Đô thị Việt Nam phát triển không bền vững

Thứ tư, 19 Tháng 5 2010 10:03 Lao Động
In

Cả ba thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TPHCM đều có một ý nghĩa vô cùng quan trọng: một là thủ đô, một là thành phố di sản và một là trung tâm kinh tế của cả nước. Thế nhưng, một trong những điểm chung của cả ba thành phố đó là đang đứng trước nguy cơ phát triển không bền vững.

Ngày 17 và 18/5/2010 tại TPHCM, UBND TP.HCM, Hà Nội và Thừa Thiên - Huế đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển đô thị bền vững".

Kinh tế tăng trưởng, nhưng chất lượng cuộc sống không cao

Trong phần phát biểu chào mừng hội thảo, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM đã đề cập khá thẳng thắn về căn bệnh đô thị của TPHCM. Đó là, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nạn ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý bất cập không theo kịp thực tế, thiếu nhà ở, chất lượng cuộc sống của người dân không cao..., đó là những biểu hiện của việc phát triển chưa mang tính bền vững. Khái niệm phát triển đô thị bền vững có nghĩa là phát triển hài hoà kinh tế và xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Lê Hoàng Quân, việc tổ chức hội thảo phát triển đô thị bền vững là dịp để các thành phố nghe các chuyên gia, các nhóm chuyên gia trong và ngoài nước trình bày các nghiên cứu về vấn đề trên để từ đó có thể ứng dụng vào cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Theo lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, tính chung cả nước hiện nay cứ mỗi tháng lại có thêm một khu đô thị mới. Với tốc độ phát triển như vậy thì chuyện rơi vào tình trạng phát triển không bền vững là chẳng có gì đáng ngạc nhiên.


Các dãy phố mặt tiền Đà Lạt cho thấy một tập hợp lô xô nhà ống đang phá hỏng cảnh quan thành phố ngàn thông. Độ mỏng hay dày của từng ngôi nhà ở đây không còn ý nghĩa nữa, mà sự hỗn tạp và khấp khểnh mới là vấn đề cần bàn. (ảnh: KT&ĐS)

Theo một nhóm chuyên gia Đức đang giúp TPHCM nghiên cứu việc thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu, TPHCM với quy mô dân số như hiện nay là thành phố lớn thứ 20 trên thế giới, nhưng ngược lại với quy mô dân số, chỉ số công nghiệp chỉ đứng thứ 106. Đồng thời, TPHCM là địa phương thu hút người nhập cư lớn nhất nước, dân số thực tế có thể lên đến 10 triệu người, nhưng nhiều ngành lâm vào tình trạng khan hiếm lao động.
 
Điều đó cho thấy, rõ ràng ngành giáo dục không đáp ứng được yêu cầu, nhiều ngành lâm vào tình trạng bất cập” - đại diện nhóm nghiên cứu người Đức nhận định. Cũng theo nhóm chuyên gia này, TPHCM có nhiều khu vực công nghiệp phát triển, nhưng các khu nhà ở rất xấu và thiếu thốn trầm trọng... Đó là những biểu hiện rất cụ thể việc phát triển thiếu cân đối, không mang tính bền vững.

Định nghĩa phát triển bền vững hoàn chỉnh nhất hiện nay là “thoả mãn các yêu cầu hiện tại, nhưng không làm phương hại đến việc thoả mãn các nhu cầu trong tương lai”. Nếu xét theo định nghĩa này, những thành phố lớn của Việt Nam, trong đó là các đại diện lớn như thành phố Hà Nội và TPHCM đang phát triển, nhưng để lại những di hại to lớn cho tương lai.

Những di hại đó có thể thấy rõ, đó là nạn ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập nước; đó là nạn phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch hoặc không được quy hoạch một cách có chất lượng, đe doạ đến quỹ đất dự trữ cho phát triển của các thế hệ sau...

Tránh rơi vào tình trạng phát triển không bền vững

Theo một số tham luận tại hội thảo, để phát triển bền vững, công cụ đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải có một quy hoạch tổng thể phát triển có chất lượng cao, có thể chỉ ra, dự báo được các nhu cầu phát triển trong tương lai và có các chính sách để cụ thể hoá các quy hoạch này. Ở Việt Nam, dường như đây là một câu chuyện còn khá xa lạ, chính vì vậy hiếm có các dự án quy hoạch có chất lượng cao được đưa vào cuộc sống.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, ông Đặng Hùng Võ, nêu lên một nghịch lý, Việt Nam là nước nghèo, nhưng làm cái gì cũng đắt. Đặc biệt là vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng, chi phí xây dựng rất thấp, trong khi chi phí đền bù quá cao. Điều này gây cản trở cho việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, với chính sách bồi thường bằng tiền một lần như hiện nay đã không khuyến khích được người dân gắn bó với dự án, đồng thời là gánh nặng đối với những người mất đất, nhưng lại “ôm” số lượng tiền quá lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, để lại các vấn đề xã hội khó giải quyết. 
Theo một đại diện của Cty Nikken Sekkei – Cty đang thực hiện nhiều đồ án quy hoạch cho TPHCM – ngay cả một cơ sở dữ liệu tổng thể để phục vụ cho việc quy hoạch cũng không có.

Còn các chuyên gia đến từ Trung Quốc lại bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc các quy hoạch của Việt Nam thiếu vắng hoặc không đề cao đúng mức quy hoạch ngành đặc trưng của từng thành phố. Trong khi ở Trung Quốc, các thành phố khi quy hoạch đều phải có một ngành đặc trưng để tạo nên sự phát triển ổn định lâu dài.

Nhóm chuyên gia từ Đức đã có những khuyến cáo khá mạnh liên quan đến vấn đề quy hoạch để thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM. Một trong những vấn đề được nhóm chuyên gia này nhấn mạnh đó là việc định hướng quy hoạch để chung sống với việc biến đổi khí hậu trong tương lai.

Theo đó, TPHCM thấp về phía nam và cao ở phía tây - bắc, cần phải mở rộng thành phố về phía tây - bắc. Trên thực tế, TPHCM đang phát triển đi ngược lại với các khuyến cáo của các chuyên gia quy hoạch, phát triển mạnh về vùng phía nam, vốn là nơi ngập nước. Hiện nay, trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung, TPHCM dường như đã thấy vấn đề này và đã bổ sung thêm hướng phát triển về phía tây - bắc. 

Ngọc Huân



>> "Đô thị Việt Nam khá hỗn độn" - KTS Nguyễn Hữu Thái 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: