giống như các lớp trầm tích nghìn năm lắng đọng sâu nhất và bền vững nhất ở nông thôn; còn ở thành thị mỗi khi vật đổi sao dời dễ phát triển, dễ cách tân, nhưng lại cũng dễ mất mát, dễ biến dạng văn hóa dân tộc. Cho nên, muốn tìm cội nguồn văn hóa, bản sắc dân tộc, phải về nông thôn, là nơi chậm phát triển nên còn lưu giữ được cái hồn, cái gốc dân tộc. Ngày nay về nông thôn, đâu đâu cũng bắt gặp những công trình đình chùa, miếu mạo, những lễ hội tưng bừng, những ngôi nhà  nhiều tầng, chứng tỏ đời sống vật chất có phần cải thiện rõ rệt. Nhưng vấn đề đặt ra là, các công trình kim có, cổ có như thế đã đảm bảo cho một đời sống tinh thần, văn hóa mang bản sắc dân tộc hay chưa? Nền tảng của văn hóa, của bản sắc dân tộc là gì, như thế nào, thì ít người để ý suy nghĩ. Bởi thế, đã xảy ra những việc làm thiếu văn hóa, những hành động vô văn hóa, thậm chí bạo liệt, băng hoại xã hội, trong đó có nông thôn, kể cả ở những “làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”. Thiết nghĩ, cần xây dựng văn hóa làng xã trên cơ sở hương ước vừa có tính kế thừa tinh túy dân tộc, vừa có bổ sung nội dung văn minh thời đại mới.

Đánh thức tính năng động tiềm tàng của người dân

Nói gì, bàn gì thì chung quy vẫn phải đi vào những đòi hỏi thiết yếu nóng bỏng thời sự. Đó là: Tổ chức sản xuất ra sao để nâng cao thu nhập và đời sống người dân? Làm gì để thu hút đầu tư về nông thôn? Chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ cho người dân bằng cách nào? Không thể ngồi một chỗ mà quy định thể thức cho thực tế ở địa phương, cũng như không thể hô hào chung chung lòng yêu nước, trong thời buổi kinh tế theo cơ chế thị trường, luôn luôn có xung đột lợi ích giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội. Chính quyền thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của dân sẽ đề ra cơ chế đúng, và tự khắc người dân sẽ nảy ra nhiều giải pháp hợp lý và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, trong xây dựng xã hội. Đấy là tính năng động của người dân, là sức sáng tạo mãnh liệt tiềm tàng của người Việt Nam từ đời này sang đời khác.

Sức sống kỳ lạ của các làng nghề Đa Hội luyện sắt thép, Đồng Kỵ làm đồ gỗ mỹ nghệ, Phong Khê làm nghề giấy... ở Từ Sơn - Bắc Ninh; sức sáng tạo của làng Dương Liễu (Hoài Đức - Hà Nội) từ chỗ chế biến sắn đơn giản, chỉ một thời gian ngắn đã biến cả một vùng quê thành tổ hợp chế biến nha, bánh kẹo có thị trường rộng lớn. Sức sống đó dễ thấy ở hàng trăm làng nghề như Cát Quế, Hữu Bằng, Đa Sĩ, Bình Đà, hàng loạt huyện dày đặc nghề như Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín... của Hà Nội, cũng như ở các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình…

Hầu như tỉnh thành nào cũng lúng túng tìm việc làm cho nông dân, trong lúc lao động nông thôn bỏ làng ra thành thị kiếm sống, để lại ruộng đồng cho các cụ già, trẻ nhỏ và phụ nữ, gây xáo động và bất ổn về nhiều mặt ở nông thôn. Nhà nước đầu tư khoản tiền lớn để đào tạo nghề cho lao động nông thôn mỗi năm 1 triệu người. Liều thuốc này xem ra tốn kém, ít hiệu quả và thiếu bền vững, vì chạy theo chỉ tiêu số lượng, đặc biệt là không phát huy được sức sáng tạo của người dân. Bởi vì, đào tạo nghề mỗi năm 1 triệu người, nhưng chất lượng đào tạo ra sao? Liệu có bao nhiêu người sẽ có nghề? Cứ cho là cả 1 triệu người đó có nghề đi nữa thì họ sẽ làm việc ở đâu? Chắc chắn không thể vào được KCN và các nhà máy công nghệ cao chỉ cần rất ít nhân lực. Đã vậy, theo tính toán, mỗi năm ở nông thôn lại sẽ nảy sinh thêm 1 triệu lao động nữa, sẽ giải quyết tiếp ra sao?

Kinh nghiệm từ các làng xã Việt Nam cho thấy, không thể sống no đủ chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp, mà phải đa dạng hóa sản xuất bằng nhiều ngành nghề. Các làng nghề hiện vẫn tồn tại theo phương thức ấy, nhất là ở những nơi “nhất xã, nhất thôn”, mà xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một ví dụ. Ngày trước, Hữu Bằng có HTX dệt vải, đến khi “đổi mới” giải tán HTX dệt, người dân chuyển sang nghề làm đồ gỗ chuyên phục vụ thị trường trong nước, không chạy đua xuất khẩu, vì thế luôn có đầu ra, không bị tác động của cuộc khủng hoảng, bây giờ càng phát triển trong phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đáng quan tâm là không có người Hữu Bằng nào di cư làm ăn ở nơi khác, mà tất cả vẫn sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại làng xã mình. Các cửa hàng buôn bán đồ gỗ ở nội thành Hà Nội về làng Hữu Bằng mua sản phẩm mang ra bán. Sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển, người dân Hữu Bằng không vay tiền ngân hàng, tự đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, chợ búa, xây dựng các dãy phố có quy hoạch khang trang, đầy đủ tiện nghi hiện đại, xây dựng nhiều xưởng sản xuất, phát triển ngành nghề dịch vụ, có cả cửa hàng sản xuất bánh ga tô mừng sinh nhật...

Thực tế sống động đó cho thấy người dân xã Hữu Bằng không cần ly nông, ly hương để kiếm sống, mà vẫn trụ vững trên mảnh đất quê hương, vẫn phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng thành công NTM theo định hướng XHCN. Họ cũng không cần phải vào Hà Nội mới đô thị hóa được nông thôn mình, không ỷ lại vào Nhà nước. Từ lâu năm, lâu đời, nhân dân và nông dân những nơi như thế đã biết lấy trung tâm kinh tế Hà Nội làm “cái lõi”, lấy Hà Nội làm điểm tựa để phát triển sản xuất, kinh doanh và kiến tạo đời sống ngày càng tốt đẹp. Tính năng động của người dân như ở Hữu Bằng có ở nhiều nơi tại Hà Nội như La Phù, Ninh Hiệp, Kiêu Kỵ, Bát Tràng…

Giải pháp tận gốc

Ai cũng biết Hà Nội nổi tiếng với “ba mươi sáu phố phường”, nhưng ít người để ý đến khu vực trung tâm đó lại không do người Hà Nội xây dựng, mà lại do người nơi khác đến làm nghề. Theo một nghiên cứu, 76 phố Hà Nội có gốc các làng nghề. Trong khi đó, người Hà Nội gốc lại xây dựng các làng ven đô phía tây Thủ đô cũng có nhiều nghề nổi tiếng, như giấy dó làng Bưởi, Yên Thái, Trích Sài, Võng Thị; nem chua, giò chả, đan giang ở làng Vẽ; làm nha ở Nghĩa Đô; làm hoa giấy, giấy bản ở Yên Hòa... Theo năm tháng, những nghề làng phía tây mất dần, trong khi các nghề của dân nơi khác đến khu trung tâm vẫn tồn tại và phát triển hài hòa theo thời cuộc. Vì sao như vậy? Vì nơi đó, quen gọi là khu phố cổ, trước đây thuộc 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, vốn là những nơi không có ruộng công (công điền). Người nơi khác đến mua đất dễ dàng, an cư thì lạc nghiệp, lập nên Kẻ Chợ. Kẻ Chợ chính là mô hình độc đáo của Hà Nội, là nơi mà vào thế kỷ XVI - XVII các nhà truyền giáo phương tây đã ghi nhận phát triển nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, các làng ở phía tây Thủ đô dần dần mai một nghề truyền thống, nguyên nhân chính là các nơi đó lệ thuộc vào chế độ ruộng công nên rất bảo thủ, cản trở đến việc cách tân nghề làng, không năng động như các làng nghề từ nơi khác đến nhập tịch Hà Nội. Bài học này gợi mở cho chúng ta về một giải pháp công nghiệp hóa nông thôn, không riêng cho Hà Nội, mà cho cả nhiều nơi khác trong nước.

Có thể hiểu khái quát Hà Nội là cái chợ của ĐBSH, là thị trường chính của ĐBSH, cho nên phải làm sao biến Hà Nội thành trung tâm của ĐBSH. Bởi vậy, nên xây dựng những đô thị vệ tinh chung quanh Hà Nội, có số dân vừa phải, chẳng những vừa giãn được dân số đông đúc nội thành, lại có điều kiện thu hút lao động nông thôn vào làm việc tại các đô thị vệ tinh đó. Chung quanh  đô thị duy trì các vành đai nông nghiệp canh tác hiện đại. Cách làm này có nhiều cái lợi:

1 - Giảm áp lực dân số dồn nén trong Hà Nội, không nhất thiết phải biến Hà Nội thành trung tâm kinh tế với chi chít nhà máy ngột ngạt, mà có thể xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm tài chính, trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước.

2 - Các đô thị vệ tinh chung quanh Hà Nội được quy hoạch hiện đại, nhiều đường sá nhưng ít xe cộ, chia sẻ nhiệm vụ sản xuất công nghiệp, có thể là đô thị đại học, đô thị công nghiệp nhẹ, nặng,… tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động,  phần lớn là lao động nông thôn dôi dư trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, góp phần bổ sung đội ngũ công nhân.

3 - Giảm  vấn nạn ô nhiễm môi trường, sinh thái; giảm số lượng xe cộ, giảm tai nạn giao thông; tạo điều kiện thuận lợi tổ chức lại giao thông đô thị theo hướng hiện đại.

4 - Những lao động nông thôn không đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa vẫn yên tâm làm nông nghiệp tại quê nhà. Khi đó, khoảng cách địa lý giữa đô thị vệ tinh với nông thôn hầu như bị xóa bỏ, trong một hộ gia đình nông thôn có thể có người làm việc ở Hà Nội, người làm việc ở đô thị vệ tinh, người làm việc ở nông thôn. Vấn đề việc làm cho lao động nông thôn được giải quyết thỏa đáng, chấm dứt tình trạng ly nông, ly hương; các dự án nâng cao tay nghề, đào tạo nghề mới thật sự có địa chỉ, có hiệu quả và không tốn kém như bây giờ.

5 - Có điều kiện thuận lợi xây dựng NTM  đủ cả “nông, công, thương, trí”, tạo tiền đề rút ngắn khoảng cách cuộc sống giữa đô thị với nông thôn.


Làng Chuông (Thanh Oai - cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km). Ảnh: Photo.vn

Cảnh báo về xu hướng giải quyết tình thế

Giải pháp trên đây không chỉ áp dụng được ở Châu thổ sông Hồng, lấy Hà Nội làm lõi, mà có thể áp dụng cho một số lõi khác theo vùng địa lý, vùng kinh tế lớn hoặc kinh tế trọng điểm, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La, Vinh, Đà Nẵng, Dung Quất, TP.HCM, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột...

Hiện nay đang phổ biến 2 kiểu đô thị:

1 - Đô thị tự phát do dân làm, như ở Hữu Bằng, ở nhiều xã tại thị trấn Từ Sơn, huyện Phong Khê (Bắc Ninh), nhiều xã của Hà Nội và của tỉnh Hà Tây cũ. Bà con chủ động đô thị hóa làng quê mình để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghiệp hóa, và vẫn duy trì, phát triển làng nghề truyền thống.

2-  Đô thị hóa làng quê bằng cách bán đất, bán ruộng để xây thôn thành phố, sắm tiện nghi hiện đại, nhưng không có nghề nghiệp gì, không có hoạt động kinh tế gì, sớm muộn người dân sẽ đi kiếm việc nơi khác, để lại sau lưng một đô thị lụi tàn. Đáng lo ngại là có không ít người lại lấy làm tự hào về “thành tích” giật mình như thế!

Trong thời đại toàn cầu hóa, dù đô thị hóa có tăng tốc đến đâu thì ở nông thôn vẫn còn đông lao động, đô thị hóa không thể nuốt hết số người ở nông thôn, số lao động nông thôn. Trong vòng 8 năm từ 2000 - 2008, GDP của chúng ta tăng bình quân 7 - 8%/năm, trong khi lao động việc làm chỉ tăng 2%, bởi lẽ công nghiệp mới không đòi hỏi nhiều lao động như những thời kỳ trước. Đến năm 2020, lao động nông thôn của chúng ta tích lũy càng nhiều, sẽ là cản trở, tăng gánh nặng cho nông thôn, sẽ gây hậu quả nguy hiểm. Hiện trạng này không chỉ ở Việt Nam, mà là của cả thế giới, khiến ngày càng có nhiều người tránh làm nông nghiệp, và đương nhiên số người nghèo tăng lên, bất công xã hội tăng lên. 

Thiết nghĩ, cần hướng dẫn nông dân thành lập các nghiệp đoàn, hiệp hội, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân, giảm thiệt thòi cho nông dân, tránh bất công đối với nông dân.

Trần Lê 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo