Tàu điện một ray rất hay nhưng không nên lắp trên trục Láng - Hòa Lạc

Thứ sáu, 23 Tháng 7 2010 08:06 Ashui.com
In

Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa trình Thủ tướng đề xuất phương án xây dựng tuyến tàu điện một ray theo hình thức BOT nhằm giải quyết ách tắc giao thông phía tây thành phố Hà Nội. Theo đó, tàu điện sẽ chạy trên cao tại dải phân cách giữa của tuyến đường từ nút giao Hoàng Hoa Thám đến cuối đường Láng - Hòa  Lạc với chiều dài 38 km.

Tác giả Trần Huy Ánh có ý kiến phản biện gửi Ashui.com như sau: 

Quy hoạch Hà Nội luôn phải đối mặt với thách thức: Tạo lập một tương lai mới cho Thủ đô một cách chủ động, phát triển có trật tự hay là hợp thức một thực tế phát triển tự phát, các kế hoạch phát triển hình thành nhờ cảm tính?

Đường Láng Hoà Lạc có nhiệm vụ kết nối đô thị trung tâm với đô thị công nghệ cao Hoà Lạc. Trong quá trình mở rộng, thêm việc kết nối các đô thị mới mọc lên hai bên đường xuất hiện cơ hội mới: Xuyên qua đô thị lõi trung tâm, vượt qua Hồ Tây, sông Hồng để kết nối với mạng giao thông dầy đặc và không cảng Nội Bài , tưong lai đạt 15 triệu hành khách.

Nếu nối hơn 30 km tuyến số 5 với tuyến số 2 cuối đường Văn Cao lên Nội Bài (hơn 20 km) thì đây sẽ là tuyến đường dài gần 60 km sôi động nhất Hà Nội tương lai. Điều cần lý giải tại sao 2 năm đã có tới 3 phương án khác nhau đề xuất trên cùng một tuyến ( 2 phương án đầu do Hàn Quốc đề xuất tầu trên cao đi trên tuyến này, có cả tuyến chui ngầm qua Hồ Tây). Tuy vậy, với phương án tàu điện 1 ray Vinaconex đề xuất, có thể đặt ra vài câu hỏi:

Năng lực vận chuyển thấp: Điểm cuối là khu CNC Hoà Lạc, dân số dự báo 0,7 triệu người nhưng tiềm năng phát triển có thể gấp đôi. Tuyến đường xuyên qua TP có 6 triệu người, dự kiến chở có 60.000 ngưòi /ngày là quá thấp so với mục tiêu giao thông công cộng Hà Nội - thu hút 40-45% hành khách. Dù có nối toa, nâng công suất, vẫn không tương xứng với nhu cầu tương lai, thì đây chỉ là giải pháp tình thế, nửa vời.


Đường Láng Hoà Lạc bắt đầu từ vành đai 3 (Khuất Duy Tiến) - Ảnh minh họa: Quy hoạch giao thông đường bộ trong Đồ án QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội của PPJ (nguồn dữ liệu : Ashui.com)


Tuyến đường sắt đô thị số 5 nối tiếp đường Láng Hoà Lạc, cắt tuyến số 2 (mầu xanh) ở cuối đường Văn Cao, dự định chui qua Hồ Tây vượt sông Hồng sang Cổ Loa - Ảnh minh họa : Quy hoạch giao thông công cộng khu trung tâm trong Đồ án QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội của PPJ (nguồn dữ liệu : Ashui.com) 

Không giải toả nạn tắc đường: Nguyên nhân tắc đường do xung đột tại các ngã 4 ngã 5, chỉ cần làm mới 5 nút giao thông lập thể: Văn Cao - Đội Cấn, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh - La Thành, Trần Duy Hưng - Đường Láng (qua sông Tô Lịch) và Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến. Chi phí bằng 1/4 đường sắt 1 ray, nhưng toàn bộ phương tiện giao thông thường cùng hưởng lợi: Hết tắc đường.

Ngay cả khi đường Láng - Hoà Lạc mở rộng hoàn thành thì 30 km ngoài vành đai 3 còn vắng vẻ cho tới lúc Hoà Lạc hoạt động, từ vành đai 3 vào trung tâm, nạn tắc đường gia tăng hàng ngày.


Giao thông phát triển đồng bộ, kết nối các phương tiện, cải thiện khung cảnh đô thị.


Tuỳ giai đoạn kinh tế - xã hội và tính toán nhu cầu để lựa chọn, ưu tiên phương tiện phù hợp
(trích dẫn nghiên cứu của HAIDEP) 

Tính khả thi của dự án: Tuyến số 5 chỉ phát huy hiệu quả khi đô thị Hoà Lạc thu hút gần 1 triệu dân. Sau 10-15 năm nữa, khi ấy Hà Nội giàu lắm rồi, chúng ta làm cũng chưa muộn. Thực tế  trục đường Láng - Hoà Lạc cho thấy: Các doanh nghiệp trong và ngoài nước  tiến hàng dự án đổi đất lấy hạ tầng tại đây chưa từng khẳng định tiềm lực tài chính, kinh nghiệm chuyên sâu để đảm bảo kết quả sẽ đúng như dự kiến.

Nếu như sớm có 5 nút giao thông lập thể, kết hợp tăng cường xe buýt thường hay xe buýt nhanh (BRT) với giá thành vận hành bằng 1/3 tầu điện, khả năng kết nối rất tốt với đường trên cao của vành đai 3 đi lên Nội Bài, thì tính khả thi cao hơn nhiều.

Không ai nghi ngờ cái hay và tiện lợi của đường sắt 1 ray (êm, rẻ, nhanh, đẹp), nhưng bố trí  phương tiện phương tiện năng lực vận chuyển thấp vào tuyến đường có khối lượng hành khách lớn là không phù hợp. Khai thác quỹ đất dự trữ cho nhu cầu giao thông lớn cho tương lai thiếu tính toán và cảm tính dẫn đến lãng phí tài nguyên.

Trần Huy Ánh

>> Đề xuất xây dựng tuyến tàu điện một ray tại Hà Nội 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: