Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Phản biện Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: Chủ động từ quy hoạch

Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: Chủ động từ quy hoạch

Viết email In

Mới là những ngày tháng 3 nhưng thời tiết ở Bắc Bộ đã bắt đầu đợt nắng nóng gay gắt, cho thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan và khó lường. Do đó, việc tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và thích ứng với BĐKH cho các đô thị, nhất là đô thị lớn như Hà Nội cần được quan tâm hàng đầu trong quá trình quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững. 


(Ảnh minh họa: NetZero.VN/ Ashui.com)

Chưa được quan tâm đúng mức

Trong những năm gần đây, đối với người dân Hà Nội, khái niệm BĐKH đã không còn xa lạ bởi những diễn biến bất thường của thời tiết đã tác động lớn đến đời sống và môi trường Thủ đô. Chỉ cần một trận mưa cũng có thể gây ngập úng nhiều tuyến phố; một đợt nắng nóng kéo dài cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe người dân, người già và trẻ nhỏ nhập viện thường tăng đột biến…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 2023 là năm chuyển pha từ pha lạnh La Nina sang pha nóng El Nino nên nắng nóng sẽ gay gắt, kéo dài hơn, khô hạn khốc liệt hơn và Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng từ thời tiết bất thường. Ngoài yếu tố cực đoan của thời tiết, những tồn tại, bất cập trong quá trình đô thị hóa nhanh đang là tác nhân góp phần tăng thêm những hậu quả của BĐKH.

Theo thống kê, dân số Hà Nội hiện có hơn 8,2 triệu người, với sự góp mặt của 17 khu công nghiệp, trên 1.350 làng nghề, hơn 7,7 triệu phương tiện xe máy và ô tô. Ngoài ra, Thủ đô mỗi ngày tiêu thụ hàng chục triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu... Đó đều là nguồn phát thải khí nhà kính, gây BĐKH.

Trong khi đó, quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị hiện nay còn hạn chế về công tác lồng ghép, đánh giá, phân tích tác động của BĐKH. Vẫn còn tình trạng quy hoạch mở rộng xây dựng đô thị vào khu vực có nguy cơ thiên tai, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Các đồ án quy hoạch chung xây dựng chủ yếu mới chú trọng về kỹ thuật, tổ chức không gian, chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế đô thị để hỗ trợ giải pháp ứng phó BĐKH.

Việc triển khai thực hiện theo quy hoạch cũng còn nhiều tồn tại khi hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu, chưa bảo đảm thích ứng với BĐKH, như thiếu không gian thoát lũ, trữ lũ (các hồ, ao tự nhiên), hệ thống thoát nước không đáp ứng yêu cầu, diện tích đất cây xanh đô thị còn quá ít với khoảng trên 70.000ha, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% diện tích đất xây dựng đô thị...

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, trong giai đoạn 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị ở Hà Nội giảm 203,63ha, nhiều ao hồ đã được san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị, chưa kể đến tình trạng người lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác. Cùng đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh, việc di dời các cơ sở ô nhiễm trong nội đô để dành quỹ đất tăng tỷ lệ diện tích cây xanh còn hạn chế…

Hướng đi cấp thiết

Theo các chuyên gia, việc nhận diện một số vấn đề đang tồn tại từ thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật thích ứng với BĐKH nhằm đưa ra các giải pháp về khả năng chống chịu, thích ứng, giảm nhẹ các tác động của BĐKH đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị là hướng đi cấp thiết đối với Hà Nội hiện nay.

Đã đến lúc phát triển hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu đầy đủ nhu cầu của khu vực, phù hợp với các dự báo phát triển đô thị, nông thôn đồng thời đảm bảo tính linh hoạt và tạo lập khả năng ứng phó kịp thời để có thể thiết lập trạng thái sống chung với biến đổi của thiên tai.

Ông Nguyễn Huy Dũng - chuyên gia cao cấp về quản lý rủi ro thiên tai, Ngân hàng Thế giới phân tích, mở rộng đô thị mật độ thấp và công nghiệp hóa nông thôn đang chiếm chỗ của các khu vực tự nhiên và đất nông nghiệp, gây sức ép đối với hệ sinh thái, khiến nhiều người dân và tài sản phải chịu rủi ro thiên tai.

Do vậy, việc phân tích và tích hợp các rủi ro thiên tai tiềm tàng và các tác động cần phải được thực hiện đầy đủ trong tất cả các bước lập hay điều chỉnh quy hoạch và sử dụng đất đai.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội đang tiến hành xây dựng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó cần lưu ý nội dung phân vùng rủi ro thiên tai và xây dựng phương án quản lý rủi ro thiên tai thích ứng với BĐKH theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Đồng thời với đó, TP cần kiểm soát quy hoạch và xây dựng để hạn chế bị tác động của thiên tai và làm gia tăng rủi ro thiên tai. Xác định tiêu chuẩn tiêu thoát nước phòng, chống ngập úng phù hợp với tác động của BĐKH, chủ động phân vùng tiêu, chú trọng dành không gian cho thoát lũ, bố trí các hồ điều hòa để trữ nước tạm thời chống ngập úng khi mưa lớn và nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước. Ngăn chặn và xử lý công trình, nhà ở, đổ chất thải lấn chiếm không gian thoát nước, chứa nước, tăng cường nạo vét hệ thống tiêu, thoát nước.

Đặc biệt, TP cần quan tâm xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai theo quy hoạch, nhất là hệ cống, trạm bơm, hồ điều hòa, các trục tiêu và kênh dẫn nước chống ngập úng; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát an toàn thiên tai. “Nhất là tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý đô thị, trong đó có ứng phó với thiên tai. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững” - TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Vũ Lê

(Kinh tế & Đô thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo