Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Phản biện Nhân chuyện cái “cung tên” siêu hình của phong thủy…

Nhân chuyện cái “cung tên” siêu hình của phong thủy…

Viết email In

Gần đây khi bàn về quy hoạch Hà Nội cũng xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc xây dựng một trục lộ (trục Thăng Long) sẽ hợp với các đường vành đai tạo thành một cung tên bắn vào khu trung tâm hành chính quốc gia tương lai. Và đó là một điều không tốt về mặt phong thủy.

Nhân ý kiến này, cùng nhiều ý kiến về phong thủy gần đây, xin giới thiệu bài trao đổi của TS Đỗ Kiên Cường.

* Từ định nghĩa “khoa học là gì?”

Nhân cuộc hội thảo của Trung tâm Lý học Đông Phương thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á tổ chức ngày 15/12/2009, nhiều ý kiến cho rằng phong thủy tương đồng với khoa học hiện đại phương Tây, và không nên nhìn dưới góc độ thần bí. 

  • Ảnh bên : Tòa nhà chính phủ Singapore

Vậy khoa học là gì? Theo nghĩa hẹp, khoa học là hệ thống tri thức thực nghiệm, lý thuyết và thực hành về thế giới tự nhiên và xã hội, thu được từ những nghiên cứu mang tính toàn cầu nhờ các phương pháp khoa học. Các phương pháp này dựa trên sự quan sát, thực nghiệm và giải thích các hiện tượng có thực của thế giới.

Một khoa học mới xuất hiện thường trải qua bốn bước: Sự kiện → Giả thuyết → Lý thuyết → Phản nghiệm. Đầu tiên là sự tích tụ các sự kiện khách quan trong một lĩnh vực nào đó. Tiếp theo, để giải thích chúng, giới khoa học (một hoặc nhiều người) nêu ra giả thuyết mang tính nguyên lý nền tảng. Dựa trên nguyên lý đó, một lý thuyết khoa học sẽ được xây dựng nhằm giải thích các sự kiện đã thấy và tiên đoán các sự kiện chưa thấy. Cuối cùng là phản nghiệm nhằm phán xét lý thuyết dựa trên các bằng chứng thực nghiệm mới. Không vượt qua phản nghiệm, lý thuyết sẽ bị bác bỏ và giới khoa học sẽ xây dựng lý thuyết khác, thậm chí phải tìm nguyên lý nền tảng khác. Còn ngược lại, lý thuyết sẽ được thừa nhận và được bồi đắp thêm để ngày càng giải thích hiện thực tốt hơn. Theo Karl Popper, triết gia khoa học, thì một lý thuyết chỉ được xem là khoa học khi nó chứa đựng các yếu tố tự phủ định (biện chứng) nhằm tạo điều kiện cho các lý thuyết hoàn chỉnh hơn ra đời. Và đó là lí do người ta xem khoa học dựa trên sự nghi ngờ, còn tín ngưỡng dựa trên sự tin tưởng.

Một đặc trưng quan trọng khác của khoa học là mối liên hệ mật thiết với công nghệ: khoa học thúc đẩy công nghệ và ngược lại, và đó là cách để cả hai cùng phát triển hiệu quả.

* Phong thủy có vẻ giống, nhưng không phải khoa học
   
Rất khó trình bày ngắn gọn bản chất của phong thủy. Điều đó thực ra không lạ, vì đây là đặc điểm chung của các học thuyết cổ xưa, dù là Đông hay Tây. Với nhận thức thiên về trực quan, cảm tính do hiểu biết về tự nhiên và xã hội còn khá sơ khai, trong trường hợp tốt nhất thì các học thuyết đó mới chỉ có tính duy vật thô sơ và tính biện chứng chất phác mà thôi. Có lẽ phong thủy cũng không phải là ngoại lệ.

Cũng như hầu hết các học thuyết phương Đông khác, phong thủy dựa trên dịch lý, thuyết âm dương ngũ hành, cho rằng trong tự nhiên (và cả trong các sinh vật) luôn luân chuyển một dạng năng lượng thiết yếu gọi là khí (qi). Có sinh khí và tử khí; trong sinh khí lại có khí âm và khí dương. Nhiệm vụ của phong thủy là xây dựng nhà cửa, công trình, tìm nơi mai táng… ở nơi có sinh khí. Chẳng hạn sách Táng thư viết: “Mai táng phải chọn nơi có sinh khí. Khí gặp gió (phong) ắt tán, gặp nước (thủy) ngăn thì dừng. Cổ nhân làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”. Do đó mà có tên phong thủy. Theo quan niệm của phong thủy thì vận mệnh của một quốc gia, một gia tộc hay một cá nhân có khi phụ thuộc vào hướng của một con đường, vị trí của một tòa nhà hay cách sắp xếp của một căn phòng. Và nhờ một thầy địa lý có tài, khi đã táng được cụ tổ tại vị trí có địa thế hàm một con rồng (mả táng hàm Rồng), con cháu trong nhà không đại phát không xong.

  • Ảnh bên : Sự sụp đổ của Hồ Quí Ly là do nhiều nguyên nhân, không phải do thành nhà Hồ không hợp phong thủy 

Không khó để tìm ra sai lầm trong các quan niệm nền tảng của phong thủy, vì bản thân học thuyết âm dương ngũ hành cũng chỉ là một học thuyết duy vật thô sơ và biện chứng chất phác. Nó không có tính chất của một học thuyết khoa học theo tiêu chuẩn Popper (tự phủ định), nên sau hàng ngàn năm, về cơ bản nó vẫn không khác biệt so với gốc rễ (để so sánh, hãy xem sự khác biệt biện chứng giữa toán học thời Pytagore với toán học hiện đại). Đó là một trong những lí do khiến các xã hội nông nghiệp phương Đông nằm trầm mặc và bất biến cả ngàn năm trong sự tự kiêu hãnh. Muốn biết âm dương ngũ hành và những học thuyết diễn dịch từ nó đã kìm hãm các xã hội phương Đông như thế nào, hãy nhớ tới trường hợp các nhà Nho thời Tự Đức. Nguy cơ mất nước đã nhãn tiền, mà họ vẫn cho rằng khoa học phương Tây chỉ là trò dâm xảo, vì tìm mãi không thấy âm dương ngũ hành đâu, nên quyết không chịu canh tân theo Nguyễn Trường Tộ!

Sẽ có rất nhiều người phản bác, khi cho rằng phong thủy có ích trong việc tìm hướng khi xây nhà, bố trí nội thất… Điều đó có thể không sai. Nhưng hãy lưu ý rằng, không cần phong thủy cũng có thể đạt được mục đích. Phương Tây đâu có phong thủy mà các công trình trường tồn? Và chỉ với cách tư duy hợp lý thì một người không hề biết kiến trúc cũng biết rằng, cửa hướng Đông hay Nam thì tốt hơn hướng Tây hay Bắc, nhà nên tựa vào núi và nhìn ra thung lũng chứ không phải ngược lại, nên trồng chuối phía sau và cau phía trước… Ngoài ra hiện tượng thì giống nhau nhưng quan niệm có thể khác nhau. Chẳng hạn cùng cho rằng đường đâm thẳng vào nhà thì không tốt, nhưng khoa học hiện đại quan niệm yếu tố mất an toàn (xe mất phanh lao vào nhà) và yếu tố thần kinh (tiếng ồn và tress thường trực ảnh hưởng xấu tới sức khỏe) mới là nguyên nhân, chứ không phải do các luồng khí xấu như phong thủy.

Vậy phong thủy là gì? Trên blog của mình, giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garval, Úc) xem phong thủy là giả khoa học (pseudoscience). Để mềm hóa, người viết xin dịch là “tựa khoa học”: phong thủy có vẻ giống, nhưng không phải khoa học; về thực chất nó là một thuật để người xưa hành xử với môi trường, giống như y thuật giúp cha ông ta đối mặt với sức khỏe và bệnh tật.

* Không nên theo những quan niệm sơ khai của thời tiền khoa học

Khi bình về hai tấm ảnh Nhà Trắng và Dinh Độc Lập, một số nhà phong thủy cho rằng vì Nhà Trắng có đủ các yếu tố Thanh long, Bạch hổ, Huyền vũ và Chu tước; trong khi Dinh Độc Lập bị “lộ cốt” xét về mặt phong thủy. Ẩn ý của tác giả không thể rõ ràng hơn: Nước Mỹ hùng mạnh vì Nhà Trắng hợp phong thủy; còn chính quyền Sài Gòn thất bại vì công trình của KTS Ngô Viết Thụ! Lập luận sai lầm đó (thuận phong thủy thì sống, nghịch phong thủy thì chết) có thể dẫn tới những suy đoán không mấy tốt lành theo ý đồ riêng của tác giả, nhưng người viết không muốn đi ra ngoài vấn đề học thuật thuần túy. KTS Ngô Viết Thụ nhận được nhiều lời khen về kiến trúc Dinh Độc Lập, mà hàng trúc (bị phong thủy xem là lộ cốt) là một sáng tạo đáng giá. Có thể chưa toàn bích, nhưng Dinh Độc Lập là một sáng tạo kiến trúc đáng khen ngợi. Lên tiếng chê, phải chăng phong thủy đi ngược với kiến trúc hiện đại?

Gần đây khi bàn về quy hoạch Hà Nội cũng xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc xây dựng một trục lộ sẽ hợp với các đường vành đai tạo thành một cung tên bắn vào khu trung tâm hành chính quốc gia tương lai. Để tăng sức nặng cho lập luận, một vị kiến trúc trúc sư cho rằng trong quá khứ, một cung tên tương tự là “nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng nhà Hồ”.

  • Ảnh bên : Nên triển khai quy hoạch kết hợp hài hòa các tiêu chí khoa học 

Rõ ràng là tuy sống sau tới 600 năm, nhưng chúng ta vẫn có thể lạc hậu so với vị thái tử nhà Hồ. Khi vua cha lo lập binh hùng tướng mạnh, thì Hồ Nguyên Trừng canh cánh trong lòng “thần chỉ lo lòng dân không theo”. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của Hồ Qúy Ly, một nhà cải cách lớn, nhưng lòng dân không theo chính là nguyên nhân chủ yếu, chứ không phải một cái cung tên siêu hình nào đó, theo những lập luận từ mấy ngàn năm trước.

Người viết mạnh dạn đề nghị bạn đọc tham khảo cuốn Sụp đổ của Jared Diamond (NXB Tri Thức, 2006) nổi danh toàn cầu để xem khoa học hiện đại giải thích tại sao một xã hội thành công hay thất bại. Theo đó, năm yếu tố có thể dẫn tới sự sụp đổ của một xã hội: tổn hại môi trường, thay đổi khí hậu, quan hệ với các xã hội láng giềng thù địch, quan hệ với các đối tác thương mại không thân thiện và cách đối phó đối với các vấn đề môi trường. 

Tạm xem Diamond có lý, vậy phong thủy có thể can thiệp vào yếu tố nào? Đó là tổn hại môi trường; tuy nhiên cách ứng phó thì hoàn toàn khác: Thay cho việc tìm cách nắn các con đường sao cho không tạo thành cung tên bắn hạ rồng (nên không thể Thăng Long, theo phong thủy), chúng ta nên triển khai quy hoạch kết hợp hài hòa các tiêu chí khoa học - chính trị - kinh tế - xã hội - an ninh… dựa trên những hiểu biết hiện đại về mối quan hệ giữa tự nhiên, xã hội và con người.

Người viết thực sự lo ngại trước thực trạng một bộ phận không nhỏ xã hội Việt Nam vẫn còn tư duy và hành xử dựa trên những quan niệm sơ khai của thời tiền khoa học. Nó có thể là một trở lực đối với nỗ lực cất cánh.

Đỗ Kiên Cường

>> Phong thủy là khoa học chứ không phải tín ngưỡng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo