Quy hoạch Hà Nội tập trung hay phân tán?

Thứ năm, 13 Tháng 5 2010 08:01 Tuần Việt Nam
In

Vòng luẩn quẩn không lối thoát

Nếu việc quy hoạch tập trung vào Hà Nội nhiều thứ sẽ tạo sức hút lớn, đồng nghĩa với gia  tăng  áp lực tập trung  dân cư, thiếu hụt  hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Nếu nhà nước huy động tổng  lực để giải quyết thì lại tạo ra  một sự bất bình đẳng giữa các địa phương. Quy hoạch (QH) trình bày quan hệ vùng đã rõ ràng, nhưng mô tả trong địa giới vẫn lộ ra Hà Nội là trung tâm nhiều lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ...

Giả sử Hải Phòng là trung tâm công nghiệp nặng, khu chế xuất; Bắc Ninh là trung chuyển phân phối; Nam Định là trung tâm công nghiệp nhẹ, đào tạo dạy nghề... Khi các địa phương kèm chức năng  mới các  là "trung tâm", sẽ giúp giảm quá trình dịch cư  mà không cần đến biện pháp hành chính.

Với 5 đô thị vệ tinh, nhằm chuyển những chức năng từ đô thị lõi ra các đô thị  vệ tinh, thay vì mạnh dạn chuyển hẳn cho các tỉnh khác, giải pháp đó vẫn chỉ là nửa vời. Liệu đô thị vệ tinh có đủ sức hút dân cư và các cơ sở  từ vùng lõi ra hay lại hút các vùng lân cận vào?

Hà Nội hãy chọn cho mình là trung tâm những lĩnh vực mà không nơi nào ngoài Hà Nội có, đó là chính trị, văn hóa, lịch sử, tri thức. Những chức năng khác nên mạnh dạn trao cho các địa phương khác...Đó là cách tạo điều kiện để các tỉnh khác có điều kiện bình đẳng để phát triển, và cũng chính là tạo điều kiện để Hà Nội có thể phát triển mà không bị sức ép quá mạnh do sức hút dân số gây ra.

Thiết lập những liên kết với những trung tâm phát triển ở những tỉnh, vùng xung quanh, giúp Hà Nội giảm bớt sức hút, giảm dân số, kéo theo giảm quá tải hạ tầng, giữ được môi trường tốt, dễ trở nên thành phố sống tốt.



Thế nhưng trong thực tế, Luật Cư trú và việc nhập cư quá dễ dàng khiến dân nhập cư ồ ạt vào Hà Nội. Nay chúng ta lại dự định Luật Thủ đô- dùng biện pháp hành chính hạn chế. Bản quy hoạch trình bầy phân bổ dân cư và ngành nghề cho thấy vòng luẩn quẩn này không lối thoát.



Đa ngành và đa chiều

Có ý kiến cho rẳng kiến trúc sư luôn cô đơn. Họ cô đơn vì họ độc chiếm, và độc diễn.

Ai cũng biết quy hoạch hiện đại là đa ngành. Quan điểm quy hoạch đã được Ngân hàng Thế giới đề xuất 3 tiêu chí: 1) Gắn kết chiến lược kinh tế xã hội, hợp nhất các bộ, các ngành. 2) Hợp nhất kế hoạch đầu tư đa ngành. 3) Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Cả 3 quan điểm này chưa được áp dụng triệt để trong bản quy hoạch này.

Gắn kết chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, hợp nhất các bộ, ngành. Ngày nay, chiến lược kinh tế -xã hội không chỉ được xây dựng riêng cho từng địa phương mà phải có tính liên kết vùng, liên kết ngành.Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và của vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc đã được thể hiện như thế nào trong bản quy hoạch?

Hơn nữa, lãnh đạo của các địa phương trong vùng kinh tế đã tham gia trực tiếp vào bản quy hoạch như thế nào? Họ đã tư vấn, và quan trọng hơn là phản biện như thế nào? Theo quy trình công bố các bộ, ngành sẽ cho ý kiến ở giai đoạn gần  cuối cùng, còn các tỉnh sẽ giai đoạn nào?



Bản chất của quy hoạch là đa ngành, là tổng hợp. Trong bản quy hoạch triển lãm thấy rõ thiếu sự phối hợp đa ngành. Đơn cử trong quy hoạch mạng lưới y tế: Phân bố các bệnh viện như rắc vừng, đô thị vệ tinh nào cũng có. Nhưng không thể cùng một lúc xây dựng 5 vệ tinh cũng như các đường giao thông dẫn đến nó - vậy theo bán kính phục vụ sẽ thiếu hụt. Trong khi chiến lược của ngành y tế là phát triển, nâng cấp, mở rộng mạng lưới bệnh viện tuyến quận /huyện không được đề cập để  khoanh vùng phục vụ hay ưu tiên không gian, đất đai cho mở rộng cơ sở y tế cơ sở  tương ứng  với dân cư đô thị hoá.



Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng được hiểu là toàn xã hội. tất cả những bên liên quan đến và chịu ảnh hưởng của quy hoạch, ở tất cả các khâu. Từ xây dựng quy hoạch đến khâu đi vào thực hiện, điều này có vẻ không  tưởng khi người xin ý kiến chưa thực lòng lắng nghe những ý kiến trái chiều.

Cơ quan trưng cầu ý kiến trả lời báo chí là "không bận tâm nhiều đến phê phán, chỉ trích".. Ít hôm sau lại khẳng định "mong  nhận nhiều ý kiến của các đại biểu (của  nhân dân) để nâng cao chất lượng đồ án".

Tại cuộc họp báo về triển lãm quy hoạch, đơn vị tổ chức cho biết: "Vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia ( TTHCQG) và Trục Thăng Long là hai vấn đề đã được dư luận đặc biệt quan ...Có không ít ý kiến từ phía chuyên gia chưa thực sự nhất trí với đồ án đưa ra." Tuy vậy vẫn có ý kiến "không tiếp thu được nếu không mang lại lợi ích cho nhân dân Thủ đô. Chính phủ vẫn quyết tâm làm Trục Thăng Long. Để không gây khó khăn về mặt khoảng cách giữa những nơi, thì phải phát triển giao thông ..." (*)

Nhưng Trục Thăng Long ra đời để dẫn đến địa điểm TTHCQG  mà 40 năm nữa mới dùng đến, vậy quyết tâm làm để làm gì và đã quyết tâm như vậy thì xin ý kiến để làm gì?



Việc quy hoạch nếu thiếu sự  kết hợp đa ngành, thiếu sự tham gia của xã  hội sẽ tạo ra sản phẩm khập khiễng, không có  được sự đồng thuận xã hội, khi đó việc khả thi sẽ là điều xa vời. Trước đây chúng ta đã từng có 4-5 bản quy hoạch Hà Nội không đi vào thực tế được một phần là vì những yếu tố này.

Chú thích :

Phạm Quỳnh Hương, công tác tại phòng Xã hội học đô thị (Viện Xã hội học) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: